Skip to main content
x
26 November 2021

Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược kéo dài 9 năm đã giành được thắng lợi to lớn, đánh dấu bằng chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) và việc ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương.

"Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng"

Cuộc kháng chiến đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có bài học về xây dựng và bảo vệ An toàn khu (ATK) nơi hoạt động của các cơ quan đầu não kháng chiến.

An toàn khu (ATK) là một vùng an toàn, nằm sâu trong căn cứ địa Việt Bắc, chủ yếu thuộc địa phận Nam Chợ Đồn (Bắc Cạn). Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đại Từ (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá (Tuyên Quang). Đó là nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, mặt trận, Bộ Tổng tư lệnh - Tổng chỉ huy và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm 1947 - 1954.

An toàn khu (ATK) Trung ương có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp kháng chiến của dân tộc. ATK không phải là một đơn vị hành chính, mà là một khu vực lãnh thổ trong vùng Việt Bắc. Đó là nơi có đầy đủ các yếu tố thuận lợi vô điều kiện tự nhiên và xã hội, nhất là có cơ sở quần chúng vững chắc, đảm bảo an toàn cho hoạt động của các cơ quan lãnh đạo cao nhất của kháng chiến. Tuy ATK Trung ương chỉ được bố trí trong phạm vi một số huyện miền núi ở Việt Bắc nhưng có ý nghĩa và vai trò to lớn đối với cả quốc gia, dân tộc bởi:

Thứ nhất, ATK Trung ương là địa bàn cư trú và bảo vệ vững chắc trung tâm lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của cả nước.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), trên phạm vi cả nước, các địa phương đều có những khu an toàn để đặt cơ quan lãnh đạo và che giấu lực lượng. Song, những khu an toàn ấy hoàn toàn mang tính chất địa phương, thuộc phạm vi của một khu, hay một tỉnh, một huyện.

ATK do Trung ương xây dựng trong căn cứ địa Việt Bắc là khu an toàn lớn nhất và quan trọng nhất, vì đó là căn cứ của các cơ quan đầu não kháng chiến.  Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt nam đã viết trong quấn "Khu tự trị Việt Bắc xuất bản 1970" rằng: "Địch đã tổ chức trong khu tứ giác chợ Chu - Tuyên Quang - Chiêm Hoá - Chợ Rã một" căn cứ địa, từ chỗ ấy chúng chỉ huy điều khiển cuộc kháng chiến"[1].

Từ sau chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, khu I và khu X được Trung ương giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa Việt Bắc thực sự vững chắc. Ngày 19/4/1949, Ban cán sự Đảng Chỉnh phủ họp do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì. Hội nghị quyết định: Lấy sáu tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang làm căn cứ địa. Thành lập Ban căn cứ địa, lấy tên "Đội củng cố số 7" gồm 5 người do đồng chí Trần Kiên Phụ trách. Ban này có nhiệm vụ giúp Trung ương xây dựng kế hoạch và kiểm tra đôn đốc việc xây dựng căn cứ địa Việt Bắc nói chung và ATK nói riêng.

Trong phạm vi rộng lớn của 6 tỉnh ấy, Trung ương nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng những khu vực an toàn nhất, thuận tiện nhất. Ngày 23/9/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh (số 110/SL) về việc thành lập Ban căn cứ địa Việt Bắc.

Tuy nằm trên địa phận một số tỉnh miền núi trong căn cứ địa Việt Bắc, Nhưng sự tồn tại và hoạt động của ATK Trung ương có tầm vóc quốc gia, phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của ATK, Trung ương không phải chỉ giới hạn trong phạm vi không gian tồn tại của nó, mà rộng khắp cả nước.

Thực vậy, tại ATK Trung ương, có cả một bộ máy Chính phủ gồm đủ các bộ, các ngành, sống và làm việc trong những "căn nhà lá tồi tàn với những Bộ trưởng ba lô trên lưng, hồ sơ đựng trong xà cột…"[2]. Nhưng chính trong "những ngôi nhà lá với những ông Bộ Trưởng như vậy, những quyết định quan trọng của Nhà nước Việt Nam đã ra đời và đã chôn vùi số phận quân đội viễn chinh"[3]

Tại ATK Việt Bắc, Bộ Tổng chỉ huy ngày đêm nghiên cứu các hình thức tác chiến, định ra phương châm hoạt động cụ thể thích hợp cho từng chiến trường. Cũng chính từ ATK, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh đã thông qua phương án tác chiến của các chiến dịch lớn tiêu biểu là chiến dịch Biên giới và cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ ATK ở Việt Bắc, Trung ương Đảng và Chính phủ còn đề ra những chủ trương và biện pháp chỉ đạo hoạt động kinh tế, tài chính, văn hoá… trong các địa phương.

Khắp nơi trong vùng tự do, các uỷ ban tự túc, tự cấp về ăn, mặc được thành lập, các đơn vị bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, trường học… đều giành thời gian tăng gia sản xuất để tự túc lương thực, vừa giải quyết một phần nhu cầu của mình vừa giảm bớt phần đóng góp của nhân dân.

Ngành công nghiệp quốc phòng được đặc biệt quan tâm phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Những thành tựu nghiên cứu về sản xuất vũ khí, đạn dược, của nhà nghiên cứu kỹ thuật (Cục Quân giới) không chỉ được đem áp dụng thành công trong các xưởng quân giới ở ATK Việt Bắc, mà còn gửi đến các khu, các tỉnh.

Trong hoàn cảnh chiến tranh bị chia cắt, giao thông liên lạc khó khăn, việc giữ liên lạc thường xuyên giữa Trung ương ở ATK Việt Bắc với các địa phương trong toàn quốc trở thành một yêu cầu hết sức quan trọng. Giữ liên lạc thông suốt. Trung ương mới có thể thường xuyên thu thập tình hình ở các khu tỉnh, thành để kịp thời lãnh đạo và chủ động mọi mặt hoạt động ở các địa phương.

Thông qua các cán bộ biệt phái từ ATK ở Việt Bắc. Trung ương vẫn thường xuyên theo dõi được tình hình ở các chiến trường. Đây chính là điều kiện đảm bảo cho sự liên lạc giữa ATK Trung ương với các địa phương được thông suốt trong hoàn cảnh kháng chiến ngày càng ác liệt. Sự lãnh đạo của Trung ương và ATK Việt Bắc đối với mọi hoạt động của các chiến trường trong toàn quốc vẫn được giữ vững.

Thứ hai, ATK Trung ương là nơi đầu tiên thực hiện chế độ dân chủ mới.

Từ khi được chọn làm ATK Trung ương, hơn bất cứ nơi nào khác, những địa phương ấy càng có điều kiện thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân các dân tộc.

Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám và trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến. Đảng bộ và chính quyền các cấp đã tịch thu ruộng đất ở các đồn điền… chia cho nông dân cày cấy. Các Ty khuyến nông được thành lập và tích cực thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất. Thông qua đó nông dân các dân tộc làm quen dần với phương thức làm ăn tập thể, ý thức lao động tập thể, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái trong đồng bào các dân tộc ngày càng được phát huy,  việc thực hiện chính sách về ruộng đất, đời sống của nông dân các dân tộc trong vùng ATK có những đổi thay rất căn bản.

Không những là nơi thực hiện thí điểm các chính sách về kinh tế, tài chính và ruộng đất, từng bước thoả mãn quyền lợi vật chất cho đồng bào các dân tộc, ATK Trung ương ở Việt Bắc còn là nơi được chú trọng chỉ đạo xây dựng cuộc sống mới về văn hoá.

Nhiều trường tiểu học, trung học được lập ra ở nhiều nơi, phong trào bình dân học vụ, thanh toàn nạn mù chữ ngày càng mở rộng, các trường học phục vụ cho kháng chiến. Trình độ văn hoá của đồng bào các dân tộc được nâng lên dần. Năm 1950 Đảng và Chính Phủ thực hiện cải cách giáo dục. Hơn ai hết, con em đồng bào các dân tộc trong vùng ATK Việt Bắc được hưởng nền giáo dục dân chủ nhân dân sớm hơn nhiều địa phương trong cả nước.

Việc chữa bệnh được chú trọng. Khi ốm đau, bệnh tật, bà con các dân tộc đã biết dùng thuốc. Hiện tượng "cầu ma", "cúng ma" giảm dần. Hệ thống cơ sở y tế được xây dựng cùng với đội ngũ cán bộ y tế ngày càng phát triển.

Nền văn hoá mới được xây dựng theo phương châm: dân tộc - khoa học - đại chúng. Tác phẩm: "Kháng chiến nhất định thắng lợi" và bản báo cáo "chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam" của Tổng Bí Thư Trường Chinh đã đặt cơ sở cho một nền văn hoá mới Việt Nam. Hoạt động văn học nghệ thuật hướng vào phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, phục vụ đời sống công, nông, binh. Các phương tiện thông tin đại chúng được tổ chức và phát triển. Những tờ báo tường, báo in, truyện in với số lượng ít trên giấy giang, những bản nhạc… có mặt khắp nẻo đường kháng chiến, đem đến  cho đồng bào tiếng nói của Đảng cùng với thắng trận của quân dân ta trên mọi miền đất nước.

Tóm lại: ATK Trung ương là niềm tin, là nguồn động viên to lớn về chính trị, tinh thần cổ vũ toàn quân, toàn dân Việt Nam nuôi chí bền gan chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng.

Trong lịch sử chống ngoại xâm, Việt Bắc đã từng chứng kiến bao sự tích anh hùng của dân tộc. Trong cách mạng tháng Tám, vùng đất kiên cường này gắn liền với cuộc đời hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và có vai trò quyết định tới vận mệnh của quốc gia, dân tộc, Việt Bắc là cái nôi, là quê hương cách mạng.

Sự ra đời của ATK không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải là chủ trương nhất thời, bị động đối phó với tình thế, mà chính là kết quả của một chủ trương sáng suốt, dự kiến trước được xu thế phát triển của tình hình cách mạng.

Đúng như nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Việt Bắc có núi rừng hùng vĩ, có đồng bào các dân tộc giàu truyền thống đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm.Với vị trí tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã sớm nhìn thấy cái thế mạnh nhân hoà và địa lợi của Việt Bắc, nên đã chọn Việt Bắc làm căn cứ địa chủ yếu của cuộc kháng chiến"[4] .

Chọn ATK ở Việt Bắc chính là chọn được nơi an toàn nhất, chắc chắn nhất cho bộ phận đầu não tồn tại và lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp trong cuộc tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc thu - Đông 1947 là thực tế khẳng định việc lựa chọn và xây dựng ATK ở vùng này là hoàn toàn xác đáng. Cũng nhờ đó, ATK Việt Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của mình: bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan Trung ương trong suốt cuộc kháng chiến.

Ngày nay, Các điểm di tích trong ATK không chỉ mang ý nghĩa như một nhân chứng lịch sử, mà còn là sự kết tinh những giá trị tinh thần của dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, Tôn tạo và bảo tồn các di tích ATK, tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ chính là biết trân trọng cái vốn quý của dân tộc lưu truyền cho đời đời con cháu mai sau./.

* Hình ảnh một số điểm di tích trong ATK Việt Bắc

1

 

 

Th.S Lý Minh Thu

                                                               GVC, Khoa Lý luận cơ s

 

   1, 2 : (Văn Kiện của Đảng bộ liên khu Việt Bắc, Tập 1, Ban NCLSĐ khu tự trị Việt Bắc xuất bản 1970)

 

  3,4: Bài học kinh nghiệm (rút ra trong cuộc Pháp tấn công  tháng 12/1947), Khu uỷ XII, số 51- CT/KU, ngày 29/12/1947

 

      5. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, Hà Nội 1977