Skip to main content
x
26 November 2021

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, diện tích tự nhiên 8.310,09 km2, trên 70% diện tích là đồi núi, 80,67% dân số sống ở nông thôn. Toàn tỉnh có 10 huyện, 01 thành phố với 226 xã, phường, thị trấn (sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, hiện nay tỉnh có 200 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 181 xã, 05 phường và 14 thị trấn, trong đó có 31 xã, phường, thị trấn khu vực I; 57 xã khu vực II; 112 xã khu vực III), 1.850 thôn, bản, tổ dân phố. Có 114 xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã biên giới 83 thôn đặc biệt khó khăn của 24 xã khu vực II thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được xác định là nền tảng, giữ vai trò, vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế -xã hội, vì vậy tỉnh đã tập trung khai thác những mặt thuận lợi, tiềm năng, thế mạnh để phát triển triển toàn diện, tạo tiền đề cho xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 

Thực tế, xuất phát điểm của tỉnh Lạng Sơn khi bước vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là khá thấp, năm 2011, toàn tỉnh có 01 xã đạt 10 tiêu chí, 22 xã đạt từ 05 - 09 tiêu chí, 129 xã đạt từ 01 - 04 tiêu chí, 55 xã không đạt tiêu chí nào, bình quân tiêu chí trên một xã chỉ đạt 2,57 tiêu chí[1]. Xác định rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo toàn diện, quyết liệt đồng thời gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày 12/8/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TUvề xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 để lãnh đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch để chỉ đạo, đồng thời đã phát động thi đua sâu rộng trên toàn tỉnh. Các sở, ban ngành của tỉnh, cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TU, về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 đã tạo ra những chuyển biến sâu sắc về nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân về xây dựng nông thôn mới, phong trào “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân nông thôn, góp phần quan trọng giúp Nhân dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của Chương trình, từ đó thay đổi nhận thức, từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân và cộng đồng dân cư; không khí thi đua xây dựng nông thôn mới cơ bản trở thành phong trào rộng khắp được người dân hưởng ứng, thể hiện bằng việc đóng góp ngày công lao động, tiền của, hiến đất, hiến kế để cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã triển khai tích cực, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 65/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 35,91%; bình quân tiêu chí trên xã đạt 12,97 tiêu chí/xã (tăng 9,93 tiêu chí/xã so với năm 2011); có 07 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thành phố Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với quảng bá, xây dựng thương hiệu, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung thực hiện; các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, thế mạnh được khai thác phát huy, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn (thu nhập người dân nông thôn tăng 2,98 lần so với năm 2011)[2].

1

Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được biểu dương, khen thưởng góp phần tạo được niềm tin, tính nêu gương và sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, qua đó tạo bước đột phá trên nhiều lĩnh vực trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn được đổi mới, khang trang, sạch đẹp hơn, tạo được không khí xây dựng nông thôn mới rộng khắp các vùng nông thôn. Đời sống của người dân được cải thiện; văn hóa xã hội, môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Những kết quả nêu trên có sự đóng góp không nhỏ của nông dân, những “chủ thể” quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Lạng Sơn.

Bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, như: Công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch nông thôn mới nhiều nơi còn hạn chế; kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều giữa các huyện, còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa nhóm xã đạt chuẩn với các xã còn lại, số lượng xã đạt dưới 10 tiêu chí còn cao; chất lượng, mức độ đạt chuẩn của một số tiêu chí nông thôn mới chưa thực sự bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư, nâng cấp, song chưa đáp ứng được yêu cầu; các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự phát huy hiệu quả; vai trò kinh tế tập thể còn mờ nhạt.

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, từng bước đi vào chiều sâu, thực chất, bền vững. Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo định hướng quy hoạch và thị trường tiêu thụ; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phải chú trọng bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, các giá trị văn hóa, con người Xứ Lạng được bảo tồn và phát huy, hệ thống chính trị được tăng cường, quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững. Việc triển khai thực hiện Chương trình phải đồng bộ, toàn diện ở tất cả các xã, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung cho các xã điểm nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới. Phát huy nền tảng, sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[3].

2

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025 như sau: Toàn tỉnh có 115/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 63,5%, bình quân mỗi năm có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt từ 15 tiêu chí trở lên, không có xã dưới 10 tiêu chí; xây dựng và công nhận 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 30 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới[4]....

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, tiếp tục phát huy những kết quả, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện tốt những mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lạng Sơn đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện như sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình theo hướng chuyển mạnh nhiệm vụ trực tiếp và các nội dung cụ thể của chương trình cho cấp cơ sở và cộng đồng dân cư thực hiện nhằm phát huy nội lực, vai trò chủ động, sáng tạo của người dân và cộng đồng dân cư trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động theo hướng thiết thực, cụ thể, lấy thay đổi tư duy, nếp sống, nâng cao vai trò chủ thể của người dân làm mục tiêu, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Phát động và triển khai sâu rộng phong trào thi đua Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước khác trong phạm vi toàn tỉnh.

Ba là, tiếp tục xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới, phù hợp với quy hoạch, trọng tâm là đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối nông thôn với đô thị, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, phát triển hệ thống điện, chợ nông thôn, xây dựng hạ tầng thông tin, truyền thông hướng tới chuyển đổi số và xây dựng nông thôn mới thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới, đồng thời chú trọng quan tâm đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Tăng cường thực hiện việc giao công trình phù hợp cho người dân và cộng đồng dân cư trực tiếp thi công, vừa phát huy dân chủ và khai thác, phát huy tối đa nội lực của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, phát triển sản xuất, đẩy mạnh triển khai chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của tỉnh; nâng cao thu nhập người dân gắn với giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cư dân nông thôn

Năm là, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, bảo đảm ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường vận động, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới.

Sáu là, tập trung huy động, đa dạng hóa các nguồn lực và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn và các nguồn vốn khác để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn chỉnh bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện phân công nhiệm vụ đối với các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc và  tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để giúp đỡ, hỗ trợ các xã trong xây dựng nông thôn mới, nhằm gắn trách nhiệm và bảo đảm sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động tối đa các nguồn lực toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới.

Tin tưởng chắc chắn rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành và đặc biệt là sư đồng tình, hưởng ứng người dân trong tỉnh, cùng với nhiều giải pháp mang tính đột phá của các địa phương, tiến độ hoàn thành các tiêu chí sẽ được đẩy nhanh, đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã đề ra, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025./.

   Giảng viên Nguyễn Văn Hiệp

Khoa Xây dựng Đảng

 

[1] Tỉnh ủy Lạng Sơn (2011): Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 12/8/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2011 - 2020.

 

[2] Tỉnh ủy Lạng Sơn (2021): Báo cáo số 52-BC/TU, ngày 02/02/2021 của Tỉnh ủy về tổng kết Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 12/8/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2011 - 2020.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr 249.

[4] Tỉnh ủy Lạng Sơn (2020): Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr 126 – 128.