Skip to main content
x
26 November 2021

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/01/2011 đến ngày 01/02/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Đại hội đã đưa ra hệ thống các quan điểm, định hướng sự lãnh đạo, tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước từ nay đến năm 2045. Tiếp cận, vận dụng nội dung Nghị quyết Đại hội vào công tác giảng dạy ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là nhiệm vụ rất quan trọng. Nội dung khối kiến thức của chương trình Trung cấp lý luận chính trị do khoa Lý luận cơ sở đảm nhận, có mối quan hệ trực tiếp đến nội dung cơ bản của Nghị quyết Đai hội XIII, chất lượng giảng dạy của giảng viên tùy thuộc rất lớn vào khả năng vận dụng Nghị quyết vào công tác giảng dạy.

Đối với khoa Lý luận cơ sở, việc đưa các nội dung, tư tưởng, quan điểm mới của Đại hội Đảng vào các chuyên đề bài giảng là hết sức quan trọng và cần thiết, bởi vì một lý do đó chính là giảng dạy về lý luận chính trị cùng như các phần học khác tuyệt đối không được trái quan điểm, đường lối của Đảng. Nếu không thường xuyên  cập nhật, nắm bắt kip thời, hoặc chưa hiểu thấu đáo Nghị quyết của Đảng sẽ gây ra những hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập. Là một khoa giảng dạy về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu tiếp cận kịp thời, toàn diện và sâu sắc và vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII vào công tác giảng dạy vừa là trách nhiệm, nhiệm vụ của mỗi giảng viên, vừa là yêu cầu và là sự chỉ đạo của nhà trường của chi bộ, khoa Lý luận cơ sở.

Các nội dung kiến thức giảng dạy thuộc khoa Lý luận cơ sở, mặc dù có sự liên hệ gắn bó với nhau, tuy nhiên ở mỗi nội dung cụ thể có phương pháp tiếp cận, tư duy khác nhau, vì vậy việc đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào nghiên cứu, giảng dạy, cần vận dụng linh hoạt, phù hợp và yêu cầu cần có sự bổ sung những tư tưởng, lý luận mới của Nghị quyết Đại hội XIII vào nội dung bài giảng. Theo chiều hướng ngược lại, gắn kiến thức bài giảng với nội dung, quan điểm, đánh giá kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội được đề cập trong Đại hội XIII, minh chứng cho kiến thức lý luận. Nhận thức rõ sự vận dụng đa dạng, linh hoạt Nghị quyết trong các nội dung cụ thể của mỗi bài giảng, các chuyên đề thuộc khối kiến thức của Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

1

Triết học Mác - Lênin là bộ phận lý luận nghiên cứu những quy luật vận động, phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; góp phần hình thành và củng cố thế giới quan và phương pháp luận chung nhất của nhận thức và hoạt động thực tiễn. Những quan điểm tư tưởng, lý luận mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra là những luận cứ để luận giải có sức thuyết phục cao đối với các luận điểm triết học Mác - Lênin; các kiến thức triết học sẽ được phát triển mở rộng dễ hiểu, gần với thực tiễn khi giảng viên biết đưa nội dung Nghị quyết Đại hội vào mỗi phần nội dung của bài giảng. Đưa ra một số gợi ý nhằm thấy rõ sự phong phú của nhận định này qua những nội dung vấn đề được đề cập đến, như: Vai trò của quần chúng nhân dân - từ quan điểm Triết học Mác - Lênin đến quan điểm phát huy tối đa nguồn lực con người của Đảng ta; Vận dụng nguyên lý về mối liên hệ phổ biến trong quan điểm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên của Đảng. Giải quyết một số vấn đề triết học trong các nội dung chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XIII: Nhận thức mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới tư duy về phát triển lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất trong mối quan hệ biện chứng giữa chúng ở giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng; Tư duy mới của Đại hội XIII về nhân tố Đảng cầm quyền với vị trí, vai trò thành tố quyết định trong kiến trúc thường tầng - nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ  tổ quốc; Nhận thức rõ vai trò, tác động qua lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội tạo nên động lực mạnh mẽ cho đất nước phát triển nhanh và bền vững…

Kinh tế chính trị Mác - Lênin nghiên cứu những quy luật kinh tế về quá trình ra đời, phát triển, suy tàn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; xác định rõ những đặc điểm, nhiệm vụ kinh tế thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Các nội dung ở ngay mỗi chuyên đề bài giảng cần có sự liên kết với tinh thần đổi mới của Nghị quyết Đại hội XIII, những ưu điểm của sản xuất hàng hóa, kinh tế hàng hóa; các thuộc tính của hàng hóa; giá trị thặng dư trong phương thức sản xuất tư bản, các hình thức biểu hiện của giá trị thặng dư, được Đại hội XIII nhận thức theo tư duy đổi mới về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nội dung về các vấn đề hàng hóa và mối quan hệ hàng hóa - thị trường; sản xuất giá trị thặng dư trong nền kinh tế thị trường; cạnh tranh và độc quyền trong nền kinh tế thị trường; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các quan hệ lợi ích kinh tế ở Việt Nam... đã được Đảng ta tiếp thu vận dụng, tổng kết, được định hướng phát triển vừa phù hợp với điều kiện đất nước vừa bắt kịp với xu hướng vận động của thế giới qua nội dung Nghị quyết Đại hội XIII. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đang lãnh đạo thực hiện có gây ra mâu thuẫn giữa tính chất thị trường của nền kinh tế và tính chất xã hội của bản chất chế độ chính trị - xã hội hay không; Tính đặc thù của phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tính đúng đắn, tính quy luật, quan điểm phát triển kinh tế của Đảng ta một lần nữa được tái khẳng định và nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng.

Đối với nội dung kiến thức của Chủ nghĩa xã hội khoa học, Chủ nghĩa xã hội khoa học là kết quả lịch sử tất yếu của sự vận dụng thế giới quan, phương pháp luận triết học và kinh tế chính trị Mác - Lênin nhằm làm sáng tỏ những quy luật khách quan của quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa - với ý nghĩa là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Trong từng chuyên đề bài giảng, mục tiêu, nội dung luôn đặt ra những yêu cầu giảng viên, học viên ngoài nắm vững lý thuyết, cần phải nắm bắt được các vấn đề của đời sống chính trị - xã hội đất nước. Chuyên đề Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đề cập các nội dung xây dựng sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam được đặt trong tổng thể nguyên tắc và nội dung xây dựng khối đoàn kết dân tộc. Trong chuyên đề Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, học viên nắm được sự vận dụng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Từ các nguyên lý chủ nghĩa xã hội khoa học, biết vận dụng tri thức đã học vào phân tích những vấn đề cơ bản của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Nhận thức mô hình, đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa theo định hướng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với nguyên tắc: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tăng cường liên minh giai cấp và phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc Việt Nam.

 Tư tưởng Hồ Chí Minh là một khoa học, dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành kim chỉ nam soi đường cho cách mạng Việt Nam. Vận dụng nội dung Nghị quyết Đại hội XIII vào khối kiến thức này có thể được khái quát ở góc độ nghiên cứu, phân tích làm rõ sự vận dụng trên cơ sở kế thừa biện chứng, bổ sung, phát triển di sản tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng vào sự nghiệp đổi mới trong điều kiện mới. Một số nội dung, có thể dẫn chứng, liên hệ: Tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong nhận thức của Nghị quyết Đai hội XIII, Tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh trong xây dựng, nâng cao hiệu quả, vai trò quản lý của Nhà nước; Từng bước định hình sáng tỏ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất. năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với Nhân dân…

Những vấn đề lý luận được xác định trong nghị quyết Đại hội XIII là sự tổng kết thực tiễn, kế thừa các hệ thống học thuyết tư tưởng được xây dựng bằng lý luận khoa học phong phú mang tính khoa học và cách mạng; lý luận đó không chỉ dừng lại ở việc trình bày các quan điểm tư tưởng, lý luận chỉ đạo có hệ thống và phân tích sâu sắc mà còn phản ảnh toàn diện thực tiễn xã hội đất nước.

Các nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII sẽ là những dẫn chứng cụ thể giúp giảng viên tiếp cận giáo trình, chương trình trung cấp lý luận chinh trị thuận lợi; việc nghiên cứu, xây dựng giáo án liên hệ lý luận với thực tiễn sẽ thiết thực, hiệu quả. Ở mỗi nội dung bài giảng luôn tìm thấy giá trị quan trọng của Nghị quyết, làm sáng tỏ sâu sắc thêm nội dung giảng dạy. Việc tiếp cận vận dụng kịp thời, cơ bản, hệ thống, toàn diện, sâu sắc có trọng tâm nội dung Nghị quyết Đại hội XIII vào hoạt động giảng dạy của giảng viên khoa Lý luận cơ sở sẽ giúp giảng viên, học viên nắm bắt kịp thời sự vận động của thực tiễn, làm sâu sắc hơn khối kiến thức lý luận mà Khoa đảm nhận. Ý nghĩa quan trọng hơn nữa qua nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII vào công tác giảng dạy kết hợp với kiến thức thực tiễn sinh động được phản ánh chân thực qua Nghị quyết, đã góp phần chứng minh tính khoa học, tính đúng đắn, tính khả thi của Nghị quyết, đồng thời củng cố, tăng cường niềm tin vào sự thành công con đường đổi mới đất nước của giảng viên và học viên./.

 

ThS. Đồng Hương Gấm

Trưởng khoa Lý luận cơ sở