Skip to main content
x
5 October 2021

Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, thực tiễn đất nước và quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc, giải quyết đúng đắn, sáng tạo vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Những sáng tạo lý luận của Người về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc là một dấu ấn nổi bật, góp phần tạo nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời có giá trị thời đại sâu sắc.

Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc

Do những quy định của điều kiện lịch sử và cả những sai lầm trong đường lối cứu nước của các bậc tiền bối dựa vào chủ nghĩa phong kiến, tư bản đã không giải quyết thành công vấn đề dân tộc thuộc địa. Sau 30 năm bôn ba khắp năm Châu bốn bể, sự tìm tòi, nghiên cứu, khảo nghiệm thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy nhu cầu bức thiết, trước mắt cũng như lâu dài của các dân tộc thuộc địa, trong đó có Việt Nam là đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân giành độc lập, tự do cho dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người nhận thức rõ, chủ nghĩa thực dân không chỉ là kẻ thù trực tiếp, nguy hại nhất của các thuộc địa mà còn là kẻ thù chung của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới; mâu thuẫn nổi bật, quan trọng nhất ở xã hội thuộc địa là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc với chủ nghĩa thực dân; nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng ở thuộc địa là giải phóng dân tộc; mục tiêu của cách mạng thuộc địa là chủ nghĩa xã hội.

Từ thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh khẳng định, nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa là “độc lập dân tộc”. Muốn giành độc lập dân tộc phải làm dân tộc cách mạng để giải quyết mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giữa một bên là toàn thể dân tộc Việt Nam sống thân phận nô lệ với một bên là bọn cướp nước. Đó vừa là mâu thuẫn cơ bản vừa là mâu thuẫn chủ yếu củahội Việt Nam thuộc địa. Giải quyết mâu thuẫn ấy để giành lại độc lập, tự do là nhiệm vụ hàng đầu, không giành được độc lập dân tộc thì không có gì hết. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (năm 1930) đã chủ trương: “làmsản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Nhiệm vụ hàng đầu của sản dân quyền cách mạng là: “Ðánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”[1]. Cách mạng tư sản dân quyền sẽ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là đánh đuổi đế quốc, thực dân giành độc lập dân tộc; đánh đổ phong kiến tay sai giành ruộng đất cho dây cày nghèo. Trong hai nhiệm vụ ấy, giải phóng dân tộc cần được đặt lên trước hết. Bởi, chỉ có thể đề cao, ưu tiên vấn đề dân tộc mới đoàn kết được đông đảo nhân dân và toàn dân tộc, tạo ra sức mạnh tổng hợp, to lớn nhất và các dân tộc thuộc địa như Việt Nam mới có điều kiện, khả năng giành thắng lợi trước những kẻ thù là đế quốc, thực dân. Năm 1941, chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám, Người đã khẳng định: “Trong lúc này,   quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[2].

Độc lập phải là độc lập thật sự; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Một dân tộc có được nền độc lập thật sự khi đánh đuổi hoàn toàn kẻ xâm lược, thống trị ra khỏi lãnh thổ, quốc gia của dân tộc mình và có toàn quyền quyết định vận mệnh và mọi vấn đề của dân tộc mình, trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia dân tộc mình, không có sự can thiệp của lực lượng bên ngoài quốc gia dân tộc, thực thi được chủ quyền của dân tộc. Độc lập dân tộc thật sự còn gắn với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám, trong bức thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện làng, Hồ Chí Minh nói: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[3]. Độc lập dân tộc là tiền đề, điều kiện của chủ nghĩa xã hội (tự do, hạnh phúc của nhân dân); đồng thời, chủ nghĩa xã hội là điều kiện, sức mạnh để giành lại độc lập dân tộc.

Hồ Chí Minh vận dụng phát triển sáng tạo về cách mạng giải phóng dân tộc

Thứ nhất, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản.

Năm 1920, đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và các vấn đề thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn - con đường cách mạng vô sản   Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[4]. Con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản, là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc và triệt để. Cuộc cách mạng đó không chỉ giải phóng giai cấp, mà gắn liền với nó là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội. Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường của cách mạng vô sản là một trong những sáng tạo nổi bật về mặt lý luận của Hồ Chí Minh. Người sớm xác định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là: làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, tức là độc lập dân tộc đi tới xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết, là tiền đề đi tới xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội là hạnh phúc, tự do. Chính theo con đường cách mạng vô sản, nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 vĩ đại, dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945). Trong Tuyên ngôn độc lập đọc trước quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”[5].

Thứ hai, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Đây là một sáng tạo của Hồ Chí Minh về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng, “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[6]. Đảng đó phải được xây dựng theo nguyên tắc đảng kiểu mới của V.I. Lênin, được vũ trang chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng Cộng sản là: Xác định mục tiêu của cách mạng, xây dựng đường lối cách mạng giải phóng dân tộc; thông qua cương lĩnh, tổ chức vận động, tập hợp các lực lượng cách mạng, xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đối với cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: chống đế quốc và chống phong kiến, giành độc lập dân tộc, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh so với chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ bổ sung yếu tố phong trào yêu nước vào sự ra đời của Đảng Cộng sản mà còn cho thấy phong trào yêu nước có khả năng kết hợp với phong trào công nhân, vì cả hai phong trào cùng một nhiệm vụ và mục tiêu trước mắt chống xâm lược, giành độc lập dân tộc. Sự xuất hiện một yếu tố mới là phong trào yêu nước không những không hạ thấp vai trò của chủ nghĩa xã hội khoa học, ngược lại tỏ  rằng ở các nước thuộc địa như Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin có một mảnh đất màu mỡ, “lực lượng vật chất” không chỉ là phong trào công nhân mà còn có cả phong trào yêu nước. Ngược lại, phong trào yêu nước phải được tiếp nhận lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin mới thành phong trào yêu nước triệt để. Sáng tạo ở vế đồng thời là Đảng của dân tộc ở chỗ: Cơ sở xã hội của Đảng không chỉ là giai cấp công nhân mà là toàn thể dân tộc; Đảng không chỉ vì lợi ích của giai cấp công nhân mà vì lợi ích cả dân tộc; Đảng không chỉ trong tim của người đảng viên đảng cộng sản, mà phải “gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”.

Thứ ba, cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp đoàn kết của toàn dân trên cơ sở liên minh công nông

Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp đoàn kết toàn dân, trên cơ sở liên minh công nông làm nòng cốt... “Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp đoàn kết toàn dân, trên cơ sở liên minh công nông làm nòng cốt”... Trong đó, “thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng”. Trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I. Lênin nêu khẩu hiệu Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Khẩu hiệu đoàn kết của Hồ Chí Minh chứa đựng ba tầng đoàn kết: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, chỉ có đoàn kết mới tạo thành sức mạnh, tạo nên thành công. Dân tộc cách mệnh trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh là sự sáng tạo trong việc tổ chức lực lượng cách mạng, xây dựng chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ thực tiễn Việt Nam, với tuyệt đại đa số dân số là nông dân, Hồ Chí Minh cho rằng, nông dân là những người chịu nhiều tầng áp bức, bị bần cùng hóa nên họ luôn ý thức phản kháng, sẵn sàng tham gia cách mạng. Do đó, cách mạng giải phóng dân tộc phải có sự tham gia của giai cấp nông dân và là sự nghiệp của toàn dân. Đánh giá cao vai trò, sứ mệnh của giai cấp nông dân, nhưng Hồ Chí Minh luôn khẳng định, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng và Đảng phải lãnh đạo xây dựng khối liên minh công - nông làm nòng cốt cho Mặt trận Dân tộc thống nhất. Hồ Chí Minh chủ trương vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam, những người dân mất nước, đang phải chịu thân phận nô lệ, tham gia vào Mặt trận Dân tộc thống nhất, nhằm huy động sức mạnh của toàn dân tộc vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Có thể nói, đối với cách mạng Việt Nam, luận điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh công - nông đã được vận dụng một cách chủ động, sáng tạo trong tiến trình tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Đồng thời nó còn sự bổ sung kịp thời vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và có giá trị lý luận và thực tiễn đối với cách mạng thế giới.

Thứ tư, cách mạng giải phóng dân tộc phải được tiến hành bằng con đường cách mạng bạo lực, kết hợp với chủ nghĩa nhân văn, hòa bình, kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với đấu tranh vũ trang.

Người khẳng định: Độc lập tự do không thể cầu xin mà có được”. Vì vậy, để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như cuộc đấu tranh để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chủ nghãi xã hội, tất yếu phải “Dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”[7]. Quan điểm bạo lực cách mạng của Hồ Chí Minh không hề đối lập với tinh thần yêu chuộng hòa bình và chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc Việt Nam mà là sự tiếp nối truyền thống nhân nghĩa của cha ông ta. Đối với Hồ Chí Minh, trong cuộc đấu tranh chính nghĩa để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, việc sử dụng bạo lực cũng  nhằm mục đích hòa bình.

Tuy đề cao vai trò của bạo lực cách mạng nhưng Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa vai trò của bạo lực, của đấu tranh vũ trang trong chiến tranh cách mạng. Với Người, đấu tranh vũ trang chỉ là một trong những phương pháp để thực hiện mục tiêu chính trị của cách mạng. Với tinh thần ấy, sau khi về nước chuẩn bị giành chính quyền, tháng 12/1944, trên cơ sở nghiên cứu kỹ tình hình cách mạng trong nước và trên thế giới, Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Người căn dặn: “Chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”, “người trước, súng sau”. Chỉ thị nêu rõ nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phương châm xây dựng ba thứ quân, phương thức hoạt động là kết hợp quân sự với chính trị.

Sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc vào thực tiễn cách mạng Việt Nam đã phản ánh nguyện vọng được sống trong độc lập, tự do và công bằng, bình đẳng của không chỉ dân tộc Việt Nam mà còn là ý chí, nguyện vọng của mọi dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới. Những cống hiến sáng tạo của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc, cả thực tiễn và lý luận đã bổ sung cho kho tàng lý luận cách mạng thế giới, kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, những tư tưởng đó của Người vẫn đang tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta./.

 

                                                                    ThS. Tạ Thị Hồng

                                                                   Khoa Lý luận cơ sở

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quóc gia, H. 2011, tr 1.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, tr 112-113.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr64.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr 30.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr 3.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr 289.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr 275.