Skip to main content
x
5 October 2021

Viên chức được quy định tại Điều 2 của Luật Viên chức năm 2010: Là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Đối với từng ngành nghề, viên chức sẽ được chia thành các ngạch khác nhau như sau:

- Ngạch viên chức chuyên ngành tương đương với ngạch chuyên viên cao cấp

- Ngạch viên chức chuyên ngành tương đương với ngạch chuyên viên chính

- Viên chức chuyên ngành tương đương với ngạch chuyên viên

- Ngạch viên chức chuyên ngành tương đương với ngạch cán sự

- Ngạch nhân viên

- Mã ngạch giáo viên giáo dục nghề nghiệp

Đối với Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy, căn cứ theo Điều 2 Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập thì giảng viên nhà trường gồm:

+ Giảng viên cao cấp (hạng I) Mã số: V.07.01.01

+ Giảng viên chính (hạng II) Mã số: V.07.01.02

+ Giảng viên (hạng III) Mã số: V.07.01.03

  Năm 2021, có một số quy định cơ bản mới về viên chức như sau:

1. Quy định áp dụng mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã qua Nghị quyết số 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020. Theo Nghị quyết 86/2019/QH14, mức lương cơ sở của công chức, viên chức sẽ được điều chỉnh tăng thêm 110.000 đồng/tháng từ 1/7/2020. Trong đó, tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1/7/2020. Lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng với đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cũng tăng bằng mức tăng lương cơ sở.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế, xã hội và cân đối ngân sách của Nhà nước nên Bộ Chính trị cũng đưa ra giải pháp trước mắt chưa điều chỉnh lương cơ sở từ ngày 1/7/2020 tại Kết luận số 77-KL/TW.

Ngày 19/6/2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 122/2020/QH14 tại Kỳ họp thứ 9 quyết định chưa điều chỉnh mức lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020.

Vì vậy, trong năm 2021 mức lương cơ sở vẫn là 1,49 triệu đồng/tháng. Dự kiến, mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng sẽ vẫn được tiếp tục áp dụng đến ngày 01/7/2022 - ngày thực hiện cải cách tiền lương.

2. Quy định về hưởng chính sách tinh giản biên chế

Điều 24 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế quy định:“… Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2015. Các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này được áp dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021”. Theo đó, các chính sách tinh giản biên chế của viên chức như về hưu trước tuổi … được áp dụng đến hết ngày 31/12/2021.

Tuy nhiên, theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP thì quy định này đã được sửa đổi. Do đó, chính sách cho viên chức bị tinh giản biên chế được kéo dài áp dụng đến hết 31/12/2030.

3. Chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2021

Từ ngày 15/8/2021, Thông tư  03/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ sửa đổi chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hiệu lực thi hành. Theo Thông tư  03/2021/TT-BNV, ngoài các quy định về nâng lương như hiện nay đang áp dụng, viên chức còn được hưởng chế độ nâng lương với những điểm mới sau:

- Thêm trường hợp được tính xét nâng lương thường xuyên là thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự.

- Bổ sung bốn khoảng thời gian không tính xét nâng bậc lương gồm thời gian tập sự, thời gian đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ, thời gian thử thách nếu bị phạt tù nhưng được hưởng án treo, thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu…

Theo Thông tư 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ, các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên gồm:

- Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

Như vậy, từ ngày 15/8/2021, sẽ có 05 trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên.

Đối với quy định thay đổi về phụ cấp thâm niên vượt khung của viên chức: Trước đây, phụ cấp thâm niên vượt khung của viên chức hiện vẫn thực hiện theo Thông tư số 04/2005/TT-BNV, ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức với điều kiện:

- Đã xếp bậc lương cuối cùng trong chức danh nghề nghiệp;

- Có đủ điều kiện về thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong chức danh nghề nghiệp (viên chức từ A0 - A3 là 03 năm, viên chức loại B và C là 02 năm).

- Có đủ 02 tiêu chuẩn: Hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm; Không bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc không bị bãi nhiệm trong thời gian giữ chức vụ bầu cử.

Tuy nhiên, từ ngày 15/8/2021 theo Thông tư  03/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ, các trường hợp bị kéo dài thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung gồm:

- Kéo dài 12 tháng: Viên chức bị kỷ luật cách chức.

- Kéo dài 06 tháng: Viên chức bị kỷ luật cảnh cáo; bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm...

- Kéo dài 03 tháng: Viên chức bị kỷ luật khiển trách…

Trong khi đó, theo quy định cũ, hai trường hợp viên chức bị kéo dài thời gian hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung gồm:

- Đủ điều kiện về thời gian nhưng không đạt tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung: Cứ mỗi năm không đạt tiêu chuẩn sẽ bị kéo dài thêm 01 năm (đủ 12 tháng) so với quy định.

- Đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nhưng từ ngày tính hưởng phụ cấp này lần sau không đạt tiêu chuẩn: Thời gian tính hưởng thêm 1% phụ cấp này bị kéo dài thêm 01 năm (đủ 12 tháng).

Như vậy, việc hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung của viên chức cũng như với các đối tượng cán bộ, công chức, người lao động từ 15/8/2021 đã được quy định cụ thể hơn, phân chia theo nhiều trường hợp, thuận tiện cho việc áp dụng.

4. Quy định mới về tuổi nghỉ hưu của viên chức

Bộ luật Lao động năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 có nhiều quy định mới về tuổi nghỉ hưu của viên chức. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của viên chức năm 2021 được quy định như sau:

- Trường hợp làm việc trong điều kiện lao động bình thường: Nữ nghỉ hưu khi 55 tuổi 4 tháng, nam là 60 tuổi 3 tháng;

- Nghỉ hưu sớm tối đa 5 tuổi: Nữ nghỉ hưu khi 50 tuổi 4 tháng và nam nghỉ hưu khi 55 tuổi 3 tháng.

- Về hưu sớm tối đa 10 tuổi: Nữ về hưu khi 45 tuổi 4 tháng, nam về hưu khi 50 tuổi 3 tháng.

- Trường hợp bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp: Được nghỉ hưu không phụ thuộc vào điều kiện về tuổi.

5. Quy định viên chức không được giảm mức đóng BHXH bắt buộc

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Nghị quyết 68/NQ-CP) nhằm hỗ trợ phần nào những khó khăn của người dân lao động trong cả nước.

Theo đó, một trong các chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong vòng 12 tháng từ ngày 01/7/2021 - 30/6/2022 cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trong đó, theo Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc của người lao động bao gồm mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất (14%); quỹ ốm đau, thai sản (3%), quỹ tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp (0,5%), bảo hiểm thất nghiệp (1%) và BHYT (3%).

Điều này, mức đóng BHXH bắt buộc của các đối tượng được hỗ trợ cũng giảm 0,5% so với mức đóng bình thường.

Tuy nhiên, cũng tại Nghị quyết 68/NQ-CP, việc giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Do đó, viên chức không thuộc đối tượng được giảm mức đóng BHXH bắt buộc trong năm 2021 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trên đây là một số quy định cơ bản mới năm 2021 về viên chức./.

           ThS. Hà Minh Thảo

                                                                    Phó Trưởng phòng QLĐT & NCKH