Skip to main content
x
4 October 2021

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới thuộc vùng Đông Bắc Tổ quốc, phía Đông Bắc giáp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc với đường biên giới dài 231,74 km; phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn; phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang; phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng. Với diện tích 8.320,76 km2, dân số 782.666 người, Lạng Sơn gồm 1 thành phố trực thuộc tỉnh, 10 huyện (Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình, Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan, Văn Lãng, Đình Lập, Tràng Định), 200 xã, phường, thị trấn (trong đó có 5 phường, 14 thị trấn và 181 xã). Thời gian qua, các cấp ủy Đảng trong toàn tỉnh luôn xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ then chốt, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Trong đó tập trung đẩy mạnh nâng phẩm chất, kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

1. Vài nét về phầm chất trình độ, kỹ năng, kiến thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý

Lãnh đạo, quản lý nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung là lực lượng tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược, kế hoạch, chủ trương, chính sách, bước đi, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các lĩnh vực và các địa phương. Để phát huy được đội ngũ này, việc phát triển, đào tạo, bồi dưỡng và sử có ý nghĩa quan trọng và trở thành chiến lược của nhiều nước trên thế giới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cần có những phẩm chất, kiến thức, kỹ năng như sau:

- Về chính trị tư tưởng: Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng ta, đặc biệt là các quan điểm nêu trong Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013, của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Đồng thời phải kiên định mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng để bảo vệ Cương lĩnh, đường lối đổi mới của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc; luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

- Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật: Có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tuân thủ và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao, tuyệt đối chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức. Bản thân và gia đình gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Về vốn văn hóa - lịch sử dân tộc và đạo đức cách mạng: Văn hóa dân tộc chính là vốn hiểu biết về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó người cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ giỏi về chuyên môn, vững vàng về lập trường chính trị, mà còn phải là người có đạo đức cách mạng. 

Về trình độ, năng lực chuyên môn: Môi trường làm việc quốc tế là môi trường cạnh tranh rất khốc liệt về chuyên môn, trí tuệ và công nghệ cao, với những tiêu chuẩn, tiêu chí của giới tinh hoa các nước. Do đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác, có hiểu biết sâu, rộng về văn hóa, phong tục, tập quán của các nước và định chế, luật pháp và thông lệ quốc tế.

Về tác phong, kỹ năng giao tiếp: Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần có kỷ luật cao; có khả năng làm việc độc lập trong điều kiện không phải lúc nào cũng có liên hệ được với bộ phận lãnh đạo ở trong nước; có khả năng tổ chức nhóm và làm việc nhóm. Trong thời đại không gian số phát triển thì cán bộ phải làm chủ cả về tin học, cách thức sử dụng các phương tiện kỹ thuật số phục vụ cho hội nhập quốc tế.

2. Một số vấn đề về định hướng xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Về mục tiêu chung            

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh có phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu hợp lý; có tư duy đổi mới, sáng tạo, đoàn kết thống nhất, hợp tác, ý thức tổ chức kỷ luật cao, tận tụy, trách nhiệm với công việc được giao; phong cách và phương pháp làm việc chuyên nghiệp, khoa học, tôn trọng tập thể, gắn bó với Nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; từng bước được trẻ hóa, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Về mục tiêu cụ thể

- Đối với giai đoạn 2020 -2025: Hoàn thành việc xây dựng đề án vị trí việc làm; rà soát, bố trí, sắp xếp và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp theo đề án vị trí việc làm đồng thời với việc đổi mới cách tuyển chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ theo vị trí việc làm, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế theo quy định; Tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên; Từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ tương ứng với tiêu chuẩn của từng chức danh. 100% cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy cấp huyện được tham dự lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp ủy cùng cấp.

- Giai đoạn 2025 - 2030:

+ Đến năm 2025: Hoàn thành việc bố trí, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gắn với việc tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ 50% tiêu chuẩn theo quy định; Thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương ở tất cả các huyện và thành phố; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; Phấn đấu cơ bản chuẩn hoá được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo quy định.

+ Đến năm 2030: Cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định, bảo đảm chất lượng, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học theo vị trí việc làm; toàn bộ cán bộ quy hoạch cấp ủy được bồi dưỡng cán bộ dự nguồn của cấp ủy cùng cấp; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bồi dưỡng chức danh ở trong nước và đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo kế hoạch của tỉnh và đề án của Trung ương.

- Kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua: Giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn toàn Tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các chương trình: cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị - hành chính, ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, lãnh đạo quản lý cấp phòng, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ công chức cấp xã... được 300 lớp, 26.116 học viên.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã được củng cố, bổ sung thêm về kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước... Qua đó đã nâng cao trình độ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị trong tình hình mới.

  3. Một số giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao phẩm chất, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở tỉnh Lạng Sơn thời gian tới

Để góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng,góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế thời gian tới tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp, cụ thể như sau:

Một là, thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các Chỉ thị, Nghị quyết về đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021-2025.

Hai là, bám sát các tiêu chí, định hướng về tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong môi trường quốc tế để tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong nước cũng như đưa đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Từ đó góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn và các kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Ba là, tiếp tục liên doanh liên kết, phối hợp, thực hiện tốt các thỏa thuận giữa tỉnh Lạng Sơn với các địa phương của các nước trên thế giới, nhất là với Khu tự trị Dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc để tiếp tục duy trì thông tin, trao đổi về nội dung, phương pháp, cách thức và cả chỉ tiêu về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bốn là, tăng cường phát huy các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh đáp ứng chuẩn hóa theo các tiêu chí của quốc gia, từng bước nâng cao hội nhập với các tiêu chí của khu vực và thê giới.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, kiến thức, kỹ năng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở Lạng Sơn thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật. Đây là những điều kiện, tiền đề và nguồn khích lệ quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, giải pháp đã đề ra. Tin tưởng rằng với những giải pháp đề ra, thời gian tới việc nâng cao phẩm chất trình độ, kỹ năng, kiến thức đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

                                                                 ThS. Nguyễn Trung Thành

                                                            Trưởng phòng Quản lý ĐT&NCKH