Skip to main content
x
2 October 2021

Huyện Hữu Lũng là huyện cửa ngõ của tỉnh Lạng Sơn, tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, có tuyến Quốc lộ 1A, đường Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và 4 tuyến tỉnh lộ chạy qua nên thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội với các huyện trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là nơi có nhiều tiềm năng và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể. Nhân dân trên địa bàn huyện đã phát huy đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, tích cực trong học tập, lao động sản xuất, vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Kịp thời nghiên cứu nắm bắt chủ trương của tỉnh, huyện trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Trên cơ sở nắm bắt chủ trương và các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, nhân dân tại địa phương đã chủ động phát huy vai trò làm chủ trong tìm tòi hướng sản xuất mới, chủ động thực hiện liên kết trong sản xuất giữa các hộ gia đình thông qua các hình thức hợp tác, liên kết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế thị trường. Từ chủ động tận dụng chính sách của tỉnh để phát triển kinh tế trang trại, sản xuất trang trại của các hộ gia đình tại các địa phương đã có bước phát triển mạnh. Nhiều mô hình hình phát triển sản xuất từ nhân dân được tổ chức thực hiện có hiệu quả, đang được học tập, nhân rộng trong huyện.

Nhân dân trong huyện thực hiện tốt chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng khai thác lợi thế trong nông nghiệp bằng cách tạo vùng sản xuất tập trung với những sản phẩm chủ lực, có thương hiệu như: na, bưởi, táo đại, dứa, cam, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 3 sản phẩm: hoa quả tươi, măng tre Bát độ, nem nướng và sản phẩm OCOP ...

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định; năng lực và quy mô sản xuất được mở rộng. Sản phẩm chủ yếu là: Gạch nung đạt 28,9 triệu viên/năm; đá các loại tăng từ 220.000 m3 lên 601.908 m3, Các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm sản hoạt động ổn định, quy mô ngày càng được mở rộng.

Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp như cơ sở kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y ngày càng được chú trọng. Hàng năm, huyện đều thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, kiểm soát trong việc trong việc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết; kiểm tra việc chấp hành trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất sứ hàng hóa, kiểm tra, đánh giá vật tư nông nghiệp và các sản phẩm nông lâm nghiệp trên địa bàn. Do đó, hạn chế có hiệu quả tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng kém chất lượng len lỏi vào thị trường nông thôn từ đó góp phần bình ổn thị thị trường, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và các cơ quan chuyên môn, trong những năm qua Hợp tác xã đã có điều kiện để tiếp cận các thông tin về việc triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp và tham gia vào triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương, các chương trình của quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và thực hiện đúng các quy định của Luật hợp tác xã, chế độ quản lý tài chính. Các hợp tác xã  nông nghiệp đã tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tiêu biểu như hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Quyết Thắng; hợp tác xã rau, củ quả xã Đồng Tân; hợp tác xã Cửu Long; hợp tác xã sản xuất cây ăn quả Nhật Tiến; hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và môi trường xã Tân Thành chuyên thu gom và xây dựng lò xử lý rác thải của địa phương...

Các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ sản xuất, như: Đẩy mạnh cung ứng giống, vật tư, các biện pháp kỹ thuật cho các hộ sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh cao như sản xuất rau quả, chăn nuôi,…. Đặc biệt trong dịch vụ cung ứng kỹ thuật, cung ứng trước giống, vật tư đã giúp cho các hộ tự tin, chủ động sản xuất theo cơ cấu mùa vụ, phù hợp với cơ cấu tại địa phương nên năng suất, chất lượng sản phẩm tăng lên đáng kể, doanh thu của hợp tác xã được tăng lên.

Bên cạnh việc phát triển hợp tác xã, trong những năm qua, nhân dân trên địa bàn huyện cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại với nhiều mô hình trang trại như: trang trại trồng trọt, trang trại chăn nuôi, trang trại lâm nghiệp, trang trại nuôi trồng thuỷ sản, trang trại tổng hợp ... Việc hình thành mô hình trang trại không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng đất hoang hoá, ao, hồ, … mà còn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn có nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, điển hình như:

Mô hình hộ ông Nông Văn Lợi, thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh: Gia đình thu nhập chủ yếu là làm nông nghiệp, trồng cây ăn quả, trong đó thu nhập chính là cây Na Dai. Từ năm 1990 gia đình ông trồng 900 cây Na Dai cho thu nhập 1,9 triệu đồng/năm đầu, đến năm 2012 ngoài việc tập trung nguồn lực chính vào cây Na gia đình ông trồng thêm cây Táo lai lê, nuôi chim Bồ câu Pháp, Chồn lông nhung... đến nay gia đình ông cho thu nhập bình quân được 900 triệu đồng/năm.

Mô hình hộ ông Phùng Văn Giai, thôn Đoàn Kết, xã Hòa Sơn: Gia đình chủ yếu là trồng rừng, trong đó thu nhập chính là trồng rừng nguyên liệu, tổng diện tích rừng của gia đình khoảng 12 ha, trồng từ những năm 2000, khi đó chưa có thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây giống chưa cao nên thu nhập chưa được nhiều. Từ năm 2006 đến nay gia đình đã được tập huấn kiến thức về kỹ thuật thâm canh rừng, được giới thiệu các giống cây trồng rừng cao sản nên chất lượng, năng suất rừng ngày một tăng, mỗi năm gia đình thu nhập từ rừng là 150 đến 180 triệu đồng/năm.

Mô hình gieo ươm cây giống lâm nghiệp của các hộ trên địa bàn các xã Minh Sơn, Sơn Hà, Hòa Thắng, Thị trấn bình quân mỗi năm sản xuất được 20- 30 vạn cây giống/hộ, cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/hộ/năm.

Hộ gia đình ông Hồ Văn Sỹ, thôn Gốc Gạo, xã Tân Thành: Gia đình phát triển mô hình cây ăn quả, chủ yếu là cây cam. Ban đầu ông trồng có 01 ha Cam Vinh và cam đường canh, được sự hỗ trợ từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương và tìm tòi nghiên cứu, học tập các mô hình trồng cây cam có hiệu quả, ông quyết tâm mở rộng sản xuất, đến nay gia đình ông đã có 05 ha cam vinh, cam đường canh.

Ngoài việc tích cực tìm tòi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, trong những năm qua nhân dân huyện Hữu Lũng còn tích cực tham gia xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 Khu dân cư kiểu mẫu, điển hình là Khu dân cư tại Cụm dân cư số 3, thôn Bến Lường, xã Minh Sơn: Năm 2017 được lựa chọn là địa điểm xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu”, xã Minh Sơn đã lựa chọn Cụm dân cư số 03, thôn Bến Lường làm địa điểm thực hiện. Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Minh Sơn thành lập Tổ chỉ đạo xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu; hướng dẫn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Tổ công tác và cán bộ chuyên trách nông thôn mới của xã để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của từng hộ; có sổ nhật ký ghi công việc đã làm của hộ để đối chiếu với bảng kê công việc hộ gia đình phải làm. Đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đảm bảo các tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia của quần chúng nhân dân.

Qua công tác triển khai thực hiện, Khu dân cư kiểu mẫu tại Cụm dân cư số 3, thôn Bến Lường, xã Minh Sơn đã hình thành và đạt được những kết quả đáng khích lệ: Người dân luôn có ý thức giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng đảm bảo vệ sinh môi trường. Hệ thống tường rào kiên cố và có hoa leo tường, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, hai bên đường có hàng cây xanh chạy dọc theo; hệ thống đèn điện cao áp chiếu sáng dọc hai bên đường đảm bảo tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp và có khu vui chơi, sinh hoạt chung cho tập thể; Các hộ gia đình trong cụm đều có ý thức thu gom rác thải vào hố rác gia đình để xử lý. 100% các hộ gia đình có nhà nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nhiều hộ gia đình sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường; Người dân nơi đây luôn hăng say lao động, làm giàu từ nông nghiệp và được cộng đồng đánh giá cao. Tại đây có mô hình trồng tre Bát Độ lấy măng dọc ven bờ sông Thương, diện tích khoảng 9,5ha, hàng năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm/hộ, điển hình như hộ gia đình ông Lã Hữu Thanh, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Luân...; Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng góp phần làm cho cuộc sống người dân nơi đây luôn có tinh thần lạc quan, yêu đời giúp cho lao động, sản xuất ngày càng hăng say, hiệu quả, góp phần xây dựng làng quê và cộng đồng ngày một tươi đẹp hơn.

Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhân dân huyện Hữu Lũng đã tích cực, chủ động phát huy vai trò làm chủ trong tìm tòi hướng sản xuất mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội của gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tỉnh. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao trình độ văn hóa, dân trí của nhân dân tại các xã trong tỉnh. Góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực làm chủ của người dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cấp xã.

ThS. Lô Thị Hợp

  Giảng viên phòng Tổ chức, HC,TT,TL