Skip to main content
x
9 September 2021

Chủ nhiệm lớp có một vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình học tập của lớp học và thực thi những nhiệm vụ liên quan đến cả hoạt động giảng dạy của giảng viên và việc học tập, rèn luyện của học viên. Nhiệm vụ chính của chủ nhiệm lớp là thực hiện quản lý lớp học, đảm bảo duy trì, củng cố trật tự của lớp học theo đúng các nội quy, quy chế của nhà trường để đảm bảo hiệu quả, chất lượng của hoạt động giảng dạy và học tập, tức là nhằm đạt được mục tiêu của quá trình giáo dục, đào tạo. Hoạt động quản lý lớp do chủ nhiệm lớp thực hiện liên quan tới rất nhiều khâu, nhiều bộ phận trong nhà trường. Chính vì vậy, cần phải thấy rằng nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm là một vấn đề quan trọng, có mối quan hệ đan xen, gắn bó chặt chẽ với nhiều yếu tố khác của quá trình quản lý một lớp học. Vai trò của công tác chủ nhiệm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong các Trường Chính trị tỉnh hiện nay.

Trước đây, công tác chủ nhiệm lớp tại trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn  được Lãnh đạo trường phân công cán bộ, giảng viên thuộc phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học thực hiện. Tuy nhiên số lượng lớp mỗi năm có sự gia tăng dẫn đến tình trạng một số cán bộ, giảng viên chủ nhiệm một lúc nhiều lớp nên không thể nắm bắt kịp thời, đầy đủ và sâu sát tình hình học tập của học viên, điều đó phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Trong khi đó, nhiều giảng viên ở các khoa, phòng khác của nhà trường có trình độ, năng lực và nghiệp vụ tâm lý sư phạm và cũng cần được tham gia nhiều hơn vào các khâu của quá trình đào tạo, bồi dưỡng để trau dồi, cọ xát hơn về nhiều mặt nhưng chưa được phát huy. Trong những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2016 đến nay có: 106 giảng viên tham gia công tác chủ nhiệm lớp trong đó: Các lớp đào tạo: 67 giảng viên; Các lớp bồi dưỡng: 39 giảng viên; Tổng số có 106 giảng viên tham gia công tác chủ nhiệm lớp:  Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tham mưu cho Lãnh đạo trường phân công một số giảng viên ở các khoa làm chủ nhiệm lớp . Điều đó khắc phục được tình trạng quá tải khi cán bộ, giảng viên phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học chủ nhiệm đồng thời nhiều lớp và phát huy được năng lực đội ngũ giảng viên trong nhà trường, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong nâng cao chất lượng quản lý học viên, mặt khác góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giúp giảng viên có nhiều kinh nghiệm thực tế và trưởng thành trên nhiều phương diện. Lãnh đạo trường luôn chú trọng lựa chọn đội ngũ giảng viên tham gia làm công tác chủ nhiệm lớp, dựa vào đặc điểm của từng loại hình lớp học để phân công chủ nhiệm lớp. Đối với các lớp Nhà trường là nơi được đặt cơ sở liên kết trong công tác đào tạo, bồi dưỡng như các lớp Cao cấp lý luận chính trị phối hợp với Học viện Chính trị khu vực I và Học viện Chính trị quốc gia hồ Chí Minh, lãnh đạo Trường lựa chọn những cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm quản lý trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, có chức vụ, có uy tín để tham gia đồng chủ nhiệm nhằm phối hợp với đơn vị mở lớp để quản lý lớp học. Đối với các lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên đa số tham gia chủ nhiệm lớp là những giảng viên đã có thời gian làm việc tại trường ít nhất từ 04 năm trở lên đều được phân công chủ nhiệm lớp với các loại hình lớp học như tập trung, không tập trung và các lớp mở  tại các huyện, thành phố. Đối với các lớp mở  tại huyện, thành phố trên địa bàn của tỉnh, đơn vị mở lớp đề cử đồng chủ nhiệm lớp để phối hợp cùng với chủ nhiệm lớp của Nhà trường trong quản lý lớp học. Tham gia công tác đồng chủ nhiệm lớp là những cán bộ quản lý có kinh nghiệm, có chức vụ và uy tín tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố; các đồng chí có chức vụ, phụ trách công tác quản lý theo chức năng ở các sở, ban, ngành của đơn vị mở liên kết. Các đồng chủ nhiệm lớp của đơn vị liên kết luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất trong công tác quản lý lớp đối với nhà trường, điều đó giúp cho công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiệm vụ chính của chủ nhiệm lớp là thực hiện quản lý, duy trì trật tự, ổn định tổ chức lớp học theo đúng quy chế, quy định, nội quy của nhà trường, đây là kênh thông tin dân chủ hai chiều từ nhà trường đến học viên và ngược lại. Với tính chất công việc của mình, chủ nhiệm lớp luôn gắn bó, sâu sát với học viên trong suốt quá trình học tập. Khảo sát ý kiến 20 phiếu đối với các đơn vị mở lớp và 80 phiếu đối với học viên các lớp: Trung cấp LLCT-HC hệ không tập trung khóa 55 tại trường; Khóa 57 tại huyện Tràng Định; khóa 58 tại huyện Bắc Sơn; khóa 60 tại huyện Đình Lập. Kết quả: Đối với chủ nhiệm lớp có 94 ý kiến trả lời vai trò chủ nhiệm lớp là rất quan trọng, có 06 ý kiến trả lời vai trò chủ nhiệm lớp là quan trọng. Đối với đồng chủ nhiệm lớp có 88 ý kiến trả lời vai trò chủ  nhiệm lớp là rất quan trọng, có 12 ý kiến trả lời vai trò chủ nhiệm lớp là quan trọng. Đối với các lớp mở liên kết tại các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành đồng chủ nhiệm có vai trò lớn trong duy trì ổn định lớp học, luôn gắn bó và theo dõi học viên, phối hợp với chủ nhiệm lớp và nhà trường trrong tổ chức quản lý lớp học. Nhìn chung, chủ nhiệm lớp và đồng chủ nhiệm lớp luôn thực hiện tốt nhiệm vụ, có vai trò quan trọng trong việc quản lý lớp học, gần gũi với các học viên trong quá trình học tập, rèn luyện. Đối với học viên ở các loại hình tổ chức lớp học, học viên đều nhận thấy rõ vai trò, nhiệm vụ của chủ nhiệm lớp, điều đó thể hiện được sự sâu sát, trách nhiệm trong công việc của các chủ nhiệm được Nhà trường phân công.

 Qua đánh giá vai trò chủ nhiệm lớp cho thấy, người làm công tác chủ nhiệm lớp đã xác định rõ nhiệm vụ và có vai trò quan trọng trong các hoạt động lớp học. Nhiệm vụ chính của chủ nhiệm lớp là thực hiện công tác quản lý lớp học, đảm bảo, duy trì và ổn định lớp học theo đúng quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, quy định và nội quy của Nhà trường nhằm thực hiện hiệu quả, chất lượng hoạt động giảng dạy và học tập. Lãnh đạo rất chú trọng trong lựa chọn phân công chủ nhiệm lớp đối với từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng và từng đối tượng lớp học nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý lớp học. Hoạt động quản lý lớp học của chủ nhiệm lớp được đánh giá bám sát quy chế, quy định của nhà trường.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong kinh nghiệm quản lý, kỹ năng xử lý tình huống đa dạng đối với các từng loại hình lớp học, từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Trong lớp học có nhiều đối tượng học viên khác nhau hoàn cảnh và chênh lệch về trình độ, kinh nghiệm, tuổi đời. Do đó,  đòi hỏi chủ nhiệm lớp phải không những nỗ lực, trách nhiệm, am hiểu các quy chế, quy định mà còn luôn rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng, kinh nghiệm trong ứng xử đối với các tình huống, vấn đề nảy sinh. Trước hết chủ nhiệm lớp phải có kỹ năng giao tiếp được đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện có kinh nghiệm từ 02 năm trở lên phải có kỹ năng trong quản lý hồ sơ; kỹ năng thu thập và xử lý thông tin. Ban cán sự lớp có trách nhiệm hỗ trợ chủ nhiệm lớp duy trì, ổn định lớp học. Bởi vậy, ngay từ ban đầu khai giảng đã kiện toàn ban cán sự lớp gồm: Lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó để tổ chức các hoạt động của lớp, của tổ để quản lý lớp học. Chủ nhiệm lớp đều nhận thức và phát huy được vai trò của ban cán sự lớp, biết dựa vào ban cán sự để nhanh chóng triển khai thực hiện các công việc của mình. Một thực tế cho thấy, chủ nhiệm lớp và ban cán sự phối hợp tốt với nhau, đảm bảo dân chủ công khai trong mọi hoạt động thì công việc quản lý lớp triển khai nhanh chóng, hiệu quả.

  Để nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

  Thứ nhất, giảng viên chủ nhiệm cần quan tâm khảo sát đối tượng học viên để đưa ra được những phương pháp quản lý phù hợp

Học viên chính là đối tượng trung tâm của hoạt động chủ nhiệm lớp, chất lượng, trình độ, năng lực của học viên chính là những yếu tố quyết định đến kết quả học tập và rèn luyện trong toàn khóa học. Do đó, để khơi dậy, phát huy được ý thức học tập, rèn luyện, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất của học viên, đòi hỏi giảng viên được phân công chủ nhiệm lớp phải có sự nghiên cứu, khảo sát về đối tượng học tập, nhất là trong những ngày đầu học viên được tham gia khóa học. Bởi lẽ, việc khảo sát học viên sẽ giúp chủ nhiệm lớp phân loại được các đối tượng tham gia học tập, có được những thông tin cần thiết về năng lực, trình độ, lĩnh vực công tác, địa bàn sinh sống...của học viên, từ đó tìm hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người học để có những biện pháp, cách thức quản lý học viên phù hợp

  Thứ hai, giảng viên chủ nhiệm cần có sự liên hệ, phối hợp thường xuyên, cụ thể với đồng chủ nhiệm để quản lý các hoạt động học tập, rèn luyện của người học

Chủ nhiệm lớp chính là cầu nối, là kênh thông tin quan trọng để đồng chủ nhiệm và học viên biết được các chủ trương, kế hoạch hoạt động chính thống có liên quan đến các hoạt động của khóa học. Do đó, khi có những điểm mới trong quy chế đào tạo, bồi dưỡng hay có những thay đổi quan trọng thì chủ nhiệm lớp cần phải  chủ động thông báo những thay đổi đó cho đồng chủ nhiệm cùng biết và phối hợp thực hiện. Ngoài ra, sự phối hợp này còn thể hiện ở sự thống nhất trong nội dung, phạm vi công việc cho mỗi bên; chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm với những hoạt động lớn của lớp (duy trì nền nếp lớp học, tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế, ôn và thi tốt nghiệp...); cùng thống nhất quan điểm trong cách thức quản lý cán bộ lớp và toàn thể học viên trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Thực tế cho thấy, nếu không có sự thống nhất, phối hợp, tôn trọng thì rất dễ có hiện tượng học viên chỉ chú trọng và thực sự quan tâm đến các ý kiến, sự định hướng của thầy cô chủ nhiệm được nhà trường cử mà coi nhẹ các hoạt động của đồng chủ nhiệm đối với lớp. Do đó, giảng viên được phân công chủ nhiệm cần thấy rõ vai trò của đồng chủ nhiệm và định hướng đúng được cho học viên thì công tác chủ nhiệm lớp mới có thể hoàn thành tốt.

  Thứ ba, chú trọng tổ chức các hình thức học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý lớp cho giảng viên

Các hình thức học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý lớp cho giảng viên cũng là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Có nhiều hình thức tổ chức như: tổ chức hội thi giảng viên chủ nhiệm giỏi, tổ chức thi trắc nghiệm trên trang thông tin điện tử, tổ chức hội thảo hay tổ chức cho các giảng viên chủ nhiệm tiêu biểu đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các đơn vị trong và ngoài tỉnh...đó là những hình thức tổ chức giúp cho mỗi giảng viên làm công tác chủ nhiệm lớp có cơ hội để trang bị thêm kiến thức, rèn luyện thêm kỹ năng, bổ sung thêm được những kinh nghiệm quý cho nhiệm vụ công tác của bản thân.

Thứ tư, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát công tác chủ nhiệm lớp

Nội dung kiểm tra, giám sát công tác chủ nhiệm lớp có nhiều khía cạnh như: kiểm tra hồ sơ, kế hoạch chủ nhiệm; nội dung, cách thức sinh hoạt lớp (nhất là các lớp không tập trung); thông qua khảo sát ý kiến của học viên về chủ nhiệm lớp, thậm chí trong các khoa có thể xây dựng kế hoạch dự giờ các tiết sinh hoạt lớp của giảng viên được phân công chủ nhiệm, nhất là ở những thời điểm mà lớp chuẩn bị cho những hoạt động lớn (tham gia các hội thi, cuộc thi, chuẩn bị các điều kiện đi nghiên cứu thực tế, chuẩn bị thi hết môn hay thi tốt nghiệp), vì đó là những thời điểm quan trọng để chủ nhiệm lớp triển khai được nhiều nội dung, định hướng được các cách thực hiện phù hợp (có nhiều nội dung để sinh hoạt). Từ đó, có sự đánh giá, so sánh, rút kinh nghiệm cho chủ nhiệm lớp; đó cũng chính là những căn cứ cần thiết, quan trọng cho việc lựa chọn, quyết định cử giảng viên tham gia công tác chủ nhiệm của nhà trường./.

 

                                                                          Hoàng Xuân Yến

                                                                Khoa Nhà nước và Pháp luật