Skip to main content
x
9 September 2021

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ chính trị của toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta trong mỗi giai đoạn cách mạng của Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vẫn luôn là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 đã nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Trường Chính trị tỉnh, thành phố nói chung và Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ nói riêng phải phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc tuyên truyền, quán triệt, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nhất là những nội dung liên quan đến tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ... Qua đó, góp phần rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ đảng viên - giảng viên của nhà trường. Trong giai đoạn hiện nay, trước sự chống phá của các thế lực thù địch nhằm bác bỏ, xuyên tạc bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, công kích, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh; Xuyên tạc mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay, mỗi giảng viên trường Chính trị Hoàng Văn Thụ cần nêu cao trách nhiệm trong việc góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua những hành động cụ thể sau:

Một là, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống hoàn chỉnh những quan điểm triết học, kinh tế chính trị, xã hội, là học thuyết khoa học về sự phát triển lịch sử tự nhiên của nhân loại. Đó là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, điều kiện và phương pháp giải phóng con người khỏi ách áp bức bóc lột, bất công và đói nghèo trên thế giới. Chủ nghĩa Mác - Lênin có giá trị bền vững và tính thời đại bởi bản thân nó là một học thuyết phát triển và nhân văn, luôn hướng tới sự tiến bộ của xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc tộc, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vững vàng, không dao động, thay đổi lập trường, ý chí trước mọi trở ngại. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên trì mục tiêu tất cả vì con người và vì sự phát triển của xã hội loài người, vì sự ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Thực tiễn những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh rằng: Nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng chính là nhờ sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển bức thiết của cách mạng Việt Nam và phù hợp với quy luật phát triển của thời đại.

Mặt khác, chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết phát triển, là hệ thống mở, luôn được bổ sung, phát triển. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin luôn đòi hỏi những người cộng sản phải biết vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hóa...của mỗi nước. Sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh của cách mạng Việt Nam bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy bản chất vốn có của chủ nghĩa Mác - Lênin là sáng tạo và phát triển.

Thông qua thực tiễn cách mạng, Đảng ta đã không ngừng hoàn thiện trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và về con đường lên chủ nghĩa xã hội. Những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được soi chiếu trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Những giá trị trong hệ thống tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được bổ sung và phát triển trong tình hình mới. Những đặc trưng về xã hội xã hội chủ nghĩa  và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được Đảng ta bổ sung, phát triển đầy đủ hơn. Đảng ta đã đưa ra những mối quan hệ lớn cần phải giải quyết trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội sát với thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong xu thế chung của thế giới.

Đặc biệt, sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày càng đi vào chiều sâu thì chúng ta càng phải đối diện với những vấn đề khó khăn, phức tạp mới, đặt ra cho đất nước những cơ hội lớn và thách thức mới. Điều đó cần chúng ta phải nhận thức cho đúng, vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển và bảo vệ lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với bối cảnh mới của thế giới và các điều kiện cụ thể trong nước hiện nay. Cách tốt nhất để phát triển, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tiếp tục phát triển hệ thống các nguyên lý lý luận trên cơ sở thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận, giải quyết thành công những nhiệm vụ mới và trả lời được những vấn đề do cuộc sống đặt ra, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế.

Thực tiễn luôn sinh động cần mỗi chúng ta phải luôn vận dụng, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn. Giải quyết tốt những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. Trong bài phát biểu về "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu: Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.

Hai là, trung thành với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam: Con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng về con đường cách mạng Việt Nam được Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng khẳng định: Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để di tới xã hội cộng sản. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người.

 Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội được Đảng ta, nhân dân ta kiên định thực hiện, bất chấp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, bất chấp sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa luôn được thấm nhuần trong tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân; trở thành bài học đầu tiên được Đảng rút ra tại Đại hội lần thứ VII (1991), VIII (1996), IX (2001), X (2006), XI (2011), XII (2016) và đặc biệt tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021), Đảng ta tiếp tục khẳng định: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ các Văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội cũng như qua thực tiễn của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chúng ta một lần nữa khẳng định: "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử."

Ba là, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn mới.

Trước sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, mỗi chúng ta (nhất là đội ngũ giảng viên nhà trường) cần có những hành động thiết thực đấu tranh với những thông tin xuyên tạc trên không gian mạng nhằm góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời vô hiệu hóa các luận điệu và hoạt động phá hoại tư tưởng, lý luận của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; bảo vệ thành công các quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng. Chủ động phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại những âm mưu của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế ở Việt Nam như ý đồ “tư nhân hóa” nền kinh tế, tiến công vào vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; giúp cho nền kinh tế Việt Nam giữ được độc lập, tự chủ, không bị lệ thuộc vào nước ngoài, giữ vững định hướng XHCN; Làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch hòng thay đổi hệ giá trị văn hóa Việt Nam; lợi dụng đổi mới để gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo; lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam. Làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Làm thất bại mưu đồ bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam, cản trở Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế. 

Tóm lại, trong bất cứ điều kiện và tình huống nào, mỗi chúng ta, nhất là đội ngũ giảng viên trường Đảng, phải luôn kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng và có thái độ kiên quyết, triệt để đối với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Tại Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”. Nguyên tắc này là điều kiện tất yếu bảo đảm cho sự thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay. Đồng thời, cùng với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần phải đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch và ngược lại, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch để luôn giữ vững, kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng là vấn đề quan trọng hàng đầu, được đặt lên trước, phải lấy bảo vệ là chính, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng là để bảo vệ nền tảng tư tưởng được tốt hơn.

1

Với trách nhiệm của mình, trong thời  gian qua đội ngũ giảng viên của trường Chính trị Hoàng Văn Thụ luôn phát huy vai  trò của mình trong việc củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh chống các luận điệu thù địch, sai trái của các thế lực thù địch thông qua lồng ghép vào giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tổ chức các cuộc Hội thảo khoa học cấp trường về “ Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Biên soạn một bài giảng với nội dung 8 tiết về “Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ở Lạng Sơn” trong Tập bài giảng Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng và phát triển địa phương (chương trình Trung cấp lý luận chính trị) của nhà trường... Qua đó, nâng cao ý  thức trách nhiệm của giảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong gia đoạn  hiện nay, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính  trị của nhà trường là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ nhận thức lý luận và năng lực đấu tranh cách mạng trong tình hình mới./.

 

                                          ThS. Nguyễn Thị Lan Hương

                                          Phó Trưởng khoa lý luận cơ sở