Skip to main content
x
31 July 2021

Thuyết phục trong giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc trưng của xã hội loài người. Giáo dục nảy sinh cùng với xã hội loài người, mang tính lịch sử cụ thể, biến đổi theo các giai đoạn phát triển của xã hội, theo các chế độ kinh tế - chính trị của xã hội.

Trong quá trình xây dựng hệ thống lý luận cách mạng và tổ chức hiện thực hoá hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, các nhà kinh điển Mác-Lênin luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới nhiệm vụ giáo dục con người. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp mà việc thực hiện nó đòi hỏi phải chú ý tới nhiều vấn đề, trong đó không thể không nói tới thuyết phục, bởi nó tác động trực tiếp đến hiệu quả của công tác giáo dục. Trong các tác phẩm để lại, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra những vấn đề cốt lõi nhất làm cơ sở cho các nghiên cứu luận giải về thuyết phục trong giáo dục con người .

V.I.Lênin từng chỉ ra trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng” rằng: Nhiệm vụ thứ nhất của bất cứ chính đảng nào có trọng trách với tương lai là phải thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình. Theo V.I.Lênin: Không có nội dung tư tưởng rõ ràng, có suy nghĩ chín chắn thì công tác cổ động sẽ thoái hoá thành những lời nói suông. Người còn khẳng định: Tài nghệ của mỗi một người tuyên truyền và mỗi một cổ động là ở chỗ ảnh hưởng một cách tốt nhất đến một thính giả nhất định, làm cho một chân lí nào đó đối với họ trở nên có sức thuyết phục mạnh nhất, dễ hiểu nhất, để lại những ấn tượng rõ ràng nhất, sâu sắc nhất.

 Tư tưởng này cho thấy để thuyết phục được người khác, người đi thuyết phục phải đặt linh hồn và tư tưởng sống vào trong lời nói, cử chỉ, thái độ của mình. Đó không đơn thuần chỉ là những từ ngữ hoa mĩ máy móc, những công thức có sẵn, những câu nói sáo rỗng mà là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa tri thức, cảm xúc và niềm tin của người đi thuyết phục.

Thuyết phục được thực hiện bằng nhiều con đường, biện pháp khác nhau, nhưng thường có hai con đường biện pháp cơ bản là thuyết phục bằng lời nói và thuyết phục bằng việc làm. Chính những việc làm tốt là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành uy tín của người đi thuyết phục. Khi uy tín đã được hình thành nó sẽ tác động mạnh tới hiệu quả tiến hành thuyết phục của nhà giáo dục. V.I.Lênin đã từng nói: Muốn quản lí được tốt thì ngoài cái tài biết thuyết phục, còn cần phải biết tổ chức trong lĩnh vực thực tiễn. Đó là nhiệm vụ khó khăn nhất.

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tư cách, uy tín của người đi thuyết phục, sự gương mẫu về mọi mặt, đặc biệt là lời nói đi đôi với việc làm được coi là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp tới hiệu quả thuyết phục của nhà giáo dục, Người chỉ rõ: Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ, bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích.

Theo chủ tịch Hồ Chí Minh: Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được, vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất giản đơn. Anh em đi tuyên truyền chưa học cách nói đó, cho nên khi viết khi nói khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực. Chỉ khi nào người đi thuyết phục hiểu rõ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng, cảm xúc của đối tượng thì những tác động trong thuyết phục mới có cơ sở và đạt được hiệu quả cao nhất. Hồ Chí Minh đã khẳng định: Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại.

Vận dụng linh hoạt và sáng tạo những quan điểm của các nhà kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục nhằm xây dựng con người trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng cụ thể. Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: Trước hết, phải tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Đảng cũng khẳng định cần phải có sự đổi mới một cách toàn diện công tác tuyên truyền, cổ động đặc biệt là đổi mới về phương pháp cách thức tác động trong tuyên truyền làm cho nội dung tuyên truyền sinh động và có sức thuyết phục hơn. Đối với người cán bộ, việc nắm vững đặc điểm quần chúng, đề cao thuyết phục là một trong những vấn đề có tính nguyên tắc trong tiến hành công tác tuyên truyền giáo dục đối với nhân dân.

Trong thời gian qua, Lãnh đạo trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm tới giáo dục, thuyết phục và lấy đó làm nội dung trọng tâm đối thực hiện với nhiệm vụ của mỗi cán bộ, giảng viên tham gia giảng dạy các loại hình đào tạo, bồi dưỡng mà nhà trường được tỉnh giao.

Để thực hiện nhiệm vụ giáo dục và thuyết phục người học qua từng bài giảng, mỗi giảng viên của Nhà trường cần thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định con đường Xã hội chủ nghĩa, có ý thức cầu thị trong học tập, rèn luyện phong cách, phương pháp sư phạm; có kỹ năng dạy học, khả năng nghiên cứu khoa học và tổ chức, quản lý. Đặc biệt giảng viên cần nắm vững những kiến thức cơ bản về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Trong từng phần bài giảng, giảng viên cần sử dụng những phương pháp linh hoạt phù hợp với điều kiện của từng lớp học và đơn vị phối hợp mở lớp cụ thể, không dập khuôn máy móc, không lý luận giáo điều mà cần có kiến thức từ thực tiễn địa phương, cơ sở, vùng miền cho phù hợp với đối tượng học viên. Từ lời nói, đến việc làm của giảng viên cần thể hiện sự chuẩn mực của nhà giáo, từng bài giảng phải mang tính lý luận chặt chẽ, dễ hiểu, những ví dụ liên hệ thực tiễn phải hết sức sát thực phản ánh được nội dung làm tăng tính thuyết phục cho bài giảng. Một bài giảng hay không chỉ yêu cầu giảng viên lập luận, phân tích, giải thích các cụm từ, thuật ngữ mang tính hàn lâm khoa học chuyên ngành mà còn đòi hỏi người giảng viên phải am hiểu và biết làm cụ thể hoá nội dung của lý luận với những kiến thức gần gũi với đời sống hàng ngày để học viên dễ liên tưởng, hình dung và hiểu bài với tinh thần được thuyết phục cao bởi lý luận gắn liền với thực tiễn.

Vì vậy, giảng viên giảng dạy tại trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn phải chú ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thuyết phục là một vấn đề rất phức tạp. Để đạt được mục đích thuyết phục được người nghe giảng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, giảng viên cần phải tích cực nghiên cứu, phân tích tình huống để nắm và hiểu diễn biến tâm lí của từng đối tượng học viên. Chỉ khi nào người đi thuyết phục hiểu rõ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng, cảm xúc, nhận thức của đối tượng thì những tác động trong giảng dạy, thuyết phục mới có cơ sở và đạt được hiệu quả cao nhất.

Do đó, trước khi lên lớp giảng dạy yêu cầu giảng viên cần phải nghiên cứu, tìm hiểu đối tượng học viên, nắm được trình độ học vấn, trình độ lý luận, thời gian tham gia hoạt động thực tiễn … của từng đối tượng học viên, từ đó có phương pháp giảng dạy cho phù hợp với nội dung, với đối tượng người học không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường.

Thứ hai, thuyết phục là một quá trình với những diễn biến đa dạng, cùng sự xuất hiện của khó khăn trở ngại. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với giảng viên trong quá trình giảng dạy là không được nóng vội mà phải kiên trì, chủ động, linh hoạt trong suốt cả quá trình giảng dạy. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tuyên truyền đời sống mới, cũng như tuyên truyền việc khác, phải hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng.

Như vậy, thuyết phục được Hồ Chí Minh xem xét dưới góc độ là một phương pháp giáo dục con người. Phương pháp này giữ vai trò, vị trí cơ bản, chủ đạo trong toàn bộ hệ thống các phương pháp giáo dục con người. Để thực hiện tốt phương pháp thuyết phục, yêu cầu đặt ra với người đi thuyết phục là phải có trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ lí luận, có uy tín và thể hiện uy tín trong lời nói đi đôi với việc làm, có khả năng diễn đạt tốt, phải hiểu rõ điều kiện hoàn cảnh và nắm chắc diễn biến tâm lí đối tượng, phải khéo léo, linh hoạt và kiên trì bền bỉ trong hoạt động thuyết phục.

Vì vậy, giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn cần phải rèn luyện kỹ năng sư phạm, từ giọng nói, bước đi và nét chữ viết… cần linh hoạt trong sử dụng các phương pháp giảng dạy và không ngừng học hỏi, rèn luyện, mài dũa, tập giảng thành thạo nắm vững chuyên môn và khả năng vận dụng những kiến thức chuyên môn trong thực tiễn làm cho bài giảng bớt cứng nhắc, khô khan sẽ gây hứng thú cho người nghe và mang tính thuyết phục cao hơn.

Để xứng đáng là cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải đoàn kết, quyết tâm tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có lối sống giản dị, tâm huyết với nghề nghiệp, giữ gìn danh dự, nhân cách nhà giáo; không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy theo phương châm gắn lý luận với thực tiễn nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường, gắn trang bị kiến thức với phương pháp làm việc khoa học, gắn nâng cao trình độ, năng lực với rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người giảng viên.

Tóm lại, những quan điểm cơ bản của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam về thuyết phục trong giáo dục đào tạo sẽ là cơ sở phương pháp luận định hướng, chỉ đạo trong quá trình giảng dạy của giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn./.

              Th.S, GVC: Lý Minh Thu

                                                        Khoa Lý luận cơ sở