Skip to main content
x
23 June 2021

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu hưởng thụ dịch vụ công của xã hội và người dân ngày càng cao và đa dạng, nhất là nhu cầu về dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá và thể dục thể thao… (dịch vụ sự nghiệp công); nhiều người dân có khả năng chi trả cao để được hưởng thụ dịch vụ công chất lượng cao theo nhu cầu. Việc thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trong những năm qua luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã xác định rõ: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công theo hướng nâng cao chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính; xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này; Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, giao quyền tự chủ phù hợp, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp…”. Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã đưa ra quan điểm: “Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu”.  

Ngày 30 tháng 11 năm 2020, Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Quyết định số 78-QĐ/TU, Quyết định phê duyệt “Đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2020 - 2022” (Sau đây gọi tắt là Đề án).

Mục tiêu chung của Đề án đặt ra là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hướng tới mục tiêu Trường chính trị chuẩn theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tạo quyền chủ động trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quản lý và chi tiêu tài chính cho Thủ trưởng đơn vị. Chủ động khai thác nguồn thu, tăng khả năng tự đảm bảo về kinh phí hoạt động của đơn vị theo lộ trình, giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước. Quan điểm của Đề án là thực hiện đúng Quy định số 09-QĐi/TW, ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy định số 09-QĐi/TU, ngày 27/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ. Trong quá trình thực hiện Đề án, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc về quản lý tài chính; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đội ngũ cán bộ, giảng viên; tạo quyền chủ động cho công chức, viên chức trong đơn vị hoàn thành nhiệm vụ...

Phương án về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, bộ máy biên chế và tài chính của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2019 – 2021 trong thực hiện Tự chủ về thực hiện nhiệm vụ” bao gồm: Tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch và Tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Tự chủ trong xây dựng và thực hiện kế hoạch giai đoạn 2019 – 2021, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ phải chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quyết định các biện pháp để tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy định hiện hành của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, trong đó chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ chính trị và cung cấp các dịch vụ bảo đảm đạt chuẩn chất lượng; Chủ động đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhất là đề tài khoa học cấp tỉnh; làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Thực hiện tốt công tác quản lý thu chi tài chính, chú trọng xây dựng, thực hiện Đề án tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về tài chính, từng bước nâng cao đời sống cán bộ, giảng viên của nhà trường.

Tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ: Xác định đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, khảo sát nhu cầu về tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức, tiêu chuẩn chức danh; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm, xây dựng kế hoạch công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2019 - 2021 phù hợp với chức năng nhiệm vụ của nhà trường theo chức trách nhiệm vụ được giao. Xây dựng các chương trình đào tạo của nhà trường, hợp tác, liên kết về đào tạo với các trường, chủ động mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó bao gồm: Chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch cán sự và tương đương; ngạch chuyên viên và tương đương; ngạch chuyên viên chính và tương đương; Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp xã;  Chương trình bồi dưỡng khác do cấp có thẩm quyền giao; Chủ động xây dựng chương trình biên soạn tài liệu; Tổ chức các hoạt động liên doanh, liên kết và hợp đồng với các Học viện, các tổ chức trong nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học công nghệ và các hợp đồng kinh tế khác, phù hợp với khả năng, lĩnh vực chuyên môn của nhà trường theo quy định của pháp luật; Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phục vụ hoạt động thu sự nghiệp của nhà trường.

Để thực hiện có hiệu quả nội dung “Tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ của Trường chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2020 – 2022”, Nhà trường cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là: Nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức và người lao động nhà trường trong việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án

Đảng ủy, Lãnh đạo trường, Lãnh đạo các khoa phòng quán triệt tới toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động trong nhà trường các chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công và  Quyết định số 78-QĐ/TU, ngày 30 /11/2020 của Tỉnh ủy Lạng Sơn, phê duyệt “Đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2020 - 2022”. Trên cơ sở đó, các phòng tham mưu xây dựng, trình Lãnh đạo trường ban hành các quy chế quy định có liên quan nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ của Trường chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2020 – 2022.

Nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức, lao động nhà trường cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Giảng viên phải nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng công tác chuyên môn; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các khoa, phòng và cán bộ, giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời tham mưu, đề xuất cho tỉnh về các cơ chế, chính sách, chỉ tiêu kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phương án phát triển Nhà trường theo tinh thần Đề án trường chính trị đạt chuẩn từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tự chủ.

Hai là: Đổi mới phương thức quản lý và nâng cao chất lượng chuyên môn, đảm bảo tính cạnh tranh đối với các đơn vị đào tạo khác về các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu của người học.

Muốn đổi mới phương thức quản lý, trước hết phải thống nhất về mặt nhận thức đồng bộ trong Đảng ủy, Lãnh đạo trường triển khai một cách quyết tâm, xây dựng hệ thống quy chế, quy định về tổ chức và hoạt động của nhà trường trên cơ sở chức năng nhiệm vụ theo Quy định số 09-QĐi/TW, ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy định số 09-QĐi/TU, ngày 27/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, hình thành phương thức và tư duy quản lý đáp ứng yêu cầu của một đơn vị “Tự chủ” bởi nếu không có sự thay đổi về tư duy quản lý sẽ dẫn tới tình trạng “chủ trương thì đúng nhưng hành động lại sai”.

Tăng tính chủ động của Nhà trường trong việc quyết định các biện pháp tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả các nguồn lực sẵn có (về nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất…). Để làm được điều này, các phòng tham mưu cần chủ động trong việc tìm kiếm, khai thác và phát triển các hoạt động sự nghiệp nhằm tăng nguồn thu, đẩy mạnh các hoạt động tạo nguồn thu trên cơ sở nâng cao chất lượng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện cơ chế giá dịch vụ, tăng cường liên kết đào tạo đối với các cơ sở giáo dục khác. Đổi mới hình thức quảng bá, tuyên truyền đến học viên về các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, có cơ chế thu hút học viên tham gia học tập tại nhà trường. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các hình thức đào tạo, bồi dưỡng (học trực tuyến, học online, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trên máy tính…), từ đó từng bước khẳng định uy tín, vị thế của Nhà trường bằng chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Ba là: Đổi mới phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng tăng cường tính chủ động của Nhà trường trong việc khảo sát nhu cầu về tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức, tiêu chuẩn chức danh; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm phù hợp với chức năng nhiệm vụ của nhà trường theo chức trách nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là đối với các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, hàng năm Nhà trường cần phải làm tốt ngay từ công đoạn khảo sát nhu cầu bồi dưỡng, từ đó xây dựng kế hoạch chiêu sinh, tuyển sinh cho phù hợp. Thông qua công tác giảng dạy, các giảng viên cũng tăng cường nắm bắt nhu cầu của học viên, giới thiệu cho học viên theo học các loại hình lớp tiếp theo của Nhà trường.

 Thực hiện tốt các hoạt động liên kết đào tạo, đặc biệt là đào tạo văn bằng 2, đào tạo sau đại học với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ sở đào tạo khác. Tăng cường mở các loại hình đào tạo, bồi dưỡng tại trường theo hướng đào tạo những gì người học đang cần chứ không phải đào tạo những gì Nhà trường đang có.

Bốn là: Thường xuyên rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người học.

Trước hết phải đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc cho phù hợp với từng đối tượng học viên, gắn lý luận với thực tiễn; chú trọng về bồi dưỡng các kỹ năng giúp người học nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy và khả năng vận dụng, giải quyết các tình huống thực tiễn trong quá trình công tác của học viên.

Làm tốt công tác phối hợp với các Huyện ủy, Thành ủy, các cơ quan, ban ngành của tỉnh trong thực hiện đào tạo theo “đơn đặt hàng”; thậm chí nhà trường có thể chủ động “chào hàng” về một số chương trình bồi dưỡng mà Nhà trường có thể cung cấp cho các đơn vị… Để làm được điều này đòi hỏi các phòng (phòng Quản lý đào tạo và NCKH, phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu) phải thực sự tích cực, chủ động trong công tác tham mưu cho Lãnh đạo trường tạo ra mức thu hợp lý, đảm báo tính cạnh tranh về giá thành, chất lượng dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng mà trường cung cấp. Bên cạnh đó cần phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phục vụ hoạt động thu sự nghiệp của Nhà trường.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2020 - 2022” trước mắt  Nhà trường cần phải  tạo ra những thay đổi trong thực hiện nhiệm vụ và công tác tài chính, đây được coi là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trường, thu hút thêm các nguồn lực để phát triển và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh; tạo điều kiện cho Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong những năm tiếp theo./.

                                               Th.S Lô Thị Thu Hường

                                         Phó trưởng phòng QLĐT và NCKH