Skip to main content
x
13 June 2021

Đại hội XIII của Đảng đề cập đến rất nhiều vấn đề mới trên các lĩnh vực đời sống xã hội, mở ra một thời kỳ mới trong quá trình phát triển đất nước, trong đó, một số quan điểm mới về phát triển kinh tế trong văn kiện Đại hội XIII cần quán triệt trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các trường chính trị nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển “từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng chất lượng, hiệu quả, tính bền vững” là chủ trương đã được Đảng đề ra từ Đại hội XI([1]). Đại hội XII tiếp tục xác định “Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh, bền vững”[2]. Qua hai nhiệm kỳ Đại hội XI và XII (10 năm), việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tuy đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa tạo được bước chuyển căn bản sang mô hình phát triển kinh tế mới. Hơn nữa, trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và đất nước, nhất là tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra nhiệm vụ “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng” với nhiều nội dung mới, yêu cầu mới[3].

Bài 2: Mô hình tăng trưởng và phát triển các ngành, linh vực kinh tế ở Việt Nam là bài học của phần IV: Đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thuộc các bài đề cập tới các quan điểm đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển kinh tế. Nội dung bài học trang bị những kiến thức lý luận cơ bản và thực tiễn về mô hình tăng trưởng kinh tế. Tính cấp thiết phải đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam hiện nay; cũng như các mục tiêu, nguyên tắc và giải pháp để đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta. những quan điểm, định hướng và giải pháp để phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế theo hướng phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên để thấy rõ hơn tính nhất quán về những chủ trương mới, quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong những năm tới ở nước ta theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII vào quá trình nghiên cứu và giảng dạy bài học này là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Theo đó Quan điểm của Văn kiện Đại hội XIII là yêu cầu việc tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải được đẩy mạnh hơn, thực hiện mạnh mẽ hơn, với những giải pháp đầy đủ, đồng bộ hơn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đạt mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế ở mức cao hơn, cụ thể là:

- Văn kiện Đại hội XIII xác định cần phải “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng”, “chuyển mạnh” nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng mới, “tạo bứt phá” trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đại hội XII đề ra các chỉ tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ (năm 2020): Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế khoảng 30-35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng 5%/năm. Đại hội XIII đề ra chỉ tiêu đến năm 2025: Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm và đến năm 2030: đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm.

- Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới, việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh phải dựa trên tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhân lực chất lượng cao; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, có công nghệ cao, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; cơ cấu lại các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đổi mới quản lý theo hướng hiện đại... Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế được đẩy mạnh bằng động bộ nhiều giải pháp, trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Từ những nội dung về đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam hiện nay được thể hiện trong Văn kiện XIII, chúng ta có thể rút ra một số điểm mới trong nhận thức của Đảng ta về đổi mới mô hình tăng trưởng từ đó bổ sung vào nội dung bài giảng, đó là:

- Về đổi mới mô hình tăng trưởng đó là mô hình tăng trưởng mới dựa trên tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bởi vì: Thứ nhất, nền kinh tế của Việt Nam phát triển theo chiều rộng đã tới hạn, cần đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu; Thứ hai, bối cảnh của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này là hết sức quan trọng có tính quyết định tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững cho đất nước. Trong các chỉ tiêu cụ thể của nền kinh tế cần đạt tới cho giai đoạn 2021 – 2025 cũng đã xác định cụ thể kinh tế số chiếm 20%, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% trong nền kinh tế. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp, cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa; chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, các tổ chức và hoạt động xã hội. Lấy việc nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của khoa học - công nghệ. Trong văn kiện cũng nhấn mạnh yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm cong nghệ cao, có giá trị gia tang cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả  vào mạng sản xuất và chuỗi giã trị toàn cầu.

- Đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế, trong Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh; “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công. Cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thi trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực” Ở đây, cần chú ý cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên để đất đai, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, nhất là những dịch vụ có lợi thế, dịch vụ có giá trị gia tăng cao trên cơ sở ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ số, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ như: du lịch, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, logistic, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý... Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán, các dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, dịch vụ văn hóa, thể thao... Nâng cao tính chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại theo các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế, khả năng cạnh tranh quốc tế của các dịch vụ. Đặc biêt, văn kiện nhấn mạnh đến cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nói chung để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Đây cũng chính là để khắc phục điểm yếu trong nhiều năm qua là sự thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên chưa tạo ra được sự chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân của người Viêt Nam để thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế cũng là điểm nhấn trong văn kiện lần này. Báo cáo chiến lược nêu rõ: “Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%”[4].  Ngoài ra, điểm mới của văn kiện lần này là nội dung cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực, quan tâm phát triển các vùng còn khó khăn, thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các vùng.

- Việc nghiên cứu những điểm mới về đổi mới mô hình tăng trưởng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, chúng ta có thể vận dụng bổ sung vào bài giảng “Mô hình tăng trưởng và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam ” giúp cho nội dung bài học đảm bảo tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các trường chính trị trong việc tuyên truyền, quán triệt đường lối chủ trường của Đảng. Nhà nước đến đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, đưa nội dung nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, mặt khác nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giảng dạy của giảng viên trong trường.

ThS. Trần Văn Tuân

   Khoa Lý luận cơ sở

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.107, 191.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H, 2016, tr.87, 280.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H, 2021, t.1, tr.114, 115, 120-127, 217, 218, 227-230; t.2, tr.104-114, 121-124, 146-149.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H, 2021, t.1, tr.240.