Skip to main content
x
13 June 2021

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có đủ năng lực xây dựng nền hành chính tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định đến sự thành công của công cuộc cải cách hành chính nhà nước nói chung; cải cách chế độ công vụ, công chức nói riêng.

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ thì ngoài việc dựa vào các văn bản pháp lý quy định Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; cũng như yêu cầu thực tiễn về năng lực của cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 26/2018/QĐ-UBND, ngày 23 tháng 02 năm 2018 về ban hành Quy chế quy định trách nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại tỉnh Lạng Sơn.

Đây là các văn bản quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại tỉnh; cung cấp các thông tin cần thiết và cập nhật, những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn cho người học; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức gắn với tình hình thực tiễn, nhiệm vụ của ngành và địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức tại tỉnh. Tăng cường việc trao đổi kinh nghiệm trong thực tiễn quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ gắn với nội dung các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Quy chế có một số nội dung cơ bản, đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, quy định đối tượng tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡngChủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Lãnh đạo các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; thủ trưởng các cơ quan chức năng thuộc Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trở lên thuộc các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Công chức, viên chức là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội khi tham gia giảng dạy lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác Đảng và chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc theo sự phân công, chỉ đạo của cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ hai, cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phải đáp ứng các tiêu quy định tại Khoản 1, Điều 34 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức như: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức li sống lành mạnh; Đạt chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn theo quy định; Có trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; Lý lịch bản thân rõ ràng, đáng yêu cầu về chính trị. Có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn; có kỹ năng, phương pháp và khả năng hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực, nội dung được tổ chức bồi dưỡng.

Thứ ba, nội dung cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ: Lý luận chính trị; Kiến thức quốc phòng và an ninh; Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; Kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đc công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; Tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ. Các nội dung bồi dưỡng khác theo yêu cầu của tỉnh.

Đối với Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, trong những năm qua để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thực tiễn, nhà trường mời cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên thuộc các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại Trường theo Quy chế.

Trong quá trình thực hiện, giảng viên đã thực hiện tốt Quy chế do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Bố trí công việc, sắp xếp thời gian để tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng đảm bảo về thời gian, nội dung, chất lượng theo yêu cầu của chương trình bồi dưỡng. Xây dựng giáo án bài giảng theo nội dung chương trình bồi dưỡng trường mời tham gia giảng dạy; chủ động nghiên cứu và áp dụng các phương pháp bồi dưỡng tích cực, phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng bài giảng.

Công tác phối hợp giữa trường và đội ngũ giảng viên khá nhịp nhàng như: cung cấp tài liệu, chương trình giảng dạy và các điều kiện đảm bảo khác để giờ giảng có chất lượng. Một số giảng viên tâm huyết, nhiệt tình, tích cực tham gia giảng dạy; chất lượng bài giảng, báo cáo thực tế nội dung, kiến thức thực tế phong phong phú, có sự kết hợp giữa thực tiễn và lý luận trong trong giảng dạy, tạo sự hứng thú và thu hút người học. Hoạt động của giảng viên đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các nhiệm vụ của nhà trường theo kế hoạch hằng năm.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tạo điều kiện để cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc cơ quan, đơn vị tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức do trường mời giảng.

Hai là, trên cơ sở kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, giao nhiệm vụ, Trường chủ động liên hệ, mời cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc các cơ quan, đơn vị tham gia giảng dạy các chuyên đề bồi dưỡng có nội dung phù hợp với vị trí công tác, trình độ và kinh nghiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Cung cấp đầy đủ, kịp thời nội dung tài liệu và thông tin tổ chức lớp bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đồng thời cùng với thời điểm có văn bản đề nghị, mời tham gia giảng dạy lớp bồi dưỡng.

Bảo đảm về phương tiện và các trang thiết bị cần thiết phục vụ giảng dạy cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quá trình tham gia giảng dạy lớp bồi dưỡng.

Thực hiện thanh toán đầy đủ chế độ thù lao giảng dạy và các chế độ chính sách khác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng theo quy định./.

   ThS. Hà Minh Thảo

   Phó Trưởng phòng QLĐT & NCKH