Skip to main content
x
2 June 2021

Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn là một trong ba khoa của nhà trường thực hiện hai nhiệm vụ chính đó là: trực tiếp lên lớp giảng dạy nội dung các phần học II, IV, V.2, V.3 của Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế tại cơ sở. Để hoàn thành tốt hai nhiệm vụ này, đòi hỏi người giảng viên trong khoa phải thường xuyên nâng cao trình độ, chất lượng bài giảng và đi nghiên cứu thực tế cơ sở để nắm bắt các hoạt động lý luận đã được cụ thể hóa trong thực tiễn nhất là trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu thực tế của giảng viên là việc tìm hiểu, khảo sát, điều tra thực tế những biểu hiện, ảnh hưởng, tác động của lý luận vào đời sống kinh tế - xã hội, từ đó, hiểu sâu sắc hơn kết quả thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước tại cơ sở qua đó góp phần trở lại bổ sung, phát triển lý luận. Đặc biệt, đối với giảng viên khoa Xây dựng Đảng việc nghiên cứu thực tế có ảnh hưởng tích cực đối với nâng cao chất lượng cho giảng dạy của giảng viên, giúp giảng viên đưa vào giảng dạy những vấn đề thực tế đang diễn ra ở cơ sở.

1.Tình hình hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên trong khoa hiện nay

Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, trên cơ sở giải thể khoa Dân vận sáp nhập vào khoa Xây dựng Đảng từ tháng 2 năm 2019. Tổng số giảng viên trong khoa hiện nay là 08 đồng chí, trong đó: Nữ có 04 đồng chí, nam có 04 đồng chí. Về trình độ chuyên môn: 100% có trình độ từ đại học trở lên trong đó: Thạc sĩ: 06 đồng chí, chiếm 75%. Đang học cao học: 02 đồng chí, chiếm 25%. Lý luận chính trị: Cao cấp lý luận chính trị 03 đồng chí; trung cấp lý luận chính trị 02 đồng chí; đang học hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị 03 đồng chí. Kiến thức quản lý nhà nước: Bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp 02 đồng chí, bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính 6 đồng chí. Đó là những thuận lợi cơ bản giúp giảng viên trong khoa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình. Bên cạnh đó khoa thực hiện nhiều nội dung giảng dạy của chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính, nên đôi khi gặp khó khăn trong việc bố trí thời gian đi nghiên cứu thực tế. Vì vậy, tỷ lệ giảng viên tham gia nghiên cứu thực tế không đạt 100% trong các lần khoa tổ chức. Một số giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng, học cao học có phần không nhỏ ảnh hưởng đến tham gia hoạt động nghiên cứu thực tế của khoa.

Với tình hình đội ngũ cán bộ giảng viên của khoa như vậy hằng năm khoa căn cứ vào Quyết định số 2252/QĐ-HVCTQG, ngày 21/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về việc Ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hướng dẫn số 311/HD-HVCTQG, ngày 12/6/2019 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hướng dẫn về hoạt động đi thực tế của cán bộ, giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kế hoạch số 69/KH-TCT, ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ về hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế năm học 2020; Kế hoạch số 51-KH/TCT, ngày 10/12/2020 của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ về hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế năm 2021.

Trên cơ sở các Kế hoạch của nhà trường khoa Xây dựng Đảng đã xây dựng Kế hoạch riêng cho khoa trong việc nghiên cứu thực tế hằng năm tại cơ sở. Với chức trách nhiệm vụ đề ra khoa xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế 2 lần/năm. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch đề ra không đạt 2 lần trong năm qua các năm cụ thể: Năm 2018 khoa tổ chức 2 lần đi nghiên cứu thực tế cho giảng viên tại các xã Minh Sơn, xã Đồng Tân, xã Thiện Kỵ của huyện Hữu Lũng và các xã Hữu Kiên, xã Chi Lăng, xã Y Tịch của huyện Chi Lăng với 20 lượt giảng viên tham gia; năm 2019 khoa tổ chức 1 lần đi nghiên cứu thực tế cho giảng viên tại các xã Chi Phương, xã Quốc Khánh của huyện Tràng Định với 14 lượt giảng viên tham gia; năm 2020 khoa tổ chức 1 lần đi nghiên cứu thực tế tại xã Điềm He, xã Trấn Ninh, xã Tân Đoàn của huyện Văn Quan với 12 lượt giảng viên tham gia; năm 2021 khoa tổ chức 01 lần đi nghiên cứu thưc tế tại xã Nhất Tiến, xã Hưng Vũ, xã của huyện Bắc Sơn với 09 lượt giảng viên tham gia.

Như vậy, từ năm 2018 đến nay khoa đã tổ chức được 5 đợt đi nghiên cứu thực tế trong tỉnh với 55 lượt giảng viên tham gia. Thông qua việc đi nghiên cứu thực tế, đội ngũ cán bộ, giảng viên giảng viên nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở, tích luỹ kiến thực tiễn phục vụ cho công tác giảng dạy các phần học do khoa đảm nhận phong phú, sinh động hơn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho nhà trường.

12

         Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên khoa Xây dựng Đảng còn tồn tại một số hạn chế:

Một là, nội dung nghiên cứu thực tế của giảng viên chưa được nhiều, 02 giảng viên đang theo học cao học và 03 giảng viên đang theo học hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nên chưa tập hợp được đông đủ tất cả giảng viên trong khoa cùng tham gia.

Hai là, giảng viên trong khoa phải lên lớp cả giờ hành chính và thứ bảy, chủ nhật đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngoài kế hoạch cho nên việc giảng dạy trên lớp chiếm nhiều thời gian, do đó khó bố trí được thời gian đi nghiên cứu thực tế cơ sở đông đủ hoặc dài ngày.

Ba là, kinh phí đi nghiên cứu thực tế của giảng viên còn eo hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu đi thực nghiên cứu thực tế của giảng viên.

2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên khoa Xây dựng Đảng.

Để tiếp tục phát huy những kết quả trong hoạt động nghiên cứu thực tế cũng như đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo quản lý của Trường cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nhà trường cần tiếp tục thực hiện tốt Quy chế hoạt động nghiên cứu khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban hành kèm theo Quyết định 2252/QĐ-HVCTQG, ngày 21 tháng 4 năm 2016 của Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Kế hoạch số 51-KH/TCT, ngày 10/12/2020 của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ về hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế năm 2021.

Thứ hai, lãnh đạo khoa cần bố trí thời gian hợp lý, phối hợp với phòng Quản lý Đào tạo và nghiên cứu khoa học trong việc xếp lịch lên các lớp phù hợp để đảm bảo tiến độ thực hiện nghiên cứu thực tế theo đúng kế hoạch đã đề ra. Cần có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ hơn giữa khoa Xây dựng Đảng với Phòng quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học ngay từ khâu xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, tránh chồng chéo giữa kế hoạch giảng dạy với kế hoạch đi nghiên cứu thực tế của cán bộ, giảng viên trong khoa mỗi đợt khoa tổ chức đi nghiên cứu thực tế tập hợp được tất cả giảng viên trong khoa cùng tham gia.

Thứ ba, trong quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường cần tăng thêm nguồn kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế để đáp ứng được nhu cầu tối thiểu như chi trả nhuận bút, thù lao cho chủ nhiệm đề tài và việc đi lại, ăn nghỉ của giảng viên khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thực tế. Kết thúc năm học khoa cần tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm đối với nội dung nghiên cứu thực tế của và có những đề xuất, kiến nghị góp ý cho Hội đồng khoa học nhà trường để hoạt động nghiên cứu khoa học của các khoa trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn.

Thứ tư, mỗi giảng viên cần chủ động ngay từ khâu đăng ký, xây dựng kế hoạch của cá nhân trong năm, chủ động đề xuất nội dung, địa điểm, thời gian và đảm bảo nghiên cứu thực tế đúng nội dung, đúng tiến độ. Giảng viên cần có tinh thần, thái độ nghiên cứu nghiêm túc, cầu thị. Kết thúc hoạt động nghiên cứu thực tế, giảng viên phải chủ động bổ sung ngay vào giáo án, bài giảng, tổng kết thực tiễn của cá nhân.

Thứ năm, lãnh đạo trường thường xuyên kiểm tra, giám sát khâu tổ chức, phê duyệt kế hoạch nghiên cứu thực tế đầu năm của các giảng viên trong khoa và đôn đốc, yêu cầu các cá nhân thực hiện đúng kế hoạch của khoa đề ra. Đa dạng hình thức tổ chức, nội dung, phương pháp nghiên cứu thực tế. Kế hoạch đi nghiên cứu thực tế cần được xây dựng một cách linh hoạt căn cứ vào lịch học của các lớp bố trí cho hợp lý.

Nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế là một trong hai nhiệm vụ chính và thường xuyên của người giảng viên. Vì vậy, mỗi giảng viên không những tự trang bị nền tảng tri thức lý luận vững vàng, mà còn phải biết tìm hiểu và đào sâu kiến thức chuyên môn từ thực tế phong phú ở cơ sở một cách khoa học, đúng quy trình, đúng thời gian. Với sự phát triển nhanh của khoa học hiện nay, một giảng viên không nghiên cứu thực tế sẽ không phản ánh kịp thời thực tiễn phong phú ở cơ sở. Vì vậy, việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế ở cơ sở đang đi theo chiều hướng đúng đắn đã và đang có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần phải được phát huy hơn nữa trong công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên khoa Xây dựng Đảng nói riêng, đội ngũ giảng viên trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn nói chung trong giai đoạn hiện nay.

Trên đây là một số những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên khoa Xây dựng Đảng. Thực hiện tốt những giải pháp này sẽ giúp giảng viên nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế tại cơ sở ./.   

                                                                Triệu Thị Huệ

                                                                        Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng