Skip to main content
x
29 April 2021

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là trang sử vàng chói lọi trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam nói chung và của nhân dân các nước nước thuộc địa trên toàn thế giới ở thế kỷ 20 nói chung. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm lên sự kiện lịch sử trọng đại ấy là sự chỉ đạo sáng suốt và đúng đắn về phương hướng tác chiến cùng sự động viên quân dân rất kịp thời của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện và lâu dài”, từ 1946 đến 1953 quân dân ta đã dần giành thế chủ động trên khắp các chiến trường còn quân Pháp bị đẩy vào thế phòng ngự bị động và sa lầy ở Đông Dương. Trong khi đó tình hình chính trị, xã hội tại nước Pháp ngày càng rối ren, phức tạp. Tình trạng kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đã đẩy nền kinh tế của nước Pháp lâm vào khủng hoảng trầm trọng, các phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh Đông Dương của nhân dân Pháp ngày càng lan rộng, mâu thuẫn trong giới cầm quyền Pháp ngày càng gay gắt. Chỉ trong vòng 8 năm tiến hành chiến tranh Đông Dương, nội các Chính phủ Pháp đã phải thay đổi tới 18 lần. Trước tình hình trên, giới cầm quyền hiếu chiến Pháp chủ trương dựa vào sự viện trợ của Mỹ nhiều hơn để tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, nhằm tìm cho nước Pháp “một lối thoát danh dự” ra khỏi cuộc chiến tại Việt Nam. Được sự hậu thuẫn của Mỹ, tháng 5/1953, chính phủ Pháp cử tướng Henri Nava, làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Sau khi nghiên cứu thực trạng chiến trường Đông Dương và căn cứ vào ý đồ chính trị của Pari cùng thái độ của Oasinhtơn đối với cuộc chiến tranh Đông Dương, tướng Nava vạch ra một kế hoạch quân sự mang tên “Kế hoạch Nava” với hy vọng trong một thời gian ngắn sẽ giành một thắng lợi quyết định về quân sự, xoay chuyển tình thế cuộc chiến ở Đông Dương, chuyển bại thành thắng. Theo kế hoạch Nava, phần tác chiến gồm hai bước và hoàn thành trong 18 tháng: Bước 1, từ thu - đông 1953 đến xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược ở Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam, tập trung binh lực xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh. Bước 2, từ thu - đông 1954, dồn toàn bộ lực lượng ra Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng nhằm kết thúc chiến tranh.

Trước tình hình trên, cuối tháng 9/1953, tại bản Tỉn Keo, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa cuộc họp Bộ Chính trị bàn và quyết định kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953-1954). Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị hai phương án. Phương án thứ nhất: địch tập trung lực lượng ở đồng bằng Bắc Bộ, uy hiếp vùng tự do của ta, thì ta cần tập trung toàn bộ hay phần lớn chủ lực ta ở đồng bằng, tranh thủ tiêu diệt một bộ phận quân địch, phối hợp đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ vùng tự do trong một thời gian. Sau khi địch bị tổn thất đến mức độ nhất định, vùng tự do của ta được củng cố, lúc đó ta sẽ tuỳ tình hình để chủ lực hoạt động ở vùng đồng bằng hoặc điều động đi hướng khác. Phương án hai: địch tập trung số lượng ở đồng bằng Bắc Bộ, chiến trường đồng bằng lại có nhiều thuận lợi cho địch, ít thuận lợi cho chủ lực ta tác chiến; sử dụng chủ lực ở đó chỉ có thể thu được những thắng lợi có hạn, mà lại có thể bị tiêu hao lực lượng. Vì vậy, ta nên điều động chủ lực đánh ở những hướng khác, ở những hướng địch tương đối sơ hở, tiêu diệt sinh lực địch trong những điều kiện thuận lợi, buộc địch phải phân tán đối phó; cùng với đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích khắp các chiến trường sau lưng địch trên cả nước. Nếu địch đánh ra vùng tự do thì lực lượng chúng càng bị phân tán, chủ lực ta thu được thắng lợi ở hướng địch sơ hở thì tự khắc chúng phải rút khỏi vùng tự do của ta. Quyết tâm của Tổng Quân uỷ là chọn phương án thứ hai, với chủ trương: chưa nên đánh vào đồng bằng ngay mà phải phá tan âm mưu tập trung binh lực của địch để tạo điều kiện tác chiến tương đối lớn. Ta sẽ đưa một bộ phận chủ lực lên hoạt động ở Tây Bắc và đề nghị các đồng chí Pha-thét Lào cùng phối hợp với bộ đội ta hoạt động tại những chiến trường địch sơ hở để buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó. Trong khi đó, ta sẽ đẩy mạnh chiến tranh du kích tại tất cả chiến trường sau lưng địch, đặc biệt tại đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, giấu một số đơn vị chủ lực mạnh tại những vị trí cơ động để kịp thời tiêu diệt địch khi chúng đánh ra vùng tự do. Lúc này, do ta còn phải tiếp tục nghiên cứu để nắm được những điều cụ thể trong âm mưu mới của địch nên phương châm chỉ đạo tác chiến là cơ động, linh hoạt. 

Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo, Người nhấn mạnh phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nhắc: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn... Phương hướng chiến lược không thay đổi. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hành động có thể thay đổi. Phép dùng binh là thiên biến vạn hóa” [1].

Thực hiện cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân, quân và dân ta đã làm đảo lộn kế hoạch chiến tranh của Pháp - Mỹ, làm xoay chuyển cục diện chiến trường có lợi cho ta. Trong khi Nava tập trung quân xây dựng lực lượng cơ động chiến lược để có “quả đấm” mạnh, thì những chiến dịch của quân ta trên các chiến trường, đặc biệt là hướng Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào làm cho quân địch hết sức bị động, lúng túng, phải căng mỏng lực lượng ra đối phó.

Tháng 11/1953, Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, xương sống của “Kế hoạch Nava”. Lực lượng của địch ở đây lên tới 16.000 quân, bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 03 tiểu đoàn pháo binh, 01 tiểu đoàn công binh, 01 đại đội xe tăng, 01 đại đội xe vận tải, 01 phi đội máy bay thường trực cùng nhiều vũ khí hiện đại của Pháp và Mỹ nhằm làm bàn đạp chiếm lại Tây Bắc, khống chế chiến trường Lào, đồng thời giữ quân chủ lực ta ở Việt Bắc để quân Pháp rảnh tay hoạt động ở đồng bằng Bắc Bộ và đánh chiếm Liên khu 5. Mặc dù có tới 50 vạn quân, bao gồm cả quân ngụy, nhưng Nava không thể đối phó với cuộc tiến công của quân ta trên khắp các chiến trường. Hy vọng duy nhất của Nava là ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một cứ điểm quân sự mà cùng với các Bộ trưởng, tướng lĩnh Pháp và nhiều tướng lĩnh Mỹ đã nhiều lần tới kiểm tra cứ điểm Điện Biên Phủ, kể cả Phó Tổng thống Mỹ Níchxơn, đều hết lời ca ngợi và tuyên truyền đây là “một cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm, không thể công phá”.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác nhận định tình hình chiến sự Đông Xuân 1953 - 1954 và thống nhất chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Người chỉ rõ "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được"[2]. Cũng trong cuộc họp quan trọng này, Người cùng Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận.

1

Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trước khi lên đường ra chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tới chào Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã căn dặn: "Tổng tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại, Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau", và người nhắc: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh"[3]. Chính nhờ sự tin tưởng cao độ của Người mà Đại tướng đã có một "quyết định khó khăn nhất" trong cuộc đời cầm quân, đó là quyết định chuyển từ phương án "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" và thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh tính đúng đắn của quyết định này.

Do tính chất tối quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ nên Bác dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, động viên quân và dân ta từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch. Ngay khi các đơn vị ta tiến lên Tây Bắc, Người đã gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ: “Thu – Đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào bị giặc đè nén. Năm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng... các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh... Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú” [4].

Ngày 22/2/1954, Tổng Tư lệnh ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, toàn thể các đơn vị, các binh chủng kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch. Lời kêu gọi phát ra, bộ đội ta hăng hái khoét núi, đào hầm, kéo pháo vào trận địa, đánh chiếm các cứ điểm Hồng Cúm, sân bay Mường Thanh. Giữa lúc đó có thư của Bác Hồ: “Các chú ra trận, nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự đã thu được nhiều thắng lợi. Bác tin chắc rằng, các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to - Bác hôn các chú”[5]. Lời động viên kịp thời của Người đã biến thành hành động thực tế của cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ.

2

Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

3

Đội hình vận tải bằng xe thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Tư liệu TTXVN).   

Sự động viên đó không chỉ dành cho các lực lượng tham gia chiến dịch, mà còn thể hiện sâu sắc đối với từng cán bộ, chiến sỹ, từ những vấn đề rộng lớn tới những tình huống cụ thể trong chiến đấu và sinh hoạt. Với mặt trận đảm bảo cung cấp cho chiến dịch, một công việc nặng nề có tính quyết định tới sự thành bại của chiến dịch, Bác cũng đã có thư riêng “Gửi cán bộ cung cấp và đồng bào dân công”. Bác đã tặng cờ “Quyết chiến quyết thắng” làm giải thưởng luân lưu để khích lệ mọi người lập công trong chiến dịch. Tết Giáp Ngọ (1954), Người đã gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sỹ ở mặt trận một chiếc ca uống nước có in đậm hàng chữ đỏ tươi “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”. Tới gần ngày nổ súng mở màn chiến dịch, tháng 3/1953, Người lại có thư gửi cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên.

Ngày 13/3/1954, quân ta đồng loạt nổ súng mở đợt tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, các phòng tuyến vòng ngoài của địch đã bị phá vỡ và tiêu diệt. Để động viên kịp thời, ngày 15/3, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen ngợi cán bộ, chiến sĩ đã chiến thắng hai trận mở màn chiến dịch ở Him Lam, Độc Lập. Đồng thời, Người nêu rõ ý nghĩa lịch sử quan trọng của chiến dịch cả về quân sự, chính trị và nhắc nhở quân đội ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan, khinh địch để giành toàn thắng cho chiến dịch này.

4

Trận pháo kích vào cứ điểm Him Lam, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Suốt quá trình diễn ra chiến dịch, Bác còn dành sự quan tâm đặc biệt tới tình hình chiến trường. Để khắc phục những khó khăn, trở ngại, bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến, Bộ Chính trị và Bác đã kịp thời ra Nghị quyết, chỉ rõ “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này” [6]. Chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã huy động được một khối lượng lớn sức người, sức của từ nhiều vùng miền, từ nhiều giai cấp, tầng lớp trong cả nước. Theo số liệu tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công với 18.301.507 ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền [7]. Trong khi đó chiến trường Điện Biên Phủ ở cách xa hậu phương có nơi tới 500-600 km, địa thế hiểm trở.

Trải qua “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non; gan không núng; chí không mòn”, ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Quân đội nhân dân Việt Nam đã hiên ngang tung bay trên nóc hầm Đờ Cát (De Castries), quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan dã tâm xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng Việt Nam.

5

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu thời khắc của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.” (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

6

Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ diễu hành mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ giữa tiếng reo hò vang dậy của bộ đội, dân công và nhân dân các dân tộc Điện Biên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngay sau ngày giành chiến thắng, tức là ngày 08/5/1954, Bác đã viết thư “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen cán bộ, chiến sĩ dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bước đầu. Chúng ta không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để đấu tranh độc lập thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự, ngoại giao đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn” [8].

7

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đã 67 năm trôi qua, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một “cái mốc chói lọi bằng vàng” mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo, là niềm tin của các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do. Để có được chiến công lẫy lừng đó, chính là nhờ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác không chỉ theo dõi sát sao tình hình ngoài trận địa để đưa ra những phương châm, chiến lược chỉ đạo đúng đắn mà còn quan tâm, săn sóc và cổ vũ, động viên kịp thời các cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đang chiến đấu vì độc lập tự do của nước nhà. Người đã truyền cho các chiến sĩ ta một ý chí quyết chiến quyết thắng, một nghị lực, một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá để quân và dân ta vượt qua khó khăn hiểm nguy giành thắng lợi hoàn toàn. Chính vì vậy, khi trả lời một chính khách nước ngoài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hồ Chí Minh là một nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam"[9]. Bởi dựa trên nền tảng chỉ đạo chiến thuật "chắc thắng mới đánh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kiên quyết thay đổi phương án tác chiến, góp phần quyết định vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Còn Đại tướng Henri Nava, người đối đầu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận Điện Biên phủ cũng thừa nhận: “Phía Việt Nam chiến thắng là đúng. Vì trong suốt 9 năm chiến tranh, họ chỉ có 1 người chỉ huy quân sự duy nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và 1 người chỉ huy chính trị cao nhất là Hồ Chí Minh”. Trong khi đó, phía Pháp có tới 20 Chính phủ, 7 Tổng tư lệnh, 8 Cao ủy thay nhau liên tiếp chỉ huy ở Đông Dương mà vẫn thất bại” [10].

ThS. Nguyễn Thanh Xuân

    Khoa Xây dựng Đảng

________________________

[1] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, tập 5, tr 374.

[2] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, tập 5, tr 403.

[3] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, tập 5, tr 416.

[4] Hồ Chủ Tịch với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1962, tr 150.

[5] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, tập 6, tr 135.

[6] Văn kiện lịch sử Đảng, tập VIII, Trường Nguyễn Ái Quốc xuất bản, Hà Nội 1964, tr 129.

[7] Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 -1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1993, tr 305.

[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2009, tập 6, tr 272.

[9] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2000, tr 294, tr 133.

 [10] Nava: Thời điểm của những sự thật, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội 2004, tr 49.