Skip to main content
x
27 April 2021

Di tích bia Thủy Môn Đình bao gồm công trình nhà bia và bia đá, được xây dựng trong một khuôn viên bằng phẳng với diện tích khoảng 60m2, thuộc sườn đồi Phjia Mạt, khu Vườn Sái thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Di tích cách cửa khẩu Hữu Nghị 02km về phía Nam tựa lưng vào núi, quay mặt về hướng Tây Nam. Bia do ông Nguyễn Đình Lộc - một viên quan triều Lê Trung Hưng công tạo dựng tại đình Thủy Môn (Đồng Đăng, châu Văn Uyên) vào năm Cảnh Trị thứ 8 (1670).

1

Bia Thủy môn đình (bản gốc)

được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Tác giả)

Nhà bia Thủy Môn Đình, được xây dựng theo kiến trúc dạng Phương Đình, để thoáng bốn mặt. Nền nhà bia được láng xi măng bằng phẳng cao hơn thềm sân khuôn viên 20cm, nâng đỡ toàn bộ kiến trúc mái là các hạng mục gỗ thuộc nhóm gỗ tứ thiết (lim, nghiến), gồm có 4 cột cái và 4 cột quân được thiết kế kê trên các chân tảng bằng đá, kết cấu bộ vì kèo theo kiểu giá chiêng - chồng rường, đế ghép; các xà thượng, bẩy hiên được chạm trổ các hình tượng (Long, Ly, Quy, Phượng); Mái được lợp bằng ngói chiếu và ngói mũi hài màu đỏ; kìm nóc được trang trí theo dạng đấu tam cấp, các đầu đao được tạo tác uốn cong như mây hóa rồng hướng thiên.

2

Toàn cảnh Nhà Bia Thủy Môn Đình tại đồi Phjia Mạt,

thị trấn Đồng Đăng (Ảnh: Tác giả)

Bia Thủy Môn Đình, được dựng trong nhà bia cao 130cm, rộng 84cm, dày 25cm; Trán bia hình bán nguyệt cao 20cm. Bia có chân mộng hình chữ nhật, kích thước cao 17cm, dài 60cm; rộng 15cm. Bia được chế tác bằng đá núi nguyên khối, màu xám xanh. Bia có vết rạn nhỏ ở thân, sứt mẻ nhỏ ở rìa cạnh; trán, cạnh trái và góc phải phía dưới  bị vỡ một mảnh nhỏ. Trên mặt bia - ngay dưới tên bia có một vết lõm tròn do bị đạn bắn. Chữ và các hình chạm khắc trên bia đều rõ nét, chữ ở mặt sau mờ. Bia được tạc hai mặt: Mặt 1 của bia tạc bài: Thể tồn bi kí, chữ còn rất rõ nét; Mặt 2 của bia có bài: Thuỷ Môn Đình (Đình Thuỷ Môn). Toàn văn nội dung bia được khắc bằng chữ Hán, kiểu chữ chân phương gồm 33 dòng, 869 chữ, phân bố trong 2 mặt bia được tạo tác rất quy chuẩn, cân đối; chữ sắc nét, hình trang trí chạm khắc đẹp và công phu, mang đặc trưng điển hình của nghệ thuật tạo hình thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17 – 18).

Bia Thủy Môn Đình luôn được nhắc đến khi nói về lịch sử Quốc hiệu Việt Nam, về chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc. Nhiều người đã nhất trí cho rằng, tấm bia này là một phát hiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa như một bản hùng ca của đất nước. Trong văn bia có câu "Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan" (Có nghĩa là: Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc). Hai chữ "Việt Nam" trong tấm bia này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng chứng minh tên nước Việt Nam đã có từ lâu, chứ không phải theo một số tài liệu cho rằng tên nước Việt Nam mới xuất hiện từ thời nhà Nguyễn khi vua Gia Long (Nguyễn Ánh) lên ngôi năm 1802, thống nhất đất nước mới đổi Quốc hiệu là Việt Nam vào  năm 1804.

Về giá trị lịch sử,      qua việc nghiên cứu, tìm hiểu nội dung bia Thủy Môn Đình đã nổi bật lên những giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng bởi cụm từ "Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan" (dịch nghĩa: Là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc). Việc sử dụng 2 chữ Việt Nam trên bia mang ý nghĩa hành chính rất quan trọng, bia đã khẳng định rằng Quốc hiệu Việt Nam đã được sử dụng từ trước những năm 1670. Việc có mặt hai chữ “Việt Nam” trong Bia Thủy Môn Đình có niên hiệu Cảnh Trị (năm 1670) có một giá trị lịch sử đặc biệt, vì đây là tấm bia được đặt ở cửa ngõ của đất nước. Tấm bia đã khẳng định vùng biên cương tổ quốc, một đất nước có chủ quyền, đất nước Việt Nam của con người Việt Nam.

Về giá trị văn hóa, bia Thủy Môn Đình được tạo tác rất đẹp và công phu, mang phong cách nghệ thuật điển hình của thời Lê Trung Hưng, chứa đựng giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, văn học. Đây là một trong số rất ít các thư tịch cổ, di vật lịch sử văn hóa ở nước ta có chữ "Việt Nam" hiện còn ở dạng nguyên gốc và nguyên dạng, là  di sản văn hóa vô cùng quý báu của đất nước. Nội dung tấm bia chứa đựng những cứ liệu lịch sử đặc biệt quan trọng liên quan đến tên gọi, chủ quyền lãnh thổ của nước ta ở nơi cửa ngõ Tổ quốc.

Địa điểm di tích bia Thủy Môn Đình đã được công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2002 theo quyết định số 41/2002/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia tại Quyết định số: 53/QĐ- TTg ngày 14 tháng 01 năm 2015 về việc công nhận bảo vật quốc gia của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của các thế hệ cha ông ta để lại.

Ngoài ra, bia Thuỷ Môn Đình còn có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc Việt Nam, đó là tấm gương lớn, là trang sử vàng cho con cháu đời sau thấy rõ những công lao bảo vệ biên cương Tổ Quốc của cha ông ta. Nội dung bia với tư tưởng chủ đạo là: “Liên kết tồn tại”, điều đó đã nhắc nhở chúng ta rằng phải đoàn kết các dân tộc anh em, chung sức chung lòng trong việc bảo vệ biên cương của Tổ Quốc.

Về giá trị khoa học, việc phát hiện bia Thủy Môn Đình đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học và công luận. Báo chí trong và ngoài nước đồng loạt đưa tin về phát hiện quan trọng này… Từ đó đến nay, di tích bia Thủy Môn Đình đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, nhất là trong lĩnh vực sử học. Di tích bia Thủy Môn Đình luôn được nhắc đến khi nói về lịch sử Quốc hiệu Việt Nam, về chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc. Nhiều người đã nhất trí cho rằng, tấm bia này là một phát hiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa như một bản hùng ca của đất nước[1].

Hiện nay ở nước ta mới phát hiện được 7 tài liệu, hiện vật có hai chữ "Việt Nam" có ý nghĩa như danh xưng của đất nước từ trước năm 1804. Hai chữ "Việt Nam" xuất hiện ở ngay phần đầu của tấm bia được dựng bởi Bắc quân Đô đốc xứ Lạng Sơn nên có ý nghĩa hành chính rõ rệt, thể hiện rõ ý nghĩa Quốc gia và danh xưng của tên gọi này. Mặt khác, đây là lần đầu tiên trong bia biên giới khẳng định rõ ràng vùng đất Lạng Sơn xưa là cửa ngõ, yết hầu, là ải quan trấn giữ phương Bắc của nước Việt Nam.

3

Nhà Bia Thủy Môn Đình (Ảnh: Tác giả)

Di tích bia Thủy Môn Đình được dựng ở nơi cửa ngõ của đất nước, là bằng chứng hùng hồn khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc. Nội dung của văn bia cũng nêu rõ những việc làm đúng đắn, tốt đẹp của Nguyễn Đình Lộc để đoàn kết nhân dân chung tay chung sức bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và là tư liệu quý giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, hệ thống quản lý hành chính ở nước ta nói chung và Lạng Sơn nói riêng dưới thời phong kiến góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu xác định nguồn gốc và tên gọi của Tổ quốc ta trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử. Đây là một trong số rất ít các thư tịch cổ, di vật lịch sử văn hóa ở nước ta có chữ "Việt Nam" hiện còn ở dạng nguyên gốc và nguyên dạng. Vì vậy, có thể coi đó là di sản văn hóa vô cùng quý báu của đất nước. Nội dung tấm bia chứa đựng những cứ liệu lịch sử đặc biệt quan trọng liên quan đến tên gọi, chủ quyền lãnh thổ của nước ta ở nơi cửa ngõ Tổ quốc.

Đối với giá trị du lịch, không gian cảnh quan, di tích bia Thủy Môn Đình nằm tiếp giáp với trục đường Quốc lộ 1A, có vị trí gần với các điểm di tích nổi tiếng khác như: Đền mẫu Đồng Đăng, Đền Quan, Pháo Đài Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng)… trong tương lai, đây là điểm di tích lý tưởng để kết nối trong cụm tour, tuyến tham quan du lịch của huyện Cao Lộc nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Điểm di tích với hệ thống giao thông thuận tiện đã kết nối thông suốt với các địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Quảng Ninh bằng các tuyến Quốc lộ 1A,1B, Quốc lộ 3, Quốc lộ 4 thuận lợi cho du khách di chuyển bằng các phương tiện ô tô, xe máy, tàu hỏa,… đến tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về di tích. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, tham quan trải nghiệm và học tập lịch sử; có sự kết nối liên hoàn với các điểm di tích trọng điểm và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lịch sử Chi Lăng huyện Chi Lăng, các điểm di tích nổi bật “Trấn doanh bát cảnh” tại thành phố Lạng Sơn trên trục đường Quốc lộ 1A và cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn cùng đó kết nối với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Khởi Nghĩa Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn trên trục đường Quốc lộ 1B trong các tiềm năng du lịch của huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn; gắn kết với cửa khẩu Hữu Nghị.

4

Bia Thủy môn đình (bản phục chế) tại đồi Phjia Mạt,

thị trấn Đồng Đăng (Ảnh: Tác giả)

Bia Thủy Môn Đình là tư liệu quý giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, hệ thống quản lý hành chính ở nước ta nói chung và Lạng Sơn nói riêng dưới thời phong kiến. Góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu xác định nguồn gốc và tên gọi của Tổ quốc ta trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử. Trong những năm qua, nhận thức rõ vai trò, giá trị của di tích Nhà bia Thủy Môn Đình có ý nghĩa lịch sử quan trọng với công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ; đồng thời nhằm tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp trong thời kỳ xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Các cấp, các ngành tỉnh Lạng Sơn đã có sự quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích bia Thủy Môn Đình.

                                                            ThS.GVC Phạm Anh Tuấn

     Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

 

[1] Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã đánh giá rất cao việc phát hiện tấm bia này và ghi nhận đây là một di vật "đặc biệt có giá trị" (Bài: Về tên nước và Quốc hiệu Việt Nam đăng trên Tạp chí Xưa và Nay số 144, tháng 7/2003).