Skip to main content
x
22 April 2021

Vấn đề suy thoái về đạo đức của cán bộ đảng viên luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng, nhất là từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên luôn được nhắc đến và là nỗi trăn trở của toàn Đảng và nhân dân ta trong điều kiện đảng cầm quyền. Cơ sở lý luận của vấn đề thuộc nội dung ý thức xã hội mà Triết học Mác - Lênin đã chỉ rõ trong mối quan hệ với tồn tại xã hội. Trong chương trình Trung cấp lý luận – chính trị, Bài 2. Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, mục 3.1 ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội thì những nhận định của Đại hội XIII về vấn đề suy thoái đạo đức của cán bộ đảng viên có thể soi chiếu, là tư liệu thiết thực trong quá trình giảng dạy. Để vận dụng tốt những đánh giá này cần chú ý một số nội dung như sau:

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII được tiến hành vào tháng 1-2021. Đại hội đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020. Trong phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội XII, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường; đất nước đang đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết; cán bộ, đảng viên, nhân dân đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. Trong nội dung nói về xây dựng Đảng, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình bày tại Đại hội XIII đã khẳng định, “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng đề cao. “Ngay đầu nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, đã nhận diện 27 biểu biện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55 – QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08 – QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”[1]. Từ đó góp phần “đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên”.[2]

Có thể thấy, từ Đại hội VI đến Đại hội XII, những nhận định, đánh giá về thực trạng đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên thì bên cạnh những cán bộ đảng viên vẫn giữ gìn được phẩm chất đạo đức cách mạng thì sự suy thoái về phẩm chất đạo đức của đội ngũ này có xu hướng tăng lên cả về quy mô (từ chỗ “một bộ phận” đến chỗ “một bộ phận không nhỏ”), về mức độ (từ chỗ là những việc sai phạm hàng tỷ đồng đến những vụ vi phạm hàng nghìn tỷ đồng), về tính chất (từ chỗ là “nghiêm trọng” đến “rất nghiêm trọng” và “vẫn nghiêm trọng”… các số liệu thống kê về xử lý kỷ luật ở những mức độ khác nhau đối với sai phạm của cán bộ đảng viên qua thời gian cũng tăng lên cả về số lượng và mức hình phạt.

Khi phân tích nội dung này, giảng viên cần dẫn các số liệu minh chứng cho tình trạng suy thoái này: tính riêng 3 năm (2012- 2014), số cán bộ, đảng viên các cấp bị xử lý tăng rất rõ. Trong đợt tự phê bình và phê bình năm 2012, số cán bộ đảng viên bị xử lý kỷ luật gần 16 nghìn người, tăng 16% so với năm 2011. Đến năm 2013, kỷ luật hơn 21 nghìn cán bộ, đảng viên. Năm 2014, theo số liệu thống kê có hơn 17 nghìn cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật ở các mức độ khác nhau. Như vậy, trong khoảng thời gian này đã có trên 50 nghìn cán bộ, đảng viên bị xử lý, kỷ luật. Đây là con số khá lớn. Số đảng viên bị xử lý, kỷ luật này có có diện Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định, có cả diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quyết định”[3].  Để từ đó, có thể thấy so với kỳ Đại hội trước, số lượng đảng viên có dấu hiệu vi phạm, xử lý kỷ luật đã giảm đi rõ rệt : Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, trong việc kiểm tra 264.091 tổ chức đảng và 1.124.146 đảng viên; tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên. Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên bằng các hình thức khác nhau; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên[4]Điều này góp phần không nhỏ làm chuyển biến, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng; giúp cho môi trường xã hội thêm lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội; từng bước củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Kết quả này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chấn chỉnh lại tác phong, đạo đức người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo giữ những trọng trách lớn trong việc điều hành, lãnh đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Nếu không kịp thời kiểm tra, xử lý sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, làm tổn hại lợi ích quốc gia và tổn thất cán bộ.

Tuy nhiên, khi nói về những hạn chế còn tồn tại, Văn kiện Đại hội XIII cho rằng: “Việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức lối sống của một số cán bộ đảng viên chưa thường xuyên, nền nếp, vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa … việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi”[5]. Khi giảng dạy, giảng viên cần phân tích làm rõ nguyên nhân của tình trạng suy thoái này là gì? Phân tích làm rõ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan,

Một là, sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội thế giới và quá trình toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm cho nhiều người hoang mang, dao động, mất phương hướng, khủng hoảng niềm tin về tương lai và những giá trị của chủ nghĩa xã hội. Đó là tiền đề trước hết dẫn tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

Hai là, tính chất phức tạp của thời kỳ quá độ. Hiện nay nước ta vẫn đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Về bản chất, thời kỳ quá độ là thời kỳ đan xen giữa xã hội mới chưa hình thành đầy đủ và xã hội cũ vẫn còn tồn tại. Chính sự đan xen cũ - mới như vậy đã tạo ra những điều kiện để những hiện tượng tiêu cực ở đội ngũ cán bộ, đảng viên dễ dàng nảy sinh và phát triển.

Ba là, tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường. Cơ chế thị trường đã thúc đẩy sự phát triển tích cực đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi căn bản diệm mạo của đất nước. Nhưng cơ chế kinh tế này cũng khuyến khách chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, bất chấp tất cả để chạy theo lợi nhận. Tất cả những điều này đã tác động một cách tiêu cực tới đạo đức xã hội nói chung cũng như đạo đức của một đội ngũ cán bộ đảng viên nói riêng.

Bốn là, sự chống phá của các thế lực thù địch. Lợi dụng những khó khăn, yếu kém trong đời sống kinh tế - xa hội, các thế lực thù địch tìm mọi cách khoét sâu thêm mâu thuẫn, lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc cán bộ, chia rẽ nội bộ, tuyên truyền lối sống hưởng thụ từ đó làm tha hóa một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Về chủ quan,

Nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa coi trọng việc tự kiểm tra, xử lý vi phạm; Một số nơi người đứng đầu chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ động, né tránh, trông chờ vào chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm; Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp; Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ; Việc phân định trách nhiệm của người đúng đầu trong mỗi quan hệ với cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ; chưa phát huy đúng mức vai trò của cá nhân trong tập thể…

Để từ đó, học viên thấy được sự tác động của các nguyên nhân khách quan và chủ quan trên đã dẫn tới tình trạng suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên hiện nay. Tuy vậy, từ thực tiễn cũng như trong các Văn kiện Đại hội của Đảng cho thấy, nguyên nhân chủ quan đóng vai trò quan trọng. Ngay từ sự tác động của mặt trái trong cơ chế thị trường, thì sự tác động đó cũng phụ thuộc nhiều vào vai trò của nhân tố chủ quan - đó là bản lĩnh chính trị, sự tu dưỡng rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên; sự chặt chẽ, nghiêm minh của hệ thống pháp luật. Cả nước đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những chuẩn mực đạo đức tiếp tục có sự thay đổi theo chiều hướng cả tích cực và tiêu cực. Ngoài những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân loại vẫn trường tồn như tính nhân đạo, đồng cảm, vị tha... thì cơ chế thị trường sẽ tiếp tục tác động lớn đến sự thay đổi theo chiều hướng xấu đi của đạo đức xã hội. Khi xã hội phát triển ngày càng nhanh với việc tìm kiếm lợi nhuận để làm giàu chính đáng thì cũng kéo theo đó là lợi ích cá nhân nên sẽ có không ít cán bộ đảng viên bất chấp, coi thường dư luận, từ bỏ những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp đã được tạo dựng trước đây.

Quyết tâm phấn đấu đạt được mục tiêu của Đại hội XIII, ở mốc các năm: 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, một trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021 – 2030) đòi hỏi phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc “đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng”[6] đồng thời là yêu cầu mà công tác xây dựng Đảng đặt ra trong giai đoạn hiện nay./.

Th.S Lê Thị Thảo

Giảng viên, Khoa Lý luận cơ sở

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB.Chính trị quốc gia, H.2021, tập 2,tr.173

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB.Chính trị quốc gia, H.2021,tập 2,tr.178

[3] Theo Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam VOV, ngày 16/01/2015

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB.Chính trị quốc gia, H.2021,tập 2,tr.288

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB.Chính trị quốc gia, H.2021,tập 2,tr.179

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB.Chính trị quốc gia, H.2021,tập 1,tr.184