Skip to main content
x
30 March 2021

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, ngày 17/5/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 587/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 - 2030.

Mục tiêu của đề án áp dụng đối với các Trường Chính trị đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp mẫu mực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có năng lực sư phạm, phong cách làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên chia làm 02 giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất đến năm 2025: đội ngũ giảng viên có cơ cấu 4 độ tuổi, bảo đảm sự kế thừa liên tục: Dưới 40 tuổi chiếm 15%; Từ 40 - 50 tuổi chiếm 35 - 40%; Từ 50 - 60 tuổi chiếm 35 - 40%; Trên 60 tuổi chiếm 5 - 10%.

- Giai đoạn thứ hai đến năm 2030:

+ Giảng viên chiếm tỉ lệ tối thiểu 65% công chức, viên chức

+ Tối thiểu 70% trở lên giảng viên được chuẩn hóa, có trình độ chuyên môn phù hợp chức danh, vị trí việc làm, thành thạo phương pháp nghiên cứu khoa học và phương pháp giảng dạy hiện đại.

+ Tối thiểu 50% cán bộ khoa học dưới 40 tuổi sử dụng trực tiếp ngoại ngữ (tiếng Anh) trong nghiên cứu và giảng dạy.

+ Mỗi trường chính trị cấp tỉnh có 05 tiến sĩ trở lên, 70% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên. Hiệu trưởng có trình độ tiến sĩ; phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và các trưởng khoa có trình độ thạc sĩ trở lên.

Đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý: Đến năm 2030, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý tiên tiến; có khả năng tổ chức, quản lý, điều hành hiệu quả các hoạt động của nhà trường, nhất là quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Đội ngũ công chức tham mưu, giúp việc: Đến năm 2030, 100% công chức được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại, nâng cao hiệu quả các mặt công tác; có ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ văn minh, hiện đại.

Đề án đưa ra các giải pháp để thực hiện đó là:

Giải pháp thứ nhất, khảo sát, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về năng lực, trình độ, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gồm: Bộ dữ liệu về năng lực, trình độ, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu và giảng dạy; Bộ dữ liệu về tương quan giữa chuyên môn với năng lực, trình độ, kỹ năng, phương pháp giảng dạy; Chỉ báo về nhu cầu, năng lực sở trường, khả năng phát triển chuyên môn.

Giải pháp thứ hai, xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ.

Cập nhật, hoàn thiện các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với quy định mới của Đảng và pháp luật.

Xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức theo từng chức danh.

Xây dựng phần mềm quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Giải pháp thứ ba, xây dựng, ban hành kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tỉnh giản biên chế với lộ trình, giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện. Thực hiện hiệu quả công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Giải pháp thứ tư, thực hiện tuyển dụng, bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ, giảng viên, ưu tiên đối tượng trẻ, tài năng, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Xây dựng, ban hành Quy chế tuyển dụng công chức, viên chức có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có cơ chế, chính sách để thu hút nhân lực có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức về công tác trường.

Giải pháp thứ năm, xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện đại đối với công chức, viên chức, phù họp với từng nhóm đối tượng.

Giải pháp thứ sáu, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức)

Giải pháp thứ bảy, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Cử công chức, viên chức có năng lực tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên đề ngắn hạn, trung hạn ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Giải pháp thứ tám, tăng cường công tác luân chuyển, biệt phái và đi thực tế

Hằng năm, cử khoảng 5% tổng số công chức, viên chức trường luân chuyển, biệt phái, đi thực tế có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm.

Đối với Học viện, tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành Quy chế phối hợp giữa Học viện với các tỉnh ủy, thành ủy và chính quyền địa phương trong việc cử cán bộ đi luân chuyển, biệt phái (được bố trí đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc biệt phái để nghiên cứu, tổng kết thực tiễn)…

Đề án đưa ra các giải pháp khác như: Xây dựng, có cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hĩnh thức… Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức trường chính trị cấp tỉnh. Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân, nhiệm vụ, kết quả công tác, thành tích của từng cán bộ, công chức, viên chức. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kết nối toàn hệ thống Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh để chia sẻ tri thức, nâng cao hiệu quả công tác của hệ thống. Xây dựng và đưa vào ứng dụng hệ thống đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống Học viện. Giải pháp về đổi mới chế độ, chính sách. Nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về chế độ, chính sách đối với đội ngũ công chức, viên chức Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh phù hợp với thực tế.

Đề án của Thủ tướng Chính phủ áp dụng ở các Trường Chính trị thực hiện từ năm 2019 đến hết năm 2030. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được giao chủ trì, phối hợp với các Tỉnh ủy, Thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ Lạng Sơn, chức năng nhiệm vụ thực hiện theo Quy định số 09-QĐi/TW, ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quy định số 09-QĐi/TU, ngày 27/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn, ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn.

Nhận thức được vị trí, vai trò của cán bộ, viên chức trong việc nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng, những năm qua, nhà trường đã luôn quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo đáp ứng ngày càng cao về trình độ và chất lượng giảng dạy của nhà trường, từng bước thực hiện một số quy định của đề án.

Biên chế Trường được giao 47 người, tại thời điểm hiện tại, tổng số cán bộ, viên chức và lao động là 50 người (Trong đó: Biên chế 46 người và 04 hợp đồng lao động có thời hạn); Nam 20 người, Nữ 30 người.

Về trình độ chuyên môn: 43 đồng chí có trình độ đại học trở lên, trong đó có 33 đồng chí trình độ thạc sỹ; 03 đồng chí hiện đang học chương trình cao học. Trình độ lý luận chính trị: 17 đồng chí trình độ cao cấp; 16 đồng chí trình độ trung cấp. Kiến thức QLNN: Đã bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp 04 đồng chí; ngạch chuyên viên chính 19 đồng chí; ngạch chuyên viên 17 đồng chí.

Về ngạch công chức, viên chức: 13 giảng viên chính và tương đương (viên chức hạng II); 28 giảng viên và tương đương (viên chức hạng III). Trong đó, đội ngũ giảng viên nhà trường gồm 38/46 đồng chí chiếm 82,6% tổng biên chế.

Cơ cấu, trình độ của giảng viên trong nhà trường cơ bản đảm bảo đầy đủ theo tiêu chuẩn. Hằng năm nhà trường cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật bổ sung kiến thức mới trong các môn học, phần học; bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng, phương pháp giảng dạy tích cực - cơ bản, kiến thức về tin học, ngoại ngữ. Năm 2020, 02 đồng chí đi học lớp bồi dưỡng nguồn nghiên cứu sinh; 03 đồng chí đi đào tạo cao học; 04 đồng chí tham gia lớp bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp sở và tương đương; 01 đồng chí tham bồi dưỡng ngạch chuyên viên; 02 đồng chí tham bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính; 47 lượt cán bộ, giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn; 02 đồng chí tham lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung; 09 đồng chí tham gia lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của nhà trường từng bước được nâng lên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Tuy nhiên, trong thời gian tới để thực hiện Đề án có hiệu quả, nhiệm vụ của nhà trường sẽ phải: Đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về phẩm chất chính trị, đạo đức; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc; kỹ năng giảng dạy lý luận chính trị; kỹ năng lãnh đạo, quản lý; kỹ năng áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ phù hợp với yêu cầu và thực tiễn. Thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm đối tượng, tăng cường nghiên cứu thực tế. Có chính sách ưu tiên nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực./.

                                                         ThS. Hà Minh Thảo

Phó Trưởng phòng QLĐT & NCKH