Skip to main content
x
30 March 2021

Cải cách hành chính (CCHC) là quá trình cải biến có kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu hoàn thiện một hay một số nội dung của nền hành chính nhà nước (thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, tài chính công..) nhằm xây dựng nền hành chính công đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại. Trên cơ sở Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành các văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện, như: Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2010; Kế hoạch CCHC giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020; Kế  hoạch CCHC hằng năm; các Chương trình, Kế hoạch thực hiện theo từng lĩnh vực CCHC và các văn bản, kế hoạch nâng cao chất lượng công tác CCHC, xác định rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong tham mưu, thực hiện; chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương bám sát nội dung để hoàn thành tốt chương trình CCHC của tỉnh và xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện CCHC của cơ quan, đơn vị. Song song với việc ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác CCHC, trong các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cũng đã chỉ đạo gắn việc thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể với công tác CCHC. Kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hiện đại hành chính giai đoạn 2011- 2020 đạt được như sau:

Trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh. Để triển khai các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 và Kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020; Tỉnh ủy, UBND đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện có hiệu quả góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp chính quyền. Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 18/5/2010 của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch số 102/KH-UBND, ngày 22/9/2016 của UBND tỉnh về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020; Chỉ thị số 26- CT/TU, ngày 17/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 201/KH-UBND, ngày 13/12/2017 của UBND tỉnh về triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và một cửa điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2018 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 88/KH-UBND, ngày 10/5/2019 của UBND tỉnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh năm 2019; Kế hoạch hành động số 106/KH-UBND, ngày 06/6/2019 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 07/3/2019 của Chính phủ.

Đối với hoạt động ứng dụng CNTT tại tỉnh

Mạng viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp.  Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 2.524 trạm BTS (bao gồm cả trạm 2G, 3G, 4G), bán kính phục vụ bình quân khoảng 1,63km/trạm. 100% số xã có sóng di động 2G và 100% thị trấn, thành phố có sóng di động 3G, mạng internet băng rộng cáp quang triển khai đến 226/226 xã phường, thị trấn.; hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cơ bản đáp ứng yêu cầu. 100% các cơ quan, đơn vị có kết nối internet tốc độ cao và hệ thống mạng LAN được hoàn thiện; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị khối hành chính đạt 96%. Trong đó, cấp sở ngành đạt 100%; cấp huyện đạt 100%; cấp xã đạt  89%. Các trang thiết bị phụ trợ như máy in, máy photo, máy quét, thiết bị mạng cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác.

Nguồn nhân lực CNTT tại các cơ quan, đơn vị ngày càng được cải thiện; các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng; 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện sử dụng thành thạo máy vi tính và các phần mềm quản lý công việc. Tỉnh đã tổ chức nhiều lớp theo chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở; đào tạo kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức.

Trong hệ thống quản lý văn bản và chỉ đạo, điều hành được triển khai đồng bộ, thống nhất trong tất cả các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia; 100% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện trên môi trường mạng, thay thế văn bản giấy (trừ văn bản mật); hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được đầu tư, triển khai với 217 điểm cầu; tỷ lệ các cuộc họp được thực hiện thông qua hệ thống chiếm khoảng 30% trên tổng số các cuộc họp, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Đến nay có 22 điểm cầu cấp tỉnh, 11 điểm cầu cấp huyện,  200 điểm cầu cấp xã. Đặc biệt, hệ thống quản lý văn bản và hội nghị truyền hình trực tuyến đã phát huy vai trò khi cả xã hội tham gia phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo bộ máy hành chính Nhà nước vận hành liên tục, thông suốt. Chữ ký số cho tổ chức và cá nhân đã triển khai tới 100% các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện Đến thời điểm hiện tại, tổng số chữ ký số đã cấp cho tổ chức và cá nhân là 1.297 chữ ký số, trong đó của tổ chức là 414 chữ ký số, của cá nhân là 883 chữ ký số và được mở rộng đến cấp xã; được tích hợp trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin mạng trong gửi, nhận thông điệp điện tử, văn bản điện tử và chứng thực điện tử. Đến thời điểm hiện tại đã cấp 1.297 chữ ký số chuyên dùng cho cá nhân và tổ chức; thực hiện tích hợp chữ ký số trên SIM điện thoại di động (SIM PKI) cho 125 cá nhân là lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.       Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh cấp cho các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% cán bộ, công chức của tỉnh đã được cấp hộp thư điện tử công vụ để trao đổi công việc; tổng số tài khoản thư điện tử công vụ được cấp đến thời điểm hiện tại là 14.325 tài khoản; tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ đạt trên 50%. Cổng dịch vụ công của tỉnh được triển từ tháng 02/2018; bên cạnh đó, cổng dịch vụ công của tỉnh cũng đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện liên thông đối với một số dịch vụ. Cổng thông tin điện tử tỉnh: Bao gồm 01 trang giao diện chính của Cổng và 34 trang thành viên của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và một số trang của các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh được liên kết với Cổng thông tin điện tửhoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ về danh mục và tin tức theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP, ngày 13/6/2011 của Chính phủ; thường xuyên cập nhật, đăng tải nội dung đảm bảo cung cấp thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo ISO tỉnh; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001; hằng năm tổ chức các cuộc Hội nghị đào tạo kiến thức về HTQLCL. Đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có 240 đơn vị triển khai xây dựng, áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 90016. Trong đó, có 76/76 đơn vị thuộc đối tượng phải áp dụng và 164 đơn vị thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.

Có được những kết quả trên là do công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ cải cách hiện đại hóa hành chính nói riêng và các nhiệm vụ cải cách hành chính nói chung trên địa bàn tỉnh đã được các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai. Kế hoạch cải cách hành chính của từng cơ quan, địa phương đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh, đồng thời có sự nghiên cứu cụ thể hóa để đáp ứng tốt thực tiễn hoạt động quản lý của từng ngành, địa phương. Căn cứ vào kết quả tổng kết Chương trình tổng thể giai đoạn 2011 - 2020; từ yêu cầu CCHC và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh đã đề xuất một số giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hiện đại hóa hành chính giai đoạn 2021- 2030 như sau:

Một là, kịp thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được Trung ương giao, các chính sách, pháp luật về quản lý, ứng dụng và phát triển CNTT trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử và phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương, liên thông đồng bộ và chia sẻ dữ liệu dùng chung qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung của tỉnh; kết nối liên thông với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ba là, duy trì hoạt động có hiệu quả nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung cấp tỉnh, cho phép liên thông đồng bộ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong toàn tỉnh, đồng thời kết nối liên thông với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019-2025 theo Quyết định số 1036/QĐ-UBND, ngày 07/6/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn; triển khai xây dựng đô thị thông minh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Bốn là, duy trì, cải tiến hệ thống tại các cơ quan hành chính Nhà nước đã áp dụng ISO, đảm bảo 100% cơ quan duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng đúng yêu cầu TCVN ISO 9001: 2015; đảm bảo thực chất, hiệu quả và tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2015 tại các đơn vị áp dụng; triển khai áp dụng tới UBND các xã còn lại, phấn đấu 100% UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động của đơn vị. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn và tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, xây dựng, áp dụng và duy trì cải tiến đối với các đơn vị áp dụng trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.

Hiện đại hóa hành chính là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay. Hoạt động này không chỉ làm tăng năng suất lao động mà còn góp phần quan trọng thay đổi phương thức làm việc của cán bộ, công chức, hướng tới một môi trường hành chính hiện đại, từ đó đạt được các mục tiêu của cải cách hành chính trong thời gian tới./.

                                                                  Hoàng Xuân Yến

                                                           Khoa Nhà nước và pháp luật