Skip to main content
x
25 February 2021

Lạng Sơn là vùng đất cửa ngõ “phên dậu”, địa đầu của Tổ quốc với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã cùng đồng bào cả nước anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà, lập nên nhiều chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử những trang vàng chói lọi.     

Trong những năm 1925 và 1926 hòa cùng phong trào của cả nước, dưới sự vận động của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu (1925) và để tang cụ Phan Châu Trinh (1926) đã được tổ chức khá rộng rãi ở Lạng Sơn, đặc biệt ở thị xã Lạng Sơn và có những hoạt động tích cực trong việc truyền bá chủ nghiã Mác - Lênin và vận động các tầng lớp nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt từ năm 1925 những thanh niên yêu nước từ các tỉnh được hướng dẫn, tổ chức theo học các lớp huấn luyện chính trị do Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên mở, đi lại qua các ga Đồng Đăng, Bản Trang, Na Sầm đã tác động trực tiếp tới nhiệt huyết của một số thanh niên đang sục sôi quyết tâm hành động tiêu biểu như Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri đang học tại Trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn, thị xã Lạng Sơn. Năm 1926 hưởng ứng cuộc vận động của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, những nhóm thanh niên yêu nước, có chí hướng cứu nước đã ra đời, tiêu biểu là nhóm thanh niên yêu nước ở Trường Tiểu học Pháp - Việt Lạng Sơn. Tháng giêng năm 1928 từ Đồng Đăng, đồng chí Hoàng Văn Thụ sang Trung Quốc bắt được liên lạc với ông Bùi Ngọc Thành, đại diện của Việt Nam Cách mạng thanh niên hoạt động ở khu vực Long Châu – Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), cuối 1928, hai anh đã được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Cuối năm 1929, đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng với Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn (ở tỉnh Cao Bằng) được kết nạp vào Đông dương Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức cộng sản tiêu biểu của những người Cộng sản Việt Nam và các anh đã quyết định đi theo con đường cách mạng vô sản.

Ngày 03/02/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, từ đây cách mạng Việt Nam đã có bộ tham mưu lãnh đạo thống nhất. Ngay sau khi Đảng ra đời thực hiện chủ trương của Đảng về việc vận động và xây dựng phong trào quần chúng cách mạng ở các tỉnh biên giới miền núi để tạo ra địa bàn hoạt động thuận lợi cho Đảng. Để tạo ra một địa bàn hoạt động thuận lợi cho Đảng ta, chi bộ Đảng Cộng sản chỉ đạo vùng biên giới Cao - Bắc - Lạng thành lập (Giữa năm 1930), gồm các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư. Đầu năm 1933, từ những cơ sở đầu tiên ở Khưa Đa, Ma Mèo, Tân Thanh, Tân Yên phong trào cách mạng đã phát triển đến nhiều xã như Thụy Hùng, Hồng Phong, Phú Xá…Trước sự phát triển nhanh chóng của phong trào quần chúng cách mạng, chi bộ Đảng vùng biên giới đã quyết định thành lập một cơ sở Đảng làm nòng cốt để chỉ đạo phong trào. Thực hiện chủ trương đó, được sự ủy nhiệm của Đảng, giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Đoàn Viết Thọ tới Thụy Hùng, Văn Uyên (nay là xã Thụy Hùng, huyện Cao lộc) tổ chức kết nạp đảng viên, thành lập chi bộ Thụy Hùng, là chi bộ đầu tiên ở Văn Uyên và tỉnh Lạng Sơn với 5 đảng viên là các đồng chí: Đoàn Viết Bứng, Đoàn Viết Cảnh, Đồng Viết Đại, Nông Viết Bảo và Mã Khánh Phương do đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư.

Giữa năm 1934, trước sự phát triển của tình hình cách mạng ở Lạng Sơn, Ban lãnh đạo của Trung ương Đảng đã ra chỉ thị thành lập ban lãnh đạo phong trào cách mạng ở Lạng Sơn. Thực hiện chỉ thị đó, trên cơ sở chi bộ Đảng cộng sản Thụy Hùng, Ban Cán sự tỉnh Lạng Sơn được thành lập, gồm các đồng chí Đoàn Viết Bứng, Đoàn Viết Cảnh, Đồng Viết Đại, Nông Viết Bảo, Mã Khánh Phương. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công phụ trách Ban Cán sự tỉnh Lạng Sơn. Sau khi Ban Cán sự tỉnh ra đời phong trào cách mạng ở Lạng Sơn phát triển thêm một bước mới. Bên cạnh sự củng cố phát triển các cơ sở cách mạng ở vùng biên giới, Ban cán sự đã cử một số đồng chí cán bộ đảng viên tăng cường vận động tổ chức cơ sở quần chúng cách mạng xuống các địa phương phía Nam trong đó có Bắc Sơn. Đến cuối tháng 7/1936, thông qua đồng chí Đường Văn Thông, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới Châu Bắc Sơn để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Sau hai tháng gây dựng cơ sở cách mạng, ngày 25/9/1936 chi bộ Đảng đầu tiên ở châu Bắc Sơn được thành lập tại thôn Mỏ Tát xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn), cử Đồng chí Đường Văn Thông làm Bí thư Chi bộ, gồm các đảng viên: Hoàng Doãn Tạo (tức Hà Khai Lạc), Đường Văn Tư (tức Đường Quảng Long), Nguyễn Văn Phòng (tức Mai Huyền). Nhiệm vụ hàng đầu của chi bộ Bắc Sơn được xác định là cố gắng tập hợp, tổ chức lãnh đạo nhằm đưa nhân dân Bắc Sơn tiến sâu từng bước trên con đường đấu tranh cách mạng đòi dân sinh, dân chủ chống nguy cơ chiến tranh bảo vệ hòa bình.

Đầu năm 1938, được sự uỷ nhiệm của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới Phi Mỹ, trực tiếp giác ngộ, bồi dưỡng quần chúng tích cực kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản. Ngày 11/4/1938 dưới sự tổ chức của đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Lương Văn Tri, Chi bộ đảng Cộng sản đầu tiên ở Tràng Định đã được thành lập tại thôn Nà Han xã Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương, huyện Tràng Định), gồm các đồng chí: Bế Văn Bính - Bí thư, Hoàng Kim Sơn, Hoàng Văn Cường, Hoàng Văn Bản, Mã Văn Ngân, Hoàng Văn Thao và Triệu Dín Nè. Từ năm 1936 - 1939, hưởng ứng phong trào đấu tranh dưới hình thức mặt trận dân chủ Đông Dương do Đảng ta lãnh đạo, nắm bắt kịp thời chủ trương đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp.          

Như vậy, khẳng định rằng các Chi bộ Đảng Cộng sản ở Thụy Hùng, ở Bắc Sơn, ở Tràng Định được thành lập đã đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn. Các chi bộ đã tiếp tục vận động, tổ chức quần chúng ở trên đia bàn tham gia phong trào cách mạng, phát triển thêm những cơ sở quần chúng, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Đảng, thiết lập con đường giao thông bí mật tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ Đảng đi lại hoạt động ở hai vùng biên giới. Đầu năm 1941, giữa lúc phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta đang lên cao, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã về Pắc Bó - Cao Bằng để lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Tháng 5/1941 đã triệu tập hội nghị Trung ương 8 (từ ngày 10 - 19/5/1941), tại Pắc Bó, Cao Bằng. Hội nghị đã nhận định: Chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và nhân dân ta. Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội (viết tắt là Việt Minh), tổ chức Việt Minh các cấp được đẩy mạnh, phong trào đánh Pháp đuổi Nhật, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Năm 1942, Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng được thành lập. Sự thành lập Liên tỉnh đã có tác dụng thúc đẩy phong trào cách mạng trong 3 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn. Từ năm 1942 đến đầu năm 1945 được sự chỉ đạo trực tiếp của Liên tỉnh, các tổ chức Việt Minh ở tỉnh ta được phát triển mạnh mẽ ở Bắc Sơn, Tràng Định, Bình Gia, Thoát Lãng đã cung cấp hàng trăm cán bộ cho các cơ sở cách mạng trong tỉnh. Từ đó, các tổ chức hội như: Hội nông dân cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc được thành lập ở khắp mọi nơi, các hội này đã thường xuyên sinh hoạt phổ biến: Báo chí cách mạng, học tập văn hoá, tuyên truyền chủ trương cách mạng của Việt Minh. Cuối năm 1944 đầu năm 1945 với sự phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh đội vũ trang các nơi được thành lập ở Hội Hoan (Thoát Lãng), trong đội võ trang do đồng chí Hoàng Văn Kiểu chỉ huy; ở Văn Uyên trung đội võ trang do đồng chí Bế Chấn Biên chỉ huy; ở Chí Minh (Tràng Định) trung đội vũ trang do đồng chí Tuân chỉ huy; ở Văn Mịch (Bình Gia) trung đội võ trang do đồng chí Hà Tân Cương, Hà Khai Lạc chỉ huy...

Các Chi bộ Đảng đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đường lối cách mạng của Đảng cho nhiều địa phương tiến tới phát động phong trào trong toàn tỉnh Lạng Sơn. Trong phương pháp công tác các chi bộ đảng đã đề ra kế hoạch cụ thể cho từng địa bàn, phát động tổ chức quần chúng đấu tranh như: chống bắt phu, bắt lính; chống sưu cao thuế nặng; đòi tự do đi lại, hội họp.  Qua công tác tuyên truyền vận động cuả các chi bộ Đảng đã thành lập các nhóm hội quần chúng được thành lập như: Hội tương tế, Hội học văn hoá, Hội tìm hiểu sách báo cách mạng được ra đời và phát triển mạnh mẽ ở Văn Uyên, Thoát Lãng, Bắc Sơn, Tràng Định. Như các khu căn cứ du kích Hội Hoan (Thoát Lãng), Văn Mịch (Bình Gia), Chí Minh (Tràng Định) được thành lập tạo thành hệ thống căn cứ du kích liên hoàn với căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Đảng ta đã phát động quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền, trong đó có Lạng Sơn. Theo chủ trương của Liên tỉnh uỷ tháng 4 đến tháng 7/1945 nhiều nơi quần chúng đã nổi dậy giành chính quyền: Bắc Sơn ngày 18/4/1945; Bình Gia ngày 19/4/1945; Điềm He ngày 03/7/1945 và hầu hết các xã trong huyện Tràng Định và Thoát Lãng đã giành chính quyền. Một sự kiện quan trọng đã diễn ra là giữa tháng 5/1945, tại khu rừng Văn Mịch (Bình Gia), Tỉnh uỷ lâm thời Lạng Sơn được thành lập do đồng chí Lô Quang Nam làm Bí thư. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng các ban Việt Minh, ngày 19/8/1945 tại Đồng Mỏ (Chi Lăng) nhân dân đã giành chính quyền, cùng ngày 19/8/1945, phố Mẹt (Hữu Lũng) cũng giành được chính quyền, ngày 22/8/1945, Thoát Lãng được giải phóng hoàn toàn. Ngày 24/8/1945, Tỉnh uỷ triệu tập hội nghị và quyết định huy động lực lượng giải phóng tỉnh lỵ vào ngày 25/8/1945, cùng ngày 25/8/1945 huyện Cao Lộc đã giành được chính quyền, ngày 28/8/1945 huyện Lộc Bình giành được chính quyền. Đồng thời các chi bộ đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng nhân dân tham gia các phong trào đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân góp phần thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào ngày 02/9/1945.

ThS, GVC Lăng Văn Thăng

Khoa nhà nước và Pháp luật