Skip to main content
x
28 January 2021

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc; có 10 huyện, 01 thành phố loại II (có 03 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP); 200 xã, phường, thị trấn (trong đó có 31 xã, phường, thị trấn khu vực I; 57 xã khu vực II; 112 xã khu vực III), 1.850 thôn, bản, tổ dân phố. Có 114 xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã biên giới 83 thôn đặc biệt khó khăn của 24 xã khu vực II thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Dân số toàn tỉnh là 789.600 người; tổng số người dân tộc thiểu số (DTTS) là 655.896 người, chiếm 83,8% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 7,89%, trong đó số hộ nghèo DTTS là 20.137/21.336 hộ nghèo toàn tỉnh, chiếm 94,38%. Có 07 dân tộc chủ yếu là: Nùng 42,8%; Tày 35,4%; Kinh 16,11%; Dao 3,5%; Sán Chay 0,6%; Hoa 0,3%; Mông 0,17%; các dân tộc khác chiếm 0,12%. Với đặc điểm, tình hình như trên, trong năm 2020, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác dân tộc (CTDT) và thực hiện chính sách dân tộc (CSDT).

1. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Để triển khai thực hiện có hiệu quả CTDT trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng, quy định của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về CTDT, các CSDT thành các chương trình, kế hoạch cụ thể; chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước về CTDT cấp tỉnh, góp phần tinh giản bộ máy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CTDT trên địa bàn.

Tiếp tục tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi, dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án theo các CSDT. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, làm việc với các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra tình hình triển khai kế hoạch phát triển KT - XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 tại các huyện, thành phố, trong đó có CTDT và việc thực hiện các CSDT.

Chỉ đạo tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 25/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện chiến lược CTDT đến năm 2020; Kết luận số 1364-KL/TU, ngày 07/7/2020 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU, ngày 25/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với việc thực hiện Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về CTDT.Chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện thực hiện rà soát, đề xuất báo cáo khả thi thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

2. Việc thực hiện công tác dân tộc trên một số lĩnh vực

Công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm, cơ sở vật chất trường, lớp học đầu tư bổ sung, hoàn thiện; hệ thống mạng lưới trường, lớp tiếp tục được rà soát, sắp xếp lại theo hướng hợp lý và hiệu quả hơn. Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và triển khai biên soạn tài liệu địa phương cho các cấp học phổ thông. Công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 được triển khai nghiêm túc. Tiếp tục quan tâm hệ thống trường chuyên biệt trên địa bàn tỉnh. Phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) với 98 trường PTDTBT (gồm 957 lớp với 16.780 học sinh, tăng 1.280 học sinh so với năm học 2018 - 2019); 11 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) (gồm 117 lớp với3.504 học sinh). 11/11 trường PTDTNT đạt trường chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT luôn cao hơn mặt bằng chung của tỉnh.

Công tác khám chữa bệnh được triển khai thực hiện tốt, bảo đảm chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; thực hiện tốt công tác phòng, chống các loại dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, không có tử vong do mắc bệnh truyền nhiễm, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát trên tuyến biên giới, cách ly y tế, giãn cách xã hội trong nội địa. Đã cấp 391.258 thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS sinh sống ở vùng có điều kiện KT – XH khó khăn. Đang triển khai đến cơ sở việc thực hiện bộ tiêu chí quốc gia y tế xã năm 2020. Tổng số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã là 161/200 trạm.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được quan tâm, toàn tỉnh có 105/200 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, đạt 52,5%; có 1.817/1.850 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt  98,22%; có 161/200 xã, phường, thị trấn có sân tập thể thao, đạt 80,5%. Số gia đình văn hóa có 168.239/195.833 hộ, đạt 86%; 1.677/1.850 số thôn, bản, khối phố văn hóa, đạt 90%. Đang xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030; Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2035.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Đã đào tạo nghề cho 8.710 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55%, tăng 2,5% so với năm 2019. Tổ chức 54 phiên giao dịch việc làm; giải quyết việc làm mới được 15.000 lao động, đạt 100% kế hoạch. Trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý đã hỗ trợ cho 3.663 hộ, 12.638 nhân khẩu với tổng số 189,6 tấn gạo. Ngoài ra , thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tinh thần khẩn trương, đầy đủ, nghiêm túc; đã chi trả cho được 198.878 người, tổng kinh phí 163,89 tỷ đồng, đạt trên 99%. Việc chi trả kinh phí cơ bản kịp thời, đúng đối tượng.Các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế hộ nghèo, cận nghèo được mở rộng; việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo từng bước được phát huy, đời sống của đồng bào các DTTS được cải thiện, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,89%.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được tổ chức thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Công tác trợ giúp pháp lý được thực hiện thông qua các hoạt động chủ yếu như truyền thông về trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng kiến nghị. Tổng số người DTTS được trợ giúp pháp lý là 309 người cư trú ở xã, thôn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, tăng 22% so với năm 2019. Tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý 31 cuộc tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn với 926 lượt người tham dự.

1

Các đại biểu tham dự Hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

tại xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc (Ảnh:  Hứa Duyên – Ban Dân tộc tỉnh).

Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được củng cố, duy trì và phát triển; tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS được giữ vững. Tăng cường công tác chỉ đạo, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những thiếu sót, sơ hở, không để nảy sinh phức tạp; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu kích động đồng bào DTTS. Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS để vận động, giải thích cho cộng đồng hiểu rõ chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, qua đó yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, không tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp. Công tác đấu tranh phòng ngừa, trấn áp các loại tội phạm được tiến hành thường xuyên, quyết liệt, không để hình thành tội phạm có tổ chức, do đó tội phạm về hình sự, tệ nạn xã hội tiếp tục được kiềm chế, tỷ lệ điều tra phá án duy trì ở mức cao, không nảy sinh tụ điểm phức tạp về hình sự, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại và tệ nạn xã hội trong vùng đồng bào DTTS.

3. Việc thực hiện các chính sách dân tộc

Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung thực hiện; kết quả sản xuất nông lâm nghiệp cơ bản đạt kế hoạch. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch đúng hướng, tăng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế và đáp ứng nhu cầu thị trường. Tổng sản lượng lương thực 305,6 nghìn tấn, đạt 101,9% kế hoạch. Đàn trâu, bò, gia cầm cơ bản ổn định; dịch tả lợn Châu Phi cơ bản đã được kiểm soát nhưng việc tái đàn lợn còn chậm. Trồng rừng mới ước khoảng 9.953,7 ha, đạt 110,6% kế hoạch, tương đương cùng kỳ; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 63%. Đã đánh giá, phân hạng được 12 sản phẩm OCOP, trong đó: 04 sản phẩm 04 sao, 08 sản phẩm 03 sao. Đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chủ động triển khai các phương án phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện ngay từ đầu năm; thành viên Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên bám cơ sở, chỉ đạo, kiểm tra và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; hướng dẫn xã thực hiện tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí chưa đạt, đồng thời có kế hoạch củng cố, giữ vững tiêu chí đã hoàn thành, ưu tiên phê duyệt thủ tục liên quan để các xã sớm hoàn thành tiêu chí theo mục tiêu đề ra; qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thực và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân, tạo sức lan tỏa sâu rộng và đạt được kết quả tích cực. Dự kiến đến hết năm 2020 có thêm 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 3 xã so với kế hoạch, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 68/181 xã; bình quân 01 xã trên địa bàn tỉnh đạt 12,5 tiêu chí.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020luôn được các cấp, các ngành của tỉnh coi trọng và tập trung thực hiện nhằm mục tiêu giảm số hộ nghèo, hạn chế tái nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ci thiện đời sống người dân, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn.Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp giúp tạo sinh kế cho hộ nghèo vươn lên. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh được triển khai một cách đồng bộ, trong đó tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất gắn, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nâng cao giá trị gia tăng cho người dân. Huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án để lồng ghép thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa; sắp xếp, ổn định dân cư; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ hộ nghèo tín dụng ưu đãi… Với những giải pháp, chính sách cụ thể của tỉnh được triển khai đã tạo đà để các hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định hơn, nhiều hộ thoát nghèo.

2

Hỗ trợ người dân bảo quản ngô hạt sau khi thu hoạch ở xã Mẫu Sơn,

huyện Lộc Bình (Ảnh: Ngọc Hiếu – Báo Lạng Sơn)

Ông Lâm Văn Viên – Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh cho biết: Năm 2020, CTDT và thực hiện CSDT tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, cùng với sự cố gắng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã góp phần quan trọng vào thành tích chung về phát triển KT - XH, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. CTDT được thực hiện đồng bộ, kịp thời, việc giao chỉ tiêu kế hoạch được thực hiện sớm. Thực hiện các CSDT đạt nhiều kết quả tích cực, đảm bảo tiến độ, đúng mục đích, đúng đối tượng, dân chủ rộng rãi và thu hút được nhiều lực lượng xã hội tham gia. Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát được tăng cường từ tỉnh đến cơ sở, qua đó phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các CSDT.

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên,CTDT và thực hiện các CSDT trong năm qua còn có hạn chế, khó khăn, vướng mắc sau: Nhìn chung kinh tế vùng đồng bào DTTS phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao. Kết cấu hạ tầng KT – XH chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là vùng đặc biệt khó khăn. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn, một số bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc có nguy cơ dần bị mai một. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề còn hạn chế. Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào còn gặp khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở đồng bào DTTS còn chiếm tỷ lệ cao (94,38%), kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Thực hiện một số CSDT còn chậm; nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, việc huy động nguồn lực từ cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn... Việc nhân rộng mô hình sản xuất mới gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến việc sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ hẹp, chưa ổn định. Công tác tuyên truyền về các CSDT có mặt còn hạn chế, chưa sâu rộng, hiệu quả chưa cao. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; tình trạng xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới diễn biến phức tạp.

Để thực hiện tốt CTDT và CSDT, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, qua đó tạo chuyển biến tích cực, góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối các dân tộc với Đảng, Nhà nước, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả như sau: Tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của  Nhà nước về CTDT. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm CTDT từ tỉnh đến cơ sở; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về nghĩa vụ và quyền lợi công dân, ý thức chấp hành chính sách pháp luật, chủ động từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xoá dần khoảng cách chênh lệch về đời sống vật chất, tinh thần giữa vùng đặc biệt khó khăn với các vùng khác trong tỉnh. Chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt các chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư để đáp ứng yêu cầu mục tiêu giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ liên quan trực tiếp đến lợi ích của đồng bào DTTS, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, huy động sự vào cuộc của người dân với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại Nhân dân, giữ gìn môi trường xã hội ổn định giúp đồng bào yên tâm sinh sống, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, khẳng định sức mạnh đoàn kết dân tộc. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các CSDT; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém./.

                                                                       Nguyễn Văn Hiệp

                                                          Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng