Skip to main content
x
28 January 2021

Nhất Tiến là xã thuộc vùng sâu, vùng xa miền núi của huyện Bắc Sơn, cách trung tâm huyện 40 km về phía Tây Nam. Xã có diện tích tự nhiên 6.907,07 ha với 11 thôn bản, tổng số 875 hộ với 4.055 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày và Dao, kinh tế chủ yếu là phát triển nông, lâm nghiệp.

Xã được chọn làm xã điểm của huyện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và được chọn là một trong 5 xã điểm đặc biệt khó khăn của tỉnh để về đích năm 2019, chính vì vậy xã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn và huyện Bắc Sơn. Trên tinh thần ấy, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã đã có nhiều cuộc họp bàn, thống nhất cùng xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng trong cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, điều hành trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới, tích cực vận động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới và gắn với các phong trào khác của địa phương.

1

Xã Nhất Tiến trên đà phát triển (Ảnh: Phạm Tuấn)

Ban chấp hành Đảng ủy xã đã ra nghị quyết về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2020; đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban; kiện toàn Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban... Các thành viên trong Ban chỉ đạo, Ban quản lý của xã đều nhận thức sâu sắc, đây là một chương trình lớn cần có sự đồng thuận nhất trí cao và cùng nhau quyết tâm đoàn kết tổ chức thực hiện. Các đồng chí cán bộ, công chức được phân công phụ trách các thôn, đã tích cực luôn bám sát cơ sở thôn, các hộ gia đình để chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân cùng nhau xây dựng nông thôn mới.

Công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương của đảng, chính sách của nhà nước và cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới được quan tâm triển khai, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, từ đó nhân dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới và đồng tình ủng hộ hưởng ứng thực hiện.

Phong trào làm đường bê tông nông thôn, kiên cố hoá hệ thống mương thuỷ lợi và xây dựng nhà văn hoá thôn được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Tính đến thời điểm hiện nay tổng chiều dài đường trục xã liên xã, liên thôn đã được bê tông hoá đạt 100%; Đường nội đồng được cứng hoá, xe ô tô đều đi lại được bốn mùa; Hệ thống mương thuỷ lợi do xã quản lý với tổng chiều dài là 10,6 km đang phát huy tốt năng lực tưới tiêu của các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất sản xuất và dân sinh; Các công trình cơ sở hạ tầng như điện, đường, Trường Mầm non, Trường Tiểu học, Trường Trung học cơ sở, Trạm y tế xã và các công trình nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa xã đã được đầu tư xây dựng mới khang trang từ đó đã làm thay đổi bộ mặt ở nông thôn.

Phong trào văn hoá, văn nghệ được xây dựng và phát triển theo hướng xã hội hoá và thực sự trở thành phong trào của quần chúng nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, 11 thôn đều có đội văn nghệ, đội bóng chuyền hơi. Hàng năm các đội văn nghệ đều tổ chức biểu diễn vào dịp mừng đảng, mừng xuân, lễ hội và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, đồng thời tổ chức giao lưu văn nghệ trong cụm thi đua và các xã khác trong và ngoài huyện. Phong trào thể thao trên địa bàn xã ngày càng đi lên, các thôn đều có sân tập thể thao đặc biệt là môn bóng chuyền hơi phù hợp với mọi lứa tuổi, thường xuyên được tập luyện và đi thi đấu giải cấp huyện, giao lưu với các đơn vị bạn... Thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao đã xây dựng được mối quan hệ đoàn kết gắn bó trong cộng đồng thôn xóm tạo ra động lực thúc đẩy thực hiện có hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, khơi dậy phát huy và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Góp phần quan trọng vào việc động viên khích lệ các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp công sức, tiền của để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Kết quả huy động nguồn lực xây dựng các công trình công cộng với tổng kinh phí trên 66 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước câp là 62,7 tỷ. Vốn doanh nghiệp ủng hộ được 190 triệu đồng. Đồng thời xã đã huy động cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ được trên 100 triệu đồng. Huy động từ nhân dân đóng góp được trên 2 tỷ đồng, tham gia đóng góp trên 6.000 ngày công lao động và hiến hơn 3.000m2 đất để xây dựng các công trình công cộng...

Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm hàng năm, năm 2017 là 61%, đến hết năm 2020 giảm còn 9,67% (78 hộ). Hộ khá và hộ giàu được tăng lên, đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Từ năm 2016 đến hết năm 2019 thực hiện hoàn thành xóa 11 nhà dột nát và 68 nhà tạm, để đạt tiêu chí về nhà ở dân cư.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, tháng 01/2020 xã Nhất Tiến long trọng tổ chức đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

2

Cán bộ xã Nhất Tiến kiểm tra rừng trồng (Ảnh: Phạm Tuấn)

Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ xây dựng nông thôn mới của xã Nhất Tiến:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác xây dựng nông thôn mới. Nêu cao tinh thần nhận thức của cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thi đua xây dựng nông thôn mới, tạo sức lan tỏa đến từng thôn, từng hộ gia đình, huy động mọi nguồn lực nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Các tổ chức đoàn thể, xã hội theo chức năng nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền cho các đoàn viên, hội viên của mình tham gia trực tiếp thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ba là, làm tốt công tác thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý và phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, phối hợp Ban phát triển thôn trực tiếp xuống cơ sở rà soát, tuyên truyền đến Nhân dân các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới để Nhân dân hiểu và tham gia thực hiện.

Bốn là, xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm phải thật cụ thể, chi tiết, trong từng tiêu chí thực hiện phải nắm rõ thực trạng, mục tiêu và đề ra các giải pháp thực hiện, gắn với nội dung, khối lượng, tiến độ, mốc thời gian hoàn thành, phân công cán bộ phụ trách từng nội dung thực hiện.

Năm là, hằng tuần, tháng, tổ chức họp giao ban giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo, Ban quản lý và Ban phát triển thôn, để đánh giá tình hình và kết quả đã thực hiện, tiếp tục đưa ra các nhiệm vụ và bàn giải pháp thực hiện hiệu quả nhất các nhiệm vụ đó.

Sáu là, ưu tiên lựa chọn các nội dung tiêu chí thực hiện cần ít nguồn vốn thì làm trước, chú trọng đầu tư cho phát triển sản xuất, coi trọng việc lấy ý kiến của cán bộ đảng viên và nhân dân trong qua trình thực hiện.

Bảy là, thường xuyên kiểm tra đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chí đã giao cho từng thành viên ban chỉ đạo, ban quản lý, đưa ra giải pháp kịp thời khắc phục những khó khăn tồn tại trong quá trình vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

     GVC. Phạm Anh Tuấn

Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng