Skip to main content
x
22 October 2020

Những ngôi nhà mới khang trang, những con đường bê tông dài rộng, sạch đẹp nối liền các ngõ thôn, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Đó là những thành công mà Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã mang lại cho người dân quê hương cách mạng Bắc Sơn và là kết quả từ sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân để mang lại diện mạo mới cho nông thôn.

1. Chủ trương đúng, trúng

Bắc Sơn bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong điều kiện khó khăn, với điểm xuất phát thấp, ngân sách phụ thuộc vào trung ương. Thời tiết khí hậu với biên độ chênh lệch nhiệt độ cao giữa hai mùa; sự tác động của sương muối và rét đậm, khô hạn về mùa đông ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, nhất là trong phát triển nông, lâm nghiệp. Địa hình miền núi phức tạp, chia cắt ảnh hưởng đến xây dựng các hệ thống hạ tầng và phát triển kinh tế. Đất canh tác nông nghiệp ít. Quỹ đất có điều kiện thuận lợi để phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế còn lại hạn chế, sức hấp dẫn đầu tư chưa thu hút được nhiều các doanh nghiệp. Tài nguyên khoáng sản của huyện nghèo nàn, khó khăn để phát triển công nghiệp. Cơ cấu lao động còn chưa hợp lý, tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp chiếm 57% tổng số lao động toàn huyện. Trình độ học vấn và tay nghề của người lao động thấp; tập quán canh tác chưa áp dụng nhiều các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả sản xuất chưa cao. Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội của các xã trên địa bàn huyện Bắc Sơn so với mặt bằng chung của tỉnh Lạng Sơn còn thấp, mặc dù trong nhưng năm qua đã được quan tâm đầu tư xây dựng tuy nhiên chưa được đồng bộ, mới chỉ tập trung ưu tiên cho các xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn. Khi bắt đầu triển khai thực hiện năm 2011 bình quân các xã đạt 3,5 tiêu chí/xã. Các tiêu chí khó như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở, môi trường, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo hầu hết ở các xã đạt thấp.

Song với quyết tâm chính trị cao của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của người dân, sau 10 năm xây dựng NTM, toàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, được tỉnh đánh giá là điểm sáng trong xây dựng NTM. Đảng bộ huyện từ năm 2011 đến nay đã ban hành được hơn 40 nghị quyết thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, chỉ thị, kế hoạch và nhiều văn bản khác để chỉ đạo công tác xây dựng NTM. Đảng bộ huyện tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ phụ trách đến từng địa bàn xã, thị trấn trực tiếp nắm tình hình, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực thiện chương trình. Thường xuyên ban hành quyết định phê duyệt các nhiệm vụ trọng tâm công tác lãnh đạo chỉ đạo của từng xã, thị trấn, trong đó có nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới; đồng thời kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và công tác xây dựng nông thôn mới các xã.

          Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Bắc Sơn đã có nhiều nội dung mới như xây dựng Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện cũng có những chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực, huyện đã xây dựng được mô hình bảo vệ môi trường. Người dân tích cực tham gia vào các phòng trào như “5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động; mô hình "Thôn, Bản xanh - sạch - đẹp thân thiện với môi trường" do Trung ương Hội Nông dân phát động....Huyện đã ban hành quyết định số 3819/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 về việc bổ sung nhiệm vụ Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Bắc Sơn giai đoạn 2019-2020 thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Bắc Sơn, giai đoạn 2019-2020.

Đến nay có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân tiêu chí trên địa bàn toàn huyện đạt 12,23 tiêu chí/01 xã. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo quy định; đời sống của dân cư nông thôn từng bước được cải thiện, nâng cao; sản xuất nông lâm nghiệp được duy trì và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất và chất lượng; môi trường sống ở khu vực nông thôn được cải thiện, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác huy động nguồn lực từ Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

2. Bừng sáng bức tranh nông thôn mới trên quê hương cách mạng

Phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ, lồng ghép các Chương trình dự án 134, 135 triển khai thực hiện tốt phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đến hết năm 2020, cụ thể: Đường trục xã cứng hóa được 203,13/349,99 km đạt 58%; Để từng bước kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp và hoàn thành tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, trong giai đoạn 2011-2020, phân bổ đầu tư 83 công trình thủy lợi với tổng chiều dài là 32Km; đến hết năm 2019 tỷ lệ mương được kiên cố hóa được nâng lên là 106,7km, bằng 46,7% theo Đề án[1], tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt 88,6%. Công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, được quan tâm thực hiện đảm bảo cho người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh ngày tỷ lệ ngày càng cao, tình hình quản lý, sử dụng và khai thác công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, người dân đã có nhận thức cao hơn về tầm quan trọng của nước hợp vệ sinh, nước sạch, các xã có công trình đã dần chủ động hơn trong công tác quản lý cũng như sử dụng, khai thác, qua điều tra tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,33%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch là 76,2%.

Hệ thống điện trên địa bàn huyện tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp cải tạo, đảm bảo phục vục nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trong thời gian qua, đã quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đường giây tải điện, và kéo điện đến các thôn vùng khó khăn, nằm xa trung tâm xã để phục vụ nhu cầu thắp sáng và sản xuất cho nhân dân, đến nay 100% số xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ số hộ được sử dụng điện đạt 98% và tiếp tục quan tâm đầu tư, cấp điện chiếu sáng và phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân đảm bảo 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống chợ nông thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của Nhân dân. Trên địa bàn huyện có 13/19 xã được quy hoạch chợ, hiện nay có 11/13 xã có chợ.

Việc phát triển sản xuất nông nghiệp, diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa tập trung gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị của địa phương nhằm nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, đến nay trên địa bàn huyện dần hình thành các vùng sản xuất các loại cây trồng có thế mạnh của địa phương, các mô hình chăn nuôi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, xóa đói giảm nghèo, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong giai đoạn 2011-2020 đã thực hiện xây dựng được 63 mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới với tổng số kinh phí thực hiện là 32.265 triệu đồng, hiện nay các mô hình có hiệu quả đang được duy trì và từng bước nhân rộng.

         Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tập trung vào đa dạng hóa, sản xuất các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất tập trung giống lúa nếp cái hoa vàng tại xã Bắc Quỳnh gắn với mô hình quản lý, tổ chức sản xuất là Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp xã Bắc Sơn, năm 2016 diện tích sản xuất là trên 40 ha, hằng năm duy trì với quy mô trên 80 ha và dự kiến năm 2020 đạt trên 100 ha, Hợp tác xã đã thực hiện đăng ký nhãn hiệu bảo hộ hàng hóa thông thường đối với sản phẩm lúa nếp cái hoa vàng Bắc Sơn và đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học công nghệ chấp nhận hồ sơ hợp lệ; năm 2019 Hợp tác xã đã triển khai thực hiện gieo trồng sản phẩm giống lúa nếp cái hoa vàng theo quy trình VietGAP với diện tích 40ha, qua đó giá trị sản phẩm đã dần được nâng lên, đồng thời xây dựng hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đã được xếp hạng 4 sao cấp tỉnh cho sản phẩm Gạo nếp cái hoa vàng.

Để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, có chỗ đứng cạnh tranh trên thị trường, trong năm 2017 huyện Bắc Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học công nghệ cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm Quýt vàng Bắc Sơn, bên cạnh đó triển khai các mô hình sản xuất quýt vàng theo quy trình VietGAP tại Hợp tác xã nông nghiệp Nam Hồng xã Chiến Thắng và Hợp tác xã Cây ăn quả xã Vũ Sơn, nhóm hộ gia đình trên địa bàn xã Tân Lập, Đồng Ý và Bắc Quỳnh với diện tích là trên 174 ha. Tính đến thời điểm hiện nay các sản phẩm nông nghiệp của huyện đã có 01 sản phẩm được chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, 08 sản phẩm sơ chế và qua chế biến được được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ quyết định chấp nhận đơn hợp lệ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

          Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; dân số - kế hoạch hóa gia đình có nhiều cố gắng, nỗ lực chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân được nâng cao; thường xuyên tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh lớn, nguy hiểm. Hết năm 2019, có 15 xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia y tế xã, đạt 83%; 8,73 bác sĩ/vạn dân; số giường bệnh đạt 40,8 giường/vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,2%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý an toàn đạt 100%; năm 2016 Trung tâm Y tế huyện được nâng hạng bệnh viện từ hạng III lên hạng II; thực hiện tự chủ bệnh viện. Công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm được tăng cường, vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo, không có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, nhận thức của người dân về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm dưới 1%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 15,5% năm 2015 xuống còn 12,5% vào năm 2019.

          Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi rộng khắp, thực hiện xã hội hóa công tác văn hóa, thể thao được đẩy mạnh, phát huy được các nguồn lực của xã hội góp phần vào sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân. Đến năm 2020, 95% số xã, thị trấn có sân thể thao; 50% xã, thị trấn có nhà văn hóa xã; 99% số thôn khối phố có nhà văn hóa. Các di tích lịch sử từng bước được đầu tư tôn tạo, đến nay trên địa bàn huyện có 01 khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt (gồm 12 điểm di tích); 01 di tích cấp Quốc gia (hang Dơi, xã Vũ Lễ); 14 điểm di tích cấp tỉnh và 13 điểm di tích được kiểm kê khoa học. Lễ hội Ná Nhèm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cùng với các lễ hội văn hóa truyền thống được duy trì và tổ chức hằng năm góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống của dân tộc.

          Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kinh tế của huyện bước chuyển biến tích cực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 40 triệu đồng/người/năm (tăng 3.31 lần so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,6% (năm 2011) xuống còn 12,14% (năm 2019).

Việc xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu”, đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân về phát triển kinh tế, thay đổi tập quán sinh hoạt sản xuất, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường. Kết thúc năm 2019 trên địa bàn huyện đã xây dựng được 14 khu dân cư kiểu mẫu và đạt 19 khu đết hết năm 2020, trong đó đã có những mô hình khu dân cư kiểu mẫu điển hình như khu dân cư kiểu mẫu thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng, thôn Bó Đấy - Bó Mạ xã Đồng Ý đã trở thành địa điểm thu hút được nhiều du khách trong và ngoài huyện đến tham quan, du lịch trải nghiệm.

Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn huyện đã có 7/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới bằng 41% số xã; bình quân tiêu chí trên địa bàn huyện đạt 12,23 tiêu chí NTM/01 xã, tăng bình quân 8,73 tiêu chí/01 xã so với năm 2011,

          Những kinh nghiệm từ thực tiễn và cách làm sáng tạo, chủ động đã giúp huyện triển khai hiệu quả việc xây dựng NTM, nông thôn kiểu mẫu. Với Bắc Sơn, các tiêu chí xây dựng NTM không phải là mục tiêu hàng đầu mà quan trọng là phát huy và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn, trong đó đặc biệt xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là chiến lược phát triển của tỉnh với mục tiêu cao nhất là nông thôn phát triển bền vững, nông dân thật sự được hưởng những thành quả mà NTM đem lại./.

                                                                                ThS. Hoàng Thị Quyên

                                                                                   Khoa Lý luận cơ sở

                [1] Đề án quy hoạch nông thôn mới huyện Bắc Sơn giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn huyện có 228,1km mương.