Skip to main content
x
12 October 2020

Thành phố Lạng Sơn, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Lạng Sơn, Thành phố cách thủ đô Hà Nội 154 km về phía đông bắc, cách cửa khẩu Hữu Nghị 15 km về phía Đông Nam. Thành phố có địa giới hành chính gần như được bao quanh bởi huyện Cao Lộc. Ngoài ra, Thành phố còn giáp với huyện Văn Quan qua một đoạn ranh giới ở phía Tây và huyện Chi Lăng qua một đoạn ranh giới ở phía Tây Nam.

Thành phố Lạng Sơn có 8 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 5 phường: Chi LăngĐông KinhHoàng Văn ThụTam ThanhVĩnh Trại và 3 xã: Hoàng ĐồngMai PhaQuảng Lạc. Tổng diện tích đất tự nhiên là 7.793,8 ha, trong đó đất nông nghiệp là 5.879,5ha, chiếm 75,44% diện tích đất tự nhiên. Diện tích đất lâm nghiệp đã sử dụng 1.803,7 ha, chiếm 22,78% diện tích đất tự nhiên, đất chưa sử dụng chiếm 0,96%.

Khí hậu của thành phố Lạng Sơn thể hiện rõ nét khí hậu cận nhiệt đới ẩm của miền Bắc Việt Nam - Nhiệt độ trung bình năm: 17 - 22oC, Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1200 – 1600 mm; Độ ẩm tuơng đối trung bình năm 81,9%; Số giờ nắng trung bình khoảng 1589 giờ. Đặc điểm thời tiết, khí hậu của thành phố là tiềm năng cho phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị sản xuất lớn với các sản phẩm rau, cây ăn quả, hoa có nguồn gốc á nhiệt đới phục vụ nhu cầu nhân dân thành phố và hướng tới thị trường bên ngoài.

Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; đồng thời, đưa nền nông nghiệp đi lên sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, với giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, Thành phố đã chỉ đạo các xã xây dựng các mô hình phát triển sản xuất và huy động nguồn kinh phí để hỗ trợ các xã thực hiện các mô hình. Trong sản xuất nông sản, đã hình thành ngày ngày nhiều các mô hình sản xuất hàng hóa, gắn với những sản phẩm lợi thế và điều kiện cụ thể của địa phương. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm được thành phố Lạng Sơn coi trọng trong giai đoạn 2015 - 2020. Để thực hiện chủ trương này, theo đó, từ năm 2015 đến năm 2019, 3 xã: Mai Pha, Hoàng Đồng và Quảng Lạc đã triển khai thực hiện được 28 mô hình phát triển sản xuất. Trong đó, xây dựng 9 mô hình chăn nuôi và 19 mô hình trồng trọt và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, với trọng tâm là phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tinh hoa, đặc biệt của mỗi vùng mà các địa phương khác không có, được chính quyền hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất. Một số mô hình cụ thể trên địa bàn thành phố Lạng Sơn:

* Mô hình trồng cây Dẻ ghép xã Quảng Lạc 

Trên địa bàn xã Quảng Lạc hiện có 50ha trồng dẻ với hơn 100 hộ tham gia, tập trung chủ yếu tại thôn Quảng Trung, Quảng Hồng xã Quảng Lạc, đem lại hiệu quả kinh tế cao do cây hạt dẻ dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên cây dẻ sinh trưởng và phát triển tốt. Cây dẻ trồng được 3 năm đã bói quả, đến năm thứ 5, thứ 6 năng suất bắt đầu ổn định 12-15kg/cây/năm, có những cây cho đến 20 kg hạt/năm. Thu hoạch bình quân 10 tạ/ha, giá bán từ 60-80.000 đồng/kg, mỗi năm thu nhập 160-200 triệu đồng/ha. Trừ chi phí chăm sóc mỗi năm khoảng 60 triệu đồng, thu nhập mỗi hộ gia đình từ cây dẻ được 90-120 triều đồng/ năm. Qua đó từng bước phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. UBND thành phố đã chỉ đạo Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và các đoàn thể xã thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn các hộ trồng và chăm sóc cây dẻ đúng quy trình kỹ thuật. Năm 2020, Hạt dẻ Quảng Lạc- thành phố Lạng Sơn đã được Tổng hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam vinh danh "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam". Thời gian tới, cùng với phát triển diện tích trồng cây hạt dẻ; tiếp tục khẳng định thương hiệu “hạt dẻ Quảng Lạc”, các hộ gia đình sẽ gắn với mô hình phát triển du lịch, đón khách tham quan để khách trực tiếp trải nghiệm công việc hái dẻ và thưởng thức hạt dẻ ngay tại nhà vườn

* Mô hình trồng cây Cà gai leo xã Quảng Lạc

Đây là loại cây dược liệu, được Trung tâm ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh cung cấp giống cây và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nhân dân, với diện tích quy mô 2,59 ha, với 18 hộ tham gia. Bình quân mỗi sào cho thu hoạch khoảng 12 - 13 tấn tươi (tương đương 3,5 - 4 tấn khô). Với giá bán trung bình 45.000 đồng/kg khô, tính ra với mỗi sào thu hoạch mang lại thu nhập từ 13- 16 triệu đồng/năm. Sản lượng thu hoạch đợt 1 là 45 tấn/2,59ha, thu nhập 5 triệu/sào, lãi 1,5 triệu/ sào, tổng thu đợt 1 là 360 triệu, trong đó lãi 108 triệu. Cây Cà gai leo 1 năm thu hoạch 3 đợt (trong đó đợt 2, 3 thường thu hoạch sản lượng cao hơn), ước đạt 150 tấn/2,59ha, lãi từ 450 triệu trở lên. Hiện nay đã tiếp tục trồng mới xong (144.000 cây), cây đang sinh trưởng và phát triển tốt

Cây Cà gai leo là loại cây thảo dược thiên nhiên. Từ lứa thu hoạch đầu tiên, sau 4 tháng là tiếp tục thu hoạch lứa tiếp theo. Qua đó, không chỉ tạo việc làm, giúp bà con nâng cao thu nhập, phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa mà còn góp phần bảo tồn các loại cây dược liệu quý. Theo số liệu thống kê, cả nước cần khoảng 60.000 tấn dược liệu, trong đó, nguồn cung ứng trong nước mới chỉ đạt khoảng 15.600 tấn, còn lại khoảng 70% phải nhập từ các quốc gia khác, chủ yếu là từ Trung Quốc. Đáng nói là nhiều loại không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được kiểm định về chất lượng cũng như quy trình sản xuất dẫn đến tác dụng dược liệu bị ảnh hưởng. Tỉnh Lạng Sơn là khu vực có nhiều cây dược liệu quý, tuy nhiên, do khai thác quá mức và không có sự đầu tư phát triển dẫn đến nguồn dược liệu ngày càng cạn kiệt. Thành công của dự án này sẽ là tiền đề quan trọng phát triển vùng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

* Mô hình trồng cây hoa Đào thương phẩm xã Quảng Lạc

Dự án nhân rộng mô hình phát triển trồng cây hoa Đào thương phẩm tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hoa Đào Bản Cao, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn. Mô hình trồng cây hoa Đào cảnh, đây là cây thế mạnh để phát triển kinh tế hộ gia đình, nhóm hộ trồng đào được tập hợp thành lập Hợp tác xã Hoa đào Bản Cao. Dự kiến giá mỗi cây hoa Đào trung bình khoảng 600.000 - 700.000 đồng/cây, mỗi nhà vườn sẽ cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hoa đào. Đây là mô hình có giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm ổn định cho người nông dân, trong thời gian tới sẽ tiếp tục được nhân rộng.

* Mô hình trồng cây ăn quả Hợp tác xã Nà Trang, xã Hoàng Đồng

Hợp tác xã được thành lập năm 2018 với 44 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng cây ăn quả như: ổi, cam, bưởi với diện tích 10,4 ha. Khi tham gia vào Hợp tác xã, các thành viên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn được Nhà nước hỗ trợ vật tư, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã giúp Hợp tác xã nhanh chóng đi vào ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm. Đối với diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, trung bình cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng/sào/năm. Năm 2019 đã trồng mới 1,75ha với trên 1800 cây ăn quả (Cam, ổi, bưởi), được hỗ trợ để xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap

Các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần đáng kể vào gia tăng khối lượng, sản phẩm nông sản hàng hóa của Thành phố, góp phần tăng trưởng, phát triển kinh tế và tạo việc làm trong nông nghiệp nông thôn. Thu nhập của người nông dân bình quân đầu người năm 2019 gấp 3,69 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 39,13 triệu đồng, năm 2011 là 10,6 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục nhân rộng các mô hình cây trồng có giá trị kinh tế cao thành hàng hóa, gồm: nhân rộng mô hình trồng rau an toàn, mô hình cây dẻ ghép, mô hình trồng cây đào cảnh, cây chanh leo, nuôi bò sinh sản tập trung,...; xây dựng 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên; chủ động kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, với thị trường để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, giá trị tăng cao; khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chủ động kiểm soát, phòng trừ và ngăn chặn lây lan dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tạo điều kiện phát triển các cơ sở chăn nuôi, giết mổ. Đẩy mạnh phát triển có hiệu quả kinh tế rừng. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất. Hội đồng nhân dân thành phố sẽ tăng cường giám sát tình hình thực hiện hỗ trợ và phát triển các mô hình phát triển sản xuất, đặc biệt là chương trình mỗi xã một sản phẩm. Qua đó, nắm bắt tình hình thực hiện và tăng cường vai trò của các cơ quan, đơn vị trong việc phát triển các mô hình sản xuất. Từ đó, góp phần giúp người dân thay đổi tư duy tăng cường liên kết sản xuất, nâng cao năng suất lao động, thu nhập cho người dân khu vực nông thôn./.

                                                 ThS – GVC. Đồng Hương Gấm

                                                     Trưởng khoa Lý luận cơ sở