Skip to main content
x
29 September 2020

      Bắc Sơn là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn có địa thế hiểm trở, hết sức thuận lợi cho hoạt động đấu tranh du kích, xây dựng căn cứ địa. Trong những năm 1930, khi các cơ sở Đảng đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thì phong trào đấu tranh cách mạng ở Bắc Sơn phát triển mạnh mẽ, dẫn đến sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn. Chi bộ Đảng lãnh đạo quần chúng xây dựng lực lượng và tổ chức cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940 - Cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên do Đảng lãnh đạo.

      1. Sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn

      Cánh mạng tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử của nhân loại, mở ra thời đại mới. Đó là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Đồng thời, Cách mạng tháng Mười Nga còn mở ra con đường và khả năng thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, là hình mẫu để các nước thuộc địa và phụ thuộc làm theo.

      Là người Việt Nam yêu nước đầu tiên đã vượt qua những hạn chế về chủ nghĩa yêu nước của các sĩ phu và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, bằng thiên tài trí tuệ và sự hoạt động lỗi lạc của mình, đồng chí  Nguyễn Ái Quốc đã sớm tiếp thu ánh sáng của cách mạng tháng Mười, tiếp thu đầy đủ và đúng đắn thực chất của chủ nghĩa Mac - Lênin, tìm thấy con đường cứu nước chân chính, là con đường cách mạng vô sản. Năm 1924, từ Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã đến Quảng Châu (Trung Quốc) để hoạt động cách mạng và vận động thành lập tổ chức Hội Việt Nam cánh mạng thanh niên (tháng 6/1925), ra tờ báo “ Thanh niên”, phát hành tài liệu “ Đường cách mệnh”, cung như mở các lớp đào tạo cán bộ sau đó đưa về nước hoạt động, xây dựng phong tào cách mạng trong nước.

      Từ năm 1926, trước sự hoạt động tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã hình thành nhóm thanh niên yêu nước ở trường Tiểu học Pháp - Việt, thị xã Lạng Sơn do Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri phụ trách. Nhóm thanh niên yêu nước này đã bí mật nghiên cứu các sách vở, báo chí cách mạng. Nhóm thanh niên yêu nước này đã được nghiên cứu những tư tưởng mới qua sách báo cách mạng, bằng nhiều hình thức khác nhau tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Sau khi được nghiên cứu tài liệu truyên truyền, báo cáo của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri đã quyết định tìm đến với tổ chức cách mạng. Cuối năm 1928, hai anh đã được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

      Cuối năm 1929, phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam bắt đầu phát triển, các tổ chức cộng sản đầu tiên lần lượt được thành lậpNgày 03/2/1930 được Quốc tế Cộng sản ủy nhiệm, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng ở Việt Nam thành một Đảng Cộng sản lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam (đến Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 thì đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương). Hội nghị thông qua Chính cương, Sách lược và Điều lệ tóm tắt của Đảng.

      Ngay sau khi Đảng ra đời, thực hiện chủ trương của Đảng về việc vận động và xây dựng phong trào quần chúng cách mạng ở các tỉnh miền núi biên giới Việt - Trung để tạo ra một địa bàn họat động thuận lợi cho Đảng, chi bộ Đảng Cộng sản chỉ đạo vùng biên giới Cao - Bắc - Lạng được thành lập gồm các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn, do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư. Quán triệt chủ trương chung của Đảng, từ giữa năm 1930, chi bộ đã hướng nhiệm vụ trọng tâm cụ thể là bắt mối, xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng ở hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được chi bộ phân công xây dựng phong trào quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn. Cuối năm 1931, đồng chí đã giác ngộ và tập hợp được hơn 30 quần chúng tích cực, thành lập được 10 tổ quần chúng trung kiên và bắt đầu hình thành một địa bàn cách mạng bí mật có đường dây đi lại giữa hai vùng biên giới.

      Thực hiện chủ trương củng cố các địa bàn ở những nơi vừa xung yếu, vừa thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào. Bắc Sơn là một trong những điểm quan trọng đáp ứng những yêu cầu đó, vì Bắc Sơn có địa thế thiên nhiên hiểm trở, đi lại khó khăn, thực dân Pháp khó kiểm soát. Nhân dân các dân tộc Bắc Sơn có truyền thống yêu nước, có ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm.

      Phong trào cách mạng ở Bắc Sơn ngày càng lớn mạnh, thể hiện ở sự lần lượt ra đời của các tổ chức nông hội đỏ ở các xã Vũ Lăng, Hữu Vĩnh, Bắc Sơn. Các tổ nông hội đỏ này tích cực hoạt động, lôi kéo thu hút được nhiều quần chúng cách mạng. Sau một thời gian ngắn, số lượng tổ chức Nông hội đỏ phát triển nhanh. Hầu hết các tổng ở châu Bắc Sơn đều có các tổ Nông hội đỏ. Truyền đơn kỷ niệm Xô Viết - Nghệ Tĩnh có nội dung cách mạng và đấu tranh sắc bén được các tổ Nông hội đỏ phát tán rải rộng khắc ở các xã trong châu Bắc Sơn. Các khẩu hiệu chiến lược của Đảng như “Dân tộc độc lập”, “Người cày có ruộng” và các khẩu hiệu tuyên truyền “Công - nông - binh liên hiệp lại bênh vực Nghệ Tĩnh đỏ”, “Ủng hộ Nga - Xô”... lần đầu tiên được tuyên truyền tới nhân dân các dân tộc ở Bắc Sơn.

      Trước yêu cầu có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất với phong trào quần chúng cách mạng đang phát triển mạnh mẽ ở châu Bắc Sơn, ngày 25/9/1936, tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương), huyện Bắc Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tổ chức kết nạp đảng viên, thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn. Chi bộ gồm 4 đảng viên là các đồng chí: Đường Văn Thông (tức Đường Kỳ Tân) làm Bí thư, Hoàng Doãn Tạo (tức Hà Khai Lạc), Đường Văn Tư (tức Đường Quảng Long), Nguyễn Văn Phòng (tức Nguyễn Mai Huyền). Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã phân công các đồng chí Hà Khai Lạc và đồng chí Đường Văn Tư về các xã ở phía Bắc và phía Nam huyện để phát triển cơ sở Đảng là do nó có địa hình rừng núi hiểm trở lại liền sát với Châu Võ Nhai (Thái Nguyên) và Châu Bình Gia (Lạng Sơn), thuận lợi trong điều kiện hoạt động bí mật.

      2. Chi bộ Đảng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn

      Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Tháng 5 năm 1940, phát-xít Đức tấn công nước Pháp và chỉ sau một tháng nước Pháp thua trận. Nhân cơ hội đó, Nhật Bản nhảy vào thực hiện ý đồ hất cẳng Pháp tại Đông Dương, buộc Pháp phải nhường thuộc địa Đông Dương cho Nhật. Thực hiện mưu đồ của mình, ngày 23/9/1940, quân Nhật từ miền Nam Trung Quốc vượt biên giới Việt - Trung tiến đánh Lạng Sơn. Quân Pháp thất thủ, bộ máy chính quyền tan rã, một số binh lính đầu hàng, số còn lại rút chạy về Thái Nguyên theo đường Bắc Sơn - Võ Nhai trong tình cảnh hỗn loạn. Lợi dụng thời cơ trên, rạng sáng ngày 25 tháng 9 năm 1940, một số đồng chí đảng viên vừa thoát khỏi nhà tù Lạng Sơn trở về địa phương như: Nông Văn Cún (tức Thái Long), Hoàng Đình Ruệ, đã họp với các đồng chí trong Chi bộ Hưng Vũ tại làng Nông Lục. Cuộc họp quyết định chủ trương vận động quần chúng nổi dậy, tiến hành khởi nghĩa, tước khí giới của binh lính Pháp.

      Tối ngày 27/9/1940, khoảng 600 quần chúng với súng trường, súng kíp, giáo mác, gậy gộc tiến đánh đồn Mỏ Nhài. Trước khí thế sục sôi và sức tấn công mạnh mẽ của quần chúng, quân địch rất hoang mang và nhanh chóng đầu hàng. Tên tri châu Hoàng Văn Sĩ cùng một trung đội lính với đầy đủ súng ống hoảng sợ bỏ chạy. Quân khởi nghĩa chiếm đồn Mỏ Nhài, hoàn toàn làm chủ được châu lỵ, thu được 17 súng kíp, 1 máy chữ và toàn bộ sổ sách. Ngày hôm sau, những người tham gia cuộc khởi nghĩa đã tổ chức mít tinh ngay tại châu lỵ và tuyên bố chính quyền địch đã tan rã. Cùng thời điểm đó, một số quần chúng nhân dân ở xã Nam Nhi, Tràng Sơn liên tục phục kích tàn binh Pháp ở đèo Canh Tiếm, Thâm Thông. Nhân dân ở Hưng Vũ, Chiêu Vũ cũng tổ chức đuổi đánh bọn lính Pháp bại trận ở Dập Dị và Nà Ti. Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn đã có những thắng lợi ban đầu. Tuy nhiên, Cuộc khởi nghĩa đang tiếp diễn thì thực dân Pháp thỏa hiệp cùng quân Nhật để quay lại đàn áp phong trào cách mạng. Chúng tập trung lực lượng tiến vào Bắc Sơn theo hai hướng: từ Đình Cả - Võ Nhai lên và từ Bình Gia xuống. Do chênh lệch về lực lượng và trang bị, vũ khí nên thực dân Pháp đã nhanh chóng chiếm lại châu lỵ, chúng điên cuồng đốt phá các làng bản, bắt bớ, tàn sát, khủng bố quần chúng nhân dân, nhằm dập tắt cuộc khởi nghĩa.

      Nhằm duy trì và phát huy kết và đưa phong trào khởi nghĩa tiến lên, tháng 10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh được Xứ ủy Bắc Kỳ cử lên lãnh đạo phong trào và hướng cuộc khởi nghĩa vào mục tiêu xây dựng lực lượng để chiến đấu lâu dài. Ngày 14/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh triệu tập hội nghị với các đảng viên ở Sa Khao, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương) để bàn các biện pháp xây dựng phong trào cách mạng Bắc Sơn. Qua thảo luận, hội nghị quyết định: Tập trung đảng viên và một số quần chúng tích cực, thu thập vũ khí để thành lập Đội du kích Bắc Sơn. Xây dựng vùng Nà Tấu (xã Ngư Viễn), Sa Khao, Mỏ Tát, Bản Ne, Bản Nhi xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương) thành khu căn cứ du kích Bắc Sơn. Sau cuộc họp, một cuộc mít tinh, diễn thuyết lớn đã diễn ra tại làng Đon Úy (xã Vũ Lăng). Tại cuộc mít tinh, đồng chí Trần Đăng Ninh tuyên bố thành lập "Đội du kích Bắc Sơn" và kêu gọi nhân dân ủng hộ Đội du kích Bắc Sơn, tiếp tục đẩy mạnh cuộc khởi nghĩa.

      Trước khí thế đấu tranh sôi nổi của quần chúng, Ban chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn quyết định tập trung lực lượng đánh chiếm đồn Mỏ Nhài. Ngày 28/10/1940, Ban chỉ huy Đội tổ chức một cuộc mít tinh tại Vũ Lăng để vận động quần chúng tham gia và biểu dương lực lượng. Giữa lúc quần chúng cách mạng đang mít tinh, quân Pháp và tay sai đã huy động lực lượng tập kích bất ngờ làm cho lực lượng của ta bị phân tán, tổn thất lớn. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bị kẻ thù khủng bố và đàn áp khốc liệt. Sau cuộc tập kích của địch, ngày 29/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh đã triệu tập cuộc họp gồm các đồng chí đảng viên trung kiên của Đảng bộ Bắc Sơn tại thôn Nà Pán, xã Vũ Lăng, quyết định rút toàn bộ cán bộ, đảng viên đã bị lộ cùng Đội du kích vào rừng để tiến hành hoạt động bí mật; đối với cán bộ, đảng viên chưa bị lộ thì kiên quyết bám quần chúng để củng cố và giữ vững cơ sở cách mạng ở châu lỵ Bắc Sơn.

      Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn mặc dù chưa giành thắng lợi trọn vẹn nhưng là tiếng súng báo hiệu thời kỳ đấu tranh vũ trang giành chính quyền của cách mạng Việt Nam. Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra ở một địa phương miền núi, trên một địa bàn hẹp, thời gian ngắn nhưng có tiếng vang lớn trong cả nước. Khởi nghĩa Bắc Sơn là tiếng vang lớn góp đẩy mạnh phong trào đấu tranh vũ trang cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền sau này.

      Có thể thấy rằng, việc ra đời chi bộ Đảng đầu tiên có ý nghĩa, vai trò to lớn trong việc vận động, tập hợp và xây dựng lực lượng cũng như chuẩn bị các điều kiện để khởi nghĩa được nổ ra. Đã 80 năm trôi qua, khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940 vẫn luôn là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nói chung và Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc huyện Băc Sơn nói riêng trong về lịch sử vẻ vang của công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa sẽ luôn là động lực cho thế hệ trẻ không ngừng tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện để viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương, đất nước, tô thắm thêm bề dày lịch sử truyền thống xây dựng và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

vb

         Đoàn viên Chi đoàn Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tổ chức hoạt động về nguồn,

                             thăm Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn (Ảnh: Tác giả)

                                                                                     ThS. Nguyễn Trung Thành

                                                                                 Trưởng phòng Quản lý ĐT&NCKH