Skip to main content
x
16 September 2020

Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn là cơ quan được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho tỉnh. Trong thời gian qua, cùng với chủ trương nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, Đảng ủy, Lãnh đạo trường cũng đặt ra yêu cầu đội ngũ giảng viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, tập trung hướng tới sự nâng cao tính chủ động, tích cực của người học trong việc tiếp thu lý luận chính trị, coi đây là mục tiêu cao nhất, đảm bảo cho sự thành công bền vững của nhà trường, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay.

      Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học là xu hướng tất yếu trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay. Đối với giảng dạy lý luận chính trị, xuất phát từ đặc thù tri thức của các môn học này, tìm kiếm và áp dụng các phương pháp dạy học phù hợp để nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho học viên là yêu cầu cấp bách, góp phần nâng cao chất lượng quá trình dạy học. Lâu nay, việc giảng dạy lý luận chưa thực sự gây hứng thú và phát huy tính tích cực, chủ động của người học.

      Việc dạy học lấy người học làm trung tâm đòi hỏi ở người học phải tích cực, độc lập, tự giác. Tính tích cực, tự giác, độc lập giúp người học tự tin, chủ động trong hoạt động học tập, trở thành chủ thể của hoạt động học tập, bản chất của phương pháp dạy học mới, chính là sự tích cực hoá hoạt động của người học, lấy người học làm trung tâm. Trong đó giảng viên đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn các hoạt động của học viên. Thông qua hoạt động học, mỗi học viên đều được bộc lộ mình và đều có cơ hội phát triển. Để phát huy tính tích cực, chủ động của học viên các lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính ở trường Chính trị Hoàng Văn Thụ hiện nay, giảng viên cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

      Thứ nhất: giảng viên phải thực sự là người tâm huyết với nghề nghiệp và có phông kiến thức sâu rộng

      Yêu nghề và tâm huyết với nghề là một phẩm chất cần có ở bất kỳ công việc gì mà người lao động trong xã hội mới muốn đạt hiệu quả cao. Giảng dạy ở trường chính trị là nghề tương đối đặc thù hiện nay ở nước ta, vì đây là môi trường đào tạo dành cho cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương. Nội dung đào tạo là những kiến thức vừa khái quát, trừu tượng, vừa cụ thể, nhưng có tính chất rất biện chứng. Vì vậy, đòi hỏi người giảng viên ngoài kiến thức đã có về các học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể,...về tự  nhiên, xã hội, còn phải tâm quyết với nghề, thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ giảng dạy một cách tốt nhất.

      Mỗi giảng viên muốn có bài giảng hay, cuốn hút trước hết mỗi giảng viên phải có năng lực về tri thức và tầm hiểu biết. Đây là năng lực cơ bản, chủ yếu của người thầy ở trường chính trị, là điều kiện để giảng dạy, “biết mười dạy một”. Ngày nay, học viên không nhất nhất cái gì cũng tuân thủ, phục tùng thầy vô điều kiện, nhất là học viên của trường chính trị. Họ được tiếp cận và hiểu biết rất nhiều thông tin từ thực tiễn công tác, nghiên cứu khoa học, là thầy, phải chinh phục trò bằng kiến thức sâu rộng của mình, điều đó còn có tác dụng tạo ra uy tín cho người thầy, mà nhất là những giảng viên trẻ.

      Mỗi giảng viên phải tự mình ý thức việc tự học, tự nghiên cứu để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ; ngoài chuyên ngành của mình phải có kiến thức rộng để bổ sung, hỗ trợ cho bài giảng được phong phú và giàu sức thuyết phục, trước khi lên lớp giảng viên luôn phải trăn trở nên sử dụng những phương pháp nào cho bài giảng và sau đó tự rút kinh nghiệm, nhằm không ngừng hoàn thiện nghề nghiệp của mình. Bên cạnh đó người giảng viên phải soạn bài chu đáo, khi lên lớp, nhất thiết phải có giáo án trên giấy, ngay cả khi sử dụng máy chiếu Projector. Khi giảng bài, giảng viên phải làm rõ trọng tâm và mối quan hệ lôgíc nội tại của mạch kiến thức bài học, sắp xếp hợp lý hoạt động của giảng viên và học viên; chuẩn bị hệ thống câu hỏi phát huy trí lực và phù hợp với nội dung bài học và kiến thức thực tiễn của học viên, (nhất là đối với những bài có tính trìu tượng cao). Bồi dưỡng kỹ năng vận dụng sáng tạo kiến thức, hạn chế ghi nhớ máy móc, thay việc đọc chép bằng cách hướng dẫn học viên tự liên hệ với thực tiễn địa phương hoặc nơi công tác.

      Thứ hai, phải gắn liền lý luận với thực tiễn.

      Để lôi cuốn học viên thì bài giảng của giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước; của địa phương; của bản thân mỗi học viên. Đội ngũ giảng viên phải là những người đủ phẩm chất, năng lực, có niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, từ đó mới truyền cảm hứng, niềm tin cho người học. Phải nắm vững và hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng thì tuyên truyền mới thuyết phục. Lý luận gắn với thực tiễn, cập nhật tình hình địa phương, trong nước, thế giới, không lý luận suông, “dạy chay” mà phải làm cho người học thấy được vai trò “ngọn đèn pha” của lý luận đối với thực tiễn; gợi mở cho người học áp dụng lý luận vào lĩnh vực công tác và cuộc sống; có kỹ năng sư phạm, sử dụng phương pháp dạy học tích cực, phương tiện hiện đại…

      Bởi vì thực tiễn ở địa phương, học viên các lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính của trường Chính trị Hoàng Văn Thụ Lạng Sơn vô cùng phong phú, học viên là cán bộ cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp là người sát dân, gần dân, trực tiếp giải quyết các công việc hàng ngày ở cơ sở nên họ là những người hiểu dân, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân. Bởi vậy họ chính là những “tài liệu sống” về thực tiễn công tác giáo dục lý luận hiện nay. Họ vừa tham gia học tập vừa phải giải quyết các công việc ở cơ quan, đơn vị nên thời gian dành cho việc học tập đôi khi bị chi phối. Với tất cả những đặc điểm của học viên có rất nhiều thuận lợi nhưng đan xen vào đó là không ít khó khăn đòi hỏi giảng viên trong nhà trường cần vận dụng linh hoạt và sáng tạo các phương pháp dạy học, gắn lý luận với thực tiễn nhằm phát huy những nhân tố tích cực từ người học. Vì thế giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước hay cá nhân và từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận. Để sau khi học viên  tốt nghiệp ra trường có thể vận dụng lý luận đã học vào trong thực tiễn công tác của địa phương, cũng như của bản thân mình.

      Thứ ba, Giảng viên phải nắm được đối tượng học viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy nhằm chuẩn bị nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp

      Khi được khoa, trường phân công đến giảng dạy tại một lớp nào đó, giảng viên cần có sự liên hệ với phòng QLĐT &NCKH của trường để tìm hiểu, nắm một số thông tin cơ bản về học viên và cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy. Bởi vì, đối tượng học viên ở trường hiện nay rất đa dạng là cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, dự nguồn của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp cơ sở; cán bộ đương chức, dự nguồn trưởng, phó phòng, ban cấp huyện và tương đương; Trưởng, phó phòng thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương thuộc các lớp hệ tập trung và không tập trung tại trường, nên khi vào học các học viên có trình độ khác nhau, đa dạng về thành phần dân tộc; vị trí công tác khác nhau, kinh nghiệm khác nhau … do đó, dẫn đến sự không đồng đều về trình độ nhận thức. Do vậy, trước khi lên lớp, giảng viên cần tìm hiểu và nắm đối tượng học viên của lớp học để lựa chọn nội dung, phương pháp phù hợp; nghiên cứu, tìm hiểu thêm về công việc, những vấn đề thực tiễn, những thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, của ngành hoặc địa phương - nơi học viên đang công tác để có sự liên hệ, vận dụng kịp thời vào bài giảng. Để từ đó giảng viên chủ động trong xác định dung lượng kiến thức và dự kiến phương pháp sẽ sử dụng khi lên lớp. Trên cơ sở đó, giảng viên chủ động có kế hoạch cho từng bài giảng, tiết giảng sẽ sử dụng những phương pháp nào, thiết bị gì cho phù hợp thì sẽ đạt được hiệu quả cao.

      Hiện nay, các lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính ở trường Chính trị Hoàng Văn Thụ hiện nay có hệ tập trung và không tập trung, học viên không phải đều tập trung về trường mà có thể học tại các trung tâm Chính trị của huyện. Mặt khác, đối tượng học viên trường Chính trị có đặc điểm riêng, không giống như sinh viên trường đại học, cao đẳng. Do đó, nắm được đối tượng học viên sẽ giúp cho giảng viên chủ động phối hợp các phương pháp và sử dụng thiết bị dạy học phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu. Các phương tiện này nhằm bổ sung và làm phong phú thêm cho những nội dung của bài giảng; thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi, đi sâu nghiên cứu của học viên. Làm cho học viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo. Sử dụng các phương tiện giảng dạy nhằm thay đổi phương pháp dạy chay, học chay; giúp học viên tiếp cận được khoa học kỹ thuật, gợi mở cho những người làm công tác xã hội gắn lý luận với thực tiễn, gắn học với hành. Đây là một trong những phương pháp mà người giảng viên phải thực hiện trong đổi mới phương pháp giảng lý luận

      Thứ tư: Sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm thực hiện “Biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo”.

      Trong chương trình đào tạo Trung cấp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính  hiện nay, mỗi phần học đều có ít nhất 2 hoặc 3 buổi thảo luận, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những buổi thảo luận chưa phát huy được tính tích cực của học viên, ví dụ như: giảng viên nêu ra một số câu hỏi, học viên sau một thời gian suy nghĩ, chuẩn bị sẽ phát biểu với tính chất trả bài, sau đó giảng viên giảng lại bài cũ là chính; hoặc học viên ít thảo luận, phát biểu ý kiến mà chủ yếu ngồi làm đề cương cho các câu hỏi ôn tập. Hình thức này dễ gây ra tâm lý nhàm chán, lãng phí thời gian, không phát huy được tính chủ động tiếp thu, vận dụng kiến thức của học viên; giảng viên cũng không nắm bắt được mức độ tiếp thu của học viên đến đâu.

      Để khắc phục các hạn chế trên, áp dụng phương pháp làm việc nhóm là một trong những biện pháp hiệu quả. Đây là phương pháp chia lớp học theo các nhóm nhỏ và các thành viên trong nhóm hợp tác theo sự phân công để giải quyết một vấn đề cụ thể hoặc thảo luận theo các chủ đề mà giảng viên nêu ra. Sau đó đại diện các nhóm trình bày kết quả làm việc nhóm và các nhóm khác có ý kiến trao đổi, bổ sung thêm.

      Giảng viên cần coi trọng và tăng cường thực hiện phương pháp thảo luận nhóm. Đây là một vấn đề quan trọng, thiết thực cho đổi mới phương pháp của giảng viên, vì thông qua giờ thảo luận học viên có điều kiện trực tiếp trao đổi, thảo luận đưa ra những chính kiến của mình cả về lý luận và thực tiễn; cả những vấn đề đúng và chưa đúng…

      Trong sử dụng phương pháp thảo luận nhóm thì vai trò của giảng viên hướng dẫn thảo luận không kém phần quan trọng. Người hướng dẫn thảo luận phải căn cứ vào nội dung chương trình, đối tượng học viên: học viên đã có thời gian công tác, bề dày kinh nghiệm hoặc học viên mới tham gia công tác. Đa số học viên ngại phát biểu hoặc không muốn phát biểu sợ nói lại kiến thức mà thầy đã giảng hoặc học viên khác đã phát biểu, sợ phát biểu sai về quan điểm…còn liên hệ thực tiễn thì những người đã trải qua công tác rất thuận lợi, nhưng một phần nào đó ngại đụng chạm đến cơ quan đơn vị; còn học viên chưa qua công tác chưa có kinh nghiệm rất sợ liên hệ thực tiễn. Chính vì vậy, đòi hỏi giảng viên hướng dẫn thảo luận rất tế nhị khéo gợi mở, đặt ra những vấn đề gắn với thực tiễn ở địa phương mà người học tiếp xúc hàng ngày, những vấn đề lý luận diễn ra cụ thể sát thực ở địa phương như thế nào. Trên cơ sở đó học viên nói lên những kinh nghiệm mà địa phương khác đã làm, qua đó kịp thời khích lệ để người học nói lên những kinh nghiệm của địa phương mình, học tập lẫn nhau. Bởi vì mỗi địa phương, tình hình đặc điểm khác nhau và có những kinh nghiệm khác nhau, làm cho buổi thảo luận sôi nổi học viên ham phát biểu thảo luận. Khi phát hiện học viên phát biểu chưa chính xác, khi chỉnh sửa cũng phải hết sức tế nhị, không để cho học viên xấu hổ, không dám phát biểu lần sau, ảnh hưởng đến người khác. Chính vì thế học viên mới phát biểu.

      Thông qua thảo luận nhóm, giảng viên kiểm nghiệm được học viên đã nắm được bài giảng đến mức độ nào; phương pháp giảng dạy của giảng viên đã đạt được hiệu quả hay không? Kiến thức của giảng viên còn có chỗ nào chưa thật vững để tự mình điều chỉnh bổ sung. Thực hiện thảo luận nhóm, giảng viên nên chọn một học viên học lực khá, có khả năng điều hành giao cho họ tự thảo luận, giảng viên là người trọng tài, nghe các ý kiến phát biểu, tổng hợp và giải đáp khi học viên thảo luận đưa ra các ý kiến không phân thắng bại. Thực hiện tốt thảo luận nhóm buộc học viên phải đọc tài liệu, nghiên cứu, chuẩn bị, từ đó sẽ tạo nên động lực và hứng thú của người học, giúp cho họ nắm vững được lý luận vận dụng vào thực tiễn được tốt và có hiệu quả.

      Như vậy có thể thấy giảng viên có vai trò quan trọng việc phát huy tính tích cực chủ động của học viên và toàn bộ quá trình dạy – học của nhà trường sẽ không có hiệu quả, chất lượng nếu không tạo ra được sự kết hợp hài hoà giữa hoạt động của người giảng viên và hoạt động tích cực sáng tạo của học viên. Vậy, tích cực, tự giác, độc lập có nghĩa là trong quá trình học tập, học viên tự đặt ra mục đích học tập, tích cực tìm ra các biện pháp tối ưu để vận dụng vào quá trình học tập, không chỉ thế, người học phải luôn hứng thú, say mê học tập, xem việc học là một nhiệm vụ chính trị của mình phải hoàn thành. Qua đó, vai trò quyết định thành công vẫn là giảng viên, giảng viên là người trang bị phương pháp, cố vấn, người điều phối, người hướng dẫn và là người thúc đẩy quá trình đào tạo đạt hiệu quả./.

                                                                                  ThS. Mông Thị Tường Vi

                                                                               Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở