Skip to main content
x
3 September 2020

      Chuyến xe về nguồn sáng ngày 13 tháng 8 năm 2020 đưa Đoàn cán bộ giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ về với vùng đất Văn Quan - Bắc Sơn, nơi có lịch sử hào hùng giàu truyền thống cách mạng. Từ những ngày trước chuyến đi, ai ai cũng chuẩn bị cho chương trình một cách đầy hào hứng và mong chờ. Đúng giờ theo kế hoạch, các thành viên trong đoàn đều có mặt sớm để xuất phát, bắt đầu một hành trình về nguồn.

      Điểm đến đầu tiên của đoàn là nhà đồng chí Lương Văn Tri, nơi anh đã từng sinh ra và lớn lên ở thôn Bản Hẻo, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan. Đoàn đã tổ chức dâng hương, ghi sổ lưu niệm và tri ân công đức tại nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri để bày tỏ sự tưởng nhớ và tri ân sâu sắc đến người con của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã ngã xuống trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Suốt chặng đường 13 năm hoạt động cách mạng từ năm 1928 đến năm 1941, đồng chí Lương Văn Tri đã có những cống hiến xuất sắc cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945. Là người con ưu tú của dân tộc, của quê hương Lạng Sơn, đồng chí Lương Văn Tri đã trực tiếp đi sâu, đi sát cơ sở để xây dựng, củng cố phong trào cách mạng, dẫn tới sự ra đời của các chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn: Chi bộ cộng sản Thụy Hùng, Văn Uyên giữa năm 1933; chi bộ cộng sản ở Bắc Sơn năm 1936 và chi bộ cộng sản ở Tràng Định năm 1938. Từ năm 1938 đến năm 1941, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, được Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ quan trọng, phụ trách công tác quân sự của Xứ ủy, đồng chí Lương Văn Tri đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng, củng cố địa bàn an toàn khu của Trung ương, của Xứ ủy Bắc Kỳ tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tại đây, đồng chí Lương Văn Tri cùng một số đồng chí lãnh đạo Trung ương và Xứ ủy mở các lớp huấn luyện quân sự cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong số các học viên, có đồng chí sau này đã trở thành tướng lĩnh tài năng nổi tiếng của quân đội nhân dân Việt Nam như Đại tướng Hoàng Văn Thái. Với vai trò là Chỉ huy trưởng Đội Du kích Bắc Sơn, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, Chính trị viên Đội du kích Bắc Sơn, đồng chí Lương Văn Tri đã có nhiều công lao trong việc xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, phát triển Đội Du kích Bắc Sơn thành Đội Cứu quốc Bắc Sơn. Đồng thời góp phần mở rộng phong trào cách mạng từ trung tâm Bắc Sơn đến địa bàn các châu, huyện trong tỉnh Lạng Sơn như: Bình Gia, Bằng Mạc, Hữu Lũng, Thoát Lãng và Tràng Định.

 Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Lương Văn Tri cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lương Văn Tri luôn nêu cao tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, có lý tưởng cao đẹp, lối sống trong sáng, trọng đạo lý, trọng nghĩa tình, gần gũi yêu thương đồng chí, đồng đội, mãi mãi là tấm gương sáng ngời có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ, để chúng ta học tập và noi theo. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ Lạng Sơn đã ghi nhận tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí. Tên tuổi của đồng chí Lương Văn Tri sống mãi với nhân dân các dân tộc Lạng Sơn, với non sông đất nước Việt Nam.

      Rời nhà lưu niệm và xã Trấn Ninh, đoàn tiếp tục hành trình đến tượng đài đồng chí Lương Văn Tri. Tượng đài được xây dựng từ năm 1995 tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan. Vào mỗi dịp kỷ niệm 100 năm, 110 năm đồng bào nhân dân các dân tộc của Tỉnh góp sức người sức của sửa sang, tu bổ khuôn viên ngày càng đẹp hơn. Hoạt động thiết thực này để tưởng nhớ và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Lương Văn Tri trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Di tích lưu niệm và tượng đài đồng chí Lương Văn Tri tại huyện Văn Quan hiện nay là địa chỉ văn hóa thu hút các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đến tìm hiểu và học tập truyền thống cách mạng của quê hương đất nước. Năm nay, dưới bàn tay tài năng của các thầy cô giáo mỹ thuật trên địa bàn huyện, đã vẽ nên nhưng bức tranh rực rỡ sắc màu, tạo thành con đường hoa vào khu tượng đài, đây cũng là một trong những hoạt động chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ huyện Văn Quan nhiệm kỳ 2020-2025.

      Suốt hành trình từ ngôi nhà của đồng chí Lương Văn Tri tới chặng đường viếng thăm tượng đài, tâm trí tôi cứ vang lên những dòng cảm xúc của nhà thơ Vi Xuân Tường:

                                        “Sừng sững như cây nghiến giữa rừng già

                                               Anh đứng dậy bằng trái tim tuổi trẻ

                                           Lương Văn Tri người thắp lên ngọn lửa

                                      Khí phách kiên trung hào sảng đất Văn Quan”

                                                               (Trích Bài thơ: Ngời sáng tên anh - Lương Văn Tri)

      Sau khi rời Tượng đài Lương Văn Tri, chúng tôi đã có mặt tại Bắc Sơn - mảnh đất có nhiều di chỉ khảo cổ về người tiền sử, nơi đây các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nền văn minh của người Việt cổ vào sơ kỳ đồ đá mới, mang tên văn hóa Bắc Sơn. Không chỉ vậy, Bắc Sơn là căn cứ địa kháng chiến, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn 27/9/1940 hào hùng. Điểm đến đầu tiên chúng tôi lựa chọn là đền thờ Liệt sĩ huyện Bắc Sơn (xã Bắc Quỳnh) để dâng hương, dâng hoa, thắp nén nhang thơm tri ân các vị anh hùng liệt sĩ, tưởng nhớ về những tấm gương hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.

vb

       Đoàn cán bộ giảng viên chụp ảnh tại đền thờ Liệt sĩ huyện Bắc Sơn (xã Bắc Quỳnh). (Ảnh: Tác giả)

      Hành trình đưa tiếp chúng tôi đến Di tích Đình Nông Lục tại xã Hưng Vũ - một di tích kiến trúc nghệ thuật được xây dựng từ đầu thế kỷ XX với kiến trúc theo kiểu chữ nhất, diện tích khoảng 180m2. Trải qua thời gian hơn một thế kỉ, Đình Nông Lục vẫn giữ được nét độc đáo thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa lối truyền thống của Đồng bằng Bắc Bộ cùng với kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày. Tại đây, vào tối ngày 25 tháng 9 năm 1940, các đảng viên cộng sản trung kiên vừa thoát khỏi nhà tù của thực dân Pháp trở về đã họp bàn với các đồng chí đảng viên thuộc chi bộ Hưng Vũ về phương án khởi nghĩa, thời gian khởi nghĩa Bắc Sơn vào 20h ngày 27/9/1940. Đình Nông Lục được xếp hạng đạt di tích lịch sử quốc gia vào năm 1962. Nơi đây hiện nay không chỉ là điểm di tích tiêu biểu trong cụm di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn mà còn trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Để chung tay góp sức xây dựng địa phương và tỏ lòng biết ơn với các thế hệ đi trước, đoàn chúng tôi đã tặng 05 suất quà động viên về vật chất và tinh thần ý nghĩa đối với các hộ gia đình chính sách trên địa bàn xã Hưng Vũ.

      Hành trình về nguồn là dịp để mỗi chúng tôi tìm hiểu các di tích lịch sử, là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một nghĩa cử cao đẹp góp phần ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của những người anh hùng liệt sĩ kiên trung. Qua đó, giúp các chúng tôi hiểu sâu sắc hơn, tự hào và trân trọng những thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã giành được, tạo động lực to lớn trong việc triển khai tuyên truyền việc học tập Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

      Với tôi, đây không chỉ là một chuyến đi mà là một chuyến tham gia khám phá những giá trị sống bởi sau chuyến đi tôi cảm nhận được bên cạnh những giá trị lịch sử là sự gắn kết nghĩa tình giữa quá khứ và hiện tại, cũng như tích lũy được những kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu. Hi vọng tôi sẽ còn được tham gia những chuyến đi tiếp theo như vậy, đây cũng là động lực thôi thúc tôi nỗ lực phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của trường.

      Ghi nhớ và biết ơn với những đóng góp to lớn của đồng chí Lương Văn Tri. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi tình hình kinh tế - chính trị - xã hội trong nước và trên thế giới có nhiều biến động. Các thế lực thù địch bằng “Diễn biến hòa bình” đã sử dụng các thủ đoạn tinh vi nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới cho cách mạng Việt Nam. Nhận thức rõ những điều đó thời gian vừa qua giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ luôn nêu cao ý thức tự học tập, tu dưỡng rèn luyện chính trị, tích cực chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những kiến thức mới. Luôn giữ vững phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp và tác phong sư phạm, chấp hành nghiêm các nội quy, quy chế giảng dạy. Phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, năng động của tuổi trẻ. Trong đó phải kể đến các hoạt động thi đua dạy tốt, học tốt, tích cực nghiên cứu khoa học. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được duy trì và phát triển hay các phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng cũng được phát huy. Trong thời gian tới bản thân tôi và mỗi giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ sẽ tiếp tục ra sức thi đua, đoàn kết, đồng lòng, phát huy sức trẻ của mình trong học tập và công tác thông qua một số việc làm cụ thể như sau:

      Một là, tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, không ngừng học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vận dụng văn bản,chỉ thị, nghị quyết của đảng vào trong nghiên cứu và giảng dạy.

      Hai là, xây dựng kế hoạch tự học tập, tu dưỡng đạo đức theo 05 tiêu chuẩn của người cán bộ giảng viên trường chính trị, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng của nhà trường.

      Ba là, không ngững hoàn thiện, bồi đắp năng lực chuyên môn, gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy. Tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế qua đó tự rèn luyện cho mình đức tính ham học hỏi, cầu tiến, cần cù, chịu khó học tập, nghiên cứu.

      Bốn là, thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể, công đoàn, hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng để đóng góp sức trẻ của mình vào sự nghiệp chung của đất nước.

                                                                                                    ThS. Hoàng Thị Quyên

                                                                                                Giảng viên, Khoa Lý luận cơ sở