Skip to main content
x
18 August 2020

        Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22- CT/TU, ngày 15/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, gắn với việc chú trọng tuyên truyền chủ trương, chính sách về công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Các cấp, các ngành đã ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 15/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, lồng ghép với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm và giai đoạn đến năm 2020 tại các chương trình, kế hoạch, đề án được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

        Đánh giá vai trò quan trọng của công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với sự phát triển của tỉnh, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã tiếp tục xác định: “Phát triển nhanh nguồn lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, cán bộ khoa học kỹ thuật, đội ngũ công nhân, lao động có chất lượng cao, gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài”.

        Qua 8 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 15/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 đạt một số kết quả sau:

        Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, ý nghĩa của phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được nâng lên; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cần được ưu tiên, chú trọng và thực hiện thường xuyên.

        Công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức về phát triển nguồn nhân lực đã được triển khai sâu, rộng từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, đa dạng về hình thức và phương pháp. Hội đồng đào tạo nhân lực tỉnh đã được kiện toàn để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn, là đầu mối quan trọng để thống nhất trong lãnh đạo, điều hành thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn toàn tỉnh. Các sở, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 đã chủ động trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp, kết hợp lồng ghép việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, cơ quan, đơn vị với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực.

        Việc huy động các nguồn lực cho công tác phát triển nguồn nhân lực đã được đẩy mạnh. Những kết quả đạt được từ việc đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực theo Chỉ thị số 22-CT/TU đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cụ thể: Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2012 - 2019 đạt 7,22%31; cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực và đúng theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 43,4 triệu đồng, gấp 1,87 lần năm 2012.

        Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh đã góp phần tăng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (chỉ số PCI), môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện. Tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực địa bàn theo quy hoạch, khuyến khích của tỉnh. Cơ sở vật chất hạ tầng kỹ tầng được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đồng bộ, kịp thời phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế cửa khẩu và các nhu cầu phát triển kinh tế nội địa và xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững.

        Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 15/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như:

        Sự phối hợp trong triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh giữa các cấp, các ngành chưa thực sự được gắn kết, đồng bộ;

        Công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết thực hiện phát triển nguồn nhân lực hằng năm chưa được thực hiện thường xuyên;

       Chất lượng giáo dục chưa thực sự đồng đều, kết cấu hạ tầng phục vụ dạy và học chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở các xã vùng cao, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học nghề chưa đạt được kết quả theo yêu cầu. Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh chủ yếu còn phụ thuộc vào gia đình, thiếu thông tin về thị trường lao động; số lao động được đào tạo không tìm được việc làm đúng nghề còn cao.

        Chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu là nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp (chiếm 85-90%), nghề phi nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ thấp. Tỷ lệ lao động có tay nghề, trình độ cao còn thấp, thiếu đội ngũ lao động có chuyên môn, kỹ thuật và có phong cách làm việc chuyên nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên có trình độ chuyên môn cao, giỏi về cả lý thuyết và có kỹ năng thực hành.

        Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đồng đều, đặc biệt cấp cơ sở còn có nhiều cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định; mặt bằng trình độ về ngoại ngữ của cán bộ, công chức.

        Thị trường lao động trên địa bàn tỉnh còn nhỏ hẹp, chưa đa dạng, phong phú; hoạt động kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ lệ thấp, phần lớn là lao động nông thôn (trên 75%) và chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (trên 70%). Công tác đào tạo và dạy nghề chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế hộ gia đình cá thể, quy mô nhỏ lẻ, chưa thực sự đem lại hiệu quả cao và ổn định, chưa thu hút được nhiều lao động tham gia đào tạo, học nghề. Công tác dự báo nhu cầu lao động chưa thực sự hiệu quả, thiếu thông tin để định hướng cho người lao động trong việc lựa chọn nghề nghiệp để đào tạo, học nghề, dẫn đến việc thừa, thiếu nhân lực cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực.

        Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian tới tỉnh Lạng Sơn cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

        Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện phát triển nguồn nhân lực của từng cơ quan, đơn vị, từng lĩnh vực, ngành phụ trách. Ban hành nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn mới trên tinh thần quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

        Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân về vai trò quan trọng của công tác phát triển nguồn nhân lực, xác định đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

        Thứ ba, củng cố, kiện toàn và nâng cao trách nhiệm của Hội đồng đào tạo nhân lực tỉnh trong việc giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực tỉnh; bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để xây dựng, lập quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tình hình thực tiễn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

        Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài về làm việc tại tỉnh KV.BC/TU 16 nhằm tạo sự đột phá trong các lĩnh vực, trong đó bao gồm các nội dung về cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện về thu nhập, bảo hiểm, điều kiện sống, nhà ở... đồng thời gắn với việc đánh giá, tôn vinh, đãi ngộ, ghi nhận những thành tựu mà những người tài, người có trình độ cao đã đạt được. Phân công cụ thể đối với các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển nguồn nhân lực theo các lĩnh vực (chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể lực; giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ học vấn, văn hóa; đào tạo, dạy nghề cho người lao động gắn với nhu cầu việc làm; phát triển thị trường lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp...).

        Thứ năm, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, năng lực cán bộ quản lý và đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng theo quy định; có kế hoạch bổ sung giáo viên cho một số ngành nghề mới. Đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo nghề, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, đặc biệt của doanh nghiệp. Khuyến khích và tăng cường các hình thức liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng thời kết hợp đào tạo kiến thức và kỹ năng cơ bản tại cơ sở đào tạo với đào tạo kỹ năng nghề nghiệp tại cơ sở sản xuất.

        Thứ sáu, định hướng, điều chỉnh, thực hiện quyết liệt việc phân luồng học sinh sau trung học sang lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển nhân lực của tỉnh và cả nước. Đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong các trường phổ thông; tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội, thực hiện nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp; đào tạo giáo viên hướng nghiệp cho các trường phổ thông, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp.

        Thứ bảy, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ theo hướng linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả và có tính chiến lược lâu dài; phát hiện để đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ, công chức trẻ có trình độ, năng lực, có tính sáng tạo để xây dựng đội ngũ cán bộ nguồn kế cận thực sự có chất lượng, dám nghĩ, dám làm, tạo được những bước đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

        Thứ tám, tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã được phê duyệt, trong đó tập trung thực hiện Đề án nâng cao trình độ ngoại ngữ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại nước ngoài để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển trong xu thế toàn cầu hóa.

        Thứ chín, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện, ưu tiên, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế lớn có năng lực về đầu tư nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo ra một thị trường lao động đa dạng, có tính chuyên môn cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ổn định, nhanh và bền vững.

        Thứ mười, ưu tiên phân bổ nguồn lực ngân sách cho việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục và đào tạo, nhất là trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hướng tới xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, tiệm cận với mặt bằng các tỉnh và trong nước./.

                                                                                             ThS. Hoàng Ngọc Hiếu

                                                                                          Khoa Nhà nước và pháp luật