Skip to main content
x
18 August 2020

        Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong 4 nhóm giải pháp lớn nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương số 31-NQ/TƯ ngày 14/5/2014  về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nhóm giải pháp này xếp ở vị trí đầu tiên, có tính đột phá, huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện cho xây dựng văn hóa, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, tính chiến lược lâu dài, thể hiện quan điểm của Đảng ta coi xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo. Trên tinh thần đó, Chỉ thị 09-CT/TU ngày 17/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơnvề việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển đời sống văn hoá - xã hội, thực sự trở thành phong trào quần chúng rộng khắp trên địa bàn. Mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, h­ưởng ứng và có nhiều hình thức sáng tạo trong quá trình thực hiện Phong trào. Do đó, kết quả thực hiện Phong trào ngày một nâng cao về số l­ượng cũng như­ chất lư­ợng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Huy động đư­ợc mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị từ trong Đảng, cơ quan Nhà nư­ớc, các đoàn thể ra ngoài xã hội tham gia thực hiện phong trào.

        Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được các cấp ủy, chính quyền huyện Văn Quan thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo; các ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện phong trào. Các nhiệm vụ, chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hoá đã được cụ thể hoá trong Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể. Nội dung xây dựng đời sống văn hoá được lồng ghép, bổ sung vào nội dung các phong trào hiện có do các ngành, đơn vị, địa phương phát động. Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị, huyện Văn Quan đã đạt được những kết quả như sau:

        Phong trào xây dựng người tốt, việc tốt luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện và trở thành một trong những phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc Thông qua các phong trào, đã tạo nên ý thức, trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, xã hội trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, ngăn chặn đẩy lùi các tệ nạn xã hội, phấn đấu xây dựng gia đình, khu dân cư văn hoá; thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy di sản văn hoá. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng lối sống lành mạnh, trung thực, có tinh thần học tập, nâng cao trình độ, làm việc năng suất, hiệu quả. Công tác biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong Phong trào ở mỗi cấp, mỗi ngành, đoàn thể đã góp phần tạo động lực phát triển đời sống kinh tế - xã hội. Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện tặng giấy khen cho 340 tập thể và 1.289 cá nhân có thành tích xuất sắc; 361 tập thể và 5633 cá nhân được tặng danh hiệu thi đua lao động tiên tiến; công nhận 89 sáng kiến cấp huyện có chất lượng tốt, đem lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ; có 01 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 01 cá nhân được nhận Huân chương Lao động Hạng III vì có quá trình cống hiến lâu dài, liên tục trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và 04 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ công tác

        Đến với phong trào xây dựng Gia đình văn hoá theo 3 tiêu chuẩn , trên địa bàn huyện đã thực sự đi vào cuộc sống, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng tham gia. Nhiều gia đình gương mẫu chấp hành, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân, tích cực vận động các gia đình khác cùng thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mọi thành viên trong gia đình đều có ý thức, trách nhiệm tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh bài trừ các tệ nạn, mọi biểu hiện tiêu cực của xã hội. Nếp sống văn minh đã từng bước được hình thành trong mỗi gia đình, thể hiện trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Mọi gia đình đều tự tạo cho mình có cuộc sống vui tươi, phấn khởi, hoà thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Phần lớn các gia đình đều sống hoà thuận, biết cách ứng xử đúng đạo lý, có nếp sống lành mạnh. Ông, bà, cha, mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền, tiến bộ. Các gia đình đã có ý thức trách nhiệm giữ gìn tốt mối quan hệ thân thiện trong cộng đồng dân cư. Tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong lao động sản xuất như giúp đỡ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi để giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩ. Tích cực tham gia đóng góp sức người, tiền của vào việc xây dựng làng, bản, khu phố văn hoá. Tham gia các hoạt động xã hội từ thiện do địa phương phát động; tham gia hoà giải các mối quan hệ bất đồng với ý thức xây dựng và tham gia các buổi sinh hoạt của thôn, phố góp phần tăng cường sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có 33.530 lượt hộ gia đình được công nhận đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Tỷ lệ hộ gia đình văn hoá tăng từ 55,6% năm 2016 lên 73% năm 2019

        Ngoài ra, phong trào xây dựng Khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá trong những năm qua đã góp phần làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện ngày càng ổn định và từng bước phát triển. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống được thực hiện thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Đời sống tinh thần ngày càng nâng cao, thông qua việc thực hiện các quy ước, hương ước ở các làng văn hóa, quan hệ ứng xử trong gia đình và cộng đồng đã đi vào nề nếp. Việc thực thi pháp luật đã được các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm túc. Cụ thể như các loại thuế, các nguồn quỹ đều đạt cao.

        Bên cạnh đó, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp tiếp tục triển khai công tác đăng ký, thực hiện 5 nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn, đô thị văn minh”: Đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; đoàn kết phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân tương ái”; đoàn kết phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đoàn kết chăm lo sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khỏe, phát triển thể dục thể thao và thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường; đoàn kết xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh gắn bó mật thiết với Nhân dân, tổ chức tốt “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”. Kết quả hằng năm, toàn huyện có 100% khu dân cư tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, có 1.541 hộ gia đình được biểu dương khen thưởng; trị giá quà tặng trong dịp tổ chức ngày hội Đại đoàn kết 143.855.000 đồng. Hưởng ứng Phong trào xây dựng Nông thôn mới: Ủy ban mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, kết quả số tiền ủng hộ, hỗ trợ được 42.966 triệu đồng; số diện tích đất hiến tặng 110.413m2; ngày công đóng góp 68.962 ngày công, trị giá ngày công 10.344 triệu đồng.

        Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc c­ưới, việc tang, lễ hội   y dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:  Trong 5 năm qua, huyện đã xây dựng hoàn thiện 07 nhà văn hóa xã với tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ trên 23 tỷ đồng; xây dựng và nâng cấp 89 nhà văn hóa thôn, phố. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 100% thôn, phố có nhà văn hóa, đạt mục tiêu đề ra. Tính đến nay, toàn huyện có 20 sân, nhà tập thể dục thể thao tại 15/17 xã, thị trấn do cấp xã quản lý, chiếm 88% tổng số xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới có nhiều tiến bộ, đa số đám cưới đã được tổ chức theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, văn minh và phù hợp với truyền thống của dân tộc. Thực hiện kết hôn trên nguyên tắc bình đẳng, không có hiện tượng ép duyên, việc thách cưới đã được giảm nhẹ về vật chất. Chấp hành tốt Luật Hôn nhân và gia đình, đăng ký kết hôn đúng quy định, việc đăng ký và trao giấy đăng ký kết hôn tổ chức tại UBND xã, thị trấn theo đúng luật. Kết quả, đã thực hiện đăng ký kết hôn cho 1.937 cặp, tuổi kết hôn trung bình lần đầu nam là 26 tuổi, nữ là 24 tuổi. Các hủ tục lạc hậu, mê tín trong tang lễ đã được cắt bỏ, việc tổ chức đám tang lâu ngày đã giảm đáng kể, hội hiếu cùng tang gia lo tang chay ấm cúng, chu đáo thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc; qua đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm trong Nhân dân. Nghi lễ được tiến hành chu đáo, tôn nghiêm, thể hiện được đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Khi có người qua đời, các gia đình đều khai tử, báo cáo với chính quyền địa phương. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã thực hiện đăng ký khai tử cho 1.304 trường hợp. Đã tổ chức phục dựng được 05 lễ hội lồng tồng truyền thống tại 05 xã nhằm duy trì và tổ chức có nề nếp, tạo không khí phấn khởi trong Nhân dân và phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của huyện. Nhiều nội dung, nghi thức truyền thống đã được quan tâm phục dựng trong lễ hội như: Lễ cúng thần nông, múa sư tử, hát lượn, hát sli, kéo co, tung còn, đẩy gậy. Hằng năm, việc tổ chức lễ hội ở các xã, thị trấn, với mục đích bảo tồn, phát huy những nét truyền thống vốn có trong các lễ hội cổ truyền; tổ chức lễ hội đảm bảo các quy định; tổ chức lồng ghép những nội dung mới phù hợp với cuộc sống hiện nay.

        Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế nhất định: Phong trào phát triển rộng khắp nhưng chưa đồng đều, chưa có chiều sâu, thiếu tính bền vững, số lượng và chất lượng một số phong trào còn hạn chế. Chưa có nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu trong thực hiện phong trào. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa thiếu bền vững do có sự biến động về chính sách. Các vụ bạo lực gia đình vẫn tiếp tục tái diễn tại cộng đồng dân cư, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của phong trào.

        Có thể khẳng định, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã tác động và mang lại hiệu quả tích cực về văn hoá - xã hội, chính trị và kinh tế, để nâng cao chất lượng phong trào, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp:

        Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa ở từng địa phương; tiến hành sơ kết, tổng kết phong trào để rút kinh nghiệm, xác định phương hướng, mục tiêu nhằm từng bước ổn định và phát triển phong trào cả bề rộng và chiều sâu; điều chỉnh những lệch lạc, bổ sung những vấn đề cần thiết, thích hợp nhằm đảm bảo nội dung, tránh sự chồng chéo thiếu đồng bộ.

        Hai là, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, gắn các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với các phong trào cách mạng khác để tạo sự hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Tăng cường công tác kiểm tra, chú trọng nhân rộng những điển hình tiên tiến, giải quyết kịp thời những vướng mắc ở cơ sở từ đó củng cố, giữ vững các danh hiệu văn hóa đã đạt được.

        Ba là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, vận động nhân dân tích cực tham gia, từ đó huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh Phong trào.

        Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, phương thức, vận động, tập hợp quần chúng tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi, phát huy nội lực của Nhân dân trong việc tham gia thực hiện Phong trào.

        Năm là, đẩy mạnh công tác thi đua - khen thưởng. Lấy kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong các tiêu chuẩn để bình xét danh hiệu thi đua của các cá nhân và tập thể hàng năm. Chú trọng công tác khen thưởng, động viên, cổ vũ phong trào phù hợp với các quy định của Luật Thi đua- Khen thưởng./.

                                                                                   ThS. Lê Thị Thảo

                                                                         Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở