Skip to main content
x
17 September 2015

     Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của Đảng và của dân tộc ta đã để lại cho chúng ta di sản vô cùng quý báu về tư tưởng dân vận và công tác dân vận của Đảng. Dân vận và công tác dân vận có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, là nhiệm vụ và là phương pháp cách mạng cực kỳ quan trọng, đảm bảo cho đường lối, chủ trương, các chính sách và nhiệm vụ do Đảng đề ra được thực hiện thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho" [1]

 

     Có thể nói nội dung công tác dân vận gồm ba mảng vấn đề lớn và cực kỳ quan trọng, đó là:

 

     Một là: Động viên và tổ chức cho nhân dân phát huy dân chủ và sáng kiến, tham gia góp ý cho việc xây dựng, hình thành các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sát với thực tiễn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, đáp ứng được những quyền lợi chính đáng của đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động.

 

     Hai là: Giải thích, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để các tầng lớp nhân dân hiểu, đồng thuận và hăng hái thực hiện. Đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, đảng viên, cán bộ, công chức Nhà nước.

 

     Ba là: Chăm lo cải thiện, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, trước hết là phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, thực hiện dân chủ ở cơ sở.

          Phương thức công tác dân vận chủ yếu là tuyên truyền, giải thích, vận động quần chúng, tập hợp và tổ chức quần chúng hành động thông qua hoạt động của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức quần chúng.

          Đối tượng của công tác dân vận rất phong phú, đa dạng. Đó là các tầng lớp nhân dân, các giai tầng xã hội, là “nam, phụ, lão, ấu”, từ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên cho đến người cao tuổi, là đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, từ các đô thị, đồng bằng cho đến vùng biên giới, hải đảo.

 

     Chính vì vậy, công tác vận động quần chúng là trách nhiệm của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân…đều phải phụ trách dân vận” [2]

 

     Thực tế cho thấy, ở đâu và lúc nào làm tốt công tác dân vận thì tập hợp được quần chúng nhân dân, tích cực tham gia và đạt kết quả toàn diện, ngược lại nơi nào xem nhẹ công tác dân vận, cán bộ xa rời quần chúng nhân dân, quan liêu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm, không lắng nghe, tôn trọng và không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân thì nơi ấy sẽ rất khó thực hiện đúng và khó đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách có hiệu quả. Cán bộ dù có học thuộc từng câu, từng chữ về chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng nhưng không biết cách tiếp cận quần chúng nhân dân, không làm tốt công tác giải thích, tuyên truyền, vận động thì cũng không thể thực hiện được tốt công tác dân vận.

 

     Học tập và làm theo tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng ủy và Lãnh đạo trường Chính trị Hoàng Văn Thụ quan tâm và động viên toàn thể cán bộ, viên chức và lao động thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân vận, trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động làm tốt công tác dân vận trên các lĩnh vực:

 

     Một là: Lãnh đạo trường luôn triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, đảm bảo cho cán bộ, viên chức và người lao động được tham gia đóng góp ý kiến của mình đối với các hoạt động của nhà trường; vận động cán bộ, công chức, viên chức bàn và đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cung cấp đầy đủ thông tin của nhà trường thông qua hệ thống các văn bản, hội nghị, cuộc họp và cập nhật thường xuyên trên mạng nội bộ. Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở đã góp phần quan trọng tạo nên khối đoàn kết nội bộ, phát huy được sức mạnh nội lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

 

     Hai là:  Nhà trường thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua các cuộc họp, hội nghị, các cuộc hội thảo, sinh hoạt chi bộ, họp chuyên môn hàng tháng. Những hình thức tuyên truyền, vận động có hiệu quả như: Tuyên truyền thông qua Kế hoạch tổ chức Ngày pháp luật, thông qua tủ sách pháp luật; nêu gương người tốt, việc tốt trong việc thực hiện các cuộc vận động; đưa nội dung tuyên truyền, vận động vào chương trình công tác hàng thàng, quý. Các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách mới được triển khai phổ biến kịp thời đến cán bộ, viên chức và người lao động.

 

     Ba là: Nhà trường luôn chú trọng, chăm lo đời sống bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho cán bộ, viên chức và người lao động.

 

     Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác dân vận của nhà trường trong thời gian tới, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp như:

 

     Một là: Luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng ta về công tác dân vận. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân vận.

 

     Hai là: Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do đó cần có sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức trong nhà trường để tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức và người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường, giúp cho mỗi cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động đều  nhận thấy ai cũng đều phải làm công tác dân vận trên cương vị công tác của mình.

 

     Ba là: Cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, viên chức và người lao động theo đúng thời hạn, đúng quy định của pháp luật lao động, không ngừng chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức và người lao động trong nhà trường để họ thực sự yên tâm công tác, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

 

     Tin tưởng và hy vọng rằng thấm nhuần tư tưởng Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, viên chức, người lao động trên cương vị công tác của mình sẽ học tập và vận dụng linh hoạt trong công việc, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường./.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 6, tr.232.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.233.

                                                                                              Ths. Chu Minh Tâm

                                                                                          Giảng viên khoa Dân vận