Skip to main content
x
13 March 2015

     Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII  khai mạc ngày 20/5/2014 tại Thủ đô Hà Nội. Sau hơn 1 tháng làm việc ngày 24/6/2014 Quốc hội họp phiên bế mạc. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua các Luật sau:

     1. Luật hôn nhân và gia đình 2014 (gồm 10 chương, 133 điều, có hiệu lực từ 01/01/2015). Điểm mới đáng chú ý của luật này là tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên và nam là từ đủ 20 tuổi trở lên (hiện hành nữ từ 18 tuổi trở lên, nam từ 20 tuổi trở lên). Đồng thời, cho phép sinh con bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản; cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tiếp tục khẳng định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

     2. Luật đầu tư công 2014 (gồm 6 chương, 108 điều, có hiệu lực từ 01/01/2015)

     Đây là một trong những dự án Luật quan trọng, liên quan đến việc xác lập thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật Đầu tư công quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý Nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

     3. Luật hải quan 2014 (gồm 8 chương, 104 điều, có hiệu lực từ 01/01/2015)

     Một trong những điểm mới của luật là đã bổ sung Điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10 mới). Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan đối với công chức hải quan là gây phiền hà, khó khăn trong việc làm thủ tục hải quan; Bao che, thông đồng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, gian lận thuế; Nhận hối lộ, chiếm dụng, biển thủ hàng hoá tạm giữ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mục đích vụ lợi; Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.

     4. Luật phá sản 2014 (gồm 9 chương, 133 điều, có hiệu lực từ 01/01/2015)

Luật quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và việc sửa đổi Luật phá sản; góp phần quan trọng trong việc tạo khuôn khổ pháp lý cho quá trình thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, hợp tác xã…

     5. Luật bảo vệ môi trường (gồm 20 chương, 170 điều, có hiệu lực từ 01/01/2015)

     Điểm nổi bật cơ bản của Luật là đã xây dựng mới nội dung về quy hoạch bảo vệ môi trường; quy định cụ thể hơn về nội dung cần phải có của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; bổ sung quy định về cam kết bảo vệ môi trường. Luật quy định bổ sung và cụ thể về trách nhiệm của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các làng nghề; các điều kiện về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh đối với bảo vệ môi trường làng nghề.

     6. Luật công chứng 2014 (gồm 10 chương, 81 điều, có hiệu lực từ 01/01/2015)

     Luật quy định rõ về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. Luật góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, qua đó nâng cao chất lượng cũng như tính bền vững của hoạt động công chứng và từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

     7. Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (gồm 9 chương, 55 điều, có hiệu lực từ 01/01/2015)

     Luật quy định “siết” chặt việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo sự tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật cấm người người nước nhập cảnh trong các trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng; giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú; Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng; Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực; Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực; Vì lý do phòng, chống dịch bệnh; Vì lý do thiên tai; Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

     8. Luật xây dựng 2014 (gồm 10 chương, 168 điều, có hiệu lực từ 01/01/2015)

     Luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; về quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam. Việc phân loại dự án đầu tư xây dựng bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy mô, tính chất, loại công trình xây dựng và nguồn vốn sử dụng; Dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy mô, tính chất, loại công trình xây dựng của dự án gồm dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo các tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công; Dự án đầu tư xây dựng gồm một hoặc nhiều công trình với loại, cấp công trình xây dựng khác nhau.

                                                                                         Hoàng Xuân Yến

                                                                         Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật