Skip to main content
x
10 March 2015

     Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, kinh tế hộ nông dân đã phát huy tác dụng to lớn, tạo sức mạnh mới trong sự phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Trên nền tảng kinh tế tự chủ của hộ nông dân đã hình thành các trang trại được đầu tư vốn, lao động với trình độ công nghệ và quản lý cao hơn nhằm mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa và nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

     Hiện nay, hình thức kinh tế trang trại tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia, nhưng chủ yếu là trang trại hộ gia đình nông dân và một tỷ lệ đáng kể của gia đình cán bộ, công nhân viên chức, bộ đội, công an đã nghỉ hưu. Hầu hết các trang trại có quy mô đất đai dưới mức hạn điền, với nguồn gốc đa dạng, sử dụng lao động của gia đình là chủ yếu. Một số có thuê lao động thời vụ và lao động thường xuyên, tiền công lao động được thỏa thuận giữa hai bên. Hầu hết các vốn đầu tư là tự có hoặc vốn vay của cộng đồng, vốn vay của tổ chức tín dụng chỉ chiếm tỉ lệ thấp. Phần lớn trang trại phát huy được lợi thế của từng vùng, kinh doanh tổng hợp, lấy ngắn nuôi dài. Sự phát triển của kinh tế trang trại góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, mở mang thêm diện tích đất trồng, đồi núi trọc, đất hoang hóa nhất là các vùng trung du, miền núi và ven biển; tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo; tăng thêm nông sản hàng hóa. Một số trang trại đã góp phần sản xuất và cung ứng giống tốt, làm dịch vụ, kỹ thuật tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng. Trong quá trình phát triển kinh tế hiện nay, kinh tế trang trại là một hướng đi đúng đắn và đã có những bước phát triển mạnh mẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và nông thôn nước ta phát triển, khai thác đầy đủ hơn các tiềm năng và nguồn lực về đất đai, vốn và lao động.

     Là một huyện miền núi phía bắc Hữu Lũng trong những năm qua mô hình kinh tế trang trại của huyện Hữu Lũng  cũng có những bước phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thể hiện tăng nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình, mỗi một trang trại có quy mô ngày càng mở rộng. Qua điều tra khảo sát, thống kê cho thấy, số l­ượng trang trại trên địa bàn toàn huyện từ năm 2006 đến năm 2010 tăng khá nhanh, từ 12 trang trại năm 2006, đến năm 2010 là 41 trang trại (tiêu chí trang trại đ­ược xác định theo Thông tư­ Liên tịch số 69/2000/TTLT-BNN-TCTK ngày 23 tháng 6 năm 2000 của Liên Bộ nông nghiệp & PTNT - Tổng cục thống kê về hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại),  Trong đó có nhiều trang trại trở thành điểm tựa kinh tế nông thôn của huyên, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở khu vực nông thôn.

     Tuy vậy ngày 13/4/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã ban hành Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT quy định về tiêu chí trang trại (mới) và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại (Thông tư số 27). Căn cứ theo thông tư này thì đến năm 2013 toàn huyện Hữu Lũng có 17 trang trại, tập trung chủ yếu ở loại hình chăn nuôi, với 09 trang trại trong đó có 6 trang trại chăn nuôi gia cầm, 2 trang trại nuôi lợn và 1 trang trại chăn nuôi tổng hợp,ngoài ra trên địa bàn huyện còn có trên 50 mô hình VAC tổng hợp có hiệu quả kinh tế cao như: mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản và nông lâm kết hợp được xây dựng từ nguồn vốn tự có và vốn vay, cho thu nhập từ 30 - 60 triệu đồng/ năm, những mô hình này khi căn cứ theo thông tư 27 thì chưa đủ tiêu chí để trở thành trang trại, đây là một trong những khoa khan cho việc phát triển các mô hình kinh tế trang trại ở huyện Hữu Lũng nói riêng và Lạng Sơn nói chung, bởi vì Thông tư số 27 cùng với các chính sách về nông nghiệp là “phương tiện” quan trọng giúp các chủ trang trại được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước trong phát triển kinh tế nhất là có thể vay vốn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12.4.2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

     Theo Thông tư số 27, tiêu chí về kinh tế trang trại được xác định cơ bản bởi yếu tố diện tích và giá trị sản lượng hàng hóa. Theo đó, cá nhân, gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản muốn đạt tiêu chuẩn kinh tế trang trại phải thỏa mãn điều kiện sau: Đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp cần rộng 2,1 ha trở lên, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm. Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Lợi ích lớn nhất mà người dân được hưởng lợi từ Thông tư số 27 chính là ở chính sách tín dụng được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản mức tối đa 500 triệu đồng (theo Nghị định số 41). Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, số vốn trên hết sức quan trọng để các trang trại duy trì hoạt động và mở rộng sản xuất. Ngoài ra, khi được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, các chủ trang trại còn được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, lao động, khoa học công nghệ, bảo hộ đầu tư... từ đó tạo động lực cho người sản xuất nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, liên kết và hình thành mô hình sản xuất khép kín. Vì vậy, việc cấp chứng nhận kinh tế trang trại  đối với các trang trại chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn là hết sức cần thiết. Tuy vậy hiện nay, nhiều chủ trang trại trên địa bàn huyện Hữu Lũng không mặn mà làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận.

     Theo tổng hợp của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hiện tại chưa có trang trại nào làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận trang trại, nguyên nhân chính của tình trạng này xuất phát từ nhận thức của các chủ trang trại. Nhiều chủ trang trại chưa thấy rõ được quyền lợi của việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại nên chưa tích cực làm hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Có những hộ do nắm bắt thông tin sai lệch nên không muốn làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Số khác lại e ngại trước các thủ tục, hồ sơ cấp, đổi giấy chứng nhận kinh tế trang trại mà theo suy nghĩ của họ là khá phức tạp. Mặt khác, địa phương  chưa bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra, thẩm định nên việc tuyên truyền, hướng dẫn và giải quyết thủ tục cho chủ trang trại còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó Theo Thông tư số 27, việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giao dịch với ngân hàng mà không phải thế chấp tài sản. Tuy nhiên thực tế cho thấy, khi thẩm định hồ sơ vay vốn, các ngân hàng lại có những đánh giá riêng để bảo đảm an toàn tín dụng, quy trình thẩm định của ngân hàng khá ngặt nghèo, thời gian thẩm định kéo dài… đôi khi không kịp thời giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho các trang trại.

     Thực hiện Thông tư số 27, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã đề xuất các chính sách phát triển kinh tế trang trại; tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các văn bản hướng dẫn huyện, tiến hành thẩm định, cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các chủ hộ. Các trang trại được cấp giấy chứng nhận được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng về kiến thức quản lý, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu…Tuy nhiên đến nay các trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại còn rất ít, chủ yếu là do việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại còn mang tính chất hình thức, người dân chưa thấy được hiệu quả thiết thực từ việc xin cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại nên vẫn còn chưa mặn mà. Việc được công nhận trang trại có ý nghĩa rất lớn trong việc sản xuất của người dân, tạo động lực cho người sản xuất nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, liên kết và hình thành mô hình khép kín từ khâu giống, thức ăn, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Thông qua đó, giúp cho các cấp chính quyền thực hiện tốt chức năng quản lý của mình đối với loại hình trang trại gia đình.

     Để đẩy nhanh hoạt động cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Hữu Lũng nói chung thiết nghĩ các cấp, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa tới việc tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho các chủ trang trại về vấn đề này. Đặc biệt là tạo điều kiện, để chủ trang trại được hưởng những ưu đãi từ các chính sách của Nhà nước.

                                                                                                           Th.S Trần Văn Tuân

                                                                                                        Giảng viên phòng Đào tạo