Skip to main content
x
8 March 2023

Bình Gia là huyện miền núi, cách thành phố Lạng Sơn 75 km; phía Bắc giáp huyện Tràng Định; phía Đông giáp 02 huyện: Văn Quan và Văn Lãng; phía Tây giáp huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn; phía Nam giáp huyện Bắc Sơn. Bao gồm 18 đơn vị xã và 01 thị trấn, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn (QĐ 861/QĐ-TTg); tổng số thôn, khối phố trên địa bàn huyện là 142, trong đó có 104 thôn đặc biệt khó khăn (QĐ 612/QĐ-UBDT). Tổng số hộ 13.019 hộ, số nhân khẩu 57.843, trong đó số hộ nghèo là 2.686 hộ, nhân khẩu 11.668 nhân khẩu (tỷ lệ hộ nghèo 2022 chiếm 20,63%); hộ cận nghèo là 4.215 hộ, nhân khẩu 18.998 nhân khẩu (tỷ lệ hộ cận nghèo 2022 chiếm 32,38%); Người dân tộc thiểu số (chiếm trên 95%) có 05 dân tộc chính gồm: Nùng, Tày, Dao, Kinh, Hoa. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện chung sống đoàn kết, chấp hành tốt đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trong năm 2022, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai tương đối đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm; có sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện với tinh thần xã hội hóa; cơ bản bảo đảm được quyền thông tin về pháp luật của công dân.

Tổng số cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được 1.929 cuộc, cho 154.169 lượt người nghe; số tài liệu PBGDPL được phát hành là 8.935 bản

Thực hiện khai thác, tác nghiệp được 545 tin, bài phóng sự phát thanh- truyền hình về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật;

Biên tập 116 chương trình tuyên truyền lưu động được hơn 249 lượt trên các tuyến đường Thị trấn - xã Hoàng Văn Thụ - xã Tân Văn; tại cụm xã Pác Khuông, cụm xã Văn Mịch; tuyên truyền lồng ghép trước các buổi chiếu phim thu hút khoảng 8.250 lượt người nghe;

Tuyên truyền qua hình thức trực quan: Treo 32 băng rôn, khẩu hiệu, pa nô.... tuyên truyền có nội dung về PBGDPL.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022; các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, nhất là trong đợt cao điểm từ thời điểm ban hành kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật đến hết tháng 11 trong năm với nhiều hình thức phong phú như phiên tòa giả định, lồng ghép tuyên truyền pháp luật tại các hội nghị, cuộc họp….tuyên truyền qua băng zôn, khẩu hiệu ở các tuyến đường trên địa bàn, bảng chữ điện tử ở các  trường học, cơ quan, các xã, thị trấn.

Hiện nay, 100%  đơn vị cấp huyện, các trường học và UBND 19/19 xã, thị trấn đều đã xây dựng được Tủ sách pháp luật hoặc ngăn sách pháp luật trong tủ sách chung đặt tại trụ sở cơ quan, với số lượng từ 100 cuốn sách pháp luật trở lên và nhiều loại ấn phẩm. Một số đơn vị chỉ đạo tốt công tác xây dựng tủ sách pháp luật. Bên cạnh tủ sách truyền thống, các ngành đã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh việc khai thác văn bản quy phạm pháp luật thông qua các cơ sở dữ liệu pháp luật trên mạng Internet để phục vụ cho hoạt động chuyên môn của đơn vị. UBND các xã, thị trấn đều đã sử dụng internet trong xử lý công việc và tra cứu văn bản. Thông qua khai thác tủ sách pháp luật đã giúp cho cán bộ, công chức giải quyết công việc theo quy định của pháp luật, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của nhân dân.

Cấp phát miễn phí 20.606 bản tài liệu: trong đó 1.806 quyển sách các loại; 18.800 tờ rơi, trong đó: Sổ tay những nội dung cơ bản của NĐ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật VBQPPL 44 quyển; Sổ tay những nội dung cơ bản của Luật xử lý vi phạm hành chính với 210 quyển; Cẩm nang hòa giải viên tập 2: 384 quyển; Cẩm nang tuyên truyền viên pháp luật tập 3: 150 quyển;  Cẩm nang tuyên truyền viên pháp luật 950 quyển; Cẩm nang pháp luật một số quy định về hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa 68 quyển; 2.900 tờ rơi Một số quy định về phòng cháy, chữa cháy; 3.600 tờ rơi Quy định về đăng ký khai sinh nhận cha, mẹ, con bổ sung hộ tịch 01 số trường hợp đặc biệt; 2.900 tờ rơi Quy định Công chức, Chứng thực; 1.800 tờ rơi tìm hiểu về phạm vi hòa giải ở cơ sở; 1.800 quy định về thi hành án; 1.800 Quy định về tha tù trước thời hạn; 4.000 tờ gấp quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở.

Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện được 13 cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật; thông qua tiểu phẩm về chủ đề pháp luật thu hút được 13.564 lượt người tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện còn một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, việc phối hợp thực hiện công tác PBGDPL của một số đơn vị liên quan chưa quan tâm, đôi lúc chưa sát với nhu cầu thực tiễn, còn dàn trải. Một số hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đôi lúc chưa thực sự hiệu quả; một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của đối tượng đặc thù nên hiệu quả đạt được chưa cao.

Thứ hai, nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở trên địa bàn huyện mặc dù đã được củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực nhưng một bộ phận vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Một số xã chưa bố trí ngân sách phục vụ cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Các chính sách huy động các nguồn lực xã hội hiện nay vẫn chưa thực sự khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động này.

Thứ ba, việc khai thác tủ sách pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế đặc biệt là tại cấp xã việc bố trí và quản lý tủ sách chưa thực sự thuận lợi cho người dân tiếp cận, khai thác, do đó mới chỉ đáp ứng được một phần về nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.

Thứ tư, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng các cuộc hội nghị tuyên truyền PBGDPL bị hạn chế, chủ yếu là chuyển văn bản cho tổ chức và cá nhân tự nghiên cứu; phổ biến giáo dục pháp luật đến nhân dân tại những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa đường đi lại khó, dẫn đến việc tuyên truyền phổ biến chưa được thực hiện thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phát triển kinh tế.

Thứ năm, ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân nhất là thanh thiếu niên còn hạn chế, cá biệt còn có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện kết luận số 80-KL/TW, ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Kế hoạch số 24/KH- UBND ngày 30/01/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về Triển khai công tác, phổ biến, giáo dục pháp luật; hoà giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 và Kế hoạch số 27/KH- UBND ngày 03/02/2023 của Uỷ ban nhân dân huyện Bình Gia về Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hoà giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023.

Hai là, các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện theo kế hoạch của đơn vị đã đề ra cho sát với tình hình từng tháng, quý phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị, thường xuyên giám sát kiểm tra các đơn vị cơ sở; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản, chính sách mới ban hành thuộc phạm vi quản lý của từng phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện. Tiếp tục đổi mới nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp.

Ba là, thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Tập huấn, đào tạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phục vụ nhóm yếu thế phải bảo đảm được chuẩn hóa, có đủ nhiệt huyết, kiến thức, kỹ năng và am hiểu về đối tượng cần phổ biến,giáo dục pháp luật. Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ PBGDPL cho lực lượng báo cáo viên pháp luật, truyên truyền viên pháp luật, cộng tác viên pháp luật và các hoà giải viên ở cơ sở;

Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác PBGDPL trên hệ thống loa truyền thanh. Chỉ đạo các xã, thị trấn có hệ thống loa truyền thanh xây dựng kế hoạch và giành thời gian cho công tác PBGDPL. Chú trọng các hoạt động thông tin lưu động, đội chiếu bóng lưu động;

Năm là, hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Tiếp tục phổ biến các văn bản pháp luật của Trung ương và của tỉnh đang còn hiệu lực thi hành và kịp thời phổ biến các văn bản mới được ban hành đến người dân;

Sáu là, củng cố tổ chức và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ hoà giải ở cơ sở, tiếp tục hướng dẫn chỉ đạo việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật;

Bảy là, các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện công tác PBGDPL chủ động nắm tình hình và báo cáo kịp thời công tác phổ biến giáo dục pháp luật với UBND huyện và Sở Tư pháp. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng kết công tác PBGDPL.

ThS. Hoàng Ngọc Hiếu

Khoa Nhà nước và pháp luật