Skip to main content
x
23 February 2023

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị, Đảng ta đã tỏ rõ là một đảng cách mạng chân chính nhất, có sức hội tụ lớn nhất mọi sức mạnh của dân tộc, của giai cấp, sớm trở thành đội tiên phong của giai cấp và của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến.

Trải qua thực tiễn lãnh đạo đất nước qua các thời kỳ lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, phát triển về tư duy lý luận và năng lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân và dân tộc ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, ngày càng phát triển, góp phần khẳng định và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

1. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Đảng với nhân dân và dân tộc với tư cách là một Đảng cầm quyền

Khái niệm Đảng cầm quyền lần đầu tiên được V.I.Lênin nêu ra. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sử dụng các thuật ngữ về vai trò của đảng cầm quyền như: Đảng giành chính quyền; Đảng nắm chính quyền, Đảng lãnh đạo chính quyền, Đảng cầm quyền. Trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”1, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là một nguyên tắc thể hiện vai trò cầm quyền của Đảng. Sở dĩ, Đảng có được vinh dự trọng trách to lớn đó là bởi mục đích của Đảng không gì khác là “lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp đấu tranh để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”2. Vì vậy, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”3. “Ngoài lợi ích của dân tộc, của tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra việc phải phân định rõ ràng chức năng, quyền hạn của Đảng và Nhà nước. Người phê phán việc các tổ chức đảng ôm đồm, bao biện, làm thay những công việc cụ thể của các tổ chức chính trị - xã hội. Đảng lãnh đạo bằng các chủ trương, chính sách trong các chỉ thị, nghị quyết, bằng sự thuyết phục và bằng sự kiểm tra chứ không làm thay công việc của nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Trong Đảng và Nhà nước ta có một sự phân công chặt chẽ như các bộ phận trong chiếc đồng hồ: cái kim, dây cót khác nhau nhưng hợp tác chặt chẽ với nhau. Thiếu một bộ phận nào cũng không được”5. Về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng giữ vai trò lãnh đạo nhưng Đảng cũng phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tuân thủ Hiến pháp. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội nhưng không đứng trên luật pháp, đứng ngoài luật pháp.

  Về xây dựng tổ chức, bộ máy của Đảng đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hành dân chủ:  “để cho mọi người có gì nói hết, cái gì đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh “Thì thầm, thì thào” cũng hết... có dân chủ thì mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”6.

  Về xây dựng sự đoàn kết trong việc thực hiện dân chủ trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình... phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”7.

  Các tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên phải làm tốt công tác vận động, giúp đỡ quần chúng, tôn trọng quyền lợi của dân, tạo điều kiện cho dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Đảng và Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân phải tin dân, phải biết dựa vào dân, phát huy mọi năng lực, tiềm năng trong dân, phải biết dựa vào dân. Cho nên, phải “ Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của quần chúng, đó là nền tảng, lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”8.

  2. Vai trò, trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân và dân tộc được thể hiện rõ rệt nhất ở việc đảm bảo các điều kiện để người dân thực hiện dân chủ

  Vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Dân chủ trong quan niệm của Người không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa và pháp luật. Ở mỗi lĩnh vực xã hội đó đều có trách nhiệm của các tổ chức đảng, phải chăm lo đến đời sống nhân dân trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội là điều kiện để thực hành và phát triển dân chủ.

  Tư tưởng dân chủ và trách nhiệm của Đảng phải đảm bảo các điều kiện cho người dân thực hiện dân chủ, đã được thể hiện độc đáo trong các quy định của Hiến pháp năm 1946 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở nước ta là sự sáng tạo của chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm quan tâm đến vấn đề con người và quyền con người trong thực hành dân chủ thông qua các phong trào dân chủ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước ta là sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm quan tâm đến vấn đề con người và quyền con người trong thực hành dân chủ. Con người là động lực và mục tiêu của chế độ dân chủ. Quyền con người trong chế độ dân chủ trước hết phải mang nội dung tự do, ấm no, hạnh phúc, cơm ăn, áo mặc, học hành. Ngay từ những năm đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Chúng ta tranh được tự do độc, lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì, Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành.”9

  Tư tưởng lấy dân là gốc, gắn bó máu thịt với nhân dân cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đối với các đảng viên. Người đã từng phê phán nghiêm khắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh của một số cán bộ lãnh đạo, chỉ “thích ngồi bàn giấy hơn là đi xuống cơ sở”. Trong một lần nói chuyện với đội ngũ lãnh đạo cấp huyện, Người phê bình: “có một số đồng chí Huyện ủy chưa thực sự lăn lộn ở cơ sở, còn ngại khó, ngại khổ cho nên chưa nắm được tình hình cụ thể của địa phương mình phụ trách”10. Để lãnh đạo một cách thiết thực và có hiệu quả, hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ lãnh đạo “phải đi sâu, đi sát cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước”11.

Với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên tiến hành đổi mới thắng lợi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhân dân, dân tộc Việt Nam có quyền tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam - người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Từ thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta có thể khẳng định một cách có cơ sở rằng, được trang bị bằng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tin và đi theo, Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, khả năng lãnh đạo nhân dân Việt Nam không chỉ thắng lợi trong đấu tranh giành và giữ chính quyền trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, mà cả trong xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng đất nước theo mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".

ThS. Hoàng Ngọc Hiếu

Khoa Nhà nước và pháp luật

 

1.7.10 và 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622, 611-612, 277

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.5

3.4.6.8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.289,290,284,326

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.335

        9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.175