Skip to main content
x
17 February 2023

Đền Cửa Tây (còn gọi là Tây Môn Từ hay Ngũ Nhạc Từ; Đền Xếp Viên) được xây dựng ở phía Tây của Đoàn Thành (hay còn gọi là Thành cổ Lạng Sơn). Đền được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII và được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia năm 2013.

1

Qua nghiên cứu và tìm hiểu các tài liệu lịch sử liên quan tới đền Cửa Tây trong các bản văn tự Hán – Nôm cho thấy: Năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758), Nguyễn Nghiễm với cương vị Tể Tướng của Triều Đình đã được cử lên Lạng Sơn kiểm tra trấn Lạng Sơn theo dõi việc bảo vệ thành lũy và việc sửa sang Đoàn Thành (trấn thành Lạng Sơn). Xong việc ông đã viết cuốn sách: "Lạng Sơn Đoàn Thành Đồ" dày 59 trang nói về Trấn Lạng Sơn, với các mục: tổ chức quân sự, các đền chùa, sông ngòi... và ông có viết đến 17 đền chùa quanh trấn lị: Đền Mẫu Sơn xã Khuất Xá; Đền Pha Long xã Mai Pha (Châu Ôn); Đền Bắc Môn xã Mai Pha (Châu Ôn) Đền Đông Môn, Đền Tây Môn, và Đền Nam Môn xã Mai Pha (Châu Ôn); Đền Kỳ Cùng xã Vĩnh Trại (Châu Thoát Lãng)...

Đoàn Thành Lạng Sơn là một di tích kiến trúc quân sự, có vị trí quan trọng trong việc trấn giữ, phòng thủ quân sự nơi cửa ngõ của đất nước. Đoàn Thành được xây dựng từ rất lâu, theo sách: “Lạng Sơn Đoàn thành đồ” của Nguyễn Nghiễm viết năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758): “Đoàn Thành Lạng Sơn tương truyền do Trương phụ nhà Minh xây dựng, đền năm Hồng Đức thứ 26 (1495), thành được sửa sang lại” Đoàn thành có 4 Cửa (Cổng Thành)  Đông – Tây – Nam – Bắc và tương ứng với bốn cổng thành là 4 ngôi Đền thiêng được gọi là: Đông Môn từ - Tây Môn từ - Nam Môn từ - Bắc Môn từ (Nay gọi là: Đền Cửa Đông – Đền Cửa Tây – Đền Cửa Nam – Đền Cửa Bắc). Tại 4 ngôi đền này thờ các vị Thần, Thánh bảo vệ linh khí cho Đoàn Thành và Văn Miếu – vùng đất thiêng của Xứ Lạng. Tứ trấn (4 ngôi đền thiêng) tạo ra sức mạnh huyền diệu đó chính là Thần quyền để hỗ trợ cho Vương quyền của Đoàn Thành, nhằm tăng cường uy lực cho Thành Cổ ngày càng vững chắc ngăn chặn quân xâm lược, ngăn chặn ma tà quỷ quái làm hại tới Nhân dân địa phương và cầu mong cho Nhân dân, đất nước luôn yên bình và thịnh trị.

Di tích Đền Cửa Tây nằm trên đường Trần Hưng Đạo, ngay sát trục đường quốc lộ 1A cũ (Lạng Sơn – Hà Nội); Đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XVIII trên một địa thế đẹp và cao phía tây của Đoàn Thành (nay là phố Trần Hưng Đạo) cửa Đền trông hướng Đông Nam (hướng ra sông Kỳ Cùng). Trước đây đền được xây dựng nhỏ gồm hai cung: Cung Mẫu và cung Trần Triều, trong đền với số lượng tượng pháp ít và khiêm tốn. Đến năm 1924 ông Ngô Đức Viên (còn được gọi là Xếp Viên) là Kỹ sư trưởng xây dựng cầu đường ở Lạng Sơn thời bấy giờ đã đứng ra hưng công xây đựng đền và kiến trúc đền được giữ tận cho tới ngày nay. Đền có một khuôn viên rộng và nhiều cây cổ thụ lưu niên như: Cây Đại 200 tuổi, hai cây Đa 250 tuổi, cây Si trăm tuổi,.. đã tạo nên cảnh quan cho đền thêm thâm u tĩnh mịch và đẹp đẽ, hơn nữa trên mái đền còn giữ được những tiểu cảnh được đắp, trạm khắc công phu… sự cổ kính của khu đền đã tạo nên cho khách khi đến với đền đều cảm nhận được vẻ linh thiêng, thanh tịnh mà đền mang lại.

Hệ thống thờ tự cũng như tượng pháp của đền được chia thành hai cung rõ rệt. Bên tả là Cung Mẫu và bên hữu là cung Trần Triều. Về vị trí của đền trong tài liệu của trường Viễn Đông Bác Cổ - Pháp chép: “Nơi này có một ngôi đền làm trên một ngôi đất, trông xuống sông Tam Kỳ (Kỳ Cùng) đây trước là núi Ngũ Nhạc, quả thật là nơi cổ tích”. Kiến trúc đền gồm có Nghi Môn ở phía ngoài cùng 2 cổng phụ vào đền, phía trong có 2 Cung (điện thờ) Hưng Đạo Đại Vương và Mẫu Tây Hồ cùng với Phương Đình của đền. Di tích Đền Trần được bao quanh bởi bức tường xây màu vàng. Một nét nổi bật tại đây là di tích còn giữ được Kiến trúc cổ xưa với nhiều bức Đại tự, Hoành phi, Câu đối, tất cả đều được đắp trực tiếp lên cột nhà (Cột Phương đình, Cột Biểu...) cùng nhiều Hoành phi, Câu đối gỗ treo trong nhà (các cột, cạnh ban thờ, trên mái nhà...) tất cả được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Đền có 3 cổng 1 cổng chính và hai cổng phụ, Cổng chính (Nghi Môn) quay về hướng Đông Nam, còn 2 cổng phụ hướng Tây Nam nhìn thẳng ra đường Trần Hưng Đạo. Nghi Môn đền được xây dựng kiểu Tứ Trụ gồm có 4 cột hình vuông, hai cột trong to, hai cột ngoài nhỏ phía trên các cột trụ có đặt nghê chầu dưới mỗi thân cột, các mặt cột đều có viết câu đối bằng chữ Hán màu đen trên nền đỏ. Là Nghi Môn nhưng chỉ đi vào cổng giữa (Trung Quan), còn 2 cổng phụ (Không quan và Giả quan) được xây bít không sử dụng (ở giữa có đắp chữ “Thọ” cách điệu sơn màu vàng). Cánh cổng được làm bằng sắt trang trí thép uốn sơn màu vàng, đỏ.

Đền có 2 sân (sân Cung Mẫu và Cung Trần Triều) qua cổng là vào sân dưới của đền. Ngay phía sau cổng bên tay trái vào là ban thờ Bán Thiên, gần đó là Bể hóa vàng. Đi thẳng vào sân dưới của đền gặp 2 cây Đại cổ thụ trước cửa Cung Mẫu. Đi tiếp qua Cung Mẫu vào một khoảng sân rộng của Cung Trần Triều, cung này phía trên cao hơn phải lên nhiều bậc xây rồi vào Phương Đình và gian Đại Bái cung Trần Triều.

2

Cũng giống như các di tích tín ngưỡng khác trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Di tích đền Cửa Tây là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của bà con Nhân dân địa phương và trong vùng cùng khách thập phương tới tham quan và hành lễ. Vì vậy, đền mở cửa trong những ngày thường và ngày lễ đặc biệt là những ngày sóc, ngày vọng và các ngày lễ chính trong năm, như: lễ Thượng Nguyên - cầu cho Quốc Thái Dân An; lễ Tiệc Mẫu; lễ Vào hè; lễ Ra hè; lễ Tiệc nhà Trần và lễ Tất Niên.

ThS. Phạm Anh Tuấn

Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng