Skip to main content
x
24 January 2023

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tích cưc, chủ động hội nhập quốc tế. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng có không ít khó khăn, thử thách. Nhiệm vụ cách mạng của thời kỳ mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ không những giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải hiểu biết về lý luận chính trị, có phẩm chất đạo đức cách mạng và có phong cách làm việc khoa học, hiệu quả. Đào tạo, bồi dưỡng (ĐT, BD) cán bộ có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực thực thi công vụ thông qua việc trang bị kiến thức, kỹ năng, cách thức hoạt động công vụ cũng như giáo dục ý thức, trách nhiệm và thái độ trong thực hiện công việc. Ứng dụng chuyển đổi số trong ĐT, BD cán bộ sẽ thay đổi cách thức, phương pháp từ đào tạo, bồi dưỡng truyền thống chuyển sang ứng dụng triệt để công nghệ thông tin. Đổi mới ĐT, BD đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số là tất yếu khách quan, vấn đề cấp bách trong quản trị khu vực công nói chung và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra các yêu cầu hoàn thiện năng lực đối với đội ngũ cán bộ các cấp đến năm 2030, trong đó có yêu cầu đối với xây dựng đội ngũ cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế… bối cảnh hiện nay đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới ĐT, BD cán bộ để tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận lợi cho người học đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn với chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội... Mục tiêu của các chương trình ĐT, BD của Nhà trường  không chỉ trang bị cho học viên kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; rèn luyện kỹ năng công tác; ý thức, lập trường chính trị, tư tưởng mà còn hướng tới yêu cầu cao hơn là vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn công tác trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Vì vậy việc ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý, giảng dạy và học tập để phát huy vai trò chủ động, tích cực của người học vừa là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đồng thời cũng là yêu cầu khách quan của giai đoạn hiện nay.

1

Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác ĐT, BD hiện nay đang đặt ra một số vấn đề đối với việc ứng dụng chuyển đổi số ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đó là:

Thứ nhất: Công tác quản lý của Lãnh đạo trường trong những năm qua đã có rất nhiều đổi mới đặc biệt là trong khâu tiếp nhận và xử lý văn bản đã sử dụng toàn bộ trên phần mềm VnEoffice, kết hợp với thông tin qua Zalo… Tuy nhiên, trên thực tế một số nội dung chuyên môn vẫn thực hiện theo phương thức quản lý truyền thống, chưa có sự ứng dụng chuyển đổi số nên ít nhiều ảnh hưởng hiệu quả và tiến độ giải quyết công việc, đặc biệt là trong khâu bảo quản và lưu trữ hồ sơ học viên, sổ đăng bộ, điểm thi, bài thu hoạch, bài tiểu luận cuối khóa… mất nhiều thời gian, công sức.

Việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phối hợp giữa nhà trường với các cơ quan, đơn vị liên kết đào tạo, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ còn chưa theo kịp với yêu cầu của chuyển đổi số (theo quy định việc ứng dụng chuyển đổi số phục vụ công tác  ĐT, BD cán bộ bao gồm: số hóa thông tin quản lý, quy trình tổ chức thực hiện; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (big data) về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC; ứng dụng công nghệ để quản lý, điều hành, ra quyết định; công nghệ trong quản lý lớp học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập...). Tuy nhiên, trong thưc tế hiện nay việc số hóa thông tin quản lý và quy trình ban hành các quyết định... vẫn phải theo trình tự thủ tục hành chính với rất nhiều văn bản giấy, theo từng bước xử lý từ thấp đến cao.

Thứ hai: Đối với Nhà trường việc tiếp cận, ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin, số hóa và các phần mềm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa theo kịp xu hướng chung, chưa thực sự chủ động trong tiếp cận và triển khai ứng dụng công nghệ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Việc triển khai thư viện số, ứng dụng công nghệ trong quản lý lớp học, kiểm tra, đánh giá phục vụ đào tạo, bồi dưỡng trực truyến trong thời gian qua còn nhiều bất cập.

Thứ ba: Cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động quản lý đào tạo và giảng dạy của trong điều kiện chuyển đổi số

Phần mềm Quản lý đào tạo và Thư viện điện tử tuy đã được trang bị nhưng các phần mềm chưa phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác ĐT,BD cán bộ. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động ĐT, BD của Nhà trường trong những năm qua đã được tỉnh quan tâm đầu tư, các phòng học và hội trường đều được trang bị máy chiếu, màn chiếu... tuy nhiên, hiện nay phần lớn máy chiếu tại các phòng học, hội trường đều đã cũ, khả năng sử dụng rất hạn chế. Việc kết nối Internet đến các giảng đường, các phòng học còn yếu, hệ thống mạng không dây không ổn định nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy, học tập của giảng viên và học viên. Đặc biệt là hệ thống mạng wifi chưa được trang bị tại KTX nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc tự học của học viên tại KTX nhà trường.

Đối với việc ứng dụng chuyển đổi số trong đội ngũ giảng viên ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, còn một số bất cập:

Một là: Việc phân chia kiến thức cho các hoạt động giảng dạy của giảng viên như: giảng lý thuyết, thảo luận, tự học, tự nghiên cứu đến lựa chọn, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực còn thủ công, chưa tận dụng được những thuận lợi của chuyển đổi số trong quá trình giảng dạy (cả trực tuyến và giảng trực tiếp ở trên lớp) dẫn tới chất lượng, hiệu quả chưa cao.

Hai là: Các khoa chưa tận dụng được những lợi ích về công nghệ thông tin trong việc quản lý và hướng dẫn chuyên môn đối với giảng viên, sử dụng chưa hiệu quả những phần mềm để hỗ trợ quá trình sinh hoạt chuyên môn của khoa. Trên thực tế, giảng viên nhà trường vẫn đang sử dụng phổ biến một số phần mềm như: Microsoft teams, Zalo, Google Meet … Tuy nhiên, cả giảng viên và lãnh đạo khoa đôi khi chưa biết phát huy hết các tính năng của những phần mềm nói trên phục vụ hoạt động giảng dạy của giảng viên cũng như công tác quản lý chuyên môn của lãnh đạo khoa. Đặc biệt, vai trò chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Lãnh đạo các khoa chưa rõ nét trong việc sử dụng các phần mềm này.

Ba là: Hiện nay vẫn có nhiều cán bộ, giảng viên trong nhà trường chưa có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số và ứng dụng chuyển đổi số trong công tác ĐT, BD. Chính từ nhận thức chưa đầy đủ dẫn tới tình trạng giảng viên chưa tích cực ứng dụng rộng rãi công nghệ một cách toàn diện trong các hoạt động. Phần lớn chỉ ứng dụng công nghệ trong hoạt động soạn giáo án điện tử, sử dụng Internet trong khai thác tài liệu. Giảng viên chưa tích cực khai thác ứng dụng công nghệ trong các hoạt động chuyên môn nên chất lượng chuyên môn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, công tác giảng dạy chưa thực hiện được mục tiêu đào tạo là phát huy vai trò chủ động của học viên.  Việc sử dụng phương pháp giảng dạy trên lớp của đội ngũ giảng viên đôi khi chưa thực sự đáp ứng đòi hỏi của chuyển đổi số…vẫn còn nhiều giảng viên chưa biết lựa chọn phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học từ môi trường học tập truyền thống sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy.Vẫn còn tình trạng giảng viên ngại đổi mới phương pháp giảng dạy, chưa có sự sáng tạo khi sử dụng phương pháp lên các loại hình lớp cho phù hợp với đối tượng học viên. Việc khai thác các ứng dụng công nghệ trong giảng dạy của một số giảng viên còn hạn chế...

Với những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời góp phần triển khai nhanh chóng, hiệu quả việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác ĐT, BD cán bộ, Trường Chính trị Hoàng Văn thụ cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là: Nêu cao tinh thần tiên phong, đi đầu của Lãnh đạo trường, lãnh đạo các khoa, phòng trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ĐT, BD Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhất là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và các phần mềm ứng dụng trong hoạt động hoạt động chuyên môn... Các khoa, phòng tăng cường tuyên tuyền, động viên cán bộ, giảng viên tạo sự đồng thuận và nâng cao ý thức, trách nhiệm của Lãnh đạo trường, lãnh đạo các đơn vị khoa, phòng đến từng cán bộ, giảng viên.

Hai là: Khai thác và sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý đào tạo và Thư viện điện tử của Nhà trường. Nâng cao hiệu quả của công việc quản lý hồ sơ học viên, xây dựng lịch giảng của nhà trường...Ứng dụng công nghệ trong lập hồ sơ và quản lý hồ sơ học viên sẽ khắc phục được những hạn chế đang diễn ra như tốn kém về nguồn tài chính, mức độ bảo mật và an toàn trong lưu trữ thấp, đặc biệt là hiệu quả trong khai thác nguồn thông tin từ hồ sơ học viên để phục vụ cho công tác ĐT, BD của nhà trường, xây dựng kế hoạch, đề án tham mưu về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Hoạt động quản lý học viên của nhà trường cần phải được đổi mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ trong quản lý. Trước hết, thực hiện quản lý học viên thông qua hệ thông giám sát, kiểm soát bằng công nghệ, lắp đặt phương tiện giám sát tự động tại các phòng học trên cơ sở phần mềm quản lý đào tạo đã được trang bị. Phát huy tốt vai trò của Website (Trang thông tin điện tử) nhà trường, mọi thông tin về học viên trong quá trình học tập như: lịch học theo tháng, theo quý; ý thức chấp hành kỷ luật học tập; kết quả học tập của học viên phải được đăng tải kịp thời, đầy đủ trên trang thông tin điện tử của nhà trường. Trong điều kiện hiện nay, với nhiều ứng dụng trong quản lý đào tạo, nhà trường có thể xuất các báo cáo qua hệ thống từ tổng quát đến chi tiết và gửi báo cáo về học viên đến cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ. Trên nền tảng cơ sở dữ liệu đó, lãnh đạo các  cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ sẽ kết hợp với nhà trường trong quản lý học viên hiệu quả.

Ba là: Sử dụng công nghệ thông tin tạo lập mối liên kết chặt chẽ giữa các giảng viên trong khoa chuyên môn và giữa giảng viên với chủ nhiệm lớp trong hoạt động quản lý học viên. Trên thực tế, việc giám sát và quản lý của Lãnh đạo trường, Thanh tra đào tạo về kỷ luật lên lớp, ý thức học tập của học viên không thể thường xuyên, liên túc và sâu sát. Hoạt động quản lý học viên chủ yếu do giảng viên giảng dạy môn học và chủ nhiệm lớp thực hiện... Thông qua việc ứng dụng các phần mềm Zalo, Google Meet ...giảng viên trao đổi thông tin về lớp học sau khi kết thúc buổi giảng với giảng viên giảng dạy những buổi sau và chủ nhiệm lớp một cách thuận tiện. Tình hình lớp học sẽ được cung cấp một cách chính xác và kịp thời sau từng buổi và cả một môn học. Sự kết nối rộng và công khai tạo ra tình minh bạch, công bằng trong hoạt động quản sinh của nhà trường, nâng cao hiệu quả việc xét điều kiện thi hết môn và đánh giá ý thức học tập của học viên.

Bốn là: Nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ trong hoạt động soạn giáo án, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn đối với đội ngũ giảng viên.Đối với hoạt động soạn giảng của giảng viên với khai thác hiệu quả mạng internet, các ứng dụng đang được sử dụng phổ biến như: Microsoft teams, Zalo, Google Meet... trong sinh hoạt chuyên môn sẽ giúp các giảng viên liên kết thuận tiện, nhanh chóng bất cứ thời gian nào có thể trao đổi trực tiếp với nhau về những vấn đề khoa học chuyên môn, phương pháp giảng dạy, những tình huống phát sinh trong thực tiễn giảng dạy trên lớp bất cứ lúc nào mà không cần đợi đến buổi họp chuyên môn theo tháng. Đồng thời, qua ứng dụng công nghệ trên, lãnh đạo khoa chuyên môn có thể nắm bắt kịp thời và trực tiếp chỉ đạo, định hướng về chuyên môn, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình soạn giáo án của giảng viên mà không cần đợi đến buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ. Do vậy, giáo án của giảng viên sẽ đạt chất lượng cao khi giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin tạo sự kết nối trong quá trình soạn giáo án

Năm là: Đầu tư kinh phí từng bước hiện đại hóa cơ sở  vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ phục vụ hoạt động quản lý, hoạt động dạy và học. Trên cơ sở nguồn kinh phí hàng năm, nhà trường tiếp tục tiến hành hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng; thay thế các thiết bị cũ bằng các máy chiếu, màn chiếu hiện đại có cấu hình cao, hệ thống giáo cụ đầy đủ và bảo đảm tiêu chuẩn, đầu tư hiện đại hóa hệ thống âm thanh, ánh sáng phòng học.

Trong điều kiện khó khăn về kinh phí hiện nay, nhà trường cần có nhiều phương thức, đặc biệt là tiến hành chủ trương xã hội hóa trong việc nâng cấp trang thiết bị mới và bổ sung thay thế cho các phòng học như: hệ thống âm thanh các hội trường, hệ thống máy chiếu tại các phòng học, và các cơ sở vật chất khác phục vụ hoạt động dạy và học. Nguồn xã hội hóa thông qua công tác tuyên truyền và động viên từ quà tăng nhà trường sau khi kết thức khóa học của các lớp. Xây dựng kế hoạch đầu tư phân chia rõ giai đoạn đầu tư với phương châm đầu tư hoàn thiện trang thiết bị theo nhu cầu sử dụng đảm bảo đồng bộ, đồng thời hàng năm cần có kế hoạch mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.

Bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện về con người, cơ sở vật chất thì thư viện nhà trường cần có kế hoạch thu thập hoặc tạo lập nguồn tài liệu điện tử phục vụ cho việc xây dựng thư viện điện tử bằng cách số hoá một phần tài liệu trong thư viện: để xây dựng nguồn tài liệu điện tử, thư viên nhà trường có thể lựa chọn một số loại hình tài liệu để số hoá phục vụ cho người sử dụng truy cập như: các văn bản về quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các công trình nghiên cứu khoa học, giáo án, giáo trình, tiểu luận cuối khóa, những tài liệu ít bản, tài liệu có nhu cầu sử dụng cao; các văn bản pháp quy liên quan tới quá trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường… Việc số hoá tài liệu trong thư viện là một trong những cách giúp tạo lập nguồn tài liệu số cho thư viện của mình.

Tóm lại: Để thực hiện tốt việc ứng dụng chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng ĐT, BD trong thời gian tới, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ cần thực hiện đồng bộ, toàn diện một số nhóm giải pháp: nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và ứng dụng chuyển đổi số trong công tác ĐT, BD; nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng kế hoạch đào tạo, thực hiện quy trình tuyển sinh; nâng cao hiệu quả thực hiện quản lý đào tạo; ứng dụng công nghệ trong hoạt động chuyên môn và hoạt động giảng dạy của giảng viên; hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để thực hiện các nhóm giải pháp trên, nhà trường cần phát huy nội lực là chủ yếu tuy nhiên có những nội dung cần có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của Tỉnh ủy Lạng Sơn, có như vậy hoạt động ứng dụng chuyển đổi số ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ mới thực sự phát huy hiệu quả./.

2