Skip to main content
x
20 December 2022

1. Thực trạng triển khai chuyển đổi số ở Lạng Sơn năm 2022

1.1. Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 12/3/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 53-KH/TU về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, trong năm 2022 triển khai xây dựng Nền tảng số quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; triển khai nền tảng số Sổ tay đảng viên điện tử ứng dụng cho trên 67.500 đảng viên và 100% chi bộ, đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh phục vụ họp chi bộ trực tuyến; triển khai xây dựng Kho lưu trữ điện tử Tỉnh ủy.

1.2. Kết quả phát triển chính quyền số

1.2.1. Các hệ thống thông tin đổi mới lề lối phương thức làm việc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp

Đối với hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice) triển khai tới 100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các cơ quan nhà nước xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông. Đến thời điểm hiện tại có 19.881 người sử dụng (gồm cấp tỉnh, huyện, xã),tăng so với năm 2021 là 3.881 tài khoản. Việc sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí và đạt hiệu quả cao trong công việc. 100% các cơ quan, đơn vị có Hệ thống quản lý văn bản và điều hành liên thông đã thực hiện gửi/nhận văn bản điện tử có ký số (không gửi văn bản giấy). Tính đến ngày từ 01/01/2022 đến 14/9/2022, toàn tỉnh có 257.771 văn bản đi, 1.782.540 văn bản đến trên hệ thống (văn bản đi: cấp tỉnh 53.733; cấp huyện 106.400; cấp xã 97.638.Văn bản đến: cấp tỉnh 254.889; cấp huyện 712.287; cấp xã 815.364).

Trong hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hiện có 213 điểm cầu được duy trì hoạt động ổn định, trong đó: có 02 điểm cầu trung tâm đặt tại Văn phòng UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông; 11 điểm cầu tại UBND các huyện, thành phố; 200 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hoạt động hiệu quả, đảm bảo thông tin liên lạc, chất lượng âm thanh, hình ảnh rõ nét, tổ chức các cuộc họp nhanh, kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí[1]. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị cũng đã triển khai hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của ngành như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, Tòa án Nhân dân tỉnh Lạng Sơn...

Việc ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến thời điểm hiện tại đã cấp được 20.981 chứng thư số, chữ ký số cho tổ chức và cá nhân, trong đó: 1.671 chứng thư số cho tổ chức; 19.310 chữ ký số cho cá nhân; 227 Sim ký số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin mạng trong gửi, nhận thông điệp điện tử, văn bản điện tử và chứng thực điện tử. Các cơ quan, đơn vị đã ứng dụng hiệu quả chữ ký số được cấp, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của cơ quan trong việc bảo đảm xác thực và bảo mật thông tin, 100% văn bản điện tử gửi đi được thực hiện ký số, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm chi phí, tạo được môi trường làm việc hiện đại, góp phần tích cực trong việc cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý điều hành công việc.

Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi công việc mở rộng đến các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, số tài khoản thư điện tử đã cấp cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh là 34.560 tài khoản. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc đạt trên 65%.

Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất trên toàn tỉnh, đến: 228 cơ quan, đơn vị (trong đó có 17 sở, ngành; 11 huyện, thành phố; 200 xã, phường, thị trấn); cung cấp 1.819 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó có 381 DVCTT mức độ 2, 393 DVCTT mức độ 3 và 1.045 DVCTT mức độ 4. Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tích hợp, đồng bộ dữ liệu với 1.752 TTHC; cung cấp, công khai 416 DVCTT mức độ 3, mức độ 4 (trong đó: 65 DVCTT mức độ 3; 351 DVCTT mức độ 4) trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia phục vụ nhu cầu giải quyết TTHC của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước và Điện lực Lạng Sơn.

Theo thống kê trên hệ thống, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 14/9/2022, Cổng DVCTT đã tiếp nhận 152.508 hồ sơ, trong đó tiếp nhận, xử lý trực tiếp 68.201 hồ sơ (chiếm 44,71%), tiếp nhận, xử lý trực tuyến: 84.307 hồ sơ (đạt 55,28%) ; giải quyết 152.062 hồ sơ, trong đó, giải quyết trước hạn và đúng hạn 144.100 hồ sơ (đạt 94,76%); giải quyết chậm hạn 7.962 hồ sơ (chiếm 5,26%).  Tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ: từ ngày 01/01/2022 đến ngày 14/9/2022: số lượng DVCTT mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ (gồm cả trực tuyến và không trực tuyến): 914 dịch vụ. Trong đó, số DVCTT mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 720 dịch vụ. Tỷ lệ DVCTT mức độ 3, 4 phát sinh hồ sơ trực tuyến: 78,77%. Cổng thông tin điện tử của tỉnh tại địa chỉ http://langson.gov.vn gồm 01 Cổng chính và 246 Trang thông tin điện tử thành viên (21 sở, ban, ngành; 11 UBND cấp huyện; 14 cơ quan, đơn vị khác và 200 xã, phường, thị trấn). Cổng thông tin điện tử tỉnh thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Cổng thông tin điện tử tỉnh duy trì hoạt động ổn định, thường xuyên cập nhật tin, bài, văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Số lượng tin, bài, văn bản được cập nhật tăng so với năm 2021...

1.2.2. Việc triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và nền tảng số

Trong những tháng đầu năm 2022 đã luôn duy trì, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn[2] phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và triển khai áp dụng Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh đã được phê duyệt. Triển khai kết nối thành công cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư với Cổng dịch vụ công của tỉnh và cung cấp dịch vụ “xác thực thông tin công dân”. Việc triển khai kết nối thành công với CSDLQG về dân cư để khai thác các dịch vụ xác nhận số định danh cá nhân; thông tin hộ gia đình; tra cứu thông tin cá nhân; giúp người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp các hồ sơ, giấy tờ cá nhân đã có trên CSDLQG về dân cư. Đồng thời, hoàn thành triển khai Nền tảng điện toán đám mây Make-in-VietNam (Lạng Sơn Cloud), từng bước đưa các hệ thống thông tin của các sở, ngành, địa phương về quản lý tập trung thống nhất tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Triển khai thí điểm Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh (IOC): Trung tâm IOC cập nhật số liệu theo thời gian thực từ các nền tảng số qua đó phân tích số liệu, theo dõi, so sánh số liệu của các huyện, thành phố, các sở, ngành để kịp thời chỉ đạo điều hành với 9 nội dung: phát triển kinh tế - xã hội, văn bản điều hành điện tử, dịch vụ hành chính công, giám sát an toàn giao thông, thông tin báo chí trên mạng, an toàn thông tin, hệ thống giáo dục, thông tin du lịch, trả lời các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp… Hiện nay, đã cấp 86 tài khoản sử dụng trên web và app cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Kết quả xử lý phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp: đến hết ngày 13/9/2022, có tổng số 238 phản ánh kiến nghị, trong đó 96 phản ánh kiến nghị đã xử lý; 69 phản ánh kiến nghị đang xử lý, từ chối xử lý 71 phản ánh kiến nghị (phản ánh kiến nghị rác). Tại cấp huyện: đã khai trương 01 Trung tâm Điều hành đô thị thông minh cấp huyện (huyện Hữu Lũng). Cùng với đó, hoàn thành triển khai xây dựng Cổng thông tin dữ liệu đất đai tỉnh (datdai.langson.gov.vn) và tổ chức Lễ khai trương đưa vào sử dụng, cung cấp thông tin dữ liệu đất đai minh bạch về quy hoạch, thông tin chi tiết của hơn của 2.279.176 thửa đất. Tổng số lượt truy cập Cổng thông tin dữ liệu đất đai từ tháng 01/2022 đến 13/9/2022: 58.696 lượt tra cứu thông tin thửa đất, 129.919 lượt giao dịch, số tài khoản được mở: 1.321 tài khoản. Phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được triển khai đồng bộ, thống nhất đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã để cập nhật, quản lý, theo dõi và khai thác thông tin hồ sơ CBCCVC. Đến thời điểm hiện tại, tổng số hồ sơ CBCCVC được cập nhật trên hệ thống phần mềm là 28.694 hồ sơ, trong đó cấp tỉnh 7.775 hồ sơ, cấp huyện 17.049 hồ sơ (bao gồm các Trung tâm, tổ chức Hội đặc thù và các đơn vị trường học), cấp xã 3.730 hồ sơ, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh 109 hồ sơ, các tổ chức Hội đặc thù 31 hồ sơ.

Đối với việc đảm bảo nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) được duy trì hoạt động ổn định phục vụ kết nối, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Đến thời điểm hiện tại đã kết nối được 13 hệ thống thông tin, CSDL và triển khai nền tảng Công dân số Xứ Lạng: thống kê theo số liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp và Tổ công nghệ số cộng đồng phát triển đến ngày 13/9/2022 đã cài đặt được 261.153 tài khoản, đạt 58% kế hoạch.

1.2.3. Việc phát triển hạ tầng số

Thực hiện thí điểm tắt sóng 63 trạm 2G tại một số địa bàn, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp liên hệ với từng thuê bao 2G bị ảnh hưởng. Kết quả cho thấy việc tắt sóng không làm gián đoạn việc thông tin liên lạc của người dân do hầu hết người dân đã sử dụng smartphone. Trong thời gian tới, tỉnh đề xuất tắt sóng 2G toàn bộ thành phố, thị trấn góp phần đẩy nhanh việc phổ cập smartphone, tiến tới 100% người dân ở độ tuổi trưởng thành đều có smartphone. Theo lộ trình đó sẽ rất thuận tiện khi tắt 2G ở các khu vực khác, sau khi truyền thông, thông báo rộng khắp đến người dân về kết quả tắt 2G, việc chuyển đổi sang smartphone ở các khu vực còn lại sẽ nhanh hơn.

Trong 9 tháng đầu năm 2022 phát triển 131 vị trí trạm BTS, nâng tổng số vị trí trạm BTS hiện nay là 1.308 vị trí với 3.125 trạm, tăng 131 trạm so với cùng kỳ năm 2021. Triển khai mạng 5G tại khu đô thị, khu vực cửa khẩu, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số: UBND tỉnh đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 5G, đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng ý cho phép Viettel triển khai thí điểm triển khai mạng 5G trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong năm 2022. Từ nay đến hết năm 2022 sẽ phát sóng 03 trạm 5G tại khu vực thành phố Lạng Sơn.

1.2.4. Phát triển nguồn nhân lực làm công tác chuyển đổi số, tập huấn về kỹ năng số

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 18/3/2022 về việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và năm 2022. Trong năm 2022, đăng ký tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho khoảng 200 người dùng cuối theo Chương trình của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Ngày 09/9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông khai giảng lớp bồi dưỡng về chuyển đổi số cho Lãnh đạo UBND cấp xã trên nền tảng học trực tuyến onetouch.mic.gov.vn, trong đó tỉnh Lạng Sơn có hơn 400 Lãnh đạo cấp xã tham gia học. Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức tập huấn cho 200 Bí thư Đoàn xã và 7.856 thành viên của 1.680 Tổ công nghệ số cộng đồng triển khai nền tảng Công dân số Xứ Lạng và phát triển tài khoản thanh toán điện tử. Tỉnh đặt mục tiêu ngay trong năm 2022 có 70% dân số trên địa bàn từ 15 tuổi trở lên (tương ứng với 412.180 người) cài đặt, sử dụng nền tảng “Công dân số Xứ Lạng”, ứng dụng “thương mại số”, tài khoản “thanh toán số”.

Số lượng CBCCVC đã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số là 9.077 người; số người dân được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng số là 504.562 người. Tổ chức tập huấn cho 150 doanh nghiệp về chuyển đổi số. Dự kiến trong năm 2022 thực hiện hỗ trợ triển khai thí điểm chuyển đổi số cho 5 - 6 doanh nghiệp, sau đó sẽ đánh giá kết quả và nhân rộng cho các doanh nghiệp.

1.2.5. Công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin

Công tác bảo đảm an toàn thông tin được triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp (lực lượng tại chỗ, giám sát chuyên nghiệp, độc lập kiểm tra, kết nối với hệ thống giám sát quốc gia). Thông qua hệ thống phòng chống mã độc tập trung toàn tỉnh (hệ thống SOC), toàn bộ máy chủ và máy trạm được cài đặt nền tảng phòng chống mã độc tập trung toàn tỉnh được kiểm soát và thông báo hàng tuần để các cơ quan, đơn vị có phương án xử lý khắc phục kịp thời. Tất cả các nền tảng, hệ thống thông tin trước khi được triển khai chính thức đều được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin, đến thời điểm hiện tại đã phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ 3 được 8/9 hệ thống (đạt 88,9%). Định kỳ thông báo, hướng dẫn xử lý các lỗ hổng bảo mật, an toàn an ninh thông tin cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

2. Kết quả của tỉnh Lạng Sơn thuộc kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2022

2.1. Một số kết quả đạt được

Thực hiện Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022; UBND tỉnh Lạng Sơn được giao nhiệm vụ triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số nhằm quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên nền tảng công nghệ số, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn, hướng tới có thể nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Nền tảng cửa khẩu số sau 8 tháng xây dựng đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 02/2022), Lạng Sơn đã tạo ra một Nền tảng cửa khẩu số duy nhất giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn. Từ  tháng 02/2022, tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp bến bãi thống nhất sử dụng Nền tảng cửa khẩu số, khai báo và xử lý thông tin trực tuyến khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh (bao gồm cả xe hàng đã vào bến bãi cửa khẩu).

Mô hình Nền tảng cửa khẩu số Lạng Sơn được triển khai thí điểm đã thành công, giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu; giúp minh bạch hóa, hạn chế các tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu; đảm bảo tính liên tục trong các hoạt động tại cửa khẩu, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian vừa qua. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số bước đầu đã được trang bị và cơ bản đáp ứng được yêu cầu triển khai Nền tảng cửa khẩu số; góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 914/QĐ-UBND ngày 29/5/2022 phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, đăng ký tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022. Giao Sở Thông tin và Truyền thông đăng ký, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 21/6/2022 giao chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022.

Tiến độ thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06: Công an tỉnh triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 11 thủ tục, Sở Tư pháp triển khai thực hiện 03 thủ tục; các sở, ngành đã hoàn thành đưa 08/11 thủ tục lên mức độ 4 đảm bảo theo lộ trình bộ, ngành trung ương đề ra (03 thủ tục còn lại các sở, ngành đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chờ hướng dẫn của Bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện[3]). Việc thực hiện các Dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình Đề án đang được các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện bước đầu đã đạt một số kết quả tích cực, được dư luận đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (A06), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) của Bộ Công an tiến hành kiểm tra, đánh giá an ninh mạng, an toàn hệ thống thông tin đối với Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh trước khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2.2. Một số khó khăn, vướng mắc

Một là, việc triển khai thí điểm ban đầu còn gặp phải một số khó khăn vướng mắc như: việc tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số đã được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhưng việc triển khai thí điểm thời gian ban đầu chưa tạo được sự đồng thuận của một bộ phận doanh nghiệp xuất nhập khẩu; giai đoạn triển khai thí điểm là giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, liên tục phải thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa nên Nền tảng cửa khẩu số liên tục phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế...; cơ sở hạ tầng viễn thông và các trang thiết bị phục vụ cho việc triển khai Nền tảng cửa khẩu số còn thiếu, chưa đồng bộ;

Hai là, hiện nay vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng quá qua cửa khẩu Tân Thanh chưa khai báo trước khi xe hàng đến cửa khẩu nên có thời điểm gây tắc cục bộ, các lực lượng chức năng đã thực hiện đúng quy trình và yêu cầu phải khai báo thông tin mới xác nhận cho quan cửa khẩu.

Ba là, việc liên thông, chia sẻ dữ liệu của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Nền tảng cửa khẩu số còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn; Nền tảng cửa khẩu số mới được xây dựng và đưa vào thí điểm nên các tính năng, chức năng chưa được tối ưu, cần tiếp tục tinh chỉnh, hoàn thiện để phục vụ tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước.

Tóm lại, có thể thấy, trong thời gian qua, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, qua đó đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng, tạo nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt. Lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số đã thấm nhuần tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương về chuyển đổi số. 11/11 huyện, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số cấp huyện. Trên toàn tỉnh đã kiện toàn 1.680 Tổ công nghệ số cộng đồng với 7.856 thành viên, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã ban hành tương đối đầy đủ hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chuyển đổi số và quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số.Đội ngũ CBCCVC làm công tác chuyển đổi số từng bước được xây dựng và nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.Cả 5 trụ cột về chuyển đổi số đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và đã đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực như phát triển kinh tế nông nghiệp, giáo dục, y tế, cửa khẩu số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4… Qua đó đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian vừa qua; góp phần tích cực nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS và PAR INDEX của tỉnh.

3. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ góp phần thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả

Trường Chính trị Hoàng VănThụ tỉnh Lạng Sơn trong hệ thống các trường chính trị trên cả nước, thì việc chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học đó là một xu thế tất yếu được nhiều trường chú trọng triển khai và mang lại hiệu quả tích cực trong việc đào tạo, bồi dưỡng. Đứng trước bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đảm bảo vừa tổ chức phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đã được phê duyệt. Nhà trường cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, giảng viên và người lao động trong nhà trường về việc chuyển đổi số.

Hai là, không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ, giúp đỡ người dạy và người học sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, báo địa phương, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Fanpage trên mạng xã hội Facebook, qua tin nhắn đến các số điện thoại di động, mạng Zalo, thư điện tử công vụ và trực tiếp để mọi người có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả.

Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, viên chức và người lao động của nhà trường về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, ứng dụng chữ ký số, sử dụng các phần mềm, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

Bốn là, bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của nhà trường. Bảo đảm an toàn, bảo mật trong trao đổi dữ liệu điện tử trên môi trường mạng. Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong nhà trường, tích hợp vào điện thoại thông minh, máy tính bảng, trên các hệ thống thông tin của tỉnh.

Năm là,huy động nguồn lực, tài chính đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số, hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin, các phần mềm nền tảng, số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ chương trình chuyển đổi số trong nhà trường giai đoạn 2021-2025 chỉ đạo thực hiện chuyển đối số đồng bộ, toàn diện ở các lĩnh vực ưu tiên.

Sáu là, nhà trường cần có cơ chế hỗ trợ tài chính, thời gian và trang thiết bị đối với cán bộ, viên chức và người lao động linh hoạt trong việc thực hiện chuyển đối số phù hợp với nhiệm vụ công tác. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả chuyển đổi số./.

ThS. Phạm Anh Tuấn

GVC. Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

 

[1]Trong 9 tháng đầu năm 2022 có  187 cuộc họp 2 cấp, 14 cuộc họp 3 cấp và 04 cuộc họp 4 cấp.

[2] tại Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 11/01/2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn.

[3]Liên thông đăng ký khai sinh –Đăng ký thường trú –cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử –Xóa đăng ký thường trú –trợ cấp mai táng phí; Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ).