Skip to main content
x
30 November 2022

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Người đã đi xa, nhưng di sản tư tưởng của Người về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc có ý nghĩa lịch sử và thời đại vô cùng sâu sắc, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Điều này đã được cụ thể hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trở thành tư tưởng chủ đạo và điểm nhấn của văn kiện: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

  1.Nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường

  * Ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế

Hầu hết các Đảng Cộng sản ở Châu Âu đều cho rằng cách mạng ở các nước thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng ở các nước tư bản (chính quốc), cách mạng ở các nước thuộc địa không thể thắng lợi khi cách mạng vô sản ở chính quốc chưa thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh không tán thành quan điểm đó. Người cho rằng, cách mạng ở các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam) hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi, không phụ thuộc việc cách mạng ở chính quốc có thắng lợi hay không. Người nêu rõ quyết tâm, ý chí, phương pháp cách mạng, thể hiện sâu sắc quan điểm tự lực, tự cường trong đấu tranh cách mạng: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập” (1).

* Ý chí tự lực, tự cường là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng

Ý chí tự lực, tự cường trong tư tưởng của Người thấy rõ sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc chân chính, bao gồm chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn của các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên chống đế quốc, thực dân. Người khẳng định, nhân tố mang tính quyết định của cách mạng giải phóng dân tộc chính là sức mạnh của toàn dân tộc.Trong cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc được coi là nền tảng căn bản, có thể huy động, tập hợp được hết thảy các giai tầng xã hội đoàn kết trên một mặt trận, đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như bảo vệ vững chắc nền độc lập đó. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là minh chứng sống động nhất về sức mạnh dân tộc, mà chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, kết hợp chủ nghĩa quốc tế trong sáng là nhân tố quy tụ, thúc đẩy, hòa quyện, kết tinh mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài, sức mạnh của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội Việt Nam, kiên cường đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

* Ý chí tự lực, tự cường là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng

Theo Hồ Chí Minh, điều kiện trước hết là phải có một Đảng cách mệnh, “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(2).

Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Người soạn thảo được thông tại Hội nghị thành lập Đảng cộng Sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930 với nội dung ngắn gọn, rõ ràng, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam. Cương lĩnh nhấn mạnh đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc thực dân và chế độ phong kiến đã suy tàn, thực hiện mục tiêu chiến lược: “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” (3). Sự ra đời của Đảng đánh dấu bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong tiến trình cách mạng dân tộc, trở thành nhân tố tiên quyết, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dẫn dắt, tập hợp và lãnh đạo nhân dân từng bước đấu tranh, chuẩn bị các điều kiện mọi mặt, đưa tới sự thành công của cách mạng.

* Ý chí tự lực, tự cường là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân nhưng không phải ở đâu và bất cứ lúc nào quần chúng Nhân dân cũng làm được cách mạng. Vì vậy muốn làm được cách mạng, quần chúng Nhân dân phải được vận động, rèn luyện và tổ chức nhằm huy động, tập hợp, phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của mọi lực lượng quần chúng trên cùng một mặt trận, biến thành sức mạnh của quần chúng thànhsức mạnh cách mạng.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Nhân dân” là phạm trù cao quý nhất. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”(4). Người khẳng định, dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi. “Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, Nhân dân cũng làm được”(5).

* Ý chí tự lực, tự cường là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyết tâm bảo vệ và giữ vững độc lập dân tộc, “nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, thể hiện rất rõ khi Tổ quốc bị lâm nguy, khi dân tộc phải đương đầu với những kẻ thù có sức mạnh kinh tế - quân sự vào hàng cường quốc thế giới, chống lại âm mưu áp đặt chế độ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc thực dân.

Ngay sau khi nền độc lập ra đời, đất nước ta đã phải chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(6).

2. Nội dung cơ bản trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

* Xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng của Người đã được nhấn mạnh tại Đại hội II của Đảng (1951): Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, phú cường. Người nhiều lần nhắc nhở: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (7). Người đã nêu lên những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền đó là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, trong đó Người đặc biệt chú trọng việc nâng cao dân trí, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh. Bên cạnh việc nâng cao dân trí, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nhiệm vụ quan trọng trong kiến thiết đất nước là bồi dưỡng nhân tài. “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người bày tỏ điều mong muốn cuối cùng, cũng là khát vọng tột bậc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (8).

* Thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước đã mang khát vọng lớn lao: Độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Người khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (9). Từ khi giành độc lập cho đến nay khát vọng ấm no, hạnh phúc của nhân dân trở thành động lực và mục tiêu hành động của toàn Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định Ðảng ta, Nhà nước ta từ Nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của Nhân dân, không có lợi ích nào khác lợi ích của Nhân dân. Cả cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiến dâng trọn vẹn cho cách mạng, chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Mong muốn của Người là ai ai cũng được góp công sức vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và được hưởng thành quả do cách mạng mang lại. 

  * Xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân

  Hiện thực khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải xây dựng chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ, thật sự vì dân, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội văn minh, tiến bộ với những giá trị đạo đức tốt đẹp. Muốn vậy, phải xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, có kế hoạch thực hiện với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân. Tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban ngày 10/1/1946, Hồ Chí Minh phát biểu mong muốn mọi người đem tài năng tri thức lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội. Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành.

  * Phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài

Vấn đề nội lực dân tộc là một điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Quan điểm của Người trong việc mở cửa, hợp tác quốc tế không chỉ nhằm mục đích nhận được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, mà thông qua đó thu hút ngoại lực, thu hút đầu tư, tạo ra những điều kiện phát huy tiềm năng của đất nước, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

* Luôn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp; không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác.

Theo Hồ Chí Minh, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Việt Nam phải có cách làm, bước đi và biện pháp thích hợp. “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác... ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội” (10). Chúng ta dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta (11).

3. Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, viên chức và lao động Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

  Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ với chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và

 các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác nhau; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trong 02 năm qua, tập thể cán bộ, viên chức và lao động nhà trường đã đoàn kết, sáng tạo, đổi mới với ý chí tự lực, tự cường quyết tâm vượt qua mọi khó khắn, thách thức để xây dựng và phát huy truyền thống của Trường qua 73 xây dựng và phát triển. Năm 2021 mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Trường đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức tập huấn, ban hành các quy chế, quy định...để chuyển từ hình thức học trực tiếp sang hình thức học trực tuyến, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu "kép" vừa thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; đây là điểm sáng nổi bật trong kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của trường năm 2021, là một trong những trường chính trị cấp tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến. Kết quả, Trường tổ chức và phối hợp tổ chức thực hiện 78 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 6.264 học viên, trong đó các lớp đào tạo đã thực đạt 133,3%, lớp bồi dưỡngđạt 125,0% theo kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao; 06 tháng đầu năm 2022, Trường thực hiện 33 lớp, tổng số 2.118 học viên. Để góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trường đã triển khai thực hiện 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 11 đề tài cấp trường, tham gia, dự và viết bài cho 09 Hội thảo khoa học cấp Bộ và tương đương, tổ chức 03 hội thảo cấp trường 10 hội thảo cấp khoa, biên soạn tài liệu, giảng viên đi nghiên cứu thực tế... để gắn lý luận với thực tiễn, bổ sung kiến thực thực tiễn vào bài giảng nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng bài giảng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh. Triển khai xây dựng “Đề án xây dựng và phát triển Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn”; Đề án “Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê”.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và thực hiện tốt chức, năng nhiệm vụ là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh, đáp ứng được yêu cầu so với thực tiễn hiện nay, mỗi cán bộ, viên chức và lao động Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, phát huy ý chí tư lực, tự cường, cùng nhau đoàn kết xây dựng tập thể trường vững mạnh và hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh giao. Để đạt được điều đó, theo tôi mỗi cán bộ, viên chức và lao động cần gương mẫu thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Mỗi cán bộ, viên chức và lao động phải xác định học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên, hàng ngày, qua học tập góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, củng cố thêm niềm tin sâu sắc vào Đảng, vào đường lối phát triển đất nước, nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, cùng đoàn kết xây dựng vàphát huy truyền thống của Trường qua 73 năm xây dựng và phát triển.

Hai là, gương mẫu trong việc thực hiện phát huy ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển bản thân, gia đình và nhà trường. Bản thân mỗi cán bộ, viên chức và lao động phải biết tự tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách, có ý chí vươn lên. Không ngừng học tập, nghiên cứu, đặc biệt tự nghiên cứu học tập, ham học hỏi cái mới, cái tiến bộ để nâng cao trình độ, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thường xuyên tiến hành tự soi, tự sửa. Đồng thời, cán bộ, viên chức và lao động cần chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, quyết đoán trong công việc và trong cuộc sống.

Ba là, gương mẫu trong thực hành nói đi đôi với làm. Cán bộ, viên chức và lao động phải nêu gương không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể, thậm chí chỉ bằng những hành động tốt, thông qua hành động tốt giúp cho cán bộ, viên chức, lao động vượt qua những khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực hành nói đi đôi với làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ bắt buộc. Tránh tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng, làm một nẻo”, những tình trạng trên cần phải kiên quyết xóa bỏ. Vì vậy, cần đã nói là làm, có làm được thì hãy nói và nói ít, làm nhiều.

  Bốn là,nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị. Chủ động tích cực tham gia viết bài thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng chính trị để cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tích cực tham gia cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo Kế hoạch số 762-KH/HVCTQG, ngày 25/02/2022của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Kế hoạch số 16-KH/TCT, ngày 28/3/2022 của Trường Chính trị Hoàng Văn thụ, kế thực hiện Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác cácquan điểmsai trái, thù địchlần thứ hai, năm 2022.

  * Tài liệu tham khảo    

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2011, t.1, tr. 209.

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t.2, tr. 289.

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 3, tr.1.

(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.453.

(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr. 492.

(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr. 534.

(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr. 64.

(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t.15, tr.624.

(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.187.

(10) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.391.

(11) Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.92.

 

ThS. Lô Thị Hợp

GV. Phòng Tổ chức, HC,TT,TL