Skip to main content
x
30 November 2022

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minhvị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người “là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”.  Người đã dâng hiến trọn vẹn cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho dân tộc Việt Nam, là hiện thân của khát vọng mãnh liệt giải phóng dân tộc, phấn đấu đến cùng cho nền độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của dân tộc. Người đưa dân tộc ta ra khỏi tình cảnh nô lệ, nước mất nhà tan, bị đọa đầy áp bức dưới ách thống trị của đế quốc, thực dân, giành lại độc lập chủ quyền và xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân trở thành người chủ, có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc. Người suốt đời phấn đấu, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, có đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị. Đồng thời cho cái nhìn tổng quát, sâu sắc về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, một trí tuệ uyên bác, nhân cách cao cả, từ đó khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc thực hiện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, biến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trở thành hiện thực.

Đại hội Đại biểu toàn quôc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta; có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hòa nhập và phát triển đất nước. Lần đầu tiên trong chủ đề đại hội và trong các dự thảo báo cáo chính trị đề cập đến “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là một điểm rất mới và là một điểm nhấn quan trọng trong nhận thức của Đảng về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước, trong bối cảnh đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm năng, vị thế và uy tín Quốc tế như ngày nay với những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ đại hội XII. Đó chính là tiền để quan trọng để chúng ta phấn đấu hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Nước- năm 2045. Trong chuyên đề toàn khóa toát lên nội dung xuyên suốt là “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đất nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần yêu nước, ý chí và khát vọng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc ấm no cho Nhân dân. Xây dựng nền kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân. Phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài. Xuất phát từ hoàn cảnh đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận và thực tiễn để đưa ra quan điểm, chủ trương phù hợp, không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của người khác.

Do vậy, việc vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào giảng dạy ở trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn vừa là yêu cầu thiết thực của công tác đào tạo, bồi dưỡng vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Nhà trường.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Một là, xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng của Người đã được nhấn mạnh tại Đại hội II của Đảng (1951): Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, phú cường. Người nhiều lần nhắc nhở: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"[1]. Người đặc biệt chú trọng việc nâng cao dân trí, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh. "Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí"[2]. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người bày tỏ điều mong muốn cuối cùng, cũng là khát vọng tột bậc: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"[3].

Hai là, thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Hồ Chí Minh ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước đã mang khát vọng lớn lao: Độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Người khẳng định: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"[4]. Cả cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiến dâng trọn vẹn cho cách mạng, chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân.

Ba là, xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân.

Hiện thực khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải xây dựng chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ, thật sự vì dân, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội văn minh, tiến bộ với những giá trị đạo đức tốt đẹp. Muốn vậy, phải xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, có kế hoạch thực hiện với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân.

Bốn là, phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài.

Vấn đề nội lực dân tộc là một điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Hồ Chí Minh cho rằng, việc mở cửa, hợp tác quốc tế không chỉ nhằm mục đích nhận được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, mà thông qua đó thu hút ngoại lực, thu hút đầu tư, tạo ra những điều kiện phát huy tiềm năng của đất nước, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

Năm là, luôn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp; không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác.

2. Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào giảng dạy ở trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn

Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào giảng dạy ở trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn có hiệu quả, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, Trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. 

Với vị trí, chức năng như vậy, Trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát huy những giá trị cao đẹp, trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào giảng dạy ở trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn. Giảng viên trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn là lực lượng tiên phong trong lĩnh vực này.

Bám sát định hướng chỉ đạo trong các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên cùng với sự chỉ đạo cụ thể của tỉnh ủy, Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy, Lãnh đạo trường đưa nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của đảng bộ trường, gắn với nhiệm vụ chính trị. Kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trở thành động lực, nguồn sức mạnh to lớn để Đảng bộ trường Chính trị Hoàng Văn Thụ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và mọi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Từ đó cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình hành động, giải pháp công tác cụ thể của Nhà trường, của mỗi cán bộ, giảng viên nhằm định hướng, hướng dẫn trực tiếp, sâu sát vào từng nội dung bài giảng, từng hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo đảm tính thiết thực, rõ việc, rõ người, dễ hiểu và dễ triển khai; Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Thứ hai, Nêu cao trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Giảng viên là tấm gương sáng trong giảng dạy, học tập lý luận chính trị.

Đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trước hết là các đồng chí Lãnh đạo, theo phương châm cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò nêu gương trong xây dựng ý chí, khát vọng phát triển của bản thân và của nhà trường. Mỗi cán bộ, đảng viên tự nêu gương là những tấm gương sáng, Đảng bộ trường Chính trị Hoàng Văn Thụ sẽ thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là điều kiện tiên quyết để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong Đảng bộ trường và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh.

Cần xác định việc tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội hội Đảng các cấp là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và là thế mạnh của giảng viên trường chính trị Hoàng Văn Thụ. Giảng viên là tấm gương sáng trong giảng dạy, học tập lý luận chính trị, giảng viên không những là người cung cấp tri thức như những giảng viên ở các cơ sở đào tạo khác mà còn là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - lý luận của Đảng. Thông qua giảng dạy, Giảng viên phải thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung Văn kiện XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các bài giảng ở tất cả các lớp, các loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh việc phân tích, giảng giải lấy ví dụ để Học viên hiểu đúng, nắm rõ kiến thức bài học, Giảng viên còn phải phân tích, so sánh, đánh giá để làm nổi bật giá trị bền vững về mặt lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từng bài giảng phải thể hiện được tính đảng sâu sắc, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, toát lên niềm tin mãnh liệt vào sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường đối thoại, trao đổi, thảo luận để Học viên được nêu lên quan điểm, suy nghĩ cá nhân, qua đó nắm bắt, định hướng kịp thời lập trường tư tưởng cho Học viên. Muốn làm được điều này đòi hỏi Giảng viên  Trường Chính trị phải là người vừa am hiểu lý luận, thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa có kiến thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Do đó, cùng với việc không ngừng nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, Giảng viên cần tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn trong trong công tác giảng dạy. Trên cơ sở đó, tích cực tham gia vào việc góp ý xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương; tham gia góp ý và phản biện vào các quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, qua đó góp phần vào việc bảo vệ, phát triển nền tảng, tư tưởng của Đảng.

Thứ ba, mỗi giảng viên cần nhận thức sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Coi đây là công việc thường xuyên, không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên.

Lãnh đạo trường tiếp tục tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên được tham dự đầy đủ các hội nghị, hội thảo liên quan đến Văn kiện XIII của Đảng, Văn kiện Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, có nội dung gắn với chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường; tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Học tập và làm theo Bác để Đảng ta và mỗi đảng viên xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam và sự tin cậy của nhân dân; … giúp cho giảng viên nắm chắc lý luận và thực tiễn, chủ động trong liên hệ, vận dụng, góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức chuyên sâu và am hiểu sâu sắc thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề.   

Mỗi giảng viên Nhà trường phải tự giác học tập, nghiên cứu; chủ động tiếp cận để nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung Văn kiện XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm. Để từ đó, việc vận sát với tình hình thực tế ở mỗi địa phương đơn vị trong từng bài giảng, tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên, học viên. Vì vậy, mỗi giảng viên cần xác định rõ trách nhiệm học tập, quán triệt Văn kiện không chỉ là thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên, mà cao hơn là truyền thụ đường lối, quan điểm của Đảng đến người học, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và biến quan điểm, đường lối thành hành động cách mạng cụ thể. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, uốn nắn những lệch lạc, đấu tranh làm thất bại luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

3. Kết luận

Trọn cuộc đời, Người hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Di sản tư tưởng Người để lại có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đất nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần yêu nước, ý chí và khát vọng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự vậndụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thực hiện tốt chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phongcách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một giải pháp hữu hiệu, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đây là việc làm thiết thực để mỗi cán bộ, đảng viên phát huy cao độ ý thức, trách nhiệm, tinh thần cống hiến, lao động sáng tạo, phục sự Tổ quốc, phục sự dân tộc, phục vụ nhân dân, tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, làm tiền đề căn bản hướng đến năm 2045, khi nước ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ đạt mục tiêu “trở thành nước phát triển, thu nhập cao” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào hoạt động giảng dạy ở trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn sẽ giúp giảng viên, học viên nắm bắt kịp thời sự vận động của thực tiễn, làm sâu sắc hơn những nghiên cứu khoa học lý luận - thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên của tỉnh./.

* Tài liệu tham khảo

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.4, tr.64.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.4, tr.36

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.15, tr.614

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.4, tr.187

 

ThS. Mông Thị Tường Vi

GVC. Khoa Lý luận cơ sở