Skip to main content
x
26 November 2022

Nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên chi bộ Xây dựng Đảng ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là nhiệm vụ hàng đầu đối với mỗi giảng viên, đảng viên chi bộ. Để hoạt động giảng dạy có chất lượng, chi bộ Xây dựng Đảng trường Chính trị Hoàng Văn Thụ luôn quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, giảng viên giảng dạy tại Khoa. Chi bộ đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, từng bước đạt chuẩn theo yêu cầu chức danh lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm, gắn với công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, quản lý, sử dụng cán bộ, viên chức của Trường.

Chi bộ Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ có tổng số giảng viên là đảng viên gồm 08 đồng chí.  Nữ 04 đồng chí; nam 04 đồng chí. Về trình độ chuyên môn: 8/8 đồng chí (100%) có trình độ thạc sỹ; về trình độ lý luận chính trị: 7/8 đồng chí (chiếm 87,5%) trình độ cao cấp lý luận chính trị, 1/8 đồng chí (chiếm 12,5%) trình độ Trung cấp lý luận chính trị. Đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn, năng lực đồng đều, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Trường và thực tiễn đặt ra. Quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng giảng dạy đề ra trong các Quyết định cụ thể như: Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG, ngày 21/01/2021 của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) và Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2025.

Chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo khoa xây dựng kế hoạch công tác chuyên môn, phân công bài giảng đảm bảo chuyên môn, chuyên ngành hợp lý các phần học bao gồm: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Đường lối của Đảng, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; Xây dựng Đảng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Nội dung chương trình các môn học, phần học được giảng viên nghiên cứu, bổ sung, cập nhật kiến thức mới và đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập của Trường đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học; năng lực, trình độ của đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng cao. Từ đó chất lượng giáo dục đào tạo, bồi dưỡng của Trường cũng được nâng lên. Hằng năm cán bộ, giảng viên tham gia thao giảng cấp khoa, cấp trường đều đạt giảng viên dạy giỏi cấp khoa, cấp trường. 100% cán bộ, giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

1

Chi bộ luôn quan tâm tới nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên trong chi bộ, xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi vì chất lượng giảng dạy là yếu tố quyết định. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, chi bộ xác định nhiệm vụ giảng viên gắn với thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên. Cụ thể là Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29/4/2021. Xác định nhiệm vụ quan trọng của chi bộ là nâng cao chất lượng giảng dạy; do đó, hằng năm chi bộ chỉ đạo khoa xây dựng kế hoạch phân công giảng viên soạn giáo án, bài giảng; đăng ký thao giảng cấp khoa, cấp trường; xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế để phục vụ tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất và năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn lý luận chính trị, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng giải quyết tình huống ở cơ sở.

Qua đó, đội ngũ giảng viên giảng dạy của Khoa Xây dựng Đảng đã góp phần rất quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức về những nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho các học viên ở cơ sở. Từ đó xây dựng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chi bộ thực hiện nghiêm túc Quyết định số 29-QĐ/TCT, ngày 24/3/2022 về việc ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn. Cán bộ, giảng viên thực hiện nghiêm chế độ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Chi bộ xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trong việc thường xuyên, tự giác học tập, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đưa vào bài giảng; khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên tự học tập, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế để nâng cao chất lượng giảng dạy. Mỗi năm chi bộ đều đăng ký thực hiện 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, tổ chức 02 cuộc hội thảo cấp khoa, viết bài và tham gia 02 cuộc hội thảo cấp trường, viết bài gửi báo, tạp chí…

Bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nội dung chương trình giảng dạy các phần học, môn học do Khoa phụ trách, còn có một số nội dung cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giảng viên giảng dạy đó là:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của chi bộ, nâng cao hiệu quả quản lý công tác chuyên môn đối với cán bộ, giảng viên trong chi bộ

Chi bộ tiếp tục lãnh đạo Khoa thực hiện tốt công tác phân công bài giảng theo các quy định của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Trường. Tăng cường trách nhiệm, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn giảng dạy, nghiên cứu khoa học đối với giảng viên. Đổi mới tổ chức hoạt động và nâng cao năng lực quản lý lớp học của giảng viên đối với học viên. Thực hiện nghiêm Quy định về đánh giá chất lượng giảng dạy của cán bộ, giảng viên thông qua hoạt động thăm lớp, dự giờ.

Chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề về tăng cường sinh hoạt chuyên đề chủ đề là nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, nội dung sinh hoạt chuyên đề cần gắn với chuyên môn, trọng tâm tập trung vào các chuyên đề giảng dạy thiết thực, phù hợp với đối tượng học viên ở cơ sở. Tiếp tục nghiên cứu phân công bài giảng theo phần học, môn học sát hơn nữa đối với thực tiễn địa phương.

Hai là, đổi mới và nâng cao chất lượng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên

Theo nội dung đào tạo, bồi dưỡng mới ban hành tại Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG, giảng viên soạn giáo án đảm bảo thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, gắn lý thuyết với thực tiễn, chú trọng hơn nữa về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, phương pháp công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Giảng viên sử dụng tốt và linh hoạt các phương tiện giảng dạy đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập, việc đổi mới cần phù hợp, thiết thực với yêu cầu công tác của địa phương, đơn vị.

Cán bộ, giảng viên chủ động đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, sự tham gia tích cực của học viên vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng; giúp học viên nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy và khả năng vận dụng giải quyết các tình huống thực tiễn trong quá trình công tác và thực thi công vụ. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn trong quản lý, dạy và học. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề.

Tích cực, chủ động thực hiện Đề án phát triển Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2027 đạt chuẩn theo quy định, là cơ sở đầu mối đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở cấp tỉnh theo Quyết định số 705/QĐ-TTg, ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.

Ba là, tiếp tục bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách của tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên của nhà trường

Trên cơ sở tiếp tục thực hiện tốt chính sách đãi ngộ đối với người dạy và người học; chi bộ tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ đối với giảng viên. Quan tâm thu hút những cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao như Tiến sỹ chuyên ngành về giảng dạy tại Khoa Xây dựng Đảng và tại Trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn. Người được tuyển dụng về Trường cần có phẩm chất đạo đức, có chuyên môn, chuyên ngành phù hợp, có tinh thần giúp đỡ các giảng viên trong khoa rèn luyện, phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn của Khoa. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát thực hiện Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Trường, từ đó cụ thể hóa vào quy chế chuyên môn của Khoa; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của đội ngũ giảng viên; đồng thời đội ngũ giảng viên cũng phải luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình trong công tác.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, hằng năm Chi bộ Xây dựng Đảng xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch gắn với nội dung thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó mỗi giảng viên chủ động nghiên cứu những nội dung cụ thể của Chỉ thị, nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ giảng dạy của giảng viên và nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trong thời gian tới./.

ThS. Triệu Văn Du

GVC. Khoa Xây dựng Đảng