Skip to main content
x
10 November 2022

Trong bối cảnh hiện nay tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường đang trở thành một động lực, yêu cầu quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã dự báo tình hình thế giới sẽ “…tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường”. Trong đó cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, phức tạp, tác động mạnh mẽ đến Việt Nam hiện nay, việc giữ vững độc lập, tự chủ, khơi dậy và phát huy ý chí tự cường, khát vọng phát triển của toàn dân tộc góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức đối với độc lập, hòa bình và phát triển của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương về ý chí và khát vọng của Người cho độc lập dân tộc và phát triển. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”[1]. Trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phóng viên báo Granma (Cuba), vào ngày 14/7/1969, Người nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”.

1. Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh vể ý chí tự lực, tự cường

* Tự lực tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài

Trong thời gian hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp có rất nhiều quan điểm của các đảng viên thuộc đảng cộng sản Pháp và các đảng cộng sản ở Châu Âu cho rằng cách mạng ở các thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng ở các nước tư bản (chính quốc), cách mạng ở các nước thuộc địa không thể thắng lợi khi cách mạng vô sản ở chính quốc chưa thắng lợi. Thì Chủ tịch Hồ Chí Minh không tán thành quan điểm đó. Người cho rằng, cách mạng ở các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam) hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi, không phụ thuộc việc cách mạng ở chính quốc có thắng lợi hay không. Với ý chí, khát vọng đấu tranh mãnh liệt, bất khuất vì độc lập, tự do, cách mạng ở các nước thuộc địa hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi. Người luôn xác định “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta[2]

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định quyết tâm, ý chí, phương pháp cách mạng, thể hiện sâu sắc quan điểm tự lực, tự cường trong đấu tranh cách mạng: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập[3]

Tại Hội nghị chiến tranh du kích, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới việc phải nên nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh. Người chỉ rõ: “Trông vào sức mình nhất là ở sau lưng địch thì lại càng đặc biệt chú ý. Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập” [4]

* Ý chí tự lực, tự cường là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

 Hồ Chí Minh khẳng định nhân tố mang tính quyết định của cách mạng giải phóng dân tộc chính là sức mạnh của toàn dân tộc. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh năm 1927 Người đã viết: “chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”. Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nhưng “phải củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới”. Người nhấn mạnh vấn đề có tính nguyên tắc: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lẩy mình đã”.

Đối với Việt Nam cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp trở thành vấn đề sống còn và ngọn cờ giải phóng dân tộc phải giương cao hơn hết thảy. Trong cuộc đấu tranh dân tộc thì chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc được coi là nền tảng căn bản, có thể huy động, tập hợp được hết thảy các giai tầng xã hội đoàn kết trên một mặt trận, đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như bảo vệ vững chắc nền độc lập đó.

Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng được thể hiện rõ qua thành lập mặt trận Việt Minh – tập hợp đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc với các tổ chức, đoàn thể cứu quốc, thống nhất ý chí, hành động trong toàn Đảng, toàn nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc; qua việc thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để tạo khối đại đoàn kết dân tộc.

* Tự lực, tự cường là sự chủ động trong chuẩn bị mọi điều kiện của cách mạng

Chủ động chuẩn bị mọi điều kiện cho cách mạng là sự sẵn sàng về tư tưởng, tổ chức, lực lượng, phương pháp… cho cách mạng nổ ra và giành được thắng lợi nhanh chóng.

Theo Hồ Chí Minh điều kiện trước hết là phải có một Đảng cách mệnh “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Vì vậy Người đã sớm chuẩn bị mọi điều kiện để tiến hành thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sau đó người trực tiếp lãnh đạo, chuẩn bị các điều kiện, tập dượt cho quần chúng đấu tranh… Cũng nhờ đó mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra mau lẹ, ít đổ máu, giành thắng lợi hoàn toàn trên cả nước. Thắng lợi này thể hiện việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin ở một nước thuộc địa, khẳng định đường lợi cách mạng đúng đắn của Đảng, tinh thần, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc theo tư tưởng của Bác.

* Ý chí tự lực, tự cường là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Muốn làm được cách mạng, quần chúng nhân dân phải được vận động, rèn luyện và tổ chức nhằm huy động, tập họp, phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của mọi lực lượng quần chúng trên cùng một mặt trận, biến thành sức mạnh của quàn chúng thành sức mạnh cách mạng.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh nhân dân là phạm trù cao quý nhất. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”[5]. Người khẳng định, dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi. “Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, Nhân dân cũng làm được”[6].

Vai trò và sức mạnh của Nhân dân luôn được Đảng ta trân trọng, phát huy cao độ trong công cuộc trường kỳ kháng chiến, cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước kể từ khi hòa bình lập lại đến nay, tạo nên những thành tựu vô cùng quan trọng trên các phương diện đời sống xã hội, đem lại những giá trị kinh tế - xã hội, những thay đổi lớn lao về diện mạo đất nước trong tiến trình thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Bác Hồ hằng mong ước.

2. Một số vấn đề về học tập, rèn luyện có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường

Để học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường cho có kết quả tốt, bên cạnh việc nắm rõ, nắm vững nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường thì cần thực hiện tốt hai điểm chính yếu sau: (1) Phải có tâm thế tốt; (2) Vận dụng tư tưởng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào điều kiện hiện nay cho phù hợp.

2.1. Phải có tâm thế tốt

Tâm thế là toàn bộ thái độ, tâm lý của con người khi đứng trước một sự việc nào đó và nó có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến kết quả hành động của con người. Có thể nêu lên hai tâm thế đối lập nhau: (1) Một là tâm thế chủ động tích cực; (2) Hai là tâm thế bị động tiêu cực.

Người nào có tâm thế chủ động, tích cực thì khi ứng xử (đối với người, đối với việc, đối với người - theo cách phân loại ứng xử của Hồ Chí Minh) sẽ đạt được kết quả tốt. Ngược lại, người nào mà có tâm thế bị động, thụ động, tiêu cực thì khóhoặc không đạt được kết quả tốt.

Cả cuộc đời hoạt động yêu nước, cách mạng của Hồ Chí Minh được đặt trong cái nền tâm thế chủ động, tích cực và quyết tâm rất cao trong thực hiện hóa lý tưởng giành độc lập cho dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng mà Người đã chọn. Đồng thời Người luôn tin tưởng vào nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng, lực lượng để tự giành lấy độc lập cho dân tộc và giành lấy cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Điều này cũng là yêu cầu của sự phát triển của dân tộc mà Hồ Chí Minh phải đáp ứng. Sự nghiệp dấn thân đó buộc Hồ Chí Minh phải trải qua cuộc đời đầy gian khổ, gặp muôn vàn khó khăn. Rồi điều tất yếu đã đến: Hồ Chí Minh tiếp nhận được tư tưởng của thời đại, tìm thấy mục tiêu phát triển mới của đất nước, không phải là mục tiêu “Cần Vương” (phong kiến), cũng không phải là mục tiêu dân chủ tư sản (tiêu biểu là hai phong trào của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh), mà là mục tiêu chủ nghĩa cộng sản. Con đường để đi tới mục tiêu đó mà Hồ Chí Minh đã tìm thấy, đưa dân tộc Việt Nam đi theo, đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, với tâm thế dấn thân, chủ động, tích cực đó, Hồ Chí Minh đến với mục tiêu và con đường cách mạng mới với cả một tấm lòng trung kiên. Đó là sự cảm nhận trực tiếp, thẳng từ trái tim đến trái tim, chứ không bằng con đường sách vở, kinh viện.

Hiện nay, mục tiêu của cách mạng Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới với những mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, phát triển rất lớn lao. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng ta xác định:

- Đến năm 2025: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Năm 2030: Việt Nam là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đây là những mục tiêu rất lớn lao, rất tham vọng nhưng hoàn toàn có cơ sở. Một trong những điều kiện cho việc hoàn thành mục tiêu này đó chính là tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm phát triển đất nước. Mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân phải chuẩn bị tâm thế, tinh thần tự lực, tự cường dám nghĩ lớn, làm lớn như tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Học tập tinh thần tự lực, tự cường theo tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta rất cần một tâm thế như kiểu của Hồ Chí Minh, nghĩa là phải có tâm thế chủ động, tích cực; không bị ép buộc. Tự bản thân mình thấy rằng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhu cầu thiết thân hằng ngày – như con người cần có nước uống, cần có cơm ăn, cần có dưỡng khí để thở – nếu đạt được tâm thế như vậy thì mới thu được kết quả tốt.

Nhưng đó là điều mong muốn. Trong thực tiễn để mỗi người đạt được tâm thế đó là không dễ. Có người dự đủ các đợt học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do cơ quan tổ chức, sau mỗi đợt đều có bản viết thu hoạch. Thậm chí, những bản viết thu hoạch được viết rất sâu sắc, được Ban tổ chức lớp học đánh giá có chất lượng cao, nhưng dù thế nào đi nữa, bản thu hoạch đó chỉ là trên giấy, “văn hay chữ tốt”, chưa thấm vào người để biến thành hành động trong thực tế nếu đi học tập các đợt đó cũng chỉ vì cơ quan cử đi, người học không sẵn sàng, không chủ động, không tích cực.

Cũng có thể có không ít trường hợp lúc mới đi dự các lớp học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì bị động, nhưng sau thời gian học tập, tìm hiểu thì người đó có chuyển biến từ bị động, thụ động lên thành tự giác, chủ động, thích thú, say mê. Đó là quá trình chuyển hóa tích cực trong tâm thế.

2.2. Vận dụng cho phù hợp với điều kiện hiện nay

Muốn vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho phù hợp với điều kiện hiện nay, ngoài việc phải có tâm thế tốt và ngoài việc phải hiểu đúng những nội dung cơ bản thì cần chú ý vấn đề sau đây:

(1)Phải đặt những quan điểm của Hồ Chí Minh về tự lực, tự cường vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể khi Hồ Chí Minh nêu lên.

 (2) Phải hiểu đúng bản chất vấn đề. Bản chất những vấn đề thuộc về những quan điểm của Hồ Chí Minh về tự lực, tự cường là dựa trên cơ sở tài liệu của Hồ Chí Minh và về Hồ Chí Minh cũng như được tổng kết, đúc rút từ các hành vi của Hồ Chí Minh, tức là qua cuộc sống thường nhật của Người. Nhưng, khi vận dụng, học tập, làm theo thì không phải là đi từ hành vi và “làm theo” không có nghĩa là bắt chước Hồ Chí Minh. Thí dụ, thấy Hồ Chí Minh hút thuốc lá thì chúng ta “làm theo”hút thuốc lá; thấy Hồ Chí Minh đi dép lốp cao su thì chúng ta “làm theo” phải đi dép lốp cao su; v.v. Nếu “làm theo” như thế thì vừa là sai về phương pháp vận dụng (không phù hợp với điều kiện hiện nay) vừa máy móc, và có phần vận dụng, làm theo một cách thô thiển. Có thể không “làm theo” kiểu bắt chước hành vi như trước đây của Hồ Chí Minh, bởi vì điều kiện hoàn cảnh hiện nay khác so với thời Hồ Chí Minh sống, nhưng bản chất những vấn đề thuộc về nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn không thay đổi. Chẳng hạn, đó là bản chất giản dị, lành mạnh, tiết kiệm của Hồ Chí Minh thì chúng ta có thể vận dụng vào trong cuộc sống hiện nay. Đến địa phương nào đó công tác chẳng hạn, phải sâu sát thực tế, gần gũi với nhân dân, phải tiết kiệm, không phô trương hình thức, tìm hiểu kỹ từng vấn đề; có thể không lội ruộng mà có thể đánh chiêng khai trương sàn chứng khoán, ấn nút khi trương công thông tin điện tử, v.v. Muôn vàn cách vận dụng bản chất của từng vấn đề vào trong thực tế mà không máy móc, cốt sao có hiệu quả, tránh tình trạng di chuyển từ phòng máy lạnh này đến phòng máy lạnh khác, đóng cửa trong phòng ngồi viết chỉ thị, chính sách rồi quàng lên cổ nhân dân, bắt dân chúng thực hiện - như có lần Hồ Chí Minh đã kịch liệt phê phán.

(3) Học tập, vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay, phải đặc biệt chú ý trên những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam,mà hiện nay nhiều thế lực thù địch đang chống phá Đảng, chống phá chế độ chính trị của nước ta, và thậm chí khắc phục sự hiểu sai, do nhiều lý do khác nhau, của một số người. Đó là các vấn đề: Kiên trì mục tiêu chủ nghĩa xã hội và con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên trì vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự lực, tự cường là tài sản tinh thần vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc Việt Nam, cần được giữ gìn và phát huy trong công cuộc đổi mới đất nước ở thời kỳ toàn cầu hóa. Cũng giống như chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không nên được vận dụng, làm theo một cách giáo điều, mà vẫn rất cần được vận dụng một cách sáng tạo và phát triển. Điều còn lại mãi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là ở phương pháp, ở bản chất vấn đề chứ không nằm trong hành vi, bởi vì hành vi chỉ là cái cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể, nó có thể phù hợp với lúc này mà không còn phù hợp ở lúc khác. Bản chất của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng giống như bản thân Hồ Chí Minh quan niệm trong hành động là phải phù hợp với từng lúc, từng nơi, là Dĩ bất biến ứng vạn biến. Đó cũng là biện chứng mácxít mà chúng ta thấy rất rõ trong di sản mà Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ cách mạng Việt Nam về sau.

2.3. Học tập, rèn luyện tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ hiện nay

Theo tôi để việc học tập, rèn luyện tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường có hiệu quả ở Trường Chính tri Hoàng Văn Thụ có hiệu quả hơn. Thì cán bộ, đảng viên và quần chúng ở Trường cần xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, cần tập trung học tập, nghiên cứu để hiểu rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường. Đặc biệt cần có góc nhìn khoa học và lịch sử để học tập, vận dụng và hiểu đúng nội dung, ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường trong điều kiện hiện nay.

Thứ hai,cán bộ, đảng viên và quần chúng ở Trường cần xác định tâm thế đúng trong việc học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường nói riêng cũng như học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung. Phải biến việc học tập, rèn luyện tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tư cường trở thành một việc làm thường xuyên, không gượng ép mà như một nhu cầu của mỗi cá nhân. Có vậy mới tránh được việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách qua loa, đại khái, thụ động.

Thứ ba,phải gắn việc học tập, rèn luyện ý chí tự lực, tự cường theo tư tưởng Hồ Chí Minh với đường lối, cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ nhà trường. Hình thành tinh thần dám nghĩ lớn, dám làm lớn và dám chịu trách nhiệm.

Nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước rất lớn lao ở phía trước. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi và sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau của các nước bạn trên thế giới thì nhân tố quyết định để chúng ta hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao là sức mạnh nội lực của chúng ta. Điều đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta phải có một ý chí tự lực, tự cường, một khát vọng mãnh liệt để Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu đó bằng chính bàn tay, khối óc của con người Việt Nam. Đó mới là cơ sở quyết định và vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong tương lai./.

                                         ThS. Hoàng Minh Tuấn

                                GVC. Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

 

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.4, tr.240.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.1, tr.17.

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.1, tr.209.

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.7, tr.12.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.10, tr.453.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12, tr.492.