Skip to main content
x
10 November 2022

Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Di sản tư tưởng Người để lại có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Hiểu theo nghĩa gốc, tự lực có nghĩa là dựa vào sức mình để sống và làm việc, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào người khác; tự cường có nghĩa là tự làm cho mình mạnh lên, không chịu thua kém người khác, dân tộc khác, thường được dùng với nghĩa dành cho tổ chức, dân tộc, đất nước. Nói cách khác, tự lực, tự cường là tự mình lo công việc của mình, gây dựng sức mạnh cho mình, không lệ thuộc, không phụ thuộc, không ỷ lại ngồi chờ. Đó cũng chính là những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì chứa đựng trong đó lòng tự trọng, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định bản thân.

1. Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường

Thứ nhất, ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế. 

Trong khi hầu hết các Đảng Cộng sản ở Châu Âu đều có quan điểm rằng, cách mạng ở các thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng ở các nước tư bản (chính quốc), cách mạng ở các nước thuộc địa không thể thắng lợi khi cách mạng vô sản ở chính quốc chưa thắng lợi. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không tán thành quan điểm đó, Người nêu rõ: nhân tố mang tính quyết định của cách mạng giải phóng dân tộc chính là sức mạnh của toàn dân tộc. Cách mạng ở các nước thuộc địa hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi, không phụ thuộc việc cách mạng ở chính quốc có thắng lợi hay không.

Người cho rằng,với ý chí, khát vọng đấu tranh mãnh liệt, bất khuất vì độc lập, tự do, cách mạng ở các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam) hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi, không phụ thuộc việc cách mạng ở chính quốc có thắng lợi hay không.

Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng ở thuộc địa và cách mạng ở chính quốc. Người ví mối quan hệ đó như hai cánh của một con chim. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, vạch trần bản chất của chủ nghĩa tư bản thực dân giống con đỉa có hai vòi, một vòi bám vào giai cấp vô sản ở các nước tư bản, vòi kia hút máu các dân tộc thuộc địa, Người khẳng định muốn tiêu diệt nó, phải cắt cả hai cái vòi, muốn vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc.

Thứ hai, ý chí tự lực, tự cường là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng: Nêu cao tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nhưng “phải củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới”[1]

Người viết: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người culi biết phản đối, nó làm cho những người “nhà quê” phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối... nó đã thúc giục thanh niên bãi khoá, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản, làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa”.

Theo Người, nhân tố mang tính quyết định của cách mạng giải phóng dân tộc chính là sức mạnh của toàn dân tộc. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), Người viết: “chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”. Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nhưng “phải củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới”. Người nhấn mạnh vấn đề có tính nguyên tắc: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”.Trong cuộc đấu tranh đó, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc được coi là nền tảng căn bản, có thể huy động, tập hợp được hết thảy các giai tầng xã hội đoàn kết trên một mặt trận, đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như bảo vệ vững chắc nền độc lập đó.

Thứ ba, ý chí tự lực, tự cường là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng.

Người chỉ rõ,điều kiện trước hết là phải có một Đảng cách mệnh, “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủnghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.
          Minh chứng là mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Người soạn thảo. Sự ra đời của Đảng đánh dấu bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong tiến trình cách mạng dân tộc, trở thành nhân tố tiên quyết, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dẫn dắt, tập hợp và lãnh đạo nhân dân từng bước đấu tranh, chuẩn bị các điều kiện mọi mặt, đưa tới sự thành công của cách mạng.

Thứ tư, ý chí tự lực, tự cường là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân: 

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Muốn vậy, quần chúng nhân dân phải được vận động, rèn luyện và tổ chức nhằm huy động, tập hợp, phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của mọi lực lượng quần chúng trên cùng một mặt trận, biến thành sức mạnh của quần chúng thành sức mạnh cách mạng.Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Nhân dân” là phạm trù cao quý nhất. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người khẳng định, dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi. “Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được”

Thứ năm, ý chí tự lực, tự cường là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyết tâm bảo vệ và giữ vững độc lập dân tộc,“nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độclập tự do”, thể hiện rất rõ khi Tổ quốc bị lâm nguy, khi dân tộc phải đương đầu với những kẻ thù. Nhờ phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, quyết tâm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, chúng ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong bản Di chúc để lại, Người khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy vậy, hiện tại, nước ta vẫn là nước “đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp”, có khoảng cách khá xa với các nước phát triển. Hơn lúc nào hết, thực tiễn phát triển nhanh, bền vững, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những người có đủ đức, đủ tài, có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phải hội đủ những phẩm chất dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt hành động vì lợi ích chung.

2. Nâng cao ý chí tự lực tự cường trong thực hiện nhiệm vụ của giảng viên trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn

Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, giảng viên trường Chính trị Hoàng Văn Thụ không ngừng cố gắng phấn đấu, phát huy tinh thần tự lực, tự cường không ngừng nỗ lực vươn lên.Với chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức của tỉnh về lý luận chính trị; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiến thức về công tác xây dựng Đảng, chính quyền; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch của Tỉnh ủy.

Đội ngũ giảng viên nhà trường là những người có nhận thức sâu sắc về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có đạo đức nghề nghiệp, mẫu mực, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Từng giảng viên đã nỗ lực khắc phục khó khăn với đặc thù của công việc, có những thời điểm số lượng lớp mở nhiều và liền kề, giảng viên nhà trường không quản khó di chuyển giữa các huyện trong dài ngày để thực hiện tốt nhiệm vụ và kế hoạch chung của trường. Trong quá trình tiếp cận với các phương pháp giảng dạy tích cực, mỗi người luôn chủ động mày mò, tự học, nhanh chóng tiếp cận và từng bước làm chủ công nghệ, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ. Hay như trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn là một trong những trường chính trị đầu tiên trên cả nước đã chuyển đổi hình thức giảng dạy và làm việc sang hình thức trực tuyến, ban đầu có bỡ ngỡ nhưng chỉ sau một tuần, hai tuần, cán bộ giảng viên nhà trường đã thích ứng nhanh chóng với cách thức giảng dạy mới phù hợp tình hình thực tiễn.

Để phát huy ý chí tự lực, tự cường trong thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, mỗi giảng viên nhà trường cần thực hiện một số nội dung sau:

Một là, mỗi giảng viên gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên, cần sự chủ động, tích cực của mỗi giảng viên, mỗi giảng viên cần có niềm tin sâu sắc vào Đảng, vào đường lối phát triển đất nước, vững tin vào con đường đã lựa chọn để vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt.

Hai là, việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về ý tự lực, tự cường được thể hiện thông qua nhiều khía cạnh nhất là qua việc thực hiện công việc chuyên môn. Từng giảng viên phải nhiệt tình phấn đấu rèn luyện đạt chuẩn về tài và đức, có tính chủ động, sáng tạo trong công tác và xây dựng phương pháp làm việc khoa học. Nâng cao khả năng nghiên cứu, đào sâu lý luận, liên hệ thực tiễn. Tích cực nghiên cứu khoa học, mạnh dạn tham mưu giải pháp, sáng kiến trong công việc, phương pháp làm việc nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của nhà trường.

Ba là, gương mẫu trong việc thực hiện phát huy ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển bản thân và gia đình, cơ quan, địa phương, quê hương, đất nước. Phát huy ý chí tự lực tự cường, mỗi giảng viên cũng phải luôn nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện, có ý chí vươn lên, vượt qua chính mình. Không ngừng học tập, nghiên cứu, đặc biệt là tự nghiên cứu, học hỏi cái mới, cái tiến bộ để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Xây dựng kế hoạch đào tạo cho bản thân mình theo lộ trình cụ thể gắn với chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Trường.

Đồng thời, thông qua hoạt động chuyên môn, hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, mỗi giảng viên truyền được cảm hứng, niềm tin, ý chí tự lực, tự cường đến các đối tượng học viên, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhàgóp phần vào việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.

ThS. Hoàng Thị Quyên

GV.  Khoa Lý luận cơ sở

 

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 2, tr. 320.