Skip to main content
x
8 November 2022

          Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ngày 04/11/1909 trong một gia đình nông dân dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học ở thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ là tấm gương mẫu mực về phong cách làm việc gần gũi, bám sát nhân dân, cách thức tập hợp lực lượng phong phú và đa dạng trong từng thời kỳ và giai đoạn; đồng chí đã có nhiều cống hiến cho cách mạng Việt Nam dù những cương vị khác nhau; đặc biệt là trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ từ tháng 9/1939 – 11/1940, đồng chí đã có những chỉ đạo quan trọng, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng của các địa phương ở Bắc Kỳ phát triển đi lên một bước.

Ngày 08/9/1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập và chủ trì Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ (mở rộng) để quán triệt tình hình nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, khi chiến tranh thế giới thứ hai đã nổ ra ở châu Âu. Tại Hội nghị, đồng chỉ Nguyễn Văn Cừ thông báo việc Trung ương Đảng cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hà Nội và vùng phụ cận. Đồng chí đã có những hoạt động cách mạng tiêu biểu:

Một là, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời củng cố và xây các tổ chức cơ sở đảng ở Bắc kỳ

Ngay sau khi giao trọng trách cho Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ quán triệt: Hà Nội và vùng phụ cận sẽ là khu vực địch tập trung khủng bố ác liệt nhất. Yêu cầu bức thiết trước mắt của phong trào cách mạng ở Hà Nội là phải tìm mọi cách để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ quan lãnh đạo các cấp và các tổ chức cơ sở Đảng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo và sự quán triệt của Tổng Bí thư, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dành thời gian nghiên cứu địa bàn cơ sở Xứ ủy ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) và vùng xung quanh. Đồng chí đã trực tiếp kiểm tra nhiều cơ sở bí mật của Thành ủy Hà Nội và Xứ ủy Bắc Kỳ trên các phố Triệu Việt Vương, Hàng Nón, Bùi Thị Xuân, Phố Huế, Yên Phụ và cơ sở ở các làng vùng ven Hà Nội như làng Gạ, làng Mạc, làng Thượng Cát thuộc phủ Hoài Đức. Đồng chí còn cử cán bộ chắp nối liên lạc, kiểm tra các cơ sở bí mật của Xứ ủy ở các tỉnh Phúc Yên, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên... Sau khi kiểm tra các cơ sở bí mật, trao đổi với một số đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, Thành ủy Hà Nội, khoảng giữa tháng 10 năm 1939, đồng chí Hoàng Văn Thụ quyết định chuyển cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ từ Hà Nội xuống làng Vạn Phúc (Hà Đông). Để giữ bí mật, cơ quan Xứ ủy còn nhiều lần luân chuyển đến một số địa chỉ khác. Đồng chí Hoàng Văn Thụ cũng yêu cầu Tỉnh ủy Hà Đông bố trí, đón Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, các cán bộ Xứ ủy như Trường Chinh, Hạ Bá Cang... về ở các cơ sở bí mật của Xứ ủy.

Từ cuối năm 1939, do sự khủng bố khốc liệt của thực dân Pháp, sự phá hoại của một vài cán bộ tha hóa đầu hàng, một số phần tử cơ hội giấu mặt trà trộn trong cơ quan Thành ủy Hà Nội và Xứ ủy Bắc kỳ hoạt động trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Với trọng trách của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thực hiện củng cố tổ chức, tái lập thành ủy Hà Nội sau nhiều lần bị địch phá vỡ.

Để tránh tổn thất và sự truy lùng gắt gao của mật thám, đồng chí Hoàng Văn Thụ và Ban Thường vụ Xứ ủy thường xuyên và nhanh chóng di chuyển cơ quan Xứ ủy về các cơ sở bí mật vùng ven Hà Nội và các tỉnh xung quanh. Địa bàn hoạt động của các đồng chí trải rộng từ Đào Xuyên, Thuận Tốn, đồn điền Mác – ty (Sơn Tây); Hội Xá, Yên Viên, Dương Xá, Dương Quang, Yên Mỹ, Liễu Ngạn, Liễu Khê (Bắc Ninh).

Để xây dựng các cơ sở bí mật ở Thuận Thành (Bắc Ninh) thành "cơ sở đỏ” của Trung ương và Xứ ủy, đồng chí đã yêu cầu Ban cán sự Đảng Bắc - Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang) nhanh chóng chuyển vào hoạt động bí mật, đồng thời chỉ đạo các cán bộ cơ sở tuyển chọn những hội viên trung kiên trong các nghiệp đoàn, hội ái hữu để thành lập các Hội Nông dân Phản đế, Thanh niên Phản đế, Phụ nữ Phản đế… hoạt động bí mật. Từ cuối năm 1939 đầu 1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ và các cán bộ Xứ ủy đều di chuyển về các cơ sở bí mật thuộc các huyện Thuận Thành, Gia Lâm (Bắc Ninh). Tại các cơ sở này, đồng chí và một số cán bộ Xứ ủy đã tổ chức một số lớp tuyên truyền, huấn luyện và đào tạo cán bộ, bồi dưỡng các kỹ năng xây dựng tổ chức và hoạt động bí mật.

Xã Trung Mầu, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) là xã giáp ranh các huyện Từ Sơn, Thuận Thành là điển hình thành công của công tác xây dựng tổ chức cơ sở và hoạt động bí mật. Tại đây, các Hội phản đế với số hội viên hàng trăm người, trong đó có cả các nhà tu hành như sư cụ Phạm Thông Hòa, sư thầy Nguyễn Khắc Mỹ; đội tự vệ với hơn 30 chiến sĩ được tổ chức. Chính hệ thống cơ sở bí mật ở xã Trung Mầu là một thí điểm để đồng chí Hoàng Văn Thụ và Ban Thường vụ Xứ ủy quyết định việc xây dựng ATK (An toàn khu) của Trung ương và Xứ ủy.

Một quyết định rất sáng tạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ và Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ là việc phân vùng và cử cán bộ Xứ ủy trực tiếp phụ trách nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc lãnh đạo phong trào ở các địa phương. Đó là vào khoảng tháng 3/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Xứ ủy (mở rộng) để quán triệt nội dung, bàn các biện pháp thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu. Tại hội nghị, đồng chí thông báo, Ban lãnh đạo Xứ ủy quyết định chia Bắc Kỳ thành các liên tỉnh (còn gọi là khu), phân công các cán bộ phụ trách. Tới giữa năm 1940, các liên tỉnh ủy đã hình thành và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng theo địa bàn đã phân chia (gồm Liên tỉnh A, Liên tỉnh B, Liên tỉnh C, Liên tỉnh D, Liên tỉnh E).

Mặc dù cơ quan Xứ ủy phải di chuyển nhiều lần, các Liên tỉnh ủy (khu) đã thành lập, nhưng với trọng trách được giao, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn dành sự chỉ đạo sát sao đối với phong trào cách mạng, xây dựng tổ chức các địa phương, khi thì cử giao thông mang tài liệu, chỉ thị cho các địa phương, khi thì bí mật, trực tiếp gặp gỡ để trao đổi. Có lần đồng chí Hoàng Văn Thụ một mình đi xe đạp lên Đại Từ (Thái Nguyên) gặp đồng chí Hạ Bá Cang để trao đổi tình hình, bàn cách đối phó với sự khủng bố của kẻ thù. Đồng chí còn bí mật cùng đồng chí Bùi Đức Minh đi Vân Nam (Trung Quốc) tìm liên lạc với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chuyến đi này không thành nhưng tỏ rõ đồng chí rất tin tưởng ở Lãnh tụ, chú trọng việc xây dựng phong trào và tổ chức lực lượng cách mạng.

Ngày 01-10-1940, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Hoàng Văn Thụ đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp Ban Thường vụ Xứ ủy thảo luận các biện pháp ứng phó bảo vệ lực lượng cách mạng sau khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940); củng cố, giữ gìn các đội tự vệ vũ trang để làm nòng cốt xây dựng lực lượng du kích và căn cứ địa sau này. Thay mặt Ban lãnh đạo Xứ ủy, đồng chí quyết định cử đồng chí Trần Đăng Ninh - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy và một số cán bộ lập tức lên ngay Bắc Sơn tiến hành việc thành lập Ban Chỉ huy du dịch Bắc Sơn.

Sau Hội nghị, đồng chí trực tiếp tổ chức và chỉ đạo mở hai lớp huấn luyện cán bộ quân sự cấp tốc, ngắn ngày để tăng cường cho các địa phương Bắc Sơn, Võ Nhai.

Sự nhạy bén, sâu sát, kịp thời trong chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy Hoàng Văn Thụ thể hiện sự năng động, sáng tạo của đồng chí, góp phần quan trọng để giảm thiểu tổn thất khi Nhật - Pháp bắt tay đàn áp và cũng là tiền đề để thời gian sau này Trung ương Đảng xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai.

Hai là, gương mẫu, tiên phong trong công tác tuyên truyền đường lối của đảng, huấn luyện, cán bộ cho Đảng và cách mạng

Với cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền, huấn luyện; chủ động quyết đáp trong việc chuẩn bị cán bộ cho Đảng và cách mạng sau này là điều đã được lịch sử Đảng và cách mạng Việt Nam ghi nhận. Trước đây, khi hoạt động ở Nam Trung Quốc, đồng chí từng phụ trách báo Tranh Đấu của chi bộ đặc biệt Long Châu, chỉ đạo việc ra báo Lao động của Tỉnh ủy Cao Bằng. Trở về nước hoạt động ở Lạng Sơn, Cao Bằng đồng chí viết nhiều bài thơ bằng ngôn ngữ Tày Nùng để tuyên truyền cách mạng. Đồng chí còn trực tiếp tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ cho nhiều địa phương vùng biên giới, cho các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của báo chí đối với công tác tuyên truyền cách mạng, với cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Hoàng Văn Thụ đã trao đổi với các đồng chí Thường vụ Xứ ủy và quyết định xuất bản báo Giải phóng do đồng chí trực tiếp làm Chủ nhiệm. Tòa soạn báo lúc đầu đặt tại cơ sở của Xứ ủy tại số nhà 62, đường Yên Phụ. Cơ quan ấn loát đặt tại làng Cổ Loa (huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên). Mới phát hành được 2 số đầu, cơ quan ấn loát và tòa soạn có dấu hiệu bị lộ phải di chuyển nhiều lần, khi thì về La Cả (Hà Đông), khi thì chuyển về Thuận Thành (Bắc Ninh).

Là chủ nhiệm tờ báo, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dành sự quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo việc ra báo. Đồng chí còn viết bài phổ biến kinh nghiệm công tác hoạt động bí mật, kinh nghiệm tổ chức đấu tranh của cán bộ các địa phương. Có lần đồng chí còn trực tiếp mang bài viết đến tòa soạn hoặc đến cơ quan đồng thời kiểm tra công tác ở cơ quan in ấn và phát hành. Với phong cách làm việc tỉ mỉ, thận trọng, đồng chí luôn được các cán bộ trực tiếp làm báo tin tưởng, kính trọng.

Tuy bận rộn nhiều công việc nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn dành thời gian nghiên cứu lý luận và tình hình thế giới và vận dụng vào thực tiễn công tác, Khi Liên Xô ký kết với nước Đức Hiệp ước Brét - Litôp (23/8/1939), cam kết Xô – Đức không xâm phạm lẫn nhau mà thực chất là tạm thời hòa hoãn để tổ chức, chuẩn bị lực lượng chiến đấu với các thế lực phát xít. Vừa do nhận thức hạn chế, vừa do thiếu thông tin, sự kiện này khiến không ít cán bộ, đảng viên hoang mang, thiếu lòng tin vào Liên Xô.

Nhận thức rõ tính cấp bách của việc giải thích, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên hiểu đúng, tin tưởng vào Liên Xô, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã viết cuốn sách mỏng Liên Xô luôn luôn trung thành với hòa bình. Cuốn sách đã giải thích ngắn gọn: Đây là sách lược nhằm lợi dụng mâu thuẫn nội bộ các thế lực phát xít, đế quốc; là việc Liên Xô tranh thủ hòa hoãn để củng cố quốc phòng, chuẩn bị lực  lượng cho cuộc chiến tranh vệ quốc. Liên Xô vẫn là thành trì cách mạng của các lực lượng dân chủ, yêu chuộng hòa bình, của các đảng cộng sản và cách mạng thế giới.

Cùng thời gian trên, đồng chí Hoàng Văn Thụ còn biên soạn tài liệu Phương pháp hoạt động bí mật để hướng dẫn cán bộ địa phương và cơ sở thực hiện chủ trương, đường lối Hội nghị Trung ương lần thứ sáu và các quyết định của Xứ ủy khi cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng rút vào hoạt động bí mật. Có thể nói, trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, tài liệu, cuốn sách do đồng chí Hoàng Văn Thụ biên soạn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc củng cố tính thần cách mạng, ý nghĩa chính trị và phương pháp công tác.

Ba là, lãnh đạo Xứ ủy Bắc Kỳ thực hiện vai trò, chức năng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tình huống hiểm nghèo của cách mạng Việt Nam

Đảm nhận trọng trách Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ do Đảng và cách mạng giao phó, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với những hoạt động phong trào vừa công khai, vừa bí mật mà nổi bật là lãnh đạo các đảng bộ Bắc Kỳ xây dựng cơ sở cho hoạt động bí mật đã giảm thiểu tổn thất lực lượng trong cuộc đại khủng bố của kẻ thù trong những năm 1939 - 1940, trong khi ở Trung Kỳ và Nam Kỳ, Đảng và phong trào bị tổn thất lớn; đặc biệt là việc nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Trung ương sa lưới mật thám. Ngày 17/01/1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và ủy viên Thường vụ Trung ương bị giặc bắt ở Sài Gòn; ngày 30/01/1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt lại và ngày 30/3/1940, đồng chí Hà Huy Tập bị bắt lại ở Trung Kỳ; ngày 21/4/1940 đồng chí Phan Đăng Lưu ở Nam Kỳ đang trong hoàn cảnh bị mật thám chỉ điểm truy lùng rất gắt gao. Trên thực tế Ban Chấp hành Trung ương Đảng không còn bởi các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên đang hoạt động ở miền Nam Trung Quốc; các cơ quan lãnh đạo ở Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ gần như tê liệt. Trong khi đó phong trào cách mạng và đa số cán bộ ở Bắc Kỳ và một phần Bắc Trung Kỳ dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ do đồng chí Hoàng Văn Thụ đứng đầu vẫn trụ vững nhờ sự khéo léo, chủ động trong tổ chức hoạt động bí mật, xây dựng được cơ sở ATK vững chắc.

Trong hoàn cảnh hiểm nghèo trên, những quyết định của Bí thư và Ban Thường vụ Xứ ủy có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện vai trò và ý nghĩa như những quyết định của ban lãnh đạo Trung ương Đảng. Những quyết định như phân chia vùng ở Bắc Kỳ, thành lập Ban lãnh đạo liên tỉnh ủy, cử cán bộ Xứ ủy trực tiếp lãnh đạo; quyết định cử các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp sang Nam Trung Quốc có tầm và có ý nghĩa như các quyết định của Trung ương Đảng.

Nhận thức rõ vai trò của Xứ ủy Bắc Kỳ trong tình thế hiểm nghèo, Ban Chấp hành Trung ương Đảng không còn, ngày 26/6/1940, nhân danh Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ và Thường vụ Xứ ủy công bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương trên báo Giải phóng - cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ. Đó là sự khẳng định hùng hồn Đảng vẫn tồn tại, cách mạng Đông Dương vẫn phát triển, Đảng vẫn giữ vững cùng giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ giữ cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trong khoảng thời gian hơn một năm. Tuy chỉ là khoảng thời gian ngắn trong chặng đường 18 năm hoạt động yêu nước và cách mạng kể từ thời điểm đồng chí tham gia Nhóm học sinh yêu nước tại trường Tiểu học Pháp - Việt Lạng Sơn đến thời điểm bị kẻ thù sát hại tại trường bắn Tương Mai - Hà Nội (24/5/1944). Đồng chí Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng tiêu biểu về phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; mẫu mực về đạo đức cách mạng, đồng chí mãi là tấm gương sáng, niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.

ThS. Vi Thị Tuyết

Khoa Xây dựng Đảng