Skip to main content
x
8 November 2022

Mẫu Sơn là xã Khu vực III, vùng đặc biệt khó khăn nằm ở phía Đông Bắc của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Phía Đông giáp với nước Trung Quốc và có đường Biên giới Việt – Trung dài 4,306 km; phía Bắc giáp với xã Xuất Lễ, phía Nam giáp với huyện Lộc Bình, phía tây giáp với xã Công Sơn. Với tổng diện tích tự nhiên là 2302,47 ha trong đó đất sản xuất nông nghiệp là: 2275,49 ha, đất lâm nghiệp: 2209,29ha, hiện nay xã Mẫu Sơn quy hoạch rừng đặc dụng với tổng diện tích là 1670,03ha. Dân số toàn xã là 92 hộ với 423 nhân khẩu, gồm 04 dân tộc: Dao 99%, Nùng, Tày, Kinh chiếm 1% cùng sinh sống đoàn kết, hòa thuận. Trên địa bàn xã có 92 hộ trong đó có 61 hộ nghèo chiếm tỷ lệ hộ nghèo là 66,3%, tổng số hộ cận nghèo là 7 hộ, chiếm tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,61%. Địa hình chủ yếu là đồi núi cao và đồi đá nên rất khó phát triển về kinh tế. Khí hậu khắc nghiệt với nhiệt độ lạnh có năm dưới 0 độ; tài nguyên đất đai Mẫu Sơn được hình thành chủ yếu do quá trình phong hóa đá mẹ. Nguồn nước của Mẫu Sơn cung cấp chủ yếu từ hệ thống khe suối, mạnh nước ngầm chảy dài qua địa bàn xã.

Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quốc phòng được giữ vững, tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi và khu vực biên giới được đảm bảo, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn ổn định và phát triển. Trên địa bàn không có hộ di cư tự do vấn đề dân tộc ổn định.

Trong những năm qua Ủy ban nhân dân xã Mẫu Sơn đã chủ động, tập trung ban hành các văn bản về lãnh đạo, chỉ đạo quản lý nói chung và quản lý hoạt động kinh tế trên địa bàn xã nói riêng; thể chế các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện ( nhiệm kỳ 2016 – 2021); Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cao Lộc lần thứ XX và Đại hội Đảng bộ xã Mẫu Sơn lần thứ III phát triển kinh tế 5 năm 2015- 2020; và thực hiện Nghị quyết hàng năm của Đảng ủy, HĐND xã. UBND xã ban hành các quyết định về giao chỉ tiêu, cụ thể: Quyết định số 373/QĐ-UBND ngày 31/12/2015; Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 31/12/2016; Quyết định số 362/QĐ-UBND ngày 28/12/2017; Quyết định số 363/QĐ-UBND ngày 29/12/2018; Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND xã về giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách các năm  và những giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước. Kịp thời kiện toàn các quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ủy ban và công chức chuyên môn. Căn cứ trên các quyết định phân công của Ủy ban chỉ đạo các ngành các lĩnh vực xây dựng kế hoạch thực hiện thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Từ sự quan tâm, tập trung lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền xã trong phát triển kinh tế xã hội, vì vậy trong 5 năm qua giai đoạn 2016-2021 kinh tế phát triển tương đối ổn định, quốc phòng - an ninh đư­ợc giữ vững, kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế như sau:

- Về cây lư­ơng thực:

Tổng diện tích trồng trọt cây hàng năm: 52,1ha Trong đó: Diện tích gieo trồng Lúa 22,2 ha, Tổng diện tích trồng ngô là 17 ha, diện tích trồng cây hàng năm khác: 12,9. Tổng sản lượng lương thực có hạt 662,7 tấn.

- Về chăn nuôi:

Tổng đàn gia súc hiện còn 136 con, Trong đó: Trâu 106 con,  bò 30 con. Tổng đàn gia súc giảm 39% so với đầu nhiệm kỳ, nguyên nhân giảm là do các hộ trên địa bàn xã thay thế sức kéo lao động bằng máy móc. Tổng đàn lợn 148 con, giảm 50% so với đầu nhiệm kỳ do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi,  Tổng đàn gia cầm 2.380 con, giảm 0,7% so với đầu năm 2020. Đàn Dê 85 con, tăng 5% so đầu nhiệm kỳ. Ong 50 tổ tính bình quân ong mật ước đạt  75 lít, đạt 23 triệu đồng/năm. Công tác phòng chống thiệt hại do thiên tai, đói rét luôn được quan  tâm thực hiện: Thiệt hại về gia súc do rét đậm, rét hại cuối năm 2015 đầu năm 2016: Trâu 04 con, Bê 04 con, Dê 37 con. UBND xã Mẫu Sơn đã trình UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho 12 hộ gia đình bị thiệt hại để mua giống tái đàn, với tổng kinh phí 63.750.000 đồng.

- Về quản lý phát triển lâm nghiệp:                         

Công tác trồng rừng: Trong nhiệm kỳ trồng mới được 18,75ha rừng thông, 3ha rừng bạch đàn, 15ha rừng Hồi, 3ha cây ăn quả chủ yếu cây chanh rừng và cây quýt. Hoạt động bảo vệ, phát quang rừng dự án 661 của Nông Lâm trường 196 được đảm bảo. Theo Quyết định 2447QĐ-UBND, ngày 30/11/2018 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt quy hoạch rừng đặc dụng tỉnh Lạng Sơn và Quy hoạch bảo tồn phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng Mẫu Sơn, Bắc Sơn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 xã Mẫu Sơn sau điều chỉnh được quy hoạch tổng diện tích rừng đặc dụng là 1670,03 ha, công tác quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng tương đối tốt, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn được ổn định không xảy ra cháy rừng. Công tác quản lý rừng, chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn xảy ra 01 vụ, do nhân dân chặt cây trái phép trong diện tích rừng đặc dụng làm chuồng trại cho vật nuôi đã được xử lý hành chính theo quy định.

Quan tâm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), UBND xã Mẫu Sơn đã chỉ đạo phát triển cây chanh rừng Mẫu Sơn. Năm 2018, UBND xã Mẫu Sơn phối hợp với Phòng kinh tế &Hạ tầng huyện Cao Lộc xây dựng thành công nhãn mác tập thể sản phẩm chanh rừng Mẫu Sơn. Một số sản phẩm nông lâm nghiệp có giá trị, năng suất cao như: hoa hồi đạt trung bình khoảng 120 tấn/năm,  nhựa thông 43 tấn/năm; ... Phong trào trồng rừng, phát triển kinh tế đồi rừng từng bước được quan tâm, Tổng diện tích rừng hồi trên địa bàn xã là 92 ha, diện tích rừng thông là 225 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn xã đạt 95,58%.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, công chức và nhân dân; huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới; từng bước phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

- Công tác quản lý hoạt động kinh tế khu vực biên giới

Mẫu Sơn có đường biên giới dài 4,306 km trên đất liền tiếp giáp với nước Trung Quốc hình thành nên các đường mòn lối mở, không có cửa khẩu. Cơ bản Chính quyền cơ sở thực hiện nhiệm vụ quản lý như tuyên truyền nhân dân trong việc chấp hành thực hiện pháp luật về đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới, bảo vệ môi trường; quản lý về hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Do vậy những năm qua tình hình trên tuyến biên giới của xã luôn ổn định, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Triển khai tốt công tác đối ngoại biên phòng theo đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; hoạt động giao lưu, phối hợp hoạt động giữa cụm 03 xã  Cao Lâu, Xuất Lễ, Mẫu Sơn và đồn biên phòng Ba Sơn, chủ quyền biên giới được tăng cường, ổn định.

Để làm tốt hơn công tác quản lý hoạt động kinh tế tại xã Mẫu Sơn đòi hỏi cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về kinh tế có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân. Chọn lọc các văn bản pháp luật mới ban hành để tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, nhân dân và hộ sản xuất kinh doanh, nhất là kinh doanh những mặt hàng ở khu vực biên giới.

Thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, nhân dân và hộ sản xuất kinh doanh tìm hiểu, nghiên cứu và bổ sung các tài liệu, sách báo để xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở ngày càng đầy đủ hơn, phong phú hơn.

Tăng cường lồng ghép các nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật về quản lý hoạt động kinh tế thông qua các hoạt động như: Trong các hội nghị chuyên đề, họp sơ kết, tổng kết cuối năm của cơ quan. Tổ chức giới thiệu và phổ biến các văn bản pháp luật mới, những quy định của Đảng, Nhà nước thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt đình kỳ của các tổ chức đoàn thể.

 Cần xây dựng các chuyên mục về tuyên truyền giáo dục pháp luật về hoạt động quản lý kinh tế trên trang thông tin điện tử của xã.

Hai là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế trên địa bàn xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc

Trong công tác triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế trên địa bàn xã Mẫu Sơn huyện Cao Lộc cần chú trọng nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm để từng bước hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Xây dựng, nhân rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại tập trung gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng chăn nuôi áp dụng VietGAP; khuyến khích đầu tư phát triển nuôi cá lồng tại các dòng suối mát, tận dụng tối đa diện tích để nuôi thả, tăng cường áp dụng quy trình kỹ thuật mới, giống tốt vào nuôi trồng để nâng cao sản lượng, chất lượng. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống dịch vụ nông nghiệp. Triển khai các chương trình, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện có hiệu quả chủ trương điều chỉnh 3 loại rừng, tập trung vào các cây trồng chủ yếu như thông, sở, hồi.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý hoạt động kinh tế trên địa bàn huyện Cao Lộc

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ, công chức làm công tác quản lý kinh tế. Yêu cầu đối với cán bộ quản lý kinh tế  phải có bản lĩnh và khả năng quan sát được từ tổng thể đến chi tiết các nhiệm vụ. Bình tĩnh, tự chủ nhưng quyết đoán dứt khoát trong công việc, có kế hoạch làm việc rõ ràng và tiến hành công việc nhất quán theo kế hoạch. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết xử lý và lường trước mọi tình huống. Biết sử dụng đúng tài năng của từng người, đánh giá đúng con người, xử lý tốt đẹp các mối quan hệ trong và ngoài hệ thống, quan hệ cấp dưới và cấp trên. Ngoài ra còn các yêu cầu khác mà trong mỗi ngành cụ thể sẽ yêu cầu như ngoại ngữ, tin học,…

Bố là, quan tâm công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động kinh tế trên địa bàn xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc

Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, của tỉnh, huyện về tổ chức bộ máy  thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức hành chính được triển khai thực hiện theo đúng quy định. Rà soát, bổ sung quy chế làm việc, trong đó cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác bằng các quy chế cụ thể. Thực hiện tốt mối quan hệ công tác với các phòng, ban của huyện và các xã lân cận; từ đó phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đề ra, cũng như những vấn đề hành chính tại xã.  Nâng cao chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ, giải quyết thủ tục, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo của hiệu quả chất lượng công tác cải cách hành chính./.

ThS. Lăng Văn Thăng

                                                Khoa Nhà nước và Pháp luật