Skip to main content
x
19 September 2022

1. Vì sao phải chuẩn hoá trường chính trị?

* Cơ sở pháp lý: Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn

Theo đó, xây dựng trường chính trị chuẩn là việc chuẩn hóa về thể chế, quy định; về đội ngũ cán bộ, viên chức; về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; về xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính để các trường thực hiện thống nhất nội dung công tác trường chính trị, trên cơ sở đó nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của hệ thống trường chính trị trên cả nước.

Có 2 mức độ trường chính trị chuẩn gồm chuẩn mức 1 và chuẩn mức 2. Thời gian đánh giá các tiêu chí để công nhận trường chính trị chuẩn là 5 năm trở về trước kể từ thời điểm trường nộp hồ sơ đề nghị xét công nhận trường chính trị chuẩn.

Việc chuẩn hoá các mặt công tác của trường chính trị cấp tỉnh sẽ tạo cơ sở cho các trường chính trị tăng cường hợp tác, chia sẻ nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học cả trong nước và quốc tế và tạo cơ sở cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương đối với trường chính trị; giúp các trường chính trị cấp tỉnh hoàn thiện công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác. Đồng thời, tạo điều kiện để Trung ương có cơ sở phân loại, đánh giá các trường chính trị. Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa, các trường chính trị cấp tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước ở địa phương vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cách mạng nước ta trong tình hình mới.

* Cơ sở thực tiễn:

Trong thời gian qua, công tác giáo dục lý luận chính trị đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, vai trò và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được nâng lên. Ðội ngũ cán bộ, đảng viên có bước phát triển về nhận thức, trình độ, bản lĩnh chính trị và năng lực tư duy. Công tác học tập, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, vận dụng và phát triển lý luận đã và đang giải đáp nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra. Song nhìn chung, chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa cao; tri thức kinh điển chưa được coi trọng đúng mức; một số quan điểm, học thuyết của các nhà kinh điển chậm được nghiên cứu, nhận thức một cách đầy đủ và chậm được bổ sung, phát triển để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chưa kịp thời phát hiện, nghiên cứu thấu đáo những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn trong nước và thế giới. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ chưa bị đẩy lùi. Ðấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình" chưa sắc bén, hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do chủ thể tham gia quá trình nghiên cứu, giảng dạy, học tập nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng của việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy chưa sâu sát, còn có sự chồng chéo, trùng lặp và chậm đổi mới trong nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, học tập trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Căn nguyên của tình trạng trên là do sự bất cập, hạn chế trong việc gắn lý luận với thực tiễn, giữa học tập lý luận chính trị với tổ chức thực hiện trong hoạt động thực tiễn. Trong giảng dạy lý luận chính trị và một số hệ đào tạo, bồi dưỡng, cả người dạy và người học chưa gắn chặt lý luận với thực tiễn, còn giảng lý luận chung chung hoặc lựa chọn, xác định vấn đề thực tiễn để liên hệ, minh chứng và diễn giải lý luận chưa điển hình, chưa thực sự phù hợp với nội dung bài giảng và đối tượng học nên chưa cung cấp được những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tế cho học viên.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên không thường xuyên cập nhật những thông tin, hiểu biết mới; chưa có sự trăn trở và sáng tạo trong quá trình học tập mà chỉ học tập lý luận chính trị một cách thụ động nên chưa hiểu thấu đáo các vấn đề nghiên cứu. Tình trạng lý luận xa rời thực tiễn đang diễn ra khá phổ biến ở không ít cán bộ, đảng viên. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay có người am hiểu lý luận, nhưng ít hiểu biết thực tiễn; số khác có hiểu biết thực tiễn, nhưng yếu về lý luận; hoặc là vừa không am hiểu lý luận, vừa xa rời thực tiễn. Số cán bộ, đảng viên vừa am hiểu lý luận, vừa sâu sát thực tiễn không nhiều. Điều đó dẫn đến một số chủ trương, nghị quyết của Đảng được xây dựng chưa phù hợp với thực tiễn, hoặc phù hợp nhưng triển khai vào thực tế chậm và kém hiệu quả, thậm chí xảy ra những sai phạm nghiêm trọng. Tình trạng này gây những hệ lụy không nhỏ cho Đảng, cho Nhà nước và xã hội, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

2. Những thuận lợi và khó khăn của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn khi thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn

* Thuận lợi:

- Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bám sát chủ trương, sự chỉ đạo của Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quan tâm, tạo điều kiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

- Sau khi thực hiện Đề án Phát triển Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, giai đoạn 2008 – 2015, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã có nhiều thay đổi về cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường sư phạm, đáp ứng yêu cầu dạy và học, từng bước hiện đại. Chất lượng đội ngũ giảng viên từng bước được nâng cao (tính đến ngày 31/12/2021 số giảng viên có trình độ thạc sỹ là 35/37 giảng viên), các giảng viên đều có kỹ năng cập nhật, ứng dụng công nghệ mới trong biên soạn giáo án, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Việc sắp xếp bộ máy nhà trường, đội ngũ cán bộ, giảng viên có chuyển biến tích cực. Nhà trường tích cực đổi mới, phong phú về loại hình đào tạo, đa dạng công tác bồi dưỡng (vừa qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường vẫn giữ được ổn định do chuyển sang hình thức dạy trực tuyến).

- Trường Chính trị tỉnh Hoàng Văn Thụ đã có nhiều cố gắng triển khai Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn; thực hiện Hội thảo khoa học cấp trường với chủ đề “Xây dựng Trường Chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022-2025, theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn”; đồng thời nhấn mạnh, xây dựng chuẩn là rà soát những gì đã có, những gì còn thiếu, đối chiếu, so sánh, khắc phục cái thiếu và bổ sung cái mới cố gắng sớm xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ thành trường chuẩn. 

* Khó khăn:

- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chưa có hướng dẫn cụ thể về xây dựng trường chuẩn, cũng như việc quy định duy trì các tiêu chí trường chính trị chuẩn; tiếp tục tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên các trường chính trị; quan tâm công tác luân chuyển cán bộ là các giảng viên các trường chính trị đến công tác tại địa phương; tạo điều kiện cho các trường chính trị cấp tỉnh tham gia các đề tài cấp bộ, cấp học viện nhằm mở rộng cơ hội giao lưu nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học; có cơ chế hỗ trợ chính sách, kinh phí xây dựng trường chính trị chuẩn...

- Hiện nay, một số tiêu chí chưa đạt, đang gặp khó khăn, như: một số hạng mục cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy còn thiếu, chưa đồng bộ; một số tiêu chí về đội ngũ giảng viên; quy mô hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; công tác nghiên cứu khoa học, chưa đạt tiêu chí chưa đạt chuẩn. VD:

+ Hiện tại nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc cử giảng viên đi đào tạo trình độ tiến sỹ. Nguyên nhân là do: Quy định thi đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo TT 23/2017 đã siết chặt việc thi ngoại ngữ mà các năm trước đó rất dễ dàng thi được B2 khung châu Âu. Khi không thể thi được tiếng Anh B2 thì một số nghiên cứu sinh sẽ phải đi đường vòng, là mất khoảng 2 năm để theo học một văn bằng 2 tiếng Anh của một trường đại học nào đó để thay thế.

+ Việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: Khoản 1, Điều 9 của Quy định 11 nêu rõ “Mỗi năm thực hiện được ít nhất 3 đề tài khoa học cấp trường, 5 năm thực hiện được ít nhất 3 đề tài khoa học cấp tỉnh hoặc tương  đương trở lên, được nghiệm thu ở mức đạt trở lên”. Thực tế, đề tài khoa học cấp trường hàng năm vẫn thực hiện 3-4 đề tài/năm nhưng đề tài khoa học cấp tỉnh thì từ năm 2010 đến nay chưa thực hiện thêm đề tài nào. Nguyên nhân là do việc định hướng và lựa chọn nội dung nghiên cứu của một số đề tài chưa thực sự thiết thực.

+ Đối với nội dung “Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” ở tiêu chí “Đội ngũ viên chức”, hiện chỉ có 03 giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng.

3. Đề xuất một số giải pháp nhằm chuẩn hoá Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư

* Đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Cần chủ động, tích cực chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các trường từ khâu xây dựng Đề án, tổ chức xây dựng trường chính trị chuẩn; chú trọng tổ chức các đoàn công tác làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy, kiểm tra các trường chính trị để thúc đẩy việc triển khai xây dựng trường chính trị chuẩn; hỗ trợ các trường chính trị hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nhất là về nghiên cứu khoa học, chứng chỉ kinh điển Mác-Lênin, cao cấp lý luận chính trị,…

* Đối với Tỉnh uỷ Lạng Sơn: Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt theo Quy định 11-QĐ/TW của Ban Bí thư như: quan tâm đầu tư cơ sở vật chất; xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng; nghiên cứu phương án luân chuyển cán bộ; tạo điều kiện thuận lợi và kiên quyết yêu cầu đội ngũ giảng viên của nhà trường học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, hoàn thiện tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên theo vị trí việc làm, có cơ chế giao cho Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ thực hiện một số đề tài cấp tỉnh... 

* Đối với Nhà trường:

- Cần phải xem việc xây dựng trường chính trị chuẩn như là một giải pháp căn cơ, vừa có tính trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài để tương xứng với vị trí, vai trò, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đã được Ban Bí thư xác định. Để thực hiện mục tiêu xây dựng Trường Chính trị tỉnh Hoàng Văn Thụ đạt trường chính trị chuẩn, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ sẽ phải thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhóm giải pháp, như: Chủ động tham mưu Tỉnh ủy ban hành Đề án xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2021 - 2025. Khi xây dựng các mục tiêu cụ thể của Đề án, Nhà trường cần bám sát vào Quy định số 11 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, nhưng phải xây dựng được tính đặc thù của tỉnh Lạng Sơn. Cần phải trả lời được câu hỏi đào tạo, bồi dưỡng hiện nay ở Lạng Sơn đang thiếu cái gì? Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ có cái gì là thế mạnh, có tiềm năng nổi trội, cơ hội khác biệt là gì?

- Tập trung phát triển nguồn nhân lực của Nhà trường; kiện toàn tổ chức, bộ máy gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cần phải có lộ trình cụ thể về kế hoạch đi đào tạo tiến sỹ theo năm, giai đoạn, trong đó lãnh đạo trường phải thực sự nêu gương, tiên phong đi đầu. Đối với việc cử giảng viên đi đào tạo tiến sĩ, trong thời gian tới, trường sẽ động viên, khuyến khích giảng viên trẻ đi đào tạo ở các trường, học viện để đảm bảo đủ chuẩn.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, học tập đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, Trường sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy lấy chất lượng và hiệu quả hoạt động làm thước đo, phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 đạt Trường Chính trị chuẩn theo mức độ 1, tiến tới đạt chuẩn theo mức độ 2 trong những năm tiếp theo.

- Xây dựng văn hóa trường Đảng chuẩn mực, kiểu mẫu, tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động của nhà trường và tạo sức lan tỏa đến các trung tâm chính trị, địa phương, cơ sở. Trong đó chú trọng xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên và học viên trong dạy - học lý luận chính trị. Phát huy tốt vai trò học viên là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực, tiếp tục kiến tạo môi trường tốt cho cán bộ, giảng viên và học viên học tập, rèn luyện, phát triển kỹ năng, tác phong làm việc khoa học, chú trọng hiệu quả thực tế; coi trọng nghiên cứu và tổng kết thực tiễn; ứng xử văn hoá, tôn trọng và gắn bó mật thiết với Nhân dân.

- Để có nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ cần phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong xác định, lựa chọn nội dung nghiên cứu và tổng kết. Đặc biệt, sự quan tâm phối hợp hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đây là cơ sở quan trọng để tạo điều kiện cho nhà trường nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn từ đó đề xuất với tỉnh hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế -xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

* Đối với giảng viên: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải chuẩn từ công tác chuẩn bị giáo án, đến bài giảng theo hướng xuyên suốt, có hệ thống, lôgic phù hợp với từng đối tượng học viên từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp… Nội dung bài dạy phải liên tục đổi mới, cập nhật thường xuyên các chương trình, nghị quyết, chỉ thị… của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để truyền đạt tới học viên một cách chân thực, sinh động và dễ hiểu nhất. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường đi thực tế đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để lấy tư liệu sinh động từ thực tế đưa vào bài giảng của mình. Trong các giờ học, cần cân đối dành 1/3 thời gian để học viên thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị, tạo nên sự tương tác giữa giảng viên và học viên.

Tóm lại, để thực hiện mục tiêu xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn đạt chuẩn theo Quy định 11, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp và đi cùng với đó cần chú trọng, tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với kiện toàn tổ chức, bộ máy hướng đến xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ rất cần nhận được sự quan tâm sâu sát, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành để Nhà trường sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

ThS. Nguyễn Thanh Xuân

                                                              Khoa Xây dựng Đảng