Skip to main content
x
19 September 2022

Đất nước ta trong giai đoạn hiện nay mở ra nhiều cơ hội và triển vọng tốt đẹp, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, phức tạp. Đại hội lần thứ XIII của Đảng với những quyết sách quan trọng đã đem lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta niềm cổ vũ to lớn, chúng ta cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đáng quý, rút ra những bài học bổ ích sau hơn 35 năm đổi mới. Bác Hồ kính yêu đã dạy: "Thực hành sinh ra hiểu biết. Hiểu biết tiến lên lý luận. Lý luận lãnh đạo thực hành".

Tư duy lý luận của Đảng ta luôn được bổ sung và phát triển cùng sự vận động và phát triển không ngừng của thực tế khách quan. Có thể nói chưa bao giờ công tác lý luận nói chung và học tập lý luận chính trị lại cần thiết và có tầm quan trọng đặc biệt như hiện nay. Số lượng học viên tham gia học tập lý luận chính trị ngày càng nhiều. Đó là vì thực tiễn cách mạng, sự phát triển xã hội nước ta cũng như thế giới đang đặt ra cho lý luận hàng loạt vấn đề phức tạp, nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong công cuộc đổi mới hiện nay. Chính vì vậy, việc thường xuyên cập nhật kiến thức mới là một yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng trong tình hình mới và là yêu cầu không thể thiếu đối với việc giảng dạy lý luận chính trị. Đứng trước thực tế là trình độ người học ngày càng nâng cao, đòi hỏi giảng viên phải cập nhật thông tin để không bị lạc hậu, để bài giảng luôn phong phú, hấp dẫn.

Trước đây, việc cập nhật kiến thức mới của giảng viên cũng gặp không ít những khó khăn như: Thời gian giành cho nghiên cứu không nhiều do đặc thù công việc. Có những tư liệu muốn cập nhật nhưng thiếu nguồn, thiếu thông tin thiếu những tài liệu chính thống. Bên cạnh đó còn có sự thiếu tích cực của giảng viên trong việc chịu khó tìm tòi tài liệu mới để cập nhật. Nội dung chương trình mới so với chương trình cũ có nhiều đổi mới, nhiều bài mang tính tổng hợp và khái quát cao, có những chuyên đề mới hoàn toàn mà ở những chương trình trước đây chưa hề có; đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức chuyên sâu và cần có thời gian nhất định để đào sâu nghiên cứu. Số tiết trong mỗi bài tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp bốn lần so với bài giảng chương trình cũ. Để có thể cập nhật kiến thức mới đáp ứng cho bài giảng, mỗi giảng viên đều có những cách riêng có thể cập nhật kiến thức mới từ nhiều nguồn khác nhau như: Văn kiện đại hội lần thứ XIII của Đảng; giáo trình trung cấp chính trị; các báo cáo tổng kết của các ngành có liên quan đến bài giảng… Đối với khoa nhà nước và pháp luật được phân công  đảm nhận giảng dạy phần C.II. Nội dung cơ bản về  nhà nước và pháp luật Việt Nam;  phần D.I. Quản lý hành chính nhà nước; phần D.II. Kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Tôi xin đề xuất một số giải pháp xuất phát từ những kinh nghiệm trong giảng dạy của bản thân như sau:

Trước tiên, giảng viên cần làm tốt việc giới thiệu cho học viên nắm được tính đặc thù của phần học; đối tượng, phương pháp nghiên cứu của từng phần học.

Mỗi phần môn thuộc nội dung những vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật, quản lý hành chính nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý đều có phương pháp học tập và nghiên cứu riêng. Phần này định hướng cho học viên áp dụng kiến thức về nhà nước và pháp luật, kiến thức về quản lý hành chính nhà nước để vận dụng vào thực tiễn.  Đối với phần quản lý hành chính nhà nước chương trình Trung cấp lý luận chính trị  có đặc thù là vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn. Thực tiễn trong các bài giảng phần này rất cụ thể và chi tiết số liệu cần phải chính xác vì vậy, để gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy bản thân  luôn bổ sung vào bài giảng kiến thực tế từ cơ sở, đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học viên. Tùy từng lĩnh vực ở từng bài mà sử dụng các phương pháp khác nhau cho phù hợp. Mỗi phương pháp giảng dạy đều có điểm mạnh riêng, nếu giảng viên vận dụng linh hoạt, hợp lý các phương pháp đó phù hợp với nội dung cụ thể của bài giảng và đối tượng học viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng bài giảng. Bên cạnh đó, cần kết hợp sử dụng các phương tiện hỗ trợ, nhất là sử dụng Powerpoint, hình ảnh minh họa phù hợp với nội dung bài giảng gắn với tình hình thực tiễn ở cơ sở. Học viên tích cực tham gia xây dựng bài, trao đổi những vấn đề đã làm tốt ở cơ sở và những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc đề xuất giải pháp xử lý cho phù hợp với tình hình của địa phương.Theo logic thì đây chính là phần cần thiết nhất, phục vụ trực tiếp cho người học. Học viên cần phải nắm vững và ghi nhớ phần này. Để làm được điều đó, giảng viên cần phải chỉ rõ cơ sở lý luận để rút ra ý nghĩa phương pháp luận đó, như thế học viên mới có cơ sở để thừa nhận ý nghĩa phương pháp luận đó bằng sự hiểu biết có cơ sở khoa học chứ không phải bằng sự áp đặt.

Thứ hai, giảng viên cần phải cập nhật để nắm được nhiều thông tin về những kiến thức mới nhất, đặc biệt là những thông tin liên quan đến bài giảng của mình đó là các văn bản luật mới ban hành đã có hiệu lực như: Ví dụ để giảng dạy tốt phần  C.II. Nội dung cơ bản về  nhà nước và pháp luật Việt Nam  ngoài việc cung cấp kiến thức trong giáo trình giảng viên cần cập nhật những văn bản mới nhất đã có hiệu lực như: Luật Hiến pháp 2013; Luật Tố tụng hành chính 2015; Luật Hình sự 2015; Luật Dân sự 2015; Luật Đất đai 2013; Luật lao động 2019;  Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia Có hiệu lực ngày 1/1/2020. Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Bổ sung vào bài giảng những thông tin mới nhất để cung cấp cho học viên; Xem các chương trình báo chí toàn cảnh, điểm báo, tạp chí Pháp luật, cập nhật thông tin về sách mới từ nguồn sách Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc chọn lọc và đưa thông tin phải hết sức thận trọng. Chúng ta cần tránh lãng phí thời gian vào các trang mạng xã hội không có giá trị nhiều về thông tin chính thống. Mặt khác, việc cập nhật kiến thức ở đây phải hiểu ở góc độ rộng hơn, đó là không chỉ là những thông tin mới mà cả những kiến thức cũ mà bấy lâu nay mình chưa hiểu rõ, chưa có điều kiện để nghiên cứu sâu.

Thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, qua đó có một số vấn đề có thể khai thác từ học viên, nhất là những học viên làm việc ở những  chuyên ngành liên quan. Hoặc qua những trao đổi, thắc mắc của học viên đặt ra nhiệm vụ tìm hiểu, cập nhật kiến thức cho mình. Cập nhật kiến thức một cách có chọn lọc, phải bám sát đối tượng bởi vì học viên hiện nay có trình độ chuyên môn rất cao, có nhiều ngành nghề khác nhau đến từ các cơ quan đơn vị khác nhau từ cấp xã cho đến các ban, ngành của huyện, tỉnh. Phải nắm bắt được đối tượng học viên, cùng một chuyên đề nhưng giảng dạy tại các lớp học tại trường, các lớp do các sở, ngành phối hợp không thể đồng nhất với các lớp mà đối tượng học chủ yếu là ở vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; giảng dạy tại các lớp đại đa số học viên thế hệ trẻ, không thể giống với lớp đa số học viên lớn tuổi. Nắm bắt được đối tượng sẽ giúp lựa chọn kiến thức thực tiễn hoặc cách khai thác nhấn mạnh khía cạnh nào trong cùng một sự kiện để phù hợp đối tượng. Do đó xác định phương pháp giảng dạy cho phù hợp từng đối tượng. Trao đổi, chia sẻ, học hỏi lấy người học làm trung tâm; hướng đến nhu cầu của người học để không ngừng bổ sung, cập nhật kiến thức mới trong từng bài giảng, tiết giảng.

Thứ tư, với kinh nghiệm giảng dạy của bản thân tôi tự tích lũy kiến thức thực tiễn bằng việc ghi sổ tích lũy (có thể ghi vào ghi nhớ điện thoại), cần ham tích lũy, tập thói quen tích lũy khi bắt gặp những thông tin hay phục vụ cho bài giảng. Tăng cường đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở để có những kiến thức thực tiễn làm cho bài giảng phong phú hơn, tạo hứng khởi cho người học.

Thứ năm, cần tăng cường cho học viên làm bài tập liên hệ thực tiễn ở cuối mỗi bài học để học viên có thể vận dụng những kiến thức ở phần lý luận vào những công việc cụ thể mà mình đảm nhiệm. Đối với chương trình trung cấp chính trị mới ban hành phần lý luận tương đối nhiều, phần liên hệ thực tiễn ít do vậy giảng viên cần tăng cường làm bài tập thực hành. Ví dụ như bài 4: Thực hiện pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa cần tập trung hướng dẫn cho học viên làm bài tập thực hành về áp dụng pháp luật và các giai đoạn của áp dụng pháp luật. Điều này giúp cho học viên thấy được sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, đó cũng là cách để chúng ta phát hiện ra những chỗ còn hổng về lý luận mà mình phải cập nhật. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế là  một trong những nhiệm vụ không thể thiếu của giảng viên. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động mang tính khái quát hoá cao, đòi hỏi người nghiên cứu phải có khả năng tổng kết thực tiễn. Bằng việc nghiên cứu khoa học, bản thân luôn học hỏi và nắm vững kiến thức lý luận từ đó vận dụng vào thực tiễn cho phù hợp nội dung từng bài giảng.

Thứ sáu, việc tăng cường nghiên cứu thực tế đối với bản thân là công việc rất bổ ích, bởi lẽ khi đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở sẽ nắm được tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương vận dụng vào trong nội dung bài giảng như một minh chứng sống, thuyết phục góp phần nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy. Khoa chuyên môn tăng cường công tác hội thảo khoa học tập trung vào các chuyên đề thuộc khoa đảm nhận giảng dạy. Thống nhất về nội dung trọng tâm của các chuyên đề, phương pháp giảng dạy từng chuyên đề cho phù hợp,  thảo luận một số chuyên đề lý luận mới liên quan đến bài giảng, tất cả các giảng viên trong bộ môn đều phải tìm đọc và viết bài cập nhật. Từ đó, các giảng viên có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau về kiến thức mới được cập nhật và thống nhất trong tập thể khoa.

Tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh việc phải tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao trí tuệ của Đảng lên một bước phát triển mới. Vì vậy, việc thường xuyên cập nhật kiến thức mới để giảng dạy là một nhiệm vụ thường xuyên không thể thiếu của các giảng viên giảng dạy lý luận chính trị./.

Hoàng Xuân Yến

                                                              Khoa Nhà nước và pháp luật