Skip to main content
x
22 May 2022

Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Người không chỉ sáng ngời về phẩm chất đạo đức, phương pháp, phong cách và lối sống, mà còn là hình tượng mẫu mực về trí tuệ uyên bác, nhãn quan sắc bén và am tường nhiều giá trị văn hóa dân tộc và thế giới. Trong suốt cuộc đời hoạt động, kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi trở thành lãnh tụ của Đảng, của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán chính xác những sự kiện lịch sử quan trọng ở Việt Nam và thế giới. Đó là dựa trên cơ sở tư duy biện chứng duy vật, nhãn quan chính trị nhạy bén, am hiểu tường tận lịch sử, văn hóa, năng lực khái quát và tổng kết lịch sử - thực tiễn cùng kinh nghiệm của một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc.

Với vốn kiến thức sâu rộng từ nhiều nền văn hóa, lối tư duy tổng hợp, trí tuệ mẫn cảm và tầm nhìn chiến lược thiên tài, Hồ Chí Minh nắm vững quy luật vận động của xã hội và thực tiễn Việt Nam để từ đó vạch ra những dự báo lịch sử, quyết sách đúng đắn, định hướng, chỉ đạo sát hợp cho những bước phát triển và thành công của cách mạng Việt Nam.

Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều sĩ phu, văn thân, hào kiệt đã tìm các con đường cứu nước, các phong trào yêu nước, chống giặc ngoại xâm nổ ra nhưng đều thất bại. Cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng đường lối giải phóng dân tộc. Trước tình cảnh đó, khác với xu hướng và con đường cứu nước của cha ông, gắn độc lập dân tộc với chế độ phong kiến, hoặc chủ nghĩa tư bản, Hồ Chí Minh đã vạch rõ quy luật vận động của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” [1, tr.1], là “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Đó thực sự là sự lựa chọn đúng đắn thể hiện trí tuệ và tầm nhìn cách mạng của Hồ Chí Minh và điều đó đã được lịch sử cách mạng nước ta và nước khác trên thế giới trong thế kỷ XX chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

Về khả năng dự báo, từ tháng 02 năm 1942, tại mục “Những năm quan trọng” trong tác phẩm Lịch sử nước ta do, Hồ Chí Minh dự báo “1945 Việt Nam độc lập”. Ba năm sau, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước ta giành được độc lập, lịch sử cách mạng Việt Nam một lần nữa chứng minh tiên tri cách mạng của Hồ Chí Minh là hoàn toàn chính xác.

Trước Cách mạng Tháng Tám, chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra và lan rộng nhiều nước, Hồ Chí Minh đã nhận định: “Nay cơ hội giải phóng đã đến rồi, đế quốc Pháp bên Âu đã không thể tự cứu, càng không thể cứu bọn thống trị Pháp ở ta. Đế quốc Nhật đã bị sa lầy ở Trung Hoa, lại đương gay go với Anh, Mỹ” [2, tr.299] và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5-1941) nhận định: “Nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước đẻ ra Liên Xô - một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc chiến tranh đế quốc lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước thành công. Đó là tiên tri lịch sử của Hồ Chí Minh và dự báo đó thành hiện thực lịch sử những năm giữa thế kỷ XX” [3, tr. 329]. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ của dân tộc Việt Nam, mùa xuân năm 1947, Hồ Chí Minh chỉ thị cho bộ đội phải anh dũng chiến đấu và xây dựng cơ sở vững chắc trong đồng bào Tây Bắc, phải “đem được lá cờ đỏ sao vàng cắm trên đất Điện Biên Phủ”. Tháng 6 năm 1949, viết tác phẩm Giấc ngủ mười năm, với bút danh Trần Lực, Hồ Chí Minh đã dự đoán chiến thắng Điện Biên Phủ là “trận cuối cùng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp” và trận ấy “hơn một vạn giặc chết và bị thương”. 5 năm sau, ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, quân dân ta chiến thắng như Hồ Chí Minh đã dự báo

Đến thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trong bản thảo Diễn văn kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 15 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02/9/1960, Hồ Chí Minh dự báo “chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”. Mười lăm năm sau, với Đại thắng mùa xuân năm 1975 của quân dân ta, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, dự báo của Hồ Chí Minh trở thành một hiện thực lịch sử.

Những dự báo thiên tài của Hồ Chí Minh trong thực tiễn chỉ đạo cách mạng Việt Nam đã thể hiện sự nắm vững quy luật vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam và thế giới một cách khoa học và hiệu quả; những định hướng, những quyết sách ấy của Người đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của cách mạng Việt Nam.

Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội -1990), Tiến sĩ A.Atmet, Giám đốc Unesco khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc Unesco đã khẳng định: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không chỉ là người giải phóng cho tổ quốc và nhân dân bị áp bức mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một tương lai hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này” [4, tr. 28-29].

Có thể nói, việc nghiên cứu, tìm hiểu những dự báo chiến lược của Hồ Chí Minh có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, đặc biệt là đối với nghiên cứu Hồ Chí Minh học nói chung và công tác dự báo chiến lược nói riêng. Qua đó, góp phần đấu tranh phê phán một số quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cho rằng những dự báo đó là không có căn cứ, chỉ là lời động viên “thuần túy” của các nhà lãnh tụ, là “khẩu hiệu tuyên truyền” trong nhân dân trước cuộc chiến “không cân sức”, “không biết ngày nào ra”... nếu có thắng lợi cũng chỉ là “ăn may”.

Với nhân cách cao đẹp, trí tuệ uyên bác, Hồ Chí Minh trở thành tấm gương để Đảng ta, dân tộc ta và nhân dân ta noi theo. Nhờ khổ công học tập, tôi luyện và trưởng thành qua thực tiễn cuộc sống, Hồ Chí Minh đã qua vượt qua sự hạn chế về mặt lý luận và phương pháp cách mạng của các bậc tiền bối, để tìm ra con đường cứu nước và giải phóng dân tộc. Những dự báo thiên tài, được hiện thực hóa thành công qua thực tiễn cách mạng Việt Nam, cùng với cống hiến to lớn về văn hóa, giáo dục và nghệ thuật, Hồ Chí Minh xứng đáng là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, là người thầy mẫu mực về nhân cách trí tuệ, là tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.

 

[1; 2] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Dương Trung Quốc (2001). Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945), NXB Giáo Dục, Hà Nội.

[4] M. Atmet (1995). “Hồ Chí Minh, một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do, độc lập”, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

 

ThS. Hoàng Ngọc Hiếu

Khoa Nhà nước và pháp luật