Skip to main content
x
3 March 2022

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ở Lạng Sơn thường xuyên chú trọng xây dựng lực lượng tuyên truyền miệng có uy tín trong cộng đồng dân cư nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo.  Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương mở nhiều hội nghị tuyên truyền về những chủ trương, chính sách, giải pháp lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội. Các nội dung tuyên truyền miệng được thực hiện trong suốt nhiệm kỳ và trong từng năm, từng thời điểm. Ngay từ đầu năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã ban hành Quyết định số 36-QĐ/BTGTU, ngày 07/01/2021 về Quy chế hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, ban tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc xây dựng quy chế hoạt động của đội ngũ báo cáo viên. Việc ban hành quy chế hoạt động báo cáo viên các cấp đã giúp cho công tác quản lý, điều phối hoạt động của báo cáo viên được thực hiện theo các quy định, góp phần đưa hoạt động của hệ thống báo cáo viên ngày càng đi vào nền nếp. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có 348 báo cáo viên các cấp. Trong đó, có 4 báo cáo viên cấp Trung ương; 36 báo cáo viên cấp tỉnh; 308 báo cáo viên cấp huyện và có khoảng 3.100 đồng chí tuyên truyền viên cấp cơ sở. Xác định kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thương mại, dịch vụ du lịch là thế mạnh của Lạng Sơn; lực lượng kinh doanh, dịch vụ là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước cũng như giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, trong những năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân; về Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã; tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các chính sách ưu đãi đất đai, hạ tầng giao thông, thuế, xuất nhập khẩu, tín dụng để doanh nghiệp, nông dân, hộ kinh doanh định hướng đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền về pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tuyên truyền chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tuyên truyền các văn bản liên quan đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, đã giúp nông dân, người kinh doanh, dịch vụ hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, áp dụng vào sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu kinh tế. Đồng thời qua tuyên truyền, thu thập ý kiến phản biện chính sách; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tháo gỡ. Trong năm đã tổ chức được 09 hội nghị báo cáo viên định kỳ (trong đó có 02 hội nghị báo cáo viên trực tiếp, 06 hội nghị trực tuyến, 01 hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến). Các hội nghị báo cáo viên đã thông tin chuyên đề thời sự, kinh tế - xã hội; quốc tế - đối ngoại; quốc phòng - an ninh, chuyên đổi số quốc gia; đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid -19; từ tháng 7/2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy từng bước được đầu tư trang thiết bị màn hình Led phục vụ việc kết nối tiếp sóng các hội nghị trực tuyến thông suốt từ điểm cầu trung ương đến tỉnh, đến huyện và cấp xã. Kết quả tổ chức Hội nghị báo cáo viên trong năm trên địa bàn toàn tỉnh đã mở được tổng số 1.030 lượt điểm cầu, thu hút 25.572 lượt cán bộ đảng viên tham dự hội nghị.

Đồng thời, Ban tuyên giáo các huyện, thành phố và đảng ủy trực thuộc tổ chức được 95 lượt hội nghị báo cáo viên, chủ yếu tiếp sóng bằng hình thức trực tuyến, trong đó: Văn Lãng 13 hội nghị; Bắc Sơn 11 hội nghị; Thành phố Lạng Sơn, huyện Tràng Định 10 hội nghị; huyện Đình Lập; huyện Chi Lăng 8 hội nghị; huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Hữu Lũng, Văn Quan, Bình Gia, mỗi huyện tổ chức được 07 hội nghị, Đảng ủy Công an tỉnh tổ chức tiếp sóng 01 hội nghị. Bên cạnh đó năm 2021 đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đã tổ chức được 14.846 buổi tuyên truyền thời sự, chính sách và truyền đạt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng cho 960.794 lượt người nghe. Nội dung tuyên truyền phong phú và đa dạng, bám sát các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh; tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Trong đó, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh tổ chức được 944 buổi tuyên truyền cho 63.392 lượt người nghe; cấp huyện và cơ sở tổ chức được khoảng 13.902 buổi cho khoảng 896.402 lượt người nghe. Để tăng tính thuyết phục trong tuyên truyền miệng, tỉnh đã mời các chuyên gia ở các bộ, ngành báo cáo, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; mời báo cáo viên báo cáo chuyên đề tại lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; mời cộng tác viên cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền. Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì kết hợp lồng ghép các phương thức tuyên truyền như truyền miệng, văn nghệ cổ động, cổ động trực quan. 

Có thể khẳng định do làm tốt công tác tuyên truyền miệng cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2021, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong 18 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của năm 2021, có 14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, có 04 chỉ tiêu không đạt. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 Lạng Sơn xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; thứ 3/14 tỉnh, thành phố (6,67%) khu vực Trung du, miền núi phía Bắc. Trong lĩnh vực kinh tế: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,67% (mục tiêu là 7 -7,5%). GRDP bình quân đầu người đạt 46,9 triệu đồng. Năm 2021 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân tiêu chí trên địa bàn tỉnh đạt 13,5 - 14 tiêu chí/xã; mỗi huyện công nhận được từ 2-3 khu dân cư kiểu mẫu. Thu ngân sách năm 2021 kết quả cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 10.649,6 tỷ đồng, đạt 182,5%. (Theo Báo cáo số 159-BC/TU, ngày 09/12/2021 của Tỉnh ủy Lạng Sơn).

Đạt được những  kết quả tích cực, quan trong như trên bởi, năm 2021, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, cùng sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ báo viên các cấp, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên của tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra. Ban tuyên giáo cấp ủy các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ kịp thời thành lập và kiện toàn, củng cố đội ngũ báo cáo viên; tham mưu tổ chức hội nghị báo cáo viên định kỳ; Hội nghị tập huấn tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên; Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021. Đội ngũ báo cáo viên có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiều đồng chí báo cáo viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền miệng; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được chuyển tải đến người tiếp nhận thông tin bảo đảm đúng quan điểm của Đảng, định hướng của ban tuyên giáo các cấp; không vi phạm kỷ luật phát ngôn. Phương thức tuyên truyền miệng ngày càng được đổi mới, đội ngũ báo cáo viên của tỉnh đã chủ động áp dụng sự tiến bộ của công nghệ vào trong hoạt động tuyên truyền miệng thông qua các trang thiết bị hỗ trợ, các kỹ thuật trình chiếu với hình ảnh, âm thanh sinh động, góp phần tạo sự trực quan, dễ hiểu cho bài nói, đồng thời tạo thêm sự hứng thú cho người nghe. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như sau: Do đội ngũ báo cáo viên các cấp mới được thành lập nên chất lượng, nội dung thông tin có lúc chưa thật sự hiệu quả. Phương thức, cách thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên có lúc, có nơi còn chậm được đổi mới, tuyên truyền còn mang tính một chiều, ít đối thoại. Do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid - 19 ảnh hưởng đến hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền miệng Chưa tổ chức được nhiều Hội nghị báo cáo viên bằng hình thức trực tiếp, nên việc phối hợp tuyên truyền giữa các địa phương, đơn vị còn những lúc thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Đất nước đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới của thời kỳ hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế; sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra yêu cầu mới đối với công tác tuyên truyền miệng trong phát triển kinh tế - xã hội… Đây cũng là những vấn đề chung đối với Lạng Sơn, đòi hỏi công tác tuyên truyền miệng trong toàn Đảng bộ phải phát huy tích cực hơn nữa các ưu thế, thực sự nhanh nhạy, hiệu quả; trước mắt cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư về iếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới. Cấp ủy các cấp cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền miệng; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện, làm tốt công tác kiểm tra, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm; cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng.

Hai là, chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền miệng, tổ chức hội nghị báo cáo viên, thực hiện tốt sự phân công điều phối của ban tuyên giáo cấp uỷ cùng cấp; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội của các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; tích cực đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vững kỷ luật phát ngôn trong công tác tuyên truyền.

Ba là, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền miệng theo hướng đa dạng hóa, tăng tính thuyết phục, thiết thực, phù hợp và sát cơ sở, sát đối tượng. Chú trọng phổ biến, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội; những vấn đề thời sự nổi bật trong nước và quốc tế; việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng. Tuyên truyền tình hình kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước năm 2021; các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế; các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền những sự kiện nổi bật, những ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của tỉnh, của đất nước.

Bốn là, kịp thời tổ chức hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin chính thống trước các sự kiện nổi bật của thế giới, khu vực, trong nước. Trong đó, cần chú trọng quan tâm đến công tác định hướng tuyên truyền đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm được dư luận quan tâm để đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên kịp thời tuyên truyền, định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Năm là, tuyên truyền cổ vũ, biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Tăng cường thực hiện tốt công tác quản lý, điều phối, tổ chức hoạt động báo cáo viên; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động và tham mưu đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời những đơn vị, cá nhân báo cáo viên có thành tích trong công tác tuyên truyền miệng.

 

                                                                      ThS, GVC. Lăng Văn Thăng

                                                                      Khoa Nhà nước và Pháp luật