Skip to main content
x
14 December 2021

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò to lớn của lý luận và thực tiễn. Người nói: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”; “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”. (1). Người còn nhấn mạnh: “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình” (2). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng ta đã khẳng định: Mọi cán bộ, đảng viên trước hết là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, phải có kế hoạch thường xuyên học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn” (3). Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”; đồng thời, thừa nhận: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức” (4).

Như vậy có thể thấy, việc nghiên cứu, học tập lý luận chính trị có vai trò hết sức quan trọng; là công việc khẩn thiết, cấp bách, đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị mà trước hết là từ mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng.

Là một đơn vị trong hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong những năm qua Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh Lạng Sơn. Trước yêu cầu về công tác đào tạo bồi dưỡng trong tình hình mới, trường chính trị Hoàng Văn Thụ luôn quan tâm đến chất lượng đội ngũ giảng viên. Đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ là yêu cầu mang tính tất yếu trong sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung và phát triển trường chính trị nói riêng. Là đòi hỏi thiết thực vì năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng  quyết định đến chất lượng đào tạo và khẳng định uy tín, vị thế, thương hiệu của nhà trường. Đây là yếu tố sẽ tác động trực tiếp tới sự vững mạnh của hệ thống chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh nhà nói riêng và của cả nước nói chung. Giai đoạn 2016 - 2020 Trường chính trị Hoàng Văn Thụ đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các chương trình: cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị - hành chính, ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, lãnh đạo quản lý cấp phòng, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ công chức cấp xã... được 300 lớp, 26.116 học viên. Trong đó:

Năm 2016: 48 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 4.241 học viên

Năm 2017: 55 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 7.960 học viên

Năm 2018: 70 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 6.536 học viên

Năm 2019: 89 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 4.807 học viên

Năm 2020: 38 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 2.572 học viên

Trong quá trình học tập học viên được củng cố, bổ sung thêm về kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Từ đó nâng cao trình độ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên đã áp dụng những kiến thức được trang bị vận dụng vào quá trình công tác đạt hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị trong tình hình mới.

Tuy nhiên, qua thực tế học tập của học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị tại Trường chính trị Hoàng Văn Thụ vẫn còn một số học viên có biểu hiện của bệnh lười học tập lý luận chính tri.

1. Bệnh lười học lý luận chính trị của học viên được biểu hiện như sau:

Một số học viên chưa dành nhiều thời gian để nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, chưa chuyên tâm học tập, còn hiện tượng mất tập trung, làm việc riêng, vừa học vừa thực hiện công việc của cơ quan. Trong quá trình học tập trên lớp nhiều học viên còn chưa tích cực tham gia trao đổi, thảo luận bài, không nghiên cứu tài liệu trước khi đến lớp. Bài thi, bài thu hoạch thực tế vẫn còn tư tưởng làm cho xong mà  không có ý thức tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, vận dụng thực tiễn, không có sự sáng tạo nên chất lượng học tập lý luận chính trị của học viên chưa cao

Vẫn còn tình trạng học viên đến muộn, về sớm, chưa chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương trong nghiên cứu, học tập

Học không đi đôi với hành, lý luận chưa gắn liền với thực tiễn. Nội dung, kiến thức lý luận được trang bị trong quá trình học chưa được học viên vận dụng thiết thực vào thực tiễn công tác nhằm định hướng giải quyết các vấn đề phát sinh, đòi hỏi của thực tiễn địa phương, đơn vị mình

Có biểu hiện xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị, coi mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị là để có bằng cấp, chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh hoặc để đủ điều kiện để đề bạt, bổ nhiệm

2. Nguyên nhân của hạn chế  

Một số học viên chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị. Học lý luận chính trị giúp trang bị nhận thức khoa học để xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, niềm tin chính trị vào lý tưởng cách mạng. Giúp học viên biết cách xem xét, cân nhắc đúng - sai, xử trí cho khéo trong công việc. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang tập trung mũi nhọn để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; lợi dụng những yếu kém trong công tác giáo dục lý luận chính trị, kích động, dụ dỗ, lôi kéo, cổ súy cho những hành vi, thói quen lười học tập, hòng phục vụ cho mục đích không trong sáng. Chính vì vậy, học tập lý luận chính trị có vai trò vô cùng quan trọng.

Còn tình trạng học viên chưa xác định mục tiêu, động cơ học tập lý luận chính trị, chỉ coi học tập lý luận chính trị để lấy bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn đề bạt, theo quy định của tổ chức, nên chưa xác định được mục đích, chưa tạo được động cơ học tập đúng đắn, chưa hình thành ý thức tự giác trong học tập.

3. Giải pháp khắc phục tình trạng lười học lý luận chính trị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng của nhà trường trong giai đoạn hiện nay

Một là, cần nâng cao nhận thức cho học viên về tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị

Cần nâng cao nhận thức cho học viên về vai trò của lý luận, lý luận chính trị và yêu cầu cần thiết phải học tập lý luận chính trị. Mỗi học viên cần hiểu rõ học lý luận chính trị giúp trang bị nền tảng cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để hình thành và phát triển thế giới quan, phương pháp luận khoa học, tăng cường nhận thức tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vững chắc vào lý tưởng Cộng sản, phát huy năng lực hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong thời kì mới.

Hai là, học viên cần xác đinh đúng mục tiêu, động cơ học tập lý luận chính trị.

Mỗi học viên cần xác định đúng động cơ, mục đích của việc học lý luận chính trị. Học tập lý luận chính trị không chỉ là một nhu cầu, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi mà còn là một phương pháp quan trọng nhằm bổ sung, hiểu biết thêm về những kiến thức lý luận chính trị, năng lực và kinh nghiệm công tác, đáp ứng với sự vận động, phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới.

Ba là, học viên cần chấp hành tốt quy định trong quá trình học tập. Trong quá trình học, học viên cần có thái độ học tập nghiêm túc. Tránh tình trạng nói chuyện, đối phó, làm việc riêng trong giờ học, vừa học vừa điều hành hoặc giải quyết công việc của cơ quan; không tích cực tham gia xây dựng bài, không nghiên cứu tài liệu và giáo trình trước khi đến lớp…

1

4. Một số đề xuất, kiến nghị

Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp trên, để khắc phục bệnh lười học tập lý luận chính trị, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của trường chính trị Hoàng Văn Thụ xin đề xuất một số nội dung sau:

* Đối với Trường chính trị Hoàng Văn Thụ

Thứ nhất, cần  kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn. Cần hướng đến những nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu công việc, vị trí đảm nhận của học viên từ đó sẽ cuốn hút được học viên tham gia tích cực trong quá học tập

Thứ hai, giảng viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy. Lấy người học là trung tâm. Thường xuyên cập nhất những kiến thức mới vào bài giảng.  

Thứ ba, cần làm tốt công tác nghiên cứu, xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng, đào tạo phải thường xuyên đổi mới, bám sát thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; công tác biên soạn tài liệu, giáo trình phải kịp thời, chính xác; thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung đầy đủ nội dung, cập nhật kịp thời thông tin mang tính thực tiễn, thời sự; để học viên thực sự nhận thấy lý luận là ngọn đuốc soi đường cho hoạt động thực tiễn, để việc học tập lý luận chính trị thực sự là nhu cầu của mỗi học viên

Thứ tư, cần có nhiều hình thức đánh giá kết quả cuối môn học, phần học và kết quả cuối khóa, để học viê tự nghiên cứu, tìm hiểu tránh tính trạng sao chép bài

2

* Đối với cơ quan đơn vị cử cán bộ đi học

Cần tạo điều kiện cho cán bộ, không giao quá nhiều việc cho học viên để học viên có yên tâm, tịch cực và có thời gian dành cho học tập nâng cao trình độ. Đồng thời tránh sự chồng chéo trong việc cử cán bộ tham gia nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện nhiệm vụ cơ quan nhằm tạo điều kiện để học viên toàn tâm, toàn ý cho việc học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị khi được cử đi học tập, bồi dưỡng. Đồng thời cần tạo điều kiện để học viên sau khi hoàn thành các khóa học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị vận dụng các tri thức lý luận vào phục vụ công việc thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát quá trình học tập của học viên. Phối hợp với nhà trường để thực hiện công tác quản lý học viên đạt hiệu quả. Đồng thời đánh giá quá trình học tập của học viên coi đây là tiêu chí để đánh giá cán bộ cuối năm

Có thể thấy học tập lý luận chính trị có vai trò vô cùng quan trong, là cách để người cán bộ tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, từ đó thực hiện nhiệm vụ được giao một cách chủ động và thay đổi hình ảnh của bản thân theo hướng tích cực, năng động, tiến bộ, thân thiện, gần dân, trọng dân, cùng nhân dân xây dựng thành công CNXH. Với việc thực hiện các giải pháp trên sẽ khắc phục được bệnh lười học lý luận chính trị giúp ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đồng thời giúp Trường chính trị Hoàng Văn Thụ có thể nâng cao được chất lượng đào tạo và khẳng định uy tín, vị thế, thương hiệu của nhà trường xứng đáng được mang tên nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc - đồng chí Hoàng Văn Thụ./

 

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, nxb chính trị Quốc gia,H.1995,t5,tr234-235

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr.90-96

(3) Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ VIII, Nxb. CTQG, H, 1996.tr140-141

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 1996, tr.376

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh

Phòng QLĐT và NCKH