Skip to main content
x
9 December 2021

Năm 2021, Trường Chính trị Hoàng văn Thụ tỉnh Lạng Sơn đã chủ động, tích cực và khẩn trương xin ý kiến thường trực Tỉnh ủy để lên kế hoạch, tổ chức chiêu sinh xét tuyển và duyệt hồ sơ, tiến hành khai giảng các lớp Trung cấp lý luận chính trị theo 2 hệ đó là tập trung và hệ không tập trung để phù hợp với nhu cầu, xắp xếp, bố trí công việc đặc biệt là phù hợp với nguyện vọng của từng học viên và các đơn vị cử học viên tham gia đào tạo các khóa học trung cấp lý luận chính trị trong điều kiện địa phương và cả nước vừa chống dịch bệnh Covid 19 vừa thực hiện các nhiệm vụ kép như chủ trương của Chủ tịch nước đã yêu cầu, trong đó có nhiệm vụ không ngừng học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Với mục tiêu là trang bị những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị; củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lãnh đạo, quản lý thực tiễn; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở và kỹ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ đã được Đảng, nhà nước và nhân dân giáo phó, từ đó tạo động lực và khát vọng thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.

Những lớp TCLLCT-HC khai giảng trước 1/5/2021 sẽ thực hiện theo chương trình ban hành kèm theo quyết định số 1479/QĐ-HVCTQGHCM ngày 21 tháng 4 năm 2014 và Hướng dẫn số 641 của Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đối với những lớp khai giảng từ 1/5/2021 sẽ thực hiện theo quyết định 292 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 21 tháng 1 năm 2021 về việc thực hiện chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị); Thực hiện Hướng dẫn số 101 của Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 16/3/2021 về việc thực hiện chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị).

1

      Trong bộ giáo trình, chương trình trung cấp lý luận chính trị mà Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành tháng 9 năm 2021 gồm có những phần học ứng với các khối kiến thức và trong thời gian đào tạo là: 1.056 tiết được phân bổ nội dung cụ thể như sau:

1. Nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: tổng số tiết học lý thuyết, thảo luận và thi là 280 tiết.

2. Nội dung lịch sử Đảng và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam: tổng số tiết học lý thuyết, thảo luận và thi là 164 tiết.

3. Nội dung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: tổng số tiết học lý thuyết, thảo luận và thi là 188 tiết.

4. Nội dung quản lý hành chính quản lý nhà nước và kỹ năng lãnh đạo. quản lý: tổng số tiết học lý thuyết, thảo luận và thi là 176 tiết.

5. Nội dung thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương (hoặc ngành) và kiến thức bổ trợ: tổng số tiết học lý thuyết, thảo luận và thi là 88 tiết.

6. Nội dung nghiên cứu thực tế, ôn tập, thi tốt nghiệp và hoạt động khác: tổng số tiết học lý thuyết, thảo luận và thi là 160 tiết.

Nội dung giảng dạy được xác định ở hệ thống các phần học, trong từng môn học và bài học cụ thể. Qua đó đội ngũ giảng viên đã tích cực không ngừng cập nhật nội dung, kiến thức đã được chỉnh sửa, bổ xung một cách kịp thời những lý luận và thực tiễn mới, đặc biệt là nội dung văn kiện Đại hội Đảng Bộ tỉnh Lạng Sơn khóa XII và Văn kiện Đại hội Toàn quốc khóa XIII của Đảng lồng ghép vào bài giảng với phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn.

Phương pháp giảng dạy đối với đối tượng học viên trong chương trình trung cấp lý luận chính trị được đội ngũ giảng viên tổng hợp các cách thức, biện pháp và hoạt động phối hợp thống nhất giữa người dạy và người học nhằm thực hiện với mục đích không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường. Đội ngũ giảng viên luôn xác định nội dung và phương pháp giảng dạy là những yếu tố cơ bản và quan trọng tạo nên chất lượng hiệu quả của quá trình đào tạo, nó quy định hoạt động giảng dạy của giảng viên và hoạt động học tập nghiên cứu của học viên.

Vì vậy, đổi mới, hoàn thiện nội dung, phương pháp dạy học đáp ứng các yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy trung cấp lý luận chính trị ở trường chính trị Hoàng văn Thụ là một tất yếu bởi vì:

Thứ nhất, nhà trường luôn quan tâm nâng cao tính hiện đại trong nội dung dạy học, làm cho nội dung dạy học luôn luôn vận động phát triển bám sát với thực tiễn hàng ngày của đất nước, địa phương, đơn vị…thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của người cán bộ, đảng viên, nhiệm vụ chính trị gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội, với khoa học, công nghệ. Tính hiện đại phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng với thực tế khả năng của địa phương đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Lý luận phải gắn liền với thực tiễn đây là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đó giúp người học viên có những tri thức mới, những kinh nghiệm hay vận dụng vào thực tiễn công tác của bản thân, của cơ quan đơn vị, khẳng định tính kiên định về lập trường của mình trong quá trình đào tạo.

Thứ hai, trung cấp lý luận chính trị đổi mới nội dung dạy học luôn dựa trên quan điểm tiếp cận hoạt động của cả giảng viên và học viên trong trường chính trị, nghĩa là nội dung giảng dạy có chức năng tác động tích cực, giúp người dạy và người học chiếm lĩnh mục đích của từng bài học vươn tới chiếm lĩnh toàn bộ mục tiêu đào tạo của chương trình. Qua tổng kết thực tiễn quá trình thực hiện chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo quyếtđịnh số 1479/QĐ-HVCTQGHCM ngày 21 tháng 4 năm 2014 của Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, điều chỉnh để từ đó không ngừng hoàn thiện về chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Nội dung dạy ngày càng có sức hấp dẫn, thiết thực, gắn sát với chức trách, cương vị lãnh đạo, cán bộ cấp cơ sở mà học viên đang đảm nhiệm, từ đó giúp học viên nâng cao tư duy, hành động sáng tạo của mình trong quá trình vận dụng lý luận đã được trang bị trong môi trường trường chính trị vào hoạt động thực tiễn của bản thân ngày một hiệu quả hơn.

Đổi mới nội dung dạy học theo hướng cung cấp những kiến thức đã được chọn lọc cần thiết nhất đối với chương trình đào tạo, nhằm tạo ra một nền kiến thức cơ bản, hệ thống, khái quát đảm bảo cho học viên có sự hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị kịp thời đáp ứng với nhu cầu thực tiễn dù ở cương vị, chức trách đang và sẽ đảm nhận sau khi ra trường. 

Thứ ba, việc xác định nội dung chương trình giảng dạy, cắt giảm những nội dung không cần thiết, chưa hợp lý ở chương trình trước đó là quá trình kế thừa và tập trung vào một số nội dung có trọng điểm với hình thức, kết cấu thời gian giảng dạy khoa học, lô gíc hơn phù hợp với trung cấp lý luận chính trị và quy luật của quá trình tâm lý nhận thức mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra: từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp theo một chỉnh thể thống nhất. Tuy nhiên, càng về sau nội dung dạy học đòi hỏi cao hơn, rộng hơn và sự vận dụng lý luận tổng hợp sáng tạo hơn. Giảng viên không nên đưa nội dung, thông tin tối đa gây nên hiện tượng “quá tải” đối với người học, làm giảm tính tích cực hoạt động nhận thức lĩnh hội tri thức và phát triển phương pháp học tập của học viên.

Thực tiễn đã khẳng định rằng, nhà trường không thể trang bị đầy đủ mọi tri thức khoa học cho người học sử dụng trong suốt quá trình công tác, mà chỉ bồi dưỡng những tri thức về phương pháp tạo tiền đề cho sự tự học, tự hoàn thiện bản thân người học trong hoạt động thực tiễn lãnh đạo sau này. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng chỉ ra rằng: Cần tránh sự lệch lạc đòi hỏi trong lúc học tập phải giải quyết tất cả mọi vấn đề thực tế . Thực tế cách mạng rất rộng, giải quyết các vấn đề của thực tế ấy là một quá trình lâu dài của toàn Đảng, ở nhà trường chỉ có thể đặt cơ sở cho việc liên hệ với thực tế mà thôi.

Thứ tư, tăng cường tính thực tế trong từng phần học, môn học trong chương trình chung cấp lý luận chính trị. Tăng thời gian trao đổi thảo luận, thực hành với những hình thức, điều kiện cụ thể của từng đơn vị phối kết hợp đào tạo trên địa tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, những đơn vị phối hợp mở lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị với nhà trường có sự đa dạng và phong phú về đối tượng học viên. Từ lứa tuổi, trình độ, nghề nghiệp, nhận thức … do đó, đòi hỏi người giảng viên trong quá trình giảng dạy cần phải lý giải những vấn đề lý luận gắn với thực tiễn của từng đối tượng cụ thể, cần vận dụng phương pháp giảng dạy một cách linh hoạt hơn đối với mỗi lớp học cụ thể.

Thứ năm, giảng viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực từ cơ bản đến tích cực nâng cao tạo sự kích thích tự giác, tính tích cực nhận thức trong quá trình giảng dạy và học tập. sự vận dụng đó ở các chuyên đề cần có tính phù hợp với đặc điểm và tính chất môn học, bài học v,v… như phương pháp dạy học nêu vấn đề; đóng vai; hỏi chuyên gia; thảo luận nhóm; các phương pháp dạy học thực hành; các phương pháp dạy học mang tính chất nghiên cứu v,v… đặc biệt là phương pháp giảng dạy  yêu cầu học viên phát triển mạnh mẽ tư duy độc lập sáng tạo của cá nhân, rèn luyện và xây dựng ý chí khắc phục khó khăn, lòng say mê tìm tòi phát hiện cái mới, huy động được toàn bộ các các yếu tố tích cực tham gia vào quá trình học tập, để cả người giảng viên và người học viên thực sự trở thành chủ thể của quá trình đào tạo. Giúp người học phát huy được tối đa kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo và kiến thức vốn có của mình tham gia trong quá trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị ở trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn./.

 Th.S, GVC Lý Minh Thu

     Khoa Lý Luận cơ sở